"Hèn mà còn nhận ra mình là thằng hèn, là hèn tử tế. Hèn mà ngậm miệng ăn tiền là hèn nhơ bẩn.
Hèn mà ngậm máu phun người là hèn bất nhân. Hèn bán đất bán nước thì trời tru đất diệt"
(Phạm Chuyên)

Dienstag, 17. August 2010

Chung cư Eden, cuộc chiến giữa người dân và nhà cầm quyền

Tạ Phong Tần

Eden - Nỗi niềm xa xứ

August 16, 2010  - Cái tên Eden (bắt nguồn từ tên gọi rạp chiếu phim nằm ngay hành lang Eden) thường được người Sài Gòn xem như một góc “linh hồn Sài Gòn” bởi lẽ nó gắn bó nhiều kỷ niệm với tầng lớp người Sài Gòn lớn tuổi “tao nhân mặc khách”, “thi sĩ đa tình”. Thói quen “ngồi đồng” quán café La Pagode, Givral hàng giờ hay đọc sách “chùa” ở Nhà sách Xuân Thu - Albert Portail cũ. Với kiến trúc kiểu Pháp cổ đẹp trang trọng, sừng sững, khu Eden xứng với cái tên “Vườn địa đàng” và góp phần làm nên danh hiệu “Hòn Ngọc Viễn Đông” trong mắt người ngoại quốc.

Bây giờ, người ta gọi nó là chung cư Eden, được hợp thành bởi 2 chung cư 104-106 Nguyễn Huệ và 181 Đồng Khởi, quay mặt ra 4 con đường chính: Đồng Khởi (Tự Do cũ), Lê Thánh Tôn, Lê Lợi, Nguyễn Huệ nên dân ở đây cũng kêu là Khu tứ giác Eden, phía nhà nước thì gọi là khu phố 5C phường Bến Nghé, quận 1. Nơi đây còn là một trong số những khu thương mại sầm uất nhất thành phố Sài Gòn.

Người Sài Gòn xa xứ, mỗi khi khắc khoải nhớ quê nhà, lại nhớ đến Eden với những khoảng trời rưng rưng một thời kỷ niệm.

Ai ở trong khu tứ giác Eden?

Một cư dân Eden cho biết, sau năm 1975 cả hai chung cư đều bị “nhà nước quản lý” hết. Những người dân đang sinh sống trong đó phải “ra đi” (chắc là đi “xây dựng vùng kinh tế mới”). Chung cư 104-106 Nguyễn Huệ được giao cho Viện Kiểm Sát Nhân Dân thành phố rồi cơ quan này phân cho nhân viên của ngành Kiểm sát ở. Thời gian sau, những cán bộ Kiểm sát này đã bán căn hộ của mình lại cho người dân. Chung cư 181 Đồng Khởi là dân chiếm đa số, sau đó một số cán bộ mua lại nên dân và cán bộ ở chung lộn xộn.

Tất cả những căn hộ trong chung cư “khu tứ giác” đều được ký hợp đồng giữa dân và nhà nước theo dạng “Hợp đồng thuê nhà sở thuộc hữu Nhà Nước”. Năm 2002, Chính phủ cho mua theo Nghị định 61 do đó phần lớn cư dân ở đây đã có quyền sử dụng đất ở lâu dài và quyền sở hữu nhà ở. Riêng Công ty du lịch thành phố (Saigontourist), Nhà thuốc tây Đồng Khởi, Công ty Hàng Không Việt Nam, nhà hàng Grival thì ký Hợp đồng thuê nhà với Công ty Quản Lý Nhà Quận 1.

Có khoảng 70% chủ hộ là cán bộ công chức nhà nước, cán bộ, đảng viên hưu trí. Số còn lại là dân thường sống bằng công việc kinh doanh và cho thuê mặt bằng.

Dân chung cư Eden bị cưỡng chế tụ tập trên lề đường.

Vincom là ai?

Vincom là tên gọi tắt của Công ty Cổ phần Vincom (trước đây có tên là Công ty Cổ phần Thương mại Tổng hợp Việt Nam) được chính thức thành lập vào ngày 3/5/2002, có 7 công ty cổ phần thành viên, do Ông Lê Khắc Hiệp làm Chủ tịch Hội đồng Quản trị, bà Mai Hương Nội làm Tổng Giám đốc. Điều đáng chú ý là trong 5 vị lãnh đạo công ty đã có 3 vị từng là cán bộ nhà nước. Ngành nghề kinh doanh của Vincom là đầu tư xây dựng và kinh doanh bất động sản.

Đang sống yên lành, đùng một cái, người dân chung cư Eden bàng hoàng sửng sốt khi được lệnh của nhà cầm quyền thành phố Sài Gòn buộc phải “di dời”, giải tỏa chung cư, nhường lại “khu đất vàng” cho Công ty Vincom “thuê quyền sử dụng đất 50 năm” sau khi thu hồi quyền sử dụng đất ở lâu dài của người dân. Tức là “nhà nước ta” thuê không thời hạn, mà cho Vincom thuê “có thời hạn” để xây dựng quy mô. Tiếng là “thuê” nhưng cũng như “biếu không”, bởi sau 50 năm hết hạn thuê đất thì “nhà nước ta” làm cách nào để bứng mấy tòa nhà khổng lồ cao tầng “Cụm công trình trung tâm thương mại-dịch vụ-khách sạn-văn phòng-căn hộ cao cấp và bãi xe ngầm Vinacom” đi chổ khác mà lấy lại đất? Mặt khác, Vincom đã bán từng phần tòa nhà đó cho người dân thu tiền vào hầu bao rồi, “nhà nước ta” làm sao tự dưng chạy lại cào nhà dân sập xuống để lấy lại đất?

Bị ép giá bồi thường trái pháp luật?

Theo điểm a khoản 2 Điều 40 Luật đất đai, “Dự án kinh doanh thì Nhà nước không thực hiện thủ tục thu hồi đất mà chủ đầu tư phải trực tiếp thương lượng với dân”. Tuy nhiên, người dân chung cư không được gặp chủ đầu tư (Vincom) để thỏa thuận giá bồi thường thỏa đáng, mà bị nhà nước dùng quyền lực công đập phá chung cư, bắt buộc giải tỏa, còn giá đền bù thì quá thấp. Theo VnExpress, ban đầu thành phố “duyệt giá đền bù 12.5 triệu đến 33.2 triệu đồng mỗi m2”.

Thậm chí, sau ngày 30/4/2010, Trung tâm Vincom Hall khánh thành và Vincom bắt đầu cho thuê dài hạn (50 năm). Người dân Eden gửi đơn yêu cầu tính giá bồi thường căn cứ vào giá m2 mà Vincom cho thuê chỉ có 50 năm nhưng đến nay chưa thấy thành phố trả lời!

Theo những hộ dân ở chung cư thì 70% hộ là cán bộ, đảng viên đã bị bắt ép nhận tiền bồi thường và đi hết rồi, nếu không đi thì sẽ có nhiều chuyện rắc rối đối với việc làm, cơ quan, cơ hội thăng tiến… đành bấm bụng làm thinh. Các Công ty du lịch thành phố HCM (Saigontourist), Nhà thuốc tây Đồng Khởi, Công ty Hàng Không Việt Nam, nhà hàng Grival thì hết hạn hợp đồng phải đi. Còn lại 125 hộ dân kiên quyết “cố thủ” đến cùng.

Một nạn nhân của vụ đàn áp cưỡng chế bị thương.

Nhà nước tấn công dân ban đêm

Theo người dân chung cư, với số tiền bồi thường được nhận, những hộ đã ra đi chỉ có khả năng về những quận huyện ngoại thành như: Hóc Môn, Bình Tân, Bình Chánh nơi mưa thì lụt, nắng thì bụi, trung tâm kẹt xe, an ninh thì tệ nạn nhiều, an sinh xã hội thiếu, kém so với phường Bến Nghé quận 1.

Vì vậy, để bảo vệ quyền lợi của mình, 125 hộ còn lại đã gởi rất nhiều đơn khiếu nại đến các cấp chính quyền, cơ quan cức năng từ địa phương đến trung ương. Đồng thời, họ căng băng-rôn, cờ nước trên mặt tiền chung cư để đòi hỏi được trực tiếp thỏa thuận đền bù (theo luật định) với chính chủ đầu tư Vincom. Từ ngày kể từ ngày 3/6/2010, người dân chung cư hàng ngày đứng bất bạo động với biểu ngữ cầm tay trước UBND thành phố xin gặp đối thoại trực tiếp với lãnh đạo UBND thành phố cũng vấp phải sự im lặng đáng sợ.

Vào khoảng 4 giờ sáng ngày 05/8/2010 thì phía nhà nước cho lực lượng hàng trăm người không mặc đồng phục, quân phục “đột kích” chung cư để tháo gỡ những khẩu hiệu là câu nói của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng: “Dự án kinh doanh nhà đầu tư phải trực tiếp thương lượng với dân”. Riêng một số cán bộ Công an phường có mặc quân phục và UBND phường Bến Nghé thì người dân chung cư biết mặt.

Một người dân kể rằng: “Mọi người đang còn trong giấc ngủ say sau một ngày làm việc mệt nhọc. Bỗng dưng những tiếng la thất thanh: “Cướp! Bà con ơi, cướp!” vang dội lên cướp đi sự bình yên vốn có của khu tứ giác Eden.’

Người này kể tiếp, ‘Sau một lúc định thần tôi mới nhận ra, tiếng thét thất thanh xuất phát từ bà con chung cư 181 Đồng Khởi. Mặc vội chiếc áo và đôi dép lê tôi chạy ra khỏi nhà, hành lang chung cư tối đen như mực, không một ánh đèn, bên ngoài trời còn chạng vạng tối - chưa đầy 5 giờ sáng. Nhiều người, già có trẻ có cũng hoảng hốt chạy theo hướng tiếng la, lần từng bậc thang xuống đường. Chạy ra mặt tiền đường Đồng Khởi.’


‘Trước mắt tôi, một cảnh tượng kinh hoàng: Hơn 100 thanh niên lực lưỡng, áo xanh, áo vàng đều có, họ đang dàn trận trước cánh cửa chung cư 181. Tiếng gào thét của các chị phụ nữ, tiếng xô đẩy giằng co trong cái tranh sáng tranh tối, tiếng đánh người,… Một cảnh tượng hỗn loạn. Ngoài đường, dưới sự giám sát của lực lượng công an, một chiếc xe cẩu đang cẩu một thanh niên dùng kềm để cắt xé, tháo gỡ các biểu ngữ mà người dân Eden đã treo lên.’

“Chung cư bị cắt điện, trong cảnh tranh tối tranh sáng không rõ ai là ai, người bảo vệ chung cư Đoàn Hùng Phi vì quyết tâm làm tròn trách nhiệm của mình nên đã bị đánh đập thương tích đầy mình (sau này mới biết người đánh anh Đoàn Hùng Phi là cán bộ tư pháp phường Bến Nghế tên Tiến). Người dân chung cư đã gọi sự kiện này là ‘1 chiến thắng vĩ đại đối với chính quyền các cấp từ Phường cho đến Thành Phố.’


Người dân Eden cho rằng nhà cầm quyền thành phố đã “đi đêm” với Vincom nên “nhiệt tình đóng thế Công ty Vincom trong vai trò bồi thường đất qua việc chỉ đạo quận 1 thành lập Hội đồng bồi thường “bóp cổ” dân Eden với giá bồi thường “rẻ như cho” để cướp khu đất “kim cương” dâng cho Tập đoàn có “dây mơ rễ má” với Technocom - tập đoàn của người Việt Ukraine một cách hợp pháp để cải thiện đời sống quan lại” (?!).

Băng rôn phản đối chính sách cưỡng chế phản lòng dân của nhà cầm quyền thành phố.

Eden sau ngày 5 tháng 8, 2010

Sau khi hay tin chung cu Eden bị tấn công, hai buổi tối liên tiếp tôi đã đi vài vòng quanh khu “tứ giác kim cương” này. Điều tôi nhìn thấy được là bốn bề chung cư vắng ngắt, tầng trệt, các tầng lầu tối om om. Hành lang chung cư ở tầng trệt có vài ngọn đèn neon dài 1,2m ánh sáng tù mù (do thắp sáng bằng bình sạc) dựng dọc lối đi. Phía ngoài mặt đường, lèo tèo vài ba người bày bán lèo tèo một số thiệp giấy, báo chí ngoại văn, nón, khăn… được chiếu sáng hàng hóa bởi những ngọn đèn bình sạc nhỏ của Trung Quốc.

Được biết, trước đây trong chung cư có đầy đủ điện, nước, internet, điện thoại, truyền hình cáp, và thang máy. Nhưng với tình trạng tối mò mò này thì liệu bên trong có còn những tiện nghi sinh hoạt tối thiểu đó hay không?

Bốn ngày sau, cũng vào buổi tối chạng vạng, đi vòng quan chung cư Eden, tôi vẫn chứng kiến cảnh chung cư vắng ngắt, lạnh lẽo ấy, nhưng thật bất ngờ khi một biểu ngữ màu xanh da trời thật to lại được căng lên ngạo nghễ trên tầng lầu chung cư như một niềm hy vọng mới, một sức sống mới, một tinh thần cương quyết, một ý chí bất khuất… của người dân Eden lại bừng lên mãnh liệt hơn.

Nguồn: http://www.nguoi-viet.com/absolutenm/anmviewer.asp?a=117435&z=1