"Hèn mà còn nhận ra mình là thằng hèn, là hèn tử tế. Hèn mà ngậm miệng ăn tiền là hèn nhơ bẩn.
Hèn mà ngậm máu phun người là hèn bất nhân. Hèn bán đất bán nước thì trời tru đất diệt"
(Phạm Chuyên)

Samstag, 26. Februar 2011

Khoá Chặt Chánh Trị

 
Hai chế độ độc tài ở Tunisia và nhất là ở Ai cập chết — xét cho cùng kỳ lý — là do mở kinh tế mà khoá chặt chánh trị, như CS Hà nội và Bắc Kinh đã đang làm. Tức là, nói gọn, phát triển kinh tế tư bản chủ nghĩa và duy trì chế độ một đảng duy nhất lãnh đạo. Mô hình này đã tỏ ra thất bại với các cuộc biểu tình lật đổ độc tài ở Bắc Phi, Trung Đông và có thể lan tràn sang các chế độ độc tài CS còn sót lại ở Á châu như Trung Quốc và VN mà Trung Cộng đang lo sợ và ra sức ngăn chận. 

Chính những nhà độc tài tự tạo ra cái chết của mình trong lòng đồng bào mình, trong lòng quốc gia dân tộc mình. Vì những nhà độc tài này là công dân, là đồng bào của quốc gia dân tộc, nhưng họ là “tự thực dân” (auto- colonialsts) hành động gian ác, áp bức, bóc lột đồng bào mình, đất nước mình còn hơn thực dân ngoại bang Anh, Pháp nữa.

Phương thức những nhà độc tài tự thực dân này thường xài là mở kinh tế mà khoá chặt chánh trị. Như hai chế độ độc tài toàn trị CS ở Á châu là CS Bắc Kinh và CS Hà nội cũng đã làm dưới chiêu bài “đổi mới kinh tế”, từ kinh tế tập trung, cộng sản do Đảng Nhà Nước CS chỉ huy sang “kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa”. Cái đuôi lòng thòng “theo định hướng xã hội chủ nghĩa” đó là mánh khoé để họ khoá chặt chánh trị, độc tài cai trị, không chia xẻ quyền hành với bất cứ tổ chức nào và tước đoạt gần hết quyền tự do tinh thần và vật chất bất khả tương nhượng của người dân.

Và hai chế độ độc tài Tunisia và Ai cập chết coi đó như là hậu quả tất yếu của mô thức mở kinh tế mà khoá chặt chánh trị. Một việc làm ngược ngạo trên phương diện học lý vì kinh tế chánh trị là môi với răng. Trên phương diện thực tế nó gây ra vô vàn biến tướng, biến thái, tạo thành phản tác dụng gậy ông đập lưng ông, khiến chế độ tan tành vì bị nổ chụp.

Chánh trị là phạm trù tổng hợp tác động mọi mặt của cuộc sống con người trong xã hội. Chánh trị mà bị khoá chặt thì xã hội bị bế tắc. Bất mãn của người dân tích lũy, càng ngày càng tăng, không có chỗ sú páp xì hơi an toàn, ắt phải nổ làm sụp đổ toàn bộ chế độ chánh trị độc tài.

Chế độ CS Hà nội cũng mở kinh tế và khoá chánh trị còn chặt hơn Tunisia và Ai cập nữa. Độc tài đảng trị toàn diện của CS Hà nội nghiệt ngã hơn, xã hội càng bế tắc hơn, bất mãn áp suất cao hơn, việc người dân đứng lên biểu tình lật đổ chế độ độc tài chỉ còn là vấn đề thời gian chừng nào xảy ra, chớ không phải là vấn đề có hay không có nữa.

Giả sử Trung Cộng hay Mỹ vì quyền lợi riêng của họ muốn cứu CS Hà nội cũng không thể làm được trước thế nước lòng dân VN chống chế độ như triều dâng thác đổ. Như Pháp và Mỹ đâu dám ra mặt cứu TT Ben Ali của Tunisia và Hosni Mubarak của Ai Cập là con cưng lâu đời của hai đại siêu cướng này.

Chẳng những thế các nước Liên Âu và Mỹ đều giúp phong toả số tiền quá lớn hàng mấy chục tỷ Mỹ Kim mà hai nhà độc tài này ăn cướp của dân và nước để giúp truy hoàn cho chánh quyền vì dân của dân mới thành lập.

Đặc biệt giả sử Hành Pháp Mỹ hay Pháp muốn cứu CS Hà nội, việc này lại càng khó hơn với người Việt hải ngoại. Khối gần hai triệu người Việt gốc tỵ nạn CS ở Tây Âu, Bắc Mỹ rất năng động chánh trị, kiên trì quốc tế vận cho tự do, dân chủ, nhân quyền VN sẽ tạo áp lực lớn đối với các cường quốc mà người Việt định cư ngụ trên 90% nhập tịch có quyển công dân, ảnh hưởng trong chánh trị dòng chính.

Như đã thấy hầu hết các cuộc lật đổ chánh phủ hại dân hại nước trong các chế độ độc tài CS ở Đông Âu CS trước dây và Bắc Phi và Trung Đông bây giờ là do người dân làm một cách độc lập, tự khởi. Không một ngoại quốc nào tiếp viện. Vì người dân biết trong việc giành quyền làm chủ đất nước cho người dân, bảo vệ chủ quyền quốc gia trước xâm lược, là chuyện của người dân, người dân là chánh, nội lực dân tộc là vũ khí chiến lược. Ít có trường hợp ngoại quốc giúp mà thành, nên không vọng ngoại được.

Thế nước lòng dân, chỉ có người dân nước đó mới biết rõ. Thay đổi nhà cầm quyền hại nước hại dân là chuyện của người dân nước đó, và \chỉ và chính người dân nước đó mới biết phải làm sao cho đúng người, đúng việc, đúng thời cơ, địa lợi, nhơn hoà. Điều này chính TT Mỹ Obama đã công khai và minh thị nói rõ trong cuộc biểu tình của người dân Ai cập là nước Mỹ rất thân, Mỹ rất cần trong vấn đề Do thái. Ngoại quốc và cộng đồng đồng bào người hải ngoại dù có tiền tiến, giàu mạnh hơn bấy nhiêu đi nữa cũng khó biết rành, hiểu rõ, không làm thay nghĩ thế cho dân chúng và đồng bào trong nước được.

Như trước cuộc biểu tình của người dân Tunisia và Ai cập, không một siêu cường nào tiên đoán được cả. Ngay sau khi cách mạng Tunisia thành công, chỉ trong 29 ngày mà lật đổ chế độ độc tài TT Ben Ali đã thống trị quốc gia dân tộc này gần hai thập niên; TT Ben Ali là con cưng của Pháp, mà không giới chức Pháp nào ngờ kể cả TT Sarkozy và ngành tình báo quốc ngoại.
Còn Toà Bạch Ốc Mỹ dự đoán phong trào biểu tình ở Tunisia khả năng lan sang các nước trong Khối Á rập chỉ có 1%. Và sau khi dân chúng Ai cập chỉ trong vòng 18 ngày đánh đổ được chế độ độc tài thâm căn cố đế 30 năm, TT Ai cập Mubarak là con cưng của Mỹ mà TT Mỹ Obama đâu có dè, và Toà Bạch Ốc Mỹ cũng chỉ đánh giá khả năng phong trào lan sang các nước trong khối Á rập là 50% thôi.

Trở lại Việt Nam, nhìn qua lịch sử, chỉ những người Việt, có tâm Việt, có hồn Việt, có chí Việt quyết vì dân chiến đấu vì nước hy sinh mới cảm nhận được, mới ngửi được thế nước lòng dân, thời cơ, địa lợi, nhơn hoà cho một phong trào và công cuộc cách mạng có tính quốc gia. Như một Nguyễn Trãi bày tỏ cùng đồng bào Việt, rằng đất nước có lúc thịnh suy nhưng anh hùng hào kiệt đời nào cũng có khi cùng Lê Lợi dấy binh đánh đuổi quân Tàu. Lúc bấy giờ lực lượng khởi nghĩa của người Việt lấy nhân nghĩa mà chống gian tà, đem chí nhân mà thay cho cường bạo, so với quân Tàu như châu chấu chống xe, như trứng chọi đá. Thế mà đoàn quân binh Áo Vải đất Lam Sơn đã thắng.

Áp suất bất mãn của người dân Tunisia và Ai cập đối với chế độ độc tài Ben Ali và Hosni Mubarak khi nổ ra cuộc cách mạng lật đổ còn thấp hơn áp suất bất mãn của người dân Việt đối với CS Hà nội. Hậu quả coi vậy chớ ít trầm trọng, thê thảm hơn đối với những hành động CS Hà nội đã gây cho người dân Việt.

Do vậy, trước làn sóng người dân trong Khối Á rập đứng lên kết họp thành phong trào cách mạng quốc gia đánh đuổi độc tài, người Hoa, người Việt có lý do và căn bản để liên kết đến làn sóng cách mạng của người Việt và Hoa đứng lên lật đổ độc tài CS./.