Thành phố Hồ Chí Minh, một trung tâm kinh tế năng động của châu Á. Reuters
Mai Vân, RFI
17 Tháng Tám 2010 - Kinh tế Châu Á không chỉ có duy nhất một Trung Quốc. Đây là một quan điểm ngày càng lộ rõ nơi giới đầu tư quốc tế khi nhìn về Châu Á. Xưa nay, họ luôn nhìn về Trung Quốc, đầu tàu kinh tế Châu Á, với tốc độ tăng trưởng 9-10%, và quý hai vừa qua lại vượt qua Nhật Bản trong tư thế cường quốc kinh tế thứ hai thế giới. Nhưng hiện nay thì các nhà đầu tư bắt đầu có một cái nhìn khác. Họ chú ý đến các nước Đông Nam Á cũng có một tốc độ tăng trưởng cao và trong những điều kiện có khi lại lành mạnh hơn kinh tế Trung Quốc.
Hiện tượng trên đã được nhật báo Anh, The Telegraph ngày 13/08/2010, nêu bật trong bài viết tựa đề «Các nền kinh tế Châu Á bước ra khỏi bóng rợp của Trung Quốc». Tác giả bài viết, Justin Harper, tại Singapore, nêu một loạt số liệu thống kê rất khả quan về tăng trưởng các nước trong vùng.
Singapore đạt kỷ lục với tăng trưởng 15% dự báo cho năm nay, nhưng theo gót Singapore cũng có nhiều ngôi sao sáng khác như Malaysia (7%), Indonesia (9,6%), chưa kể đến Hàn Quốc, Philippines...
Nếu sau khủng hoảng toàn cầu 2008-2009, khi nói đến sự phục hồi kinh tế của châu Á, giới phân tích thường nêu lên trường hợp của Trung Quốc và kế đến là Ấn Độ. Thế nhưng các nước láng giềng Đông Nam Á cũng đã trỗi dậy, và khu vực càng trở nên hấp dẫn khi mà Việt Nam và Thái Lan đang vươn lên, bên cạnh nhiều tác nhân kinh tế vững vàng như Singapore và Hồng Kông.
Các nước Đông Nam Á đang thay đổi có nhiều lá bài chiêu dụ đầu tư : đô thị hoá nhanh, xây dựng nhiều hạ tầng cơ sở mới, một tầng lớp trung lưu đang phát triển và ngày càng tiêu thụ nhiều hơn.
Xu hướng hiện nay là như thế. Nhưng liệu các nước Đông Nam Á có thể bước ra khỏi bóng rợp của Trung Quốc mà trở thành một đầu máy phát triển hay không ? Những lợi thế của họ là gì ? RFI nêu câu hỏi với chuyên gia kinh tế Nguyễn Xuân Nghĩa về triển vọng này của các nước Đông Nam Á trong hiệp hội ASEAN.
RFI: Xin kính chào anh Nghĩa. Dường như giới đầu tư quốc tế đã thấy ra một chuyển động mới. Đó là các quốc gia Đông Nam Á lại có hoàn cảnh khá thuận lợi sau vụ suy trầm toàn cầu vừa qua nên có thể là nơi đầu tư đầy triển vọng. Nhìn cách khác, kinh tế Á châu không chỉ có Trung Quốc và 10 quốc gia trong Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á đang ra khỏi cái bóng rợp của Trung Quốc để là một trung tâm thu hút đầu tư đáng kể. Anh nghĩ sao về cách đánh giá này?
Nguyễn Xuân Nghĩa: Chúng ta có thể nói về bối cảnh chung rồi so sánh hoàn cảnh chủ quan của Trung Quốc với điều kiện khách quan của các nước ASEAN.
- Thứ nhất, về bối cảnh chung, ba đầu máy kinh tế công nghiệp hóa là Hoa Kỳ, Âu Châu và Nhật Bản đều sa sút, sẽ tiêu thụ ít đi và cố trả nợ nhiều hơn trong những năm tới. Gặp hoàn cảnh ấy, các nước Á châu nói chung đều phải tự điều chỉnh chiến lược phát triển là giảm bớt sự lệ thuộc vào xuất cảng vì các thị trường xuất cảng Âu-Mỹ-Nhật đều co cụm vào trong khá lâu.
Trong bối cảnh ấy, ta mới nói đến Trung Quốc. Xứ này có tốc độ tăng trưởng cao chủ yếu là nhờ đầu tư hơn là tiêu thụ. Mà đầu tư là do kế hoạch tăng chi và bơm tín dụng, với hậu quả thực tế ít ai chú ý là các chính quyền địa phương bị mắc nợ rất nặng. Tổng số nợ có thể lên tới một phần ba tổng sản lượng, chưa kể khoản vay cũng rất lớn của các tổng công ty thuộc trung ương. Với giới đầu tư thì vì sức tiêu thụ vẫn còn thấp, thị trường nội địa của Trung Quốc chưa thể là đầu máy thay thế hay bù đắp cho sự sa sút của xuất cảng.
- Thứ hai, từ năm tháng nay, giới đầu tư cũng thấy một thay đổi mới là thợ thuyền Trung Quốc ồ ạt đòi tăng lương, và thành công trong yêu sách đó khi mở ra các đợt đình công tự phát, trước tiên trong các hãng xưởng có vốn đầu tư từ Đông Á. Như vậy, lợi thế nhân công rẻ của Trung Quốc đang giảm dần, trong khi thực tế thì hãng xưởng của giới đầu tư nước ngoài vẫn thiếu nhân công có tay nghề. Xứ này dư người lao động mà thiếu nhân công có chuyên môn.
- Thứ ba, vì lý do chính trị nội bộ - có thể là để chuẩn bị Đại hội Đảng vào năm 2012 - lãnh đạo Trung Quốc ngày nay có thái độ cứng rắn và cao ngạo hơn với doanh nghiệp nước ngoài. Đôi khi còn đổ lỗi cho họ về những khó khăn xã hội đang âm ỉ bên trong. Do đó, Trung Quốc hết còn là nơi kinh doanh hấp dẫn như xưa và giới đầu tư bắt đầu nhìn qua hướng khác.
RFI: Và thưa anh, họ nhìn qua các nước Đông Nam Á phải không? Hoàn cảnh khách quan của các nước này có gì thuận lợi hơn nếu so với Trung Quốc?
Nguyễn Xuân Nghĩa: Ta không quên là khối Đông Nam Á này có tới gần 600 triệu dân, chứ không ít, và là thị trường đa diện vì gồm nhiều quốc gia khác nhau với lợi tức trung bình là 6.000 đô la tính theo tỷ giá mãi lực. Nhờ sự đa diện ấy mà họ lại có thể bổ sung cho nhau, là trường hợp khó thấy tại Trung Quốc nếu ra khỏi các tỉnh duyên hải. Khi kinh tế thế giới phải điều chỉnh trong hoàn cảnh mới, các nước Đông Nam Á cũng phải điều chỉnh để quân bình lại cơ cấu vĩ mô và ít lệ thuộc hơn vào xuất khẩu. Họ điều chỉnh được vì đã trải qua kinh nghiệm khủng hoảng thời 1.997-1.998 mà Trung Quốc không có.
RFI: Anh giải thích cho việc điều chỉnh từ kinh nghiệm của vụ khủng hoảng lần trước, cụ thể là như thế nào?
Nguyễn Xuân Nghĩa: Lần trước, các nước đã hồ hởi sảng vì việc giải phóng tư bản mà vay mượn quá nhiều và không điều tiết được luồng vốn quá rẻ chảy vào như nước. Khủng hoảng bùng nổ từ lãnh vực ngoại hối của Thái Lan đã bung ra các nước Đông Á khác khiến họ phải thắt lưng buộc bụng, kềm hãm tín dụng, trả nợ và cố gắng tạo dựng một kho dự trữ ngoại tệ lớn hơn.
Sau đó, như Trung Quốc ngày nay, họ dồn sức vào đầu tư hơn là tiêu thụ và đạt mức tăng trưởng khả quan hơn cho tới trận suy trầm lần này. Các quốc gia ấy cũng gia tăng tiết kiệm và chuyển lượng tiết kiệm ra ngoài thành đầu tư, chủ yếu là trên thị trường Mỹ và có góp phần thổi lên bong bóng tại Hoa Kỳ. Bây giờ, họ có thể đảo ngược lại, tức là rút tiền về đầu tư ở bên trong. Họ có khả năng ấy và đấy cũng là một lợi thế.
RFI: Giới đầu tư quốc tế còn thấy lợi thế gì khác mà họ bắt đầu có vẻ ca tụng các nước Đông Nam Á khi so sánh với Trung Quốc?
Nguyễn Xuân Nghĩa: Thứ nhất, các quốc gia này có tốc độ tăng trưởng cũng rất cao, từ 6 đến 7%, chứ không ít, lại có cơ cấu vĩ mô khá quân bình sau vụ khủng hoảng lần trước, cụ thể là ít bị bội chi ngân sách và không mắc nợ nhiều. Thứ hai, khi đầu tư thì doanh giới quốc tế nghĩ ngay đến thị trường tiêu thụ. Với dân số gần 600 triệu có lợi tức cao đây là một thị trường đáng kể chứ không nhỏ. Có dân số cao, đang tăng trưởng mạnh và cần phát triển hạ tầng cơ sở cho một xã hội tân tiến hơn và thành phần trung lưu đông hơn, thì đây là một thị trường có triển vọng. Thứ ba, dân số của các xứ này thật ra còn trẻ, thành phần có tay nghề cũng đông nên năng suất lao động không thua kém nguồn nhân lực tại Trung Quốc. Thứ tư, hạ tầng cơ sở luật lệ của họ văn minh thông thoáng hơn Trung Quốc, mà chính quyền địa phương cũng dân chủ hơn, đa số lại thông thạo Anh ngữ nên đấy cũng là một lợi thế khác.
Chúng ta không quên rằng khối ASEAN này giao dịch buôn bán nhiều nhất là với nhau, rồi với các nước Âu châu, sau đó mới tới Nhật Bản, Trung Quốc hay Hoa Kỳ. Họ cũng nhận được đầu tư nhiều nhất là từ Âu châu, rồi mới là đầu tư bên trong giữa các hội viên với nhau, sau đó mới tới Nhật Bản và Hoa Kỳ. Lượng đầu tư của Trung Quốc vào các xứ này thật ra không đáng kể. Nói vắn tắt, khối ASEAN làm ăn nhiều nhất là với Âu Châu, Nhật Bản và Hoa Kỳ, nên có sẵn quan hệ và thói quen kinh doanh với các nền kinh tế tiên tiến. Giới đầu tư có nhìn vào khu vực này để tìm giải pháp thay thế thị trường Trung Quốc thì cũng hợp lý. Chưa kể là họ không bị chính quyền bắt chẹt và có sẵn cơ chế hợp tác nội bộ do ASEAN thiết lập ra từ hơn 40 năm nay.
RFI: Xin hỏi anh một câu cuối cùng, liên quan đến Việt Nam. Việt Nam cũng được đánh giá tốt, thế mạnh và thế yếu của Việt Nam như thế nào?
Nguyễn Xuân Nghĩa: Tôi nghĩ là hạ tầng cơ sở của Việt Nam so với các quốc gia khác, như trường hợp gần là Thái Lan, hoặc là Malaysia, Indonesia, Philippines, thì vẫn còn quá lạc hậu. Thứ hai nữa là tình trạng gọi là tay nghề chuyên môn Việt Nam vẫn còn thấp, vì hệ thống giáo dục đào tạo của Việt Nam vẫn còn kém. Thành ra Việt Nam vẫn đi theo kiểu của Trung Quốc, tức là đi tìm lợi thế nhân công rẻ mà thôi, nhưng năng suất lại kém so với các quốc gia khác.
Đó là lý do mà theo tôi, Việt Nam nên để ý nhiều hơn đến việc đào tạo ra những người có tay nghề và đừng chỉ chú trọng đến lương bổng rẻ. Và phải tìm cách cải thiện được cái môi trường đầu tư của Việt Nam sao cho thông thoáng, hạ tầng luật lệ phải công khai, minh bạch hơn. Như vậy trong cái đà người ta đang chú ý đến ASEAN, Việt Nam mới có thể thu được một số mối lợi. Đó là một cơ hội mà Việt Nam không nên bỏ lỡ.
Nguồn: http://www.viet.rfi.fr/chau-a/20100817-gioi-dau-tu-dang-chu-y-nhieu-hon-den-dong-nam-a