VIT - Bắc Kinh có thể sẽ không bao giờ làm thỏa mãn hy vọng của Washington về sự minh bạch lớn hơn trong các hoạt động quân sự, và do vậy căng thẳng giữa các lực lượng vũ trang hai nước vẫn sẽ tồn tại, các học giả Trung Quốc hôm 17/8 cho hay.
Họ cho biết như vậy sau khi Lầu Năm Góc công bố một báo cáo thường niên cho rằng Trung Quốc đang theo đuổi mục tiêu trở thành một cường quốc quân sự lớn một cách lén lút "làm tăng khả năng hiểu lầm" và xung đột với các quốc gia khác.
Các học giả tại Bắc Kinh cho biết Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc đã nỗ lực công khai hơn nhưng sẽ tiếp tục tuân theo một tiêu chuẩn minh bạch khác.
"Mặc dù Trung Quốc đã đều đặn tăng cường sự minh bạch quân sự trong vài năm qua, nhưng hiện tại Trung Quốc không thể đạt được mức độ mà Mỹ yêu cầu," ông Shi Yinhong, một chuyên gia về Mỹ tại Đại học Nhân dân cho biết.
Được giữ bí mật lâu dài, trong những năm gần đây, PLA đã công bố những báo cáo riêng về cơ cấu và nhiệm vụ của họ và giao lưu với các lực lượng vũ trang của các quốc gia khác thông qua các chuyến viếng thăm cảng, các nhiệm vụ gìn giữ hòa bình, và diễn tập chung. Các nhà ngoại giao cho biết họ hy vọng điều này sẽ giúp làm dịu đi những quan ngại về những động lực đằng sau việc xây dựng sức mạnh quân sự của nước này.
Bộ Ngoại giao hay Bộ Quốc phòng Trung Quốc chưa có bình luận ngay nào về báo cáo của Lầu Năm Góc.
Báo cáo được công bố giữa lúc Bắc Kinh không hài lòng sâu sắc đối với các cuộc diễn tập hải quân chung giữa Mỹ và Hàn Quốc tại Hoàng Hải. Trung Quốc cũng khó chịu trước những tuyên bố hồi tháng trước của Ngoại trưởng Mỹ Hillary Rodham Clinton được xem là sự can thiệp không được hoan nghênh vào cuộc tranh chấp lãnh thổ giữa Trung Quốc và các quốc gia Đông Nam Á tại biển Đông.
Trong tháng 1, Bắc Kinh đã đình chỉ mọi liên lạc với quân đội Mỹ nhằm đáp trả một kế hoạch bán vũ khí trị giá 6,4 tỷ USD cho Đài Loan, hòn đảo tự trị mà Trung Quốc tuyên bố là lãnh thổ của họ.
Sự kết hợp của các vấn đề này đã dẫn đến một “sự gia tăng căng thẳng chưa từng có,” mặc dù lợi thế về khả năng quân sự mà Mỹ có cho thấy nguy cơ xảy ra xung đột thực sự rất thấp, ông Zhu Feng thuộc Trường Đại học Nghiên cứu Quốc tế Bắc Kinh cho biết.
"Lầu Năm Góc hoàn toàn biết được rằng có một khoảng cách lớn giữa sức mạnh quân sự của hai nước. Thật khôi hài khi cho rằng Trung Quốc sẽ tấn công các tàu sân bay của Mỹ," ông Zhu nói.
Báo cáo của Lầu Năm Góc cho biết Trung Quốc đang phát triển một tên lửa đạn đạo có khả năng tấn công các tàu sân bay ở khoảng cách hơn 930 dặm (1.500 km). Báo cáo đã không chỉ ra trong bao lâu Bắc Kinh sẽ làm chủ được công nghệ có liên quan. Trong khi việc phóng thử cuối cùng tên lửa này được cho là sẽ diễn ra trong một hoặc hai năm nữa, thì một số chuyên gia cho rằng sẽ phải mất hơn một thập kỷ nữa thì mới đạt được độ chính xác.
Báo cáo cũng cho biết Trung Quốc có thể sẽ bắt đầu chế tạo chiếc tàu sân bay đầu tiên vào cuối năm nay và đã bắt đầu một chương trình huấn luyện 50 phi công để vận hành máy bay cánh cố định từ một tàu sân bay. Các chuyên gia cho biết Trung Quốc dường như đang xây dựng một mô hình buồng điều khiển tàu sân bay trên đất liền và cũng sẽ gửi phi công sang Nga để đào tạo.
Đối với Đài Loan, hòn đảo mà Trung Quốc đã tuyên bố sẽ giành lại bằng vũ lực nếu cần thiết, báo cáo cho biết sự cân bằng lực lượng đang tiếp tục chuyển dịch có lợi cho Bắc Kinh. Luật pháp Mỹ yêu cầu Washington giúp bảo đảm phòng thủ hòn đảo này.
"PLA đang phát triển khả năng để ngăn chặn Đài Loan giành độc lập hoặc gây áp lực Đài Loan giải quyết tranh chấp theo các điều kiện của Bắc Kinh trong khi nỗ lực cùng một lúc cản trở, trì hoãn, hoặc từ chối bất kỳ sự hỗ trợ có thể nào của Mỹ đối với hòn đảo này trong trường hợp xảy ra xung đột," báo cáo cho biết.
Bộ Quốc phòng Đài Loan đã đáp trả bằng việc tiếp tục kêu gọi Mỹ bán cho hòn đảo này máy bay chiến đấu F-16 C/D và tàu ngầm diesel.
Nam Thắng (Theo AP)