Thưa GS Ngô Bảo Châu, chuyến viếng thăm của Phó Thủ tướng làm anh cảm thấy sao?
GS Ngô Bảo Châu: "Có rất nhiều kế hoạch xây dựng trường ĐH đẳng cấp quốc tế. Có thể đổ rất nhiều tiền. Nhưng tôi nghĩ, khả năng thành công không lớn vì mình không có người dạy tốt, bởi số người có trình độ ít, đếm trên đầu ngón tay". Ảnh: Hoàng Hạnh - Bee(chụp ngày 10/8)
GS Ngô Bảo Châu: Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân đi cùng với 2 Thứ trưởng Bộ GD-ĐT đến thăm gia đình chúng tôi vào chủ nhật, nói chuyện thân mật. Tôi thấy ông Nhân là người cởi mở, dễ nói chuyện. Tôi xúc động về sự quan tâm này.
Để những nhà khoa học có thể làm việc tốt nhất, theo anh, nên quan tâm như thế nào? Nhà và lương có quan trọng không?
Về nhà và lương, không thể sánh được với tiêu chuẩn bên Mỹ. Tuy nhiên, mức như hiện nay thì không thể chấp nhận được.
Anh Lê Tuấn Hoa, Viện phó Viện Toán học, có trả lời trên báo, khi tôi về, mức lương tối đa mà viện có thể trả, như với cụ Hoàng Tụy bây giờ là 5 triệu đồng mỗi tháng, chính xác là 4,4 triệu đồng. Còn những nghiên cứu sinh ở nước ngoài về lương chỉ được 1.8 triệu mỗi tháng. Vậy là họ phải lo việc khác thôi. Mà đã lo việc khác thì không làm khoa học được.
Bạn hình dung như thế này, làm khoa học không phải là học xong rồi cứ thế mà làm. Kiến thức phải được cập nhật liên tục, vừa học vừa làm cái mới. Ở Việt Nam, chưa thực sự là môi trường khoa học. Đồng nghiệp, rồi những người xung quanh đều lo mưu sinh.
Nhưng, tôi thấy, để phát triển khoa học, có một chuyện có thể làm được. Đó là tìm từng nhóm bạn trẻ, tổ chức từng nhóm nghiên cứu, khoảng 5 - 10 người.
Như anh nói, ở Việt Nam, chưa thực sự là môi trường khoa học. Vậy ý tưởng phát triển một viện đào tạo và nghiên cứu cấp cao về Toán làm thế nào thành hiện thực trong môi trường này?
Chúng tôi mượn ý tưởng này từ viên Nghiên cứu Cao cấp ở Princeton. Ở Pháp cũng có Viện IHES của Pháp, Viện Toán Max - Planck của Đức, RIMS của Nhật...
Rất nhiều nước đang phát triển đã và làm thành công như Brazil, Hàn Quốc.
Ý tưởng chính của họ không phải là một viện với một cơ chế bên trên. Chỉ có một Ban Giám đốc rất hạn chế để lựa chọn hồ sơ. Những người làm việc đều hoạt động trong một thời gian ngắn, tối thiểu là 3 tháng, đến 2 - 3 năm là tối đa.
Nghĩa là, luôn có sự luân chuyển, ưu tiên những người đến dạy theo hình thức: có hai người Việt Nam, một người nước ngoài; hoặc một người Việt Nam, một GS nước ngoài đến làm việc trong khoảng thời gian nhất định.
Nguồn lực này liệu có dồi dào, thưa anh?
GS Ngô Bảo Châu: "Với lời mời "chúng tôi có một thế hệ trẻ có triển vọng và muốn làm việc với ông", các nhà khoa học sẽ rất thích". Ảnh: Hoàng Hạnh - Bee(chụp ngày 10/8)
Thực ra, số lượng GS nước ngoài sẵn sàng sang giúp mình rất lớn. Các trường bên nước Mỹ có chế độ "sabbatical year". Trong 7 năm, họ được 1 năm muốn làm ở đâu cũng được mà trường vẫn trả lương. Và mọi người đã lựa chọn theo những cách khác nhau: vẫn ở trường làm hoặc ra nước ngoài. Rất nhiều người muốn sang các nước đang phát triển.
Có thể, mời 6 tháng để đi du lịch thì họ không sang. Nhưng với lời mời "chúng tôi có một thế hệ trẻ có triển vọng và muốn làm việc với ông", họ sẽ rất thích.
Khi sang, chỉ cần mình tiếp đón chu đáo, có phòng làm việc, có máy vi tính, có chỗ để ở, thỉnh thoảng tạo điều kiện cho họ đi chơi đây đó. Nhưng cái chính là phải có người cho họ làm việc cùng. Đó là điều vô cùng thuận lợi cho mình.
Viện Nghiên cứu và Đào tạo cao cấp về toán sẽ là chỗ để cho những GS nước ngoài có điều kiện gặp gỡ và làm việc với nhau trong một thời gian nhất định, tạo điều kiện cho mình tiếp thu kiến thức mới.
Tôi nghĩ nhiều đến những bạn trẻ, những nghiên cứu sinh có thể về nước trong một mùa hè, vừa chơi vừa làm việc. Kể cả các anh chị, các bạn đã đi làm ở các trường đại học, có ham mê nghiên cứu nhưng không có đủ điều kiện vì phải lo mưu sinh, hay vì thời lượng dạy ở các trường ĐH Việt Nam quá nhiều, chắc phải gấp 5 lần các trường nước ngoài chẳng hạn.
Khi không có thời gian và điều kiện nghiên cứu, chỉ cần một lần được đến làm việc nghiên cứu trong môi trường như vậy, cùng với các GS nước ngoài, họ sẽ có cái đà để có thể làm tiếp được.
Tất nhiên, mô hình đó cũng có hạn chế, chỉ phù hợp với những ngành khoa học lý thuyết thôi.
Tức là, chỉ có chỗ làm việc, thư viện chứ không có máy móc gì cả. Nếu mỗi lần phải đầu tư một phòng thí nghiệm thì đúng là chịu, không thể làm được.
Bên viện Princeton không chỉ có Toán mà còn có Vật lý lý thuyết, Lịch sử, khoa học xã hội, kinh tế, sinh vật. Với sinh vật lý thuyết, họ lấy dữ liệu từ nơi khác về rồi xử lý số liệu chứ không có thí nghiệm gì cả.
"Sợ dốt thì không tiến bộ được"
GS Ngô Bảo Châu trong lần về thăm trường, ĐHQG Hà Nội ngày 11/8. Ảnh: Bùi Tuấn
Anh đề cập tới chuyện lập những nhóm nghiên cứu toàn người Việt trong khi "ở Việt Nam chưa thực sự là môi trường khoa học". Liệu những nhóm như vậy hình thành, có hy vọng tác động ngược trở lại, cải thiện môi trường nghiên cứu khoa học ở Việt Nam?
Không những sẽ giúp cải tạo môi trường khoa học, điều này còn tác động tới môi trường giảng dạy đại học.
Có rất nhiều kế hoạch xây dựng trường ĐH đẳng cấp quốc tế. Có thể đổ rất nhiều tiền. Nhưng tôi nghĩ, khả năng thành công không lớn vì mình không có người dạy tốt, bởi số người có trình độ ít, đếm trên đầu ngón tay.
Còn tạo nên những nhóm nghiên cứu khoa học thì có thể làm được. Tuần trước, tôi có gặp ông Pierre Darriulat, một GS vật lý. 10 năm nay, ông ấy nghỉ hưu rồi sang Việt Nam lập ra nhóm các bạn trẻ để nghiên cứu.
Thế nhưng, Việt Nam chưa có cơ chế nào giúp cho việc này. Phải có cơ chế đặc biệt mới tạo ra không khí học thuật.
Anh thử phác thảo cơ chế đặc biệt đó...?
Trước nay, nguồn nhân lực cấp cao có dòng dịch chuyển từ Đông sang Tây. Liệu một ngày nào đó, có dòng dịch chuyển ngược lại mà trung tâm là Trung Quốc?
Tôi nghĩ, chắc chắn sẽ xảy ra, nhưng không quá nhanh được. Trung Quốc đổ rất nhiều tiền, nhưng thực tế, ngay cả những người trẻ Trung Quốc thật sự xuất sắc cũng chưa về nước. Một số người làm sau tiến sĩ xong, tôi hỏi có về nước không, chế độ lương bổng cũng tốt. Nhưng họ nói ở Trung Quốc chưa có môi trường khoa học, họ muốn làm việc thêm 5 - 6 năm ở Mỹ.
Phía Trung Quốc có ngỏ lời mời anh không?
Cũng có. Một vài trường Trung Quốc ngỏ lời mời chung, còn tôi muốn về chỗ nào thì về…
Nói chung, tôi nghĩ không chỉ việc đó, mà lãnh đạo nhà nước nên có một ban cố vấn để có thể hỏi các nhà khoa học trong nước và nước ngoài thường xuyên.
Một số chính sách, rõ ràng có sự đầu tư của nhà nước, nhưng bị lệch hướng và không đem lại hiệu quả. Bởi, có nhiều thứ trên giấy tờ tưởng là rất tốt, nhưng trên thực tế có làm được không? Nếu thực lực không làm được thì chuyện bị bóp méo.
Như chuyện thư viện ở trường ĐH chẳng hạn. Trường ĐH nào cũng có thư viện, có máy tính, có tài liệu. Nhưng sinh viên có xài được không? Có thư viện nào ra hồn? Dù cách đây vài năm, Nhà nước có chính sách đầu tư cho các thư viện trường, mất khá nhiều tiền.
Theo tôi, lý do đơn giản, vì ngay cả giáo viên cũng không quan tâm đến chuyện đọc. Nên xảy ra chuyện là người ta xây một cái nhà ba bốn tầng nhưng không có quyển sách nào cả. Hoặc là những cuốn sách cũ nát từ năm 60 để lại.
Rất nhiều những câu chuyện tương tự như vậy. Tôi nghĩ, Nhà nước nên có một ban cố vấn gồm những nhà khoa học thực sự, cố vấn những chuyện như thế.
Việt Nam cũng đã có những hội đồng tư vấn...
Tôi không rõ điều này. Nhưng tôi nghĩ, nên nghe ý kiến của người ngoài, những người Việt Nam ở nước ngoài. Không thể đóng cửa bảo nhau được.
Tất cả các viện lớn trên thế giới, kể cả viên Princeton, hàng năm vẫn mời những hội đồng từ nơi khác đến để đánh giá xem có gì chưa ổn.
Nghe là để đánh giá. Được đánh giá đâu có gì đáng xấu hổ mà thực ra rất tốt. Cái gì làm sai thì mình sửa. Nếu cứ sợ người ta bảo mình dốt thì làm sao mà tiến bộ được, đúng không? (cười)
Người trong cuộc thì hiểu tường tận mọi chuyện. Nhưng nhiều khi mình biết “làm thế này thì đề án mới qua”, những người biết rõ chưa chắc đã hiểu được xu hướng chung.
* Lương Thị Bích Ngọc - Hạ Anh (Thực hiện)
(Theo Bee.net.vn)