Hồ Hùng
(TBKTSG) - Trước thông tin mà Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) vừa đưa ra, rằng Trung Quốc đã nhập khẩu khoảng 0,6 triệu tấn gạo (đường chính ngạch) do một số vùng phía Nam nước này bị mất mùa, đã có một số người thắc mắc về độ chính xác của con số.
Bởi theo họ, chỉ trong vòng trên dưới một tháng, khó lòng số gạo trên được xuất sang Trung Quốc trong điều kiện thời tiết, hạ tầng giao thông, vận chuyển... như hiện nay. Một chuyên gia lúa gạo ở ĐBSCL cho rằng: “Nếu có xuất sang Trung Quốc thì số lượng từ đầu năm đến nay cũng chưa tới 200.000 tấn”.
Và theo ông này, khả năng mà Trung Quốc có thể tăng sản lượng gạo mua lên đến một triệu tấn, theo như dự báo của VFA, cũng khó lòng xảy ra, bởi Trung Quốc có hệ thống kho trữ... khá tốt nên họ chỉ mua thêm một số ít vừa đủ, tối đa khoảng 200.000-300.000 tấn trong năm nay, để đối phó mất mùa, thiên tai.
Tất nhiên, độ chính xác của thông tin mà VFA công bố về thị trường Trung Quốc chưa ai khẳng định. Nhưng trước đó, nông dân, thậm chí nhiều doanh nghiệp không biết cặn kẽ về chuyện Trung Quốc mua gạo. Vậy tại sao, bất ngờ thông tin này được đưa ra và sản lượng gạo đã bán ở mức “khủng” như VFA đã công bố?
Có hai giả thuyết để giải đáp cho việc VFA đột ngột công bố thông tin này. Theo một chuyên gia ngành lúa gạo, thứ nhất là chính VFA cũng lo thiếu gạo! Bởi hiện nay, các doanh nghiệp đã ký hợp đồng bán khoảng 6 triệu tấn gạo, và đến hết tháng 7 này, lượng giao hàng mới đạt khoảng 4 triệu tấn. Trong khi đó, do thời tiết thất thường, vụ hè thu này không được mùa và tại một số vùng, năng suất đã giảm đến 30%. Do đó, đưa ra thông tin Trung Quốc có thể mua gạo nhiều, khuyên doanh nghiệp không gấp rút bán gạo mà nên ung dung chờ giá, cũng là cách để VFA “kìm” gạo bảo đảm an ninh lương thực!
Và giả thuyết thứ hai, nhiều khả năng VFA “vịn” lý do Trung Quốc sốt gạo, để giải thích nguyên nhân vì sao lúa, gạo tăng giá như hiện nay. Bởi trước đó, cũng chính VFA dự báo thị trường gạo những tháng cuối năm chưa mấy khả quan, và hồi đầu tháng 7 này, VFA chỉ “dám” đưa giá 3.500 đồng/ki lô gam cho đợt mua tạm trữ một triệu tấn gạo vụ hè thu này. Nông dân tin vào VFA, nên khi lúa xuống 3.200 đồng/ki lô gam, sau đó lên 3.500 đồng/ki lô gam, đúng giá VFA “dự báo”, họ đã ào ạt bán lúa.
Hiện nay, theo thống kê sơ bộ ở một số tỉnh, thành vùng ĐBSCL, nông dân không còn lúa để bán, còn một số hộ có điều kiện thì cũng đã bán khoảng 70% lúa hè thu. Nay lúa lên 4.200 đồng/ki lô gam, nông dân không được hưởng lợi, đang “sôi gan”, vừa định trách VFA dự báo sai thì VFA đã nhanh nhạy “đổ thừa” cho Trung Quốc?
Trong khi thực tế, theo một số doanh nghiệp, sau thời gian giằng co giá, cuối cùng các nhà nhập khẩu cảm thấy mức giá chào bán từ 302-350 đô la Mỹ/tấn của các doanh nghiệp Việt Nam đưa ra là chấp nhận được. Doanh nghiệp cũng vì muốn giải phóng gạo mua theo chương trình tạm trữ nên ngay cuối tháng 6 và trong tháng 7, nhiều hợp đồng xuất khẩu đã ký. Nay giá lúa lên bất ngờ, doanh nghiệp lỗ nặng, nông dân cũng chẳng vui.
Đáng lo nhất, một phần vì những thông tin mà VFA công bố mới đây, giá gạo trong nước hiện đã tăng khoảng 1.000 đồng/ki lô gam so với hồi tuần rồi. Vì vậy cuộc họp báo khẩn ngày 10-8 của Bộ Công Thương để công bố thông tin chính thức về thị trường lúa, gạo trong nước cũng không nằm ngoài mục đích bình ổn thị trường.
Nhưng quan trọng nhất là phải tránh bỏ lỡ cơ hội! Các cơ quan quản lý nhà nước cần cân đối, tính toán số liệu để xem rằng liệu có khả năng thiếu gạo trong nước không, mới tính đến chuyện “siết lại” nhằm bảo đảm an ninh lương thực, hoặc vẫn có thể ký hợp đồng mới với giá cao khi giá gạo thế giới đang tiến triển thuận lợi? Bởi với đặc thù sản xuất hiện nay, chỉ 1-2 tháng sau nông dân ĐBSCL đã có lúa của vụ mới.
Giờ không phải là lúc tung hỏa mù để né trách nhiệm hay lập lờ để kiếm lợi nhuận, mà phải vì lợi ích của hơn 80 triệu dân trong nước đang phải dùng gạo mỗi ngày và khoảng 70% dân số khu vực nông thôn đang sống nhờ lợi nhuận từ hạt lúa làm ra.
Nguồn: http://www.thesaigontimes.vn/Home/diendan/sotay/38988