"Hèn mà còn nhận ra mình là thằng hèn, là hèn tử tế. Hèn mà ngậm miệng ăn tiền là hèn nhơ bẩn.
Hèn mà ngậm máu phun người là hèn bất nhân. Hèn bán đất bán nước thì trời tru đất diệt"
(Phạm Chuyên)

Montag, 16. August 2010

Chính Trung Quốc đã đẩy Việt Nam và Đông Nam Á trở lại vòng tay của Mỹ


Các quan khách quân sự và dân sự Việt Nam đang nghe một sĩ quan Mỹ giải thích cách điều hành "sân bay" trên hàng không mẫu hạm USS George Washington ngày 08/08/2010 -US. NAVY/Danielle A. Brandt/Released

Mai Vân

«Họ đã trở lại»: Dưới tựa đề ngắn gọn trên đây, tuần báo Anh The Economist phân tích sự kiện Hoa Kỳ đang càng lúc càng chứng tỏ quyết tâm hiện diện trở lại tại vùng Đông Nam Á. Điều này khiến Trung Quốc ngày càng bực bội. Theo The Economist, vấn đề là thay vì quan ngại trước chiến lược "ngăn chặn" của Mỹ, Trung Quốc cần phải lo lắng nhiều hơn nữa về việc tại sao láng giềng của họ lại chào đón sự trở về của Hoa Kỳ.


Đối với The Economist, biểu tượng thể hiện rõ nhất việc Mỹ quay lại Đông Nam Á là chuyến ghé Biển Đông, ngoài khơi Đà Nẵng của chiếc hàng không mẫu hạm USS George Washington, “một con tàu dài hơn ba sân bóng đá nối liền nhau, có khả năng mang theo 85 chiếc máy bay và thủy thủ đoàn hơn 6.200 người”.

Chuyến thăm Việt Nam của tàu sân bay Mỹ, và các bài tập hải quân chung Mỹ - Việt sau đó, đều là những biểu hiện nổi bật của sự hoà giải, thế nhưng các quan sát viên Trung Quốc lại nhìn thấy các sự kiện đó nằm trong nỗ lực của Mỹ để "ngăn chận" Trung Quốc bằng cách củng cố liên minh với các láng giềng của Bắc Kinh.

Phía Trung Quốc, theo The Economist, rất bực tức trước các hành động của Hoa Kỳ, và theo nhật báo Hồng Kông South China Morning Post, chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào có thể trả đũa bằng cách dời chuyến công du Hoa Kỳ.

Có hai động thái của Mỹ khiến Bắc Kinh giận dữ. Gần đây nhất là việc Hoa Kỳ đàm phán về hợp tác hạt nhân với Việt Nam, và có tin là sẽ không buộc Việt Nam từ bỏ quyền làm giàu uranium. Trước đó, là sự kiện tại Diễn đàn An ninh Khu vực ASEAN ở Hà Nội, ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton đã tuyên bố Biển Đông là một "lợi ích quốc gia" của Hoa Kỳ.

Theo The Economist, sự kiện 12 trên 27 quốc gia nêu lên một cách tiếp cận mới để giải quyết tranh chấp vùng Biển Đông, đã bị Trung Quốc xem là một âm mưu chống lại Bắc Kinh, đặc biệt là khi Việt Nam nhanh chóng phản đối mạnh mẽ hơn các hoạt động của Trung Quốc tại vùng biển tranh chấp.

Ngoài các sự kiện liên quan đến Việt Nam, tuần báo Anh còn ghi nhận việc chiếc George Washington đã tham gia tập trận chung với lực lượng Hàn Quốc, và sẽ vào Hoàng Hải "trong tương lai gần", bất chấp phản đối của Bắc Kinh.

Trong lúc hải quân Mỹ ngang dọc các vùng biển lân cận Trung Quốc, thì các quan chức Hoa Kỳ cao cấp cũng tỏa đi các nước châu Á. Tại Indonesia, bộ trưởng Quốc phòng Robert Gates đã tái lập quan hệ với lực lượng đặc biệt Kopassus của quân đội nước này. William Burns, thứ trưởng ngoại giao phụ trách các vấn đề chính trị, thì đã đến bốn quốc gia Đông Nam Á.

The Economist đã trích lời ông Douglas Paal, chuyên gia nghiên cứu tại Viện tham vấn Carnegie Endowment ở Washington, ghi nhận "một sự đột khởi toàn diện nhất từ hàng thập kỷ nay của hoạt động ngoại giao và quân sự tại châu Á, đặc biệt là tại Đông Nam Á" từ phía một chính quyền Mỹ. Trung Quốc xem xu hướng mở rộng này như một phần của một học thuyết ngăn chặn mới nhắm vào Bắc Kinh.

Tuy nhiên, theo chính quyền Mỹ, thì Hoa Kỳ chỉ tái khẳng định lại "lợi ích quốc gia" và vai trò truyền thống của mình ở Đông Á, một khu vực bị nước Mỹ bỏ rơi vì bị khủng bố và cuộc chiến tranh tại Iraq và Afghanistan làm cho phân tâm. Theo chuyên gia phân tích Douglas Paal, ngoại giao châu Á của Mỹ gần đây "không nhằm vào Trung Quốc, nhưng có tác động đối với Trung Quốc".

Theo The Economist, thay vì đơn thuần chỉ trích Mỹ, Trung Quốc cần phải nỗ lực nhiều hơn sao cho các láng giềng của họ đừng cung cấp những mảnh đất màu mỡ để Mỹ có thể gieo ‘’mầm mống ngờ vực’’ đối với Trung Quốc.

Điều đó đòi hỏi Trung Quốc làm rõ hơn mục tiêu chiến lược thực thụ của mình, và sẵn sàng thảo luận các mục tiêu đó trong các diễn đàn đa phương. Trên biển Nam Trung Hoa (Biển Đông) chẳng hạn, hiện rất khó mà biết được chính xác là những đòi hỏi chủ quyền của Trung Quốc dựa trên các cơ sở nào. Chỉ thấy tàu Trung Quốc đôi khi xem biển như một cái hồ của Trung Quốc. Các tấm bản đồ của họ cho thấy một lưỡi lớn của chủ quyền Trung Quốc thè ra một cách ngạo mạn, liếm xuống tận các nước vùng duyên hải Đông Nam Á.

Trong tình hình đó, theo The Economist, cũng dễ hiểu là tại sao các nước này chào đón tàu sân bay Mỹ. Vấn đề rắc rối là, hiển nhiên, nếu Trung Quốc rõ ràng hơn về mục tiêu của mình, thì các láng giềng này lại còn có thể chào đón tàu Mỹ nồng nhiệt hơn nữa !

Nguồn: http://www.viet.rfi.fr/viet-nam/20100815-chinh-trung-quoc-da-day-viet-nam-va-dong-nam-a-tro-lai-vong-tay-cua-my