"Hèn mà còn nhận ra mình là thằng hèn, là hèn tử tế. Hèn mà ngậm miệng ăn tiền là hèn nhơ bẩn.
Hèn mà ngậm máu phun người là hèn bất nhân. Hèn bán đất bán nước thì trời tru đất diệt"
(Phạm Chuyên)

Montag, 16. August 2010

Những thiếu nhi bị xã hội bỏ rơi

Giao Tiên

Ai cũng biết “trẻ em không đòi hỏi được sinh ra đời”. Một khi được sinh ra, thì cha mẹ có bổn phận phải nuôi dưỡng và dạy dỗ các em, xã hội có trách nhiệm tiếp tay với gia đình để đào tạo các em trở thành những người hữu dụng cho đất nước. Ai đã đi học đều biết câu: “học sinh là người tổ quốc mong cho mai sau.”

XHCN có khẩu hiệu “10 năm trồng cây, 100 năm trồng người”, nghe ra rất êm tai, biểu lộ sự quan tâm tới việc giáo dục và chăm chút các trẻ em. Người ta gọi các em là: cháu ngoan Bác Hồ. búp măng non, tương lai của đất nước. Hình ảnh em bé gái mặc áo đầm xanh, quàng khăn đỏ, tươi cười, xinh xắn đứng cạnh bác Hồ, được treo đầy tường trong những ngày Tết Trung Thu hay ngày Hội Thiếu Nhi thì chỉ là biểu tượng cho các em thiếu nhi… thuộc giai cấp thượng lưu trong XHCN, không phải là biểu tượng cho tất cả thiếu nhi VN. Khẩu hiệu này còn gian manh hàm ẩn ý nghĩa giải thích những tồi tệ của con người dưới chế độ toàn trị, phải chờ 100 năm sau mới có kết quả,

Hãy nhìn các em thiếu nhi con nhà nghèo, sinh trưởng ở nơi bùn lầy nước đọng, cơm ăn không đủ no, lam lũ rách rưới, lang thang đầu đường xó chợ, làm việc đầu tắt mặt tối từ lúc gá gáy sáng cho tới khi gà lên chuồng. Có phải các em này cũng là người VN hay không? Các em không được may mắn đi tới trường, thì làm sao có cơ hội được quàng khăn đỏ, và được gọi là cháu ngoan của Bác Hồ?

Theo báo cáo của ông Hoàng Văn Tiến, Phó Cục Trưởng Cục Bảo Vệ và Chăm Sóc trẻ em, trực thuộc Bộ Lao Động và Thương Binh Xã Hội ngày 7/5/2010 thì: “Theo số liệu tổng hợp năm 2009, qua báo cáo của 44/63 tỉnh và thành phố, cả nước còn gần 23,000 trẻ em đang lang thang không nhà không cửa, và có trên 22,000 em đang phải lao động quá sớm để kiếm sống.” Tuy nhiên, trên thực tế, các con số báo cáo này quá nhỏ lại so với thực trạng xã hội .

Theo báo cáo của Tổ chức Lao Động Quốc Tế (ILO) và Viện Lao Động Xã Hội VN ngày 7/6/2010 thì: “các trẻ em VN phải lao động quá sớm ( trẻ từ 10 tới 14 tuổi chiếm 72.6%), Các em làm việc trong các điều kiện thiếu an toàn, thậm chí còn được xem là nguy hiểm, tồi tệ như thực trang trẻ em phải đi biển ở Quảng Ninh, khai thác đá ở Hà Tĩnh, chế biến cá bò ở Quảng Nam, khai thác mủ cao su ở Gia Lai, làm việc trong các lò gạch ngói ở An Giang…Hiện nay, có 45% trẻ em đang phải làm việc trong điều kiện không đảm bảo về nhiệt độ và ánh sáng. Ngoài ra, còn một số trẻ em còn bị lợi dụng để vận chuyển các hàng lậu và ma túy.”

Sinh ra làm con nhà nghèo thực là bất hạnh. Con nhà nghèo trong Công hoà XHCN VN lại còn bất hạnh gấp mấy lần vì chế độ Vì túng quẫn nên con người dễ làm ra những chuyện táng tận lương tâm. Cha mẹ đem con gái chỉ vừa 7,8 tuổi bán vào các động mãi dâm ở Campuchia. Các em trai 9, 10 tuổi đã được cho đi ở đợ để cha mẹ lãnh lương trước cả 2, 3 năm , và chỉ quay lại thăm con vào kỳ lãnh lương kế tiếp. Cuộc đời các trẻ em đã tàn tạ trước khi tuổi thơ bắt đầu. Các búp măng chưa kịp lú chồi mà đã ải muc !

Cháu Nguyễn Hào Anh, 14 tuổi, nhập viện tại Bệnh Viện Đa Khoa Đầm Dơi, tỉnh Cà Mau ngày 20/4/2010 do bị 2 vợ chồng người chủ hành hạ, đánh đập. Theo phóng viên Gia Bách của báo Điện tử Thanh Niên thì: “Chúng tôi lạnh cả người khi chứng kiến những vết thương trên người cháu Hào Anh. Trước mắt chúng tôi là một bé trai gày gò, nhỏ thó, trên mình chằng chịt những vết sẹo. Trên trán, một vết thương đang mưng mủ . Khuôn mặt đầy sẹo. Cổ tay, cổ chân còn hằn vết dây trói, và hai bàn tay, hai bàn chân xưng phù. Ngoài ra, còn những vết thương trên lưng, trên ngực, không thể nào đếm xuể.”

Hai hàng nước mắt chảy dài, Hào Anh kể: “…Từ 6 tháng nay, hầu như ngày nào con cũng bị đánh. Vết thương trên trán là do cậu dùng thanh tre đánh. 5 cái răng gẫy là do câu bẻ trong lúc giận con. Vết sứt trên môi, do câu dùng kềm kẹp con.”. Em còn khai với công an: “Lúc thì bị dùng bàn ủi nóng ấn vào người, lúc thì dùng dây trói rồi mang phơi nắng. Dã man nhất là khi nung nóng thanh sắt, rồi dí vào bộ phận sinh dục…” Cháu cũng cho biết hai vợ chồng chủ cấm cháu không được tiếp xúc với bên ngoài.

Hai vợ chồng người chủ của cháu Hào Anh là Huỳnh Thanh Giang, 30 tuổi, và Mã Ngọc Thơm 33 tuổi, chủ trại tôm giống Minh Đức. Khi được hỏi về cha mẹ em, thì cháu Hào Anh trả lời rằng đã lâu lắm cháu không gặp mẹ, còn cha em Hào Anh, thì chỉ tới thăm em một lần duy nhất khi em mới sinh được 3 ngày. Ngày 7/5, ông Nguyễn Minh Tâm, cha của Hào Anh đã tháp tùng Liên Đoàn Lao Động tỉnh Cà Mau tới Bệnh viện Đa Khoa Đầm Dơi thăm con. Hào Anh không nhận ra cha vì chưa lần nào được nhìn mặt. Cuộc hội ngộ kéo dài trên 10 phút. Ông Tâm chỉ hỏi thăm sức khỏe của con rồi lẳng lặng ra về.

Thật nực cười, năm 1954, Bác Hồ “nhổ tận gốc, tróc tận rễ” bọn địa chủ tàn ác bóc lột, thì nay XHCN của Bác lại tạo ra bọn tư bản đỏ tàn ác gấp trăm lần

Bé Hào Anh chỉ là một biểu tượng cho cả triệu trẻ thơ bất hạnh ở VN. Còn rất nhiều em Hào Anh đang tiếp tục sống cuộc đời đầy ải như địa ngục để được ngày 2 bữa cơm. Nhiều em gái 7, 8 tuổi phải đem thân phục vụ cho những tên ngoại quốc, to lớn cồng kềnh, bằng tuổi cha chú các em trong cac nhà điếm Campuchia. Những cuộc đời trẻ thơ bị nướng trong…hỏa ngục này thì ai là người chịu trách nhiệm : gia đình, xã hội, hay chính quyền ?

Hôm nay đây, tại thủ đô Hà Nội xa hoa và hoành tráng, các nhà lãnh đạo đang bận rôn soạn thảo chương trình kỷ niệm 1000 năm Thăng Long, đang bàn cãi về việc xây đường xe lửa cao tốc. Các chi phí cao tới nhiều chục tỷ đô la. Nếu dùng số tiền này để phát triển hạ tầng cơ sở thì cứu vớt được bao nhiêu cuộc đời trẻ thơ vô tôi. Hay là những trẻ thơ bạc phước này không phải là cháu ngoan của Bác Hồ ?

Giao Tiên