"Hèn mà còn nhận ra mình là thằng hèn, là hèn tử tế. Hèn mà ngậm miệng ăn tiền là hèn nhơ bẩn.
Hèn mà ngậm máu phun người là hèn bất nhân. Hèn bán đất bán nước thì trời tru đất diệt"
(Phạm Chuyên)

Freitag, 20. August 2010

Kinh tế Trung Quốc vượt Nhật: chỉ là biểu tượng?

Trung Quốc đã chính thức vượt Nhật Bản trở thành nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, thậm chí, với tốc độ phát triển như hiện nay, họ sẽ vượt Mỹ vào năm 2030. Tuy nhiên, sự “qua mặt” này chỉ mang “tính biểu tượng”, Trung Quốc vẫn là nước “đang phát triển” với GDP đầu người thấp, nền kinh tế bộc lộ những vấn đề mất cân đối trầm trọng.

Nền kinh tế số 2 thế giới

Theo báo cáo của Văn phòng Nội các Nhật Bản, tổng sản phẩn quốc nội (GDP) của Nhật Bản trong quý 2 đạt 1,29 tỉ USD, trong khi đó con số thống kê của Trung Quốc cho thấy con số tương ứng của nước này là 1,34 tỉ USD.

Frederic Neumann, nhà kinh tế học của tập đoàn HSBC có trụ sở tại Hongkong dự báo, Trung Quốc sẽ tiếp tục vượt Nhật Bản trong các tháng cuối năm tài khoá 2010.

Kinh tế phát triển nóng tạo ra sự mất cân đối giữa các vùng miền, nới rộng khoảng cách giàu nghèo

Trong năm 2009, theo con số thống kê của Quỹ Tiền tệ quốc tế IMF, Mỹ là nền kinh tế lớn nhất thế giới với GDP 14.26 tỉ USD, đứng thứ hai là Nhật Bản với 5.07 tỉ USD và Trung Quốc xếp ở vị trí thứ ba với 4.91 tỉ USD.

Các con số tăng trưởng ấn tượng của Trung Quốc cho thấy nước này đang thay đổi toàn diện, từ sức mạnh quân sự tới sức mạnh tài chính trên toàn cầu. Trung Quốc vốn đã là nhà nước xuất khẩu lớn nhất, nhà sản xuất thép lớn nhất và ảnh hưởng của Trung Quốc trên toàn cầu ngày càng tăng mạnh.

Trung Quốc đã vượt qua Nhật trong quý I, và giờ đây nước này một lần nữa tái củng cố vị trí thứ 2 của mình.

Nền kinh tế của Trung Quốc gần như chắc chắn sẽ lớn hơn Nhật Bản vào cuối năm 2010 vì tốc độ tăng trưởng khác xa nhau. Trong khi Trung Quốc tăng trưởng tới 10%/năm thì theo dự đoán, kinh tế Nhật Bản chỉ tăng ở mức từ 2-3%/năm.

Nhật Bản giữ vị trí nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, sau Mỹ, kể từ năm 1968. Từ tro tàn của Thế chiến II, đất nước mặt trời mọc đã trở thành một cường quốc về kinh tế, tài chính. Tuy nhiên, cái gọi là "sự kỳ diệu của kinh tế" trở thành một bong bóng bất động sản khổng lồ vào những năm 1980 trước khi bị nổ tung vào năm 1991.

Sau mốc thời gian trên, Nhật Bản khó nhọc vượt qua 1 thập kỷ tăng trưởng kinh tế trì trệ, sản xuất đình đốn khiến nền kinh tế gần như không phục hồi được. Thủ tướng Nhật Bản Naoto Kan đang đối mặt với một danh sách dài các vấn đề nan giải: dân số lão hoá và thu hẹp lại, nhu cầu nội địa yếu, giảm phát, đồng yen mạnh, đồng nghĩa với xuất khẩu tăng trưởng yếu.

Trái lại, Trung Quốc phát triển rực rỡ hơn bao giờ hết. Nhu cầu tiêu thụ khổng lồ khiến nước này tìm đến những nguồn cung cấp năng lượng, máy móc và hàng hoá từ các nước đang phát triển, trong đó có cả những nước giàu có như Nhật Bản và Australia.

Chưa đầy năm năm trước, GDP của Trung Quốc chỉ bằng một nửa của Nhật Bản nhưng hiện tại GDP Trung Quốc đã vượt Nhật với số dư hàng trăm tỷ USD. Điều này cho thấy tốc độ tăng trưởng vô cùng mạnh mẽ của kinh tế Trung Quốc.

Sau khi kết quả tăng trưởng quý 2 được công bố rộng rãi, cổ phiếu Nhật Bản sụt giảm nhẹ, chỉ số chứng khoán Nikkei 255 giảm 0.6% xuống 9,196.67 điểm. Ngân hàng Trung ương Nhật Bản đã thông báo một kế hoạch cho vay lãi suất thấp trị giá 35 tỉ USD để vực dậy tốc độ phát triển nền kinh tế nước này.

Mặt trái

Tuy đã vươn lên vị trí thứ hai thế giới, song thu nhập bình quân đầu người của Trung Quốc vẫn ở mức thấp, chỉ vào khoảng 3.600 USD trong khi đó thu nhập bình quân đầu người của Nhật Bản là 37.000 USD và của Mỹ là 42.240 USD.

Bên cạnh đó, nền kinh tế Trung Quốc đang đương đầu với một số vấn đề mất cân bằng trầm trọng. Trước tiên là sự mất cân đối giữa kinh tế nông thôn và thành thị. Việc cải cách trong 3 thập niên qua đã đạt được những thành công to lớn, nhưng khoảng cách giữa hai khu vực này ngày càng bị nới rộng. Tỷ trọng của kinh tế nông thôn trong hoạt động kinh tế tổng thể bao giờ cũng nhỏ hơn.

Thứ hai là sự mất cân đối giữa các vùng miền. Kinh tế của các vùng duyên hải đang tiến sát trình độ của các nước phát triển, nhưng vùng sâu vùng xa lại thua kém ít nhất là 10-20 năm. Càng đi sâu vào đất liền, kinh tế càng lạc hậu. Khoảng cách vùng miền càng lớn có nghĩa là, ngay cả khi tất cả các địa phương của Trung Quốc có cùng tỷ lệ tăng trưởng GDP, thì chất lượng kinh tế mỗi nơi vẫn khác biệt rất lớn.

Sự mất cân đối thứ ba là trong phân phối thu nhập. Trung Quốc đang quá độ từ nền kinh tế kế hoạch lên kinh tế thị trường. Sự can thiệp của chính phủ vẫn có thể thấy ở mọi nơi trong nền kinh tế. Trong tình huống đó, thu nhập cá nhân chịu sự ảnh hưởng rất lớn của quyền lực. Sự tăng trưởng kinh tế nhanh chóng đã dẫn tới việc lợi ích kinh tế rơi vào tay một số ít cá nhân.

Nếu những vấn đề này không được giải quyết, chất lượng phát triển kinh tế của Trung Quốc sẽ tiếp tục phải gánh chịu những tác động không tốt và Trung Quốc sẽ phải đối mặt với những khó khăn nghiêm trọng trong tương lai. Tăng trưởng GDP nhanh chóng của Trung Quốc sẽ trở nên vô nghĩa nếu như những yếu tố này chưa được giải quyết.

Nhà kinh tế học người Trung Quốc Yi Xianrong cho rằng, Trung Quốc chỉ có thể tiến lên nếu thường xuyên xem xét lại sự tiến bộ của bản thân, xác định những thành công và cả thất bại. Nếu không, khi phải đương đầu với một cuộc khủng hoảng tài chính thật sự, Trung Quốc sẽ quay trở lại điểm xuất phát ban đầu.

Nên nhớ rằng, Nhật Bản đã từng giữ vị trí nền kinh tế lớn số hai thế giới trong nhiều thập niên, thậm chí trong những năm 80 của thế kỷ trước, nhiều nhà phân tích kinh tế còn dự báo về khả năng xứ sở Mặt Trời sẽ vượt mặt chú Sam. Nhưng khi nền kinh tế phát triển quá nóng như quả bóng xì hơi, Nhật Bản từ một gã khổng lồ về kinh tế trở thành một nền kinh tế “già nua, trì trệ”. Huống hồ, hiện tại nếu xét tất cả các yếu tố của nền kinh tế, Trung Quốc vẫn chỉ là một nước “đang phát triển”.

Và nói như nhà kinh tế học Kyohei Morita thuộc Quỹ Đầu tư Barclays Capital ở Tokyo: “Chúng ta cần quan tâm tới GDP bình quân đầu người”. Và theo ông, Trung Quốc mới chỉ vượt Nhật Bản “về biểu tượng và không có gì hơn thế”./.