"Hèn mà còn nhận ra mình là thằng hèn, là hèn tử tế. Hèn mà ngậm miệng ăn tiền là hèn nhơ bẩn.
Hèn mà ngậm máu phun người là hèn bất nhân. Hèn bán đất bán nước thì trời tru đất diệt"
(Phạm Chuyên)

Freitag, 20. August 2010

Đến lúc Mỹ đã nhận ra giá trị của hòa bình

18-08-2010- BẮC KINH, 18 tháng 8 (Tân Hoa Xã) – Hoa Kỳ lúc này có vẻ như đang lên gồng trong một thời gian bằng các hoạt động quân sự của mình tại Đông Bắc Á và Biển Nam Trung Hoa [Biển Đông], đặc biệt là sau vụ chìm chiếc tàu hộ tống cỡ nhỏ Cheonan của Cộng hòa Hàn Quốc (Nam Hàn), vào ngày 26 tháng 3.
Lờ đi sự phản đối được lặp đi lặp lại của Bắc Kinh, tháng trước Mỹ và Hàn Quốc đã tổ chức một cuộc tập trận trên biển Nhật Bản và Biển Hoàng Hải, liều lĩnh áp sát ranh giới biển của Trung Quốc.

Ngày 8 Tháng 8, trên đường trở về từ cuộc luyện tập chung, chiếc siêu hàng không mẫu hạm chạy bằng năng lượng nguyên tử của Mỹ USS George Washington đã tổ chức mời một phái đoàn sĩ quan quân đội Việt Nam ra khơi cách hải cảng Đà Nẵng của Việt Nam khoảng 320 km trên vùng Biển Nam Trung Hoa [Biển Đông]. Một vài ngày sau, tàu khu trục Mỹ USS John S. McCain cập cảng Việt Nam cho một chương trình trao đổi bốn ngày “không tác chiến”.

Điều đặc biệt đáng chú ý là các quan hệ quân sự phát triển nhanh chóng giữa Mỹ và Việt Nam, những nước đã giao tranh trong một cuộc chiến đẫm máu suốt hai thập niên (ở tầm mức là cuộc xung đột quân sự đẫm máu nhất trong Chiến tranh Lạnh). Thật thú vị, khi chuyến viếng thăm của các tàu chiến Mỹ tới Việt Nam đã được mô tả như là một “hoạt động kỷ niệm” 15 năm bình thường hóa quan hệ ngoại giao giữa các kẻ thù cũ.

Và sau đó là những tin tức cho biết Hoa Kỳ và Việt Nam đã có “những cuộc hội đàm cấp cao” về một thỏa thuận hạt nhân. Một bài báo, với tựa đề “Lo lắng về sự lớn mạnh của Trung Quốc, các quốc gia Đông Nam Á tăng cường xây dựng lực lượng vũ trang”, trong ấn bản ngày 9 tháng 8, của tờ The Washington Post, đã viết: “Các quốc gia Đông Nam Á đang xích lại gần hơn về chiến lược được coi như là một thứ phên giậu nhằm chống lại sự lớn mạnh của Trung Quốc và tuyên bố chủ quyền của nước này đối toàn bộ vùng Biển Nam Trung Hoa [Biển Đông].”

Vì vậy, sự can thiệp của Mỹ trong tranh chấp Biển Nam Trung Hoa [Biển Đông] không phải là ngẫu nhiên. Đó là kết quả của chiến lược “trở lại Á châu” của chính phủ Barack Obama. Một số nhà phân tích Mỹ lập luận rằng Trung Quốc mở rộng ảnh hưởng tại Đông Nam Á khi Mỹ phải tập trung vào “cuộc chiến chống khủng bố” sau các cuộc tấn công ngày 11/9. Logic của họ đơn giản: bất kỳ kẻ thách thức tiềm tàng nào đối với Washington ở khu vực Á-Âu đều sẽ là đích nhắm cho chiến lược toàn cầu của Mỹ.

Các ấn phẩm của phương Tây như Wall Street Journal và Newsweek đã cho đăng các bài báo cho rằng Hoa Kỳ cần phải thi hành “một chiến lược Trung Quốc mới” lấy biển Nam Trung Hoa [Biển Đông] như là một điểm khởi đầu. Và Thượng nghị sĩ John McCain đã nói rằng “cú móc bóng về phía sau tại Việt Nam” như một trục chiến lược mới làm đối trọng với ảnh hưởng của Trung Quốc là vì các lợi ích an ninh của Mỹ.

Mặc dù Việt Nam được cho là sẽ nhắm vào một số loại đối trọng nằm trong các cường quốc lớn trên thế giới, song nước này dường như không đứng về phía Hoa Kỳ một cách công khai và biến Trung Quốc thành một kẻ thù. Nếu như thế giới đánh giá tình hình chỉ dựa trên cơ sở các bài báo phóng đại và khiêu khích trên các phương tiện truyền thông phương Tây, trong đó nói rằng các nước láng giềng của Trung Quốc và Hoa Kỳ đang cùng đương đầu với Bắc Kinh, thì họ có thể dễ dàng bị nhầm lẫn.

Trên thực tế, một tuyên bố gần đây của Bộ Ngoại giao Philippines đã giáng một cú đòn nặng nề cho lối khoa trương như vậy. Ngoại trưởng Philippines Alberto Romulo nói với các phóng viên ngày 9 tháng 8 rằng các cuộc đàm phán giữa ASEAN và Trung Quốc cần được thực hiện nghiêm túc, mà không có sự tham gia của Hoa Kỳ hoặc bất cứ bên nào khác. Cả các phương tiện truyền thông Malaysia cũng đã nói rằng sự dính líu của Mỹ trong cuộc tranh chấp trên Biển Nam Trung Hoa [Biển Đông] chỉ có thể dẫn đến rắc rối.

Trung Quốc có chủ quyền không thể tranh cãi đối với quần đảo, các rạn san hô và các vùng nước bao quanh trong Biển Nam Trung Hoa [Biển Đông]. Nhưng nước này khẳng định việc giải quyết tranh chấp với các nước láng giềng thông qua đàm phán dựa trên luật pháp quốc tế và phản đối bất kỳ nỗ lực quốc tế hóa việc tranh chấp lãnh thổ.

Trong Tuyên bố về Cách ứng xử của Các bên trên Biển Nam Trung Hoa [Biển Đông], được Trung Quốc và các nước thành viên ASEAN cùng ký tên vào năm 2002, tất cả các bên cam kết kiềm chế, không biến các tranh chấp thành các vấn đề quốc tế.

Một nước Trung Quốc đang nổi lên hiểu và tôn trọng những mục tiêu mà các quốc gia khác theo đuổi về một chính sách ngoại giao đa chiều và đa dạng. Nhưng nó đã cho thấy rõ ràng rằng sẽ không chấp nhận bất kỳ mưu đồ nào định kìm chế bước phát triển kinh tế và xã hội của mình.

Những mưu đồ liên minh quân sự đã lỗi thời thậm chí vẫn tiếp tục trong thế kỷ 21, song học thuyết hiện thực chủ nghĩa quốc tế của phương Tây, dựa trên cân bằng quyền lực, không thể thích ứng với thực tế của thế giới đang thay đổi ngày nay, chưa nói đến việc thừa nhận các phản kháng chống lại sự hiện diện quân đội và ảnh hưởng của Mỹ tại các nước như Nhật Bản, Hàn Quốc và Philippines, là các đồng minh của Mỹ.

Toàn cầu hóa đã làm thay đổi mô hình của các mối quan hệ giữa các quốc gia và sự phụ thuộc lẫn nhau trên toàn cầu ngày nay vượt xa trí tưởng tượng của người dân. Bằng cách dính dự vào các tranh chấp trên Biển Nam Trung Hoa [Biển Đông] và làm bùng lên sự rắc rối giữa Trung Quốc và các nước láng giềng, Washington nhằm mục đích ngăn cản Bắc Kinh và thiết lập lại quyền bá chủ toàn cầu.

Nhưng vì sự vươn dậy của Trung Quốc là một quá trình lịch sử không thể cưỡng lại, Bắc Kinh cần phải giữ lại điểm mấy chốt của mình, nghĩa là, không cho phép bất cứ kẻ nào làm tổn hại tới những lợi ích quốc gia cốt lõi, điều đó là phù hợp với Tuyên bố Trung Quốc-Hoa Kỳ được đưa ra trong chuyến thăm của ông Obama đến Trung Quốc tháng Mười một . Đây sẽ là cách tốt nhất để giảm bớt áp lực chống Trung Quốc đang được Hoa Kỳ dựng lên.

Trung Quốc đã không nao núng xa rời con đường phát triển hoà bình và xây dựng các mối quan hệ tốt đẹp và quan hệ đối tác với các nước láng giềng của mình, bao gồm cả các quốc gia Đông Nam Á. Sự can thiệp của Mỹ vào các tranh chấp trên Biển Nam Trung Hoa [Biển Đông] là đi ngược lại với một động thái hòa bình.

Bên cạnh đó, nó không bao giờ có thể củng cố an ninh khu vực; mà chỉ có thể làm phát sinh xung đột mới. Và đây không phải là một dấu hiệu tốt cho Trung Quốc, Hoa Kỳ hoặc khu vực châu Á-Thái Bình Dương.

Do đó, Trung Quốc và Mỹ cần phải nhìn nhận một cách xây dựng từ góc độ chung sống hoà bình, thay vì nhìn nhau trừng trừng với thái độ hung hăng trước mỗi diễn biến hành động.

Tác giả là Phó Chủ tịch Viện Quan hệ quốc tế Đương đại Trung Quốc
Nguồn: China Daily-Nhân dân Nhật báo