Washington, DC 16 tháng 8 2010 - Vụ cô dâu người Việt 20 tuổi bị người chồng có vấn đề về tâm thần sát hại vài ngày sau khi về nhà chồng mới đây đã gây rúng động Nam Triều Tiên cũng như Việt Nam. Sự việc đã buộc chính quyền Seoul phải tuyên bố kiểm soát chặt chẽ hơn các dịch vụ môi giới hôn nhân xuyên quốc gia. Mời quý vị theo dõi cuộc phỏng vấn của Nguyễn Trung với Phó Giáo sư Jacqueline Aquino Siapno từ Đại học Seoul, chuyên gia về vấn đề hôn nhân xuyên quốc gia, xoay quanh vấn đề cô dâu nhập cư Việt Nam ở Nam Triều Tiên.
'Một quốc gia nào đó không thể coi là tiến bộ khi phụ nữ phải hứng chịu cảnh bạo lực như thế', Phó Giáo sư Siapno.
VOA: Tờ Korea Times mới đây nhận định rằng vụ việc liên quan tới cô dâu Việt cho thấy sự nguy hiểm của các cuộc hôn nhân xuyên biên giới. Còn bà nghĩ sao, thưa Phó Giáo sư?
Phó Giáo sư Jacqueline Aquino Siapno: Đây là một vụ đầy đau thương, nhưng thật không may, những sự việc kiểu như thế này xảy ra khá thường xuyên. Điều đáng buồn là chính phủ Nam Triều Tiên cũng như các nước Đông Nam Á khác, mà trong trường hợp này là Việt Nam, đã không hành động mạnh mẽ hơn để ngăn chặn và giải quyết những vấn đề như vậy bằng các biện pháp như tạo thêm cơ hội việc làm cho phụ nữ hay tăng cường xã hội dân sự tại Việt Nam cũng như trong cộng đồng người Việt ở nước ngoài để mạnh mẽ tên tiếng phản đối các vụ giết người kiểu như vậy.
Còn tại Nam Triều Tiên, cần phải có thêm các tổ chức phụ nữ và nhân quyền để hỗ trợ, bảo vệ các phụ nữ bị rơi vào tình cảnh đáng thương như trên, bởi vì các cô dâu cảm thấy thực sự bị cô lập, nhất là khi tới sống ở khu vực nông thôn.
Có thể nói rằng đây không phải là một vụ việc đơn lẻ, mà từng xảy ra đối với các cô dâu tới từ các nước khác như Campuchia chẳng hạn. Thật đáng tiếc là những vụ án như thể không bị ngăn chặn, trong bối cảnh có các công cụ luật pháp cả ở cấp quốc gia lẫn quốc tế nhằm bảo vệ nhân quyền và lợi ích kinh tế của phụ nữ.
Bà Jacqueline Aquino Siapno nói rằng 'vấn đề cô dâu nhập cư cũng giống như một hình thức nô lệ hiện đại'.
VOA: Rủi ro nhưng vẫn có ý kiến cho rằng các cuộc hôn nhân kiểu này mang lại lợi ích cho tất cả các bên. Bà có nghĩ như vậy không?
Phó Giáo sư Jacqueline Aquino Siapno: Đúng vậy. Chuyện cô dâu nhập cư theo tôi mang lại lợi ích cho cả hai bên. Về phía Việt Nam, tiền mà các cô dâu gửi về đã hỗ trợ cuộc sống gia đình và người thân của họ. Trong khi đó, các cô dâu Việt Nam giúp cải thiện tỷ lệ sinh thấp ở Hàn Quốc vì nước này có tỷ lệ sinh con thấp nhất trên thế giới, thậm chí thấp hơn cả Nhật Bản và có tỷ lệ người già cao. Chính phủ nước này đang làm mọi cách để cải thiện tình trạng này. ‘Nhập khẩu’ cô dâu có thể giúp điều đó.
Ngoài ra, nếu xét về mặt kinh tế, thì các phụ nữ này có thể được coi là lao động giá rẻ vì nhiều người trong số họ phải chăm lo cho những người già trong gia đình nhà chồng, hoặc tại các vùng nông thôn, họ còn phải làm nông vì nhiều phụ nữ ở nước này giờ không muốn làm công việc này nữa. Nam Triều Tiên có thể tiết kiệm được tài chính vì họ không phải đầu tư nhiều vào chăm sóc trẻ em hay người già, mà hiện giờ họ dựa nhiều vào các gia đình làm mọi việc như vậy.
VOA: Vậy bà đánh giá như thế nào về vấn đề cô dâu nhập cư nói chung?
Phó Giáo sư Jacqueline Aquino Siapno: Theo tôi, vấn đề cô dâu nhập cư cũng giống như một hình thức nô lệ hiện đại thông qua hình thức buôn bán phụ nữ. Những cô gái nghèo khổ và đáng thương đó đã được kể những câu chuyện đầy màu hồng, cộng thêm phim ảnh Nam Triều Tiên với các hình ảnh đẹp đẽ nữa, thế nên khi họ tới nhà chồng ở nông thôn với thu nhập thấp, mới thấy được thực tế khác xa so với mường tượng cũng như những gì được nghe kể lại.
Phần đông những cô dâu nước ngoài là những cô gái tới từ các vùng quê nghèo khó của Philippines, Campuchia, Lào, Mông Cổ hay Việt Nam. Một quốc gia nào đó không thể coi là tiến bộ khi phụ nữ phải hứng chịu cảnh bạo lực như thế. Một quốc gia có giàu có như thế nào đi chăng nữa mà phụ nữ bị đối xử như vậy thì đấy là một sự thất bại về việc bảo đảm an toàn cho người dân. Khi nhắc tới an ninh, chúng ta thường nghĩ tới những gì đó cao siêu như gìn giữ hòa bình quốc tế, mà quên đi vấn đề an ninh và an toàn trong chính các gia đình, mà phụ nữ lại là đối tượng dễ bị tổn thương nhất.
VOA: Bà từng nhận định rằng các cuộc hôn nhân đa văn hóa có thể ảnh hưởng tới mối quan hệ song phương giữa các nước. Vì sao lại như vậy, thưa bà?
Phó Giáo sư Jacqueline Aquino Siapno: Chuyện này cũng giống như việc lạm dụng người lao động. Nhiều người không coi các cô dâu nước ngoài là công nhân lao động, nhưng nếu xét về một khía cạnh nào đó, họ dường như chính là các công nhân lao động. Vậy nên, nếu bạn đưa người lao động nước mình sang một quốc gia khác và họ bị lạm dụng, bạn không thể để cho tình trạng này xảy ra.
Tôi nghĩ Campuchia là một ví dụ điển hình về ảnh hưởng của các cuộc hôn nhân xuyên quốc gia đối với mối quan hệ hai nước. Chính quyền Phnom Penh đã tạm thời cấm các cô dâu của nước này lấy các chú rể Nam Triều Tiên, trong khi đó, mối quan hệ giữa Philippines và Singapore đã trở nên xấu hơn khi đảo quốc này quyết định treo cổ một người giúp việc Philippines một vài năm trước.
Các cuộc hôn nhân như vừa kể rõ ràng có thể ảnh hưởng tới quan hệ song phương và trở thành một cái gai trong mối bang giao giữa các quốc gia Đông Nam Á với Nam Triều Tiên.
VOA: Trong tình thế hiện thời, chính phủ Việt Nam cần phải làm gì?
Phó Giáo sư Jacqueline Aquino Siapno: Trong bối cảnh Nam Triều Tiên đang muốn trở thành một nước tài trợ có ảnh hưởng, theo tôi, một trong những điều mà chính phủ Việt Nam cần lên tiếng với phía Seoul rằng họ không thể là một nhà tài trợ tốt nếu họ không thể cư xử tử tế với các phụ nữ từ Việt Nam cũng như các nước Đông Nam Á khác. Nếu họ muốn là một nhà tài trợ tốt, thì hãy bỏ đầu tư vào việc giáo dục, chăm sóc y tế và tạo cơ hội việc làm cho các phụ nữ ở Việt Nam, và khi các cô dâu Việt sang đến Nam Triều Tiên thì hãy tôn trọng họ, cũng như hỗ trợ các gia đình đa văn hóa.
Nguồn: http://www1.voanews.com/vietnamese/news/vietnam-brides-south_korea-100764324.html