"Hèn mà còn nhận ra mình là thằng hèn, là hèn tử tế. Hèn mà ngậm miệng ăn tiền là hèn nhơ bẩn.
Hèn mà ngậm máu phun người là hèn bất nhân. Hèn bán đất bán nước thì trời tru đất diệt"
(Phạm Chuyên)

Donnerstag, 17. November 2011

Ý nghĩa cuộc tranh đấu của Thái Hà

Xã luận bán nguyệt san Tự do Ngôn luận số 135 (15-11-2011)

Tổng Giám mục Phaolô Nguyễn Văn Bình, vị chức sắc từng cai quản Giáo phận Công giáo Sài Gòn, có lần sang Rôma trước năm 1975 và gặp được nhiều lãnh đạo của các Giáo hội bên Đông Âu Cộng sản. Nghe biết các vị ấy quyết tâm đòi lại đất đai cơ sở bị nhà cầm quyền tịch thu từ sau Đệ nhị Thế chiến, TGM Bình khi trở về Việt Nam, có nhận xét trước thuộc cấp rằng các lãnh đạo Đông Âu ấy xem ra thiếu tinh thần nghèo khó, tinh thần từ bỏ, khư khư ôm lấy của cải! Đến khi chính VN rơi vào tay CS và mọi Giáo phận đều bị nhà cầm quyền tước đoạt hàng ngàn cơ sở, hàng vạn mảnh đất, chẳng còn mấy tài sản để sinh hoạt đạo, bấy giờ TGM Bình mới thấm thía và cảm thông với các đồng nghiệp mà mình nay cùng ở sau bức màn sắt và cùng mang gông cùm sắt như họ. 
 
Vấn đề sở hữu và tranh chấp tài sản (đất đai, cơ sở) của cá nhân hay cộng đoàn với nhà nước trong các quốc gia CS không hề là vấn đề dân sự, hình sự, nhưng là vấn đề chính trị. Bởi lẽ việc quốc hữu hóa (đúng ra là đảng hữu hóa) đất đai và một số loại cơ sở dưới mỹ từ “toàn dân sở hữu, nhà nước quản lý” là một nguyên tắc cai trị chủ yếu, một đường lối chính trị cơ bản của CS. Có nắm mọi tài sản (đất thổ cư và đất trồng trọt, hay cơ sở như trường học, tòa báo, nhà in, nhà xuất bản, đài phát thanh, đài truyền hình...), nhà cầm quyền CS mới có thể nắm dạ dày và nắm tim óc, kiểm soát hành vi và kiểm soát tư tưởng của nhân dân, nhất là nhân dân trong các cộng đồng tôn giáo, để công cụ hóa tất cả (đặc biệt các lực lượng tinh thần) hầu duy trì ách thống trị dài lâu. Điều này, ngay nhiều chính khách ngoại quốc thuộc các nước dân chủ (thậm chí cả Vatican) đang làm việc tại hay liên hệ với VN có lúc cũng không nắm vững. Chẳng hạn Wikileaks mới đây cho biết tòa Đại sứ Hoa Kỳ và hồng y Bernard Law (người Mỹ) đã xem việc TGM Ngô Quang Kiệt cùng giáo dân Hà Nội đòi lại tòa Khâm sứ năm 2008 hay việc giáo xứ Đồng Chiêm trồng cây Thập giá trên Núi Thờ rồi Thập giá bị phá hủy năm 2009 chỉ là chuyện tranh chấp một miếng đất với nhà cầm quyền bản địa (nên đã không ủng hộ các chức sắc và giáo hữu trong hai vụ việc này).
 
Thành ra mới đây, khi Dòng Chúa Cứu Thế và Giáo xứ Thái Hà, Hà Nội, mạnh mẽ đòi lại các mảnh đất và cơ sở của mình, cụ thể là bệnh viện Đống Đa, qua Kiến nghị ngày 7-10-2011, yêu cầu Ủy ban Nhân dân thành UBNDquận ngưng thực hiện dự án xây dựng trạm xử lý nước thải Bệnh viện trên khu đất của Dòng bị lấn chiếm trái phép và giao trả tài sản cho Nhà thờ và Tu viện để sử dụng đúng vào mục đích tôn giáo; tiếp đó qua bảng chữ điện tử lắp đặt trên tầng 7 của tu viện vào ngày 26-10 mang nội dung: Yêu cầu nhà cầm quyền trả lại Tu viện đang mượn làm bệnh viện Đống Đa cho Dòng Chúa Cứu Thế Hà Nội và trả lại Hồ Ba Giang cho Giáo xứ Thái Hà”; rồi cuối cùng qua lá Đơn ngày 27-10-2011 gởi đến các UBND nói trên và Sở Y tế Hà Nội lẫn Bệnh viện Đống Đa để nhắc lại yêu cầu hoàn trả cho Dòng và Giáo xứ toàn bộ Tu viện. Khi làm như thế thì không hẳn là tranh chấp đất đai với nhà cầm quyền địa phương nhưng là khẳng định tự do tôn giáo, một tự do vốn bao hàm quyền có cơ sở để hoạt động (hoạt động tôn giáo, hoạt động truyền giáo và hoạt động xã hội). Bởi lẽ sự việc Nhà dòng và Giáo xứ, từ một diện tích 61.455m2 (được các tiền nhân dự liệu cho những hoạt động rộng lớn trong tương lai) bị nhà cầm quyền CSVN tước đoạt cách bất hợp pháp 58.755m2, chỉ còn trừa cho 2.700 vuông đất nhỏ xíu, là một hành vi đàn áp và tiêu diệt tôn giáo đúng nghĩa và thô bạo.
 
Ngoài ra, khi Dòng Chúa Cứu Thế và Giáo xứ Thái Hà yêu cầu trả lại các mảnh đất và cơ sở ấy (một việc vốn đã khởi sự cách mạnh mẽ từ đầu năm 2008 qua vụ công ty may Chiến Thắng), thì đó chính là đòi lại quyền tư hữu đất đai, là đánh vào nguyên tắc cai trị, đường lối chính trị hết sức bất công và phi lý của chế độ CS là “đảng hữu thổ địa”, theo đúng tinh thần của Hội đồng Giám mục Việt Nam trong Quan điểm ngày 25-09-2008. Quan điểm này có đề cập tới những bất cập (đúng ra là sai trái) của Luật đất đai hiện hành (do đảng ban ra) và yêu cầu sửa đổi nó ở một điểm rất cơ bản: “Việc sửa đổi [luật đất đai] cần phải quan tâm đến quyền tư hữu của người dân như Tuyên ngôn quốc tế của Liên hiệp quốc về Nhân quyền đã khẳng định: “Mọi người đều có quyền tư hữu riêng mình hay chung với người khác… và không ai có thể bị tước đoạt tài sản của mình cách độc đoán” (số 17). Vì thế, chúng tôi cho rằng thay vì chỉ giải quyết theo kiểu đối phó hoặc cá biệt, thì giới hữu trách phải tìm giải pháp triệt để hơn, tức là để người dân có quyền làm chủ tài sản, đất đai của họ, đồng thời người dân cũng phải ý thức trách nhiệm của mình đối với xã hội. Đòi hỏi này lại càng khẩn thiết hơn trong bối cảnh toàn cầu hóa ngày nay, khi Việt Nam ngày càng hội nhập sâu hơn vào nhịp sống chung của thế giới. Đây sẽ là tiền đề cho việc giải quyết tận gốc những vụ khiếu kiện về đất đai và tài sản của người dân…”. 
 
Hội đồng GMVN biết việc chuyển quyền sở hữu đất đai vào tay đảng CS là yếu huyệt cơ bản của chế độ, là nền tảng cho sự tồn tại của độc trị độc tài, là nguyên nhân chính gây ra bao nỗi bất công trong xã hội. Thành thử vị chủ tịch của Hội đồng, đang cai quản Tòa Giám mục Hà Nội, đã tức tốc khẳng định quyền sở hữu đất đai và quyền đấu tranh cho đất đai của Thái Hà qua Văn thư ngày 4-11-2011: “Tòa Tổng Giám mục Hà Nội luôn khẳng định và tôn trọng quyền Sở hữu của Dòng Chúa Cứu thế trên khu đất 61.455m2 tại 180 Nguyễn Lương Bằng, Đống Đa bao gồm cả cơ sở và các phần đất mà các cơ quan nhà nước đang sử dụng trên diện tích này”. Vị chức sắc cai quản Giáo phận Kontum là Giám mục Hoàng Đức Oanh, một chứng nhân nổi bật hiện thời cho sự thật và lẽ phải, cũng đồng cảm và đồng thuận với Thái Hà qua Văn thư tương tự ngày 5-11 tiếp đó.
 
Hơn nữa, khi tiến hành các việc kể trên, cũng như khi quyết tâm dùng sức mạnh tập thể lấy lại các phần đất thừa hưởng từ tổ tiên tiền bối từ đầu năm 2008 (chưa kể bao lần đưa văn thư trước đó), Dòng Chúa Cứu Thế và Giáo xứ Thái Hà đã thực sự đấu tranh cho công lý, cho lẽ phải. Bởi lẽ nguyên nhân chủ yếu gây ra bất công toàn diện trong xã hội Việt Nam hiện thời chính là việc người dân không có quyền tư hữu đất đai, và toàn dân không có quyền định đoạt về lãnh thổ, khiến đảng và nhà cầm quyền CS địa phương tự tung tự tác cướp đoạt công thổ và tư thổ để chia nhau hay bán cho ngoại kiều, rồi đảng và nhà cầm quyền CS trung ương tự ý tự tiện nhượng đất nhượng biển cho ngoại bang, nhất là lân bang Trung Cộng. Cuộc đấu tranh cho công lý này còn thể hiện qua việc giáo dân Thái Hà (dưới sự hướng dẫn của các linh mục DCCT) làm chứng cho sự thật và lẽ phải một cách kiên cường, dũng cảm trước tòa án Cộng sản trong phiên xử sơ thẩm ngày 08-12-2008 rồi trong phiên xử phúc thẩm ngày 27-03-2009. Ai mà quên được hình ảnh đoàn người (đặc biệt 8 bị cáo giáo dân) tay cầm lá vạn tuế đi từ Hà Nội về Hà Tây trong ngày phúc thẩm; những bài ca vừa bộc lộ ý chí bất khuất vừa chan chứa tình yêu không thù hận (như Kinh Hòa bình, Con đường nào Ngài đã đi qua…) vang lên trong sân tòa án; những lời đối đáp đầy khôn ngoan can đảm, sắc bén lý luận của các giáo dân vô tội trước hội đồng xét xử… Cuộc đấu tranh cho công lý ấy còn thường xuyên bày tỏ qua việc Thái Hà ngày càng trở nên tụ điểm của niềm tin và hy vọng, nơi giáo cũng như lương tụ tập hàng ngàn người để cầu nguyện và lên tiếng cho các dân oan bị cướp đất đoạt nhà, cho các thanh niên thiếu nữ bị bán làm lao nô hay tình nô, cho các chiến sĩ nhân quyền bị bắt bớ tù tội, cho các lãnh đạo tinh thần bị bách hại vì công lý, cho các vùng đất biển của Tổ quốc bị lấn chiếm bởi tay Trung Cộng… Tất cả đều nằm trong đường hướng mục vụ hiện tại của Dòng Chúa Cứu Thế Việt Nam, một đường hướng đã được trình bày nhiều lần bởi vị lãnh đạo của Dòng, linh mục Giám tỉnh Vinh-sơn Phạm Trung Thành, nhất là trong bức thư “Chúa Cứu Thế không chấp nhận sự dữ hoành hành” công bố ngày 18-07-2010: Chúng ta mừng lễ Chúa Cứu Thế khi ngay giữa trần thế đang ngổn ngang biết bao điều đau lòng, Giáo hội Việt Nam đang chòng chành trước sóng gió, thiên tai dồn dập, hạn hán, dịch bệnh, bão tố... Nhân tai gây bao điều đau khổ, ngập lụt, cướp của giết người, điện giật chết người, tai nạn giao thông, tham nhũng, nợ xấu (Vinashin), làm dâu bị đầy đọa và chết ở xứ người, phụ nữ trẻ em bị bán làm nô lệ tình dục, nạo phá thai phổ biến, oan khiên, khiếu kiện khiếu tố kéo dài,... Phần đông còn sống trong nghèo đói, bất công, bất an (thực phẩm, môi trường ô nhiễm),... Chúa Cứu Thế đã không chấp nhận tình trạng sự dữ hoành hành, Ngài ra tay ngăn chặn và chữa lành các vết thương cho nhân loại. Chúng ta cần mang sự rung cảm của Ngài trên bước đường sứ vụ, lấy ánh sáng chân lý đẩy lui bóng tối, lấy lời Chúa chữa lành vết đau và lấy tình thương của Chúa làm nội lực thăng tiến con người”. Cộng đoàn phía Nam của DCCT tại Sài Gòn, qua các cuộc thắp nến hiệp thông, các thánh lễ cầu nguyện, các bài giảng xoáy vào lẽ phải và lẽ thật ở Nhà thờ Kỳ Đồng cũng đang là chứng nhân và tác nhân cho công lý trên đất Việt. 
 
Và dĩ nhiên cái lực lượng tồn tại trên sự chà đạp công lý, quyền tư hữu, tự do tôn giáo (tức nhà cầm quyền Cộng sản Việt Nam tại Đống Đa, Hà Nội) không thể không phản ứng một cách điên cuồng, bất công, phi lý, vô luật đối với Thái Hà. Đó là lấy cớ xây dựng những công trình phục vụ quần chúng để cướp đoạt tài sản nhà dòng, là chĩa loa vào nhà thờ để áp đặt tư kiến và đầu độc công luận, là kết án cách tùy tiện và tuyên phạt cách bất công những hình thức bày tỏ ý kiến của giáo xứ, là chia rẽ tôn giáo và kích động căm thù giữa đồng bào bằng những luận điệu vu khống xuyên tạc, là thuê mướn đầu gấu côn đồ và dàn dựng “quần chúng tự phát” để hành hung hăm dọa, là dùng cả bộ máy tuyên truyền và dàn báo chí công cụ để biện minh cho hành động sai trái, là trả thù bằng sách nhiễu, thẩm vấn (mãi cho tới hôm nay) những giáo dân hay công dân can đảm lên tiếng bênh vực Thái Hà … 
 
Tất cả những hành vi ấy chỉ càng bộc lộ chính nghĩa cuộc đấu tranh của Thái Hà, càng thổi bùng ngọn lửa tranh đấu nơi cộng đoàn bất khuất này để khiến nó lan rộng toàn quốc, tạo nên cuộc đấu tranh toàn diện của toàn dân hầu giải thể chế độ toàn trị Cộng sản.
 
BAN BIÊN TẬP