Lữ Giang
Đài
RFI ngày 7.11.2011 đã tường thuật lại lời của Giáo Sư Ngô Vĩnh Long,
một người nghiên cứu về Biển Đông ở Đại Học Main, Hoa Kỳ, báo động về
việc Trung Quốc đang tung “học giả” đi tuyên truyền cho chủ quyền của họ
tại Biển Đông, đồng thời phản bác quan điểm của các nước khác, trong đó
có Việt Nam. Lập trường của họ tuy không có cơ sở, nhưng dễ bị ngộ nhận
là đúng nếu không có người phản biện. Ông cho biết trong cuộc hội thảo
với chủ đề “Hòa bình ở Châu Á – Thái Bình Dương” tại Đại Học Main trong hai ngày 21 và 22.10.2011 vừa qua, quy tụ nhiều
học giả đến từ các nước Á Châu, Trung Quốc đã đưa 4 nhân vật đến tham dự là bà Nghiêm Tuyển Kỳ, Phó chủ tịch Quốc hội Trung Quốc, ông Đinh Nhất Phàm, Phó giám đốc Viện Nghiên cứu Phát triển Toàn cầu và ông Từ Trấn Tuy, Tổng thư ký Quỹ Hòa bình và Phát triển của Trung Quốc. Người thứ tư là người giỏi nhất về Luật Biển của Trung Quốc, đó là ông Vương Hàn Lĩnh. Ông này được chính phủ Trung Quốc cử làm đại diện Trung Quốc trong Ủy Ban Công Ước LHQ về Luật Biển 1982 tại LHQ.
Theo Giáo Sư Long, các nhân vật này đã khẳng định 3 điều phi lý như sau:
1.- Việt Nam không có, hay là chưa có vùng kinh tế đặc biệt từ thềm lục địa trở ra;
2.-
Đường chữ U ra đời từ năm 1947, trong lúc Luật Biển của Liên Hiệp Quốc
(UNCLOS) chỉ mới có từ năm 1982, nên không thể áp dụng cho tranh chấp
Biển Đông;
3.- Việt Nam đã ký kết với Trung Quốc nguyên tắc chỉ giải quyết tranh chấp Biển Đông một cách song phương mà thôi.
Giáo
Sư Long cho biết ông đã đứng lên bác bỏ tất cả quan quan điểm sai trái
nói trên của Trung Quốc. Sau khi ông nói, nhiều người Mỹ đã nói với ông:
“Ồ, nếu mà không có anh, thì chúng tôi không hiểu vấn đề gì hết. Những
điều anh vừa nêu lên, về những việc mà Trung Quốc đã và đang làm trong
khu vực, làm chúng tôi rất là bối rối!”
Giáo
sư Ngô Vĩnh Long đã cảnh báo về chiến dịch tuyên truyền của Trung Quốc
về chủ quyền của họ ở Biển Đông, nhưng chúng tôi thấy đây không phải là
vấn đề quan trọng, vì các lập luận của Trung Quốc đưa ra đều đã bị các
chuyên gia quốc tế bác bỏ hết rồi. Có hai vấn đề quan trọng mà chúng ta
phải quan tâm: Vấn đề thứ nhất là có nhiều dấu
hiệu cho thấy Trung Quốc đang tăng cường sức mạnh để có thể làm chủ Biển
Đông như Hoa Kỳ đang dùng sức mạnh để làm chủ vùng dầu lửa Trung Đông
và Bắc Phi. Tại sao Hoa Kỳ làm được mà Trung Quốc
không có quyền làm? Vấn đề thứ hai là phản ứng của Hoa Kỳ và các nước ASEAN.
Người
Việt hải chống cộng thường gọi Hoa Kỳ là Anh Hai Chống Cộng và Anh Hai
Nhân Quyền, chuyện gì cũng đi mách Anh Hai. Nhưng Anh Hai còn đóng một
vai trò khác mà người Việt chống cộng không muốn nói ra, đó là Anh Hai
Bán Nước! Anh Hai không bán nước Mỹ mà bán nước của người khác vì quyền
lợi của nước Mỹ. Đây là vấn đề mà các nước Đông Nam Á đang quan tâm.
Vậy
trước hết, chúng tôi xin nói qua về những nguỵ luận của Trung Quốc và
những chuẩn bị của Trung Quốc để làm chủ Biển Đông, sau đó sẽ nói đến
thái độ của các nước ASEAN và Hoa Kỳ: Liệu rồi Trung Quốc có được dành
cho độc quyền một phần Biển Đông hay không?
CHUYỆN CHÀY CÃI CỐI
Tôi
thấy trong hai cuộc hội thảo ở Washington và Manila vừa qua, đại diện
của Trung Quốc đã không đưa ra những lý luận khờ khạo như Giáo Sư Ngô
Vĩnh Long đã nói, mà chơi trò “đánh lận con đen”. Nhưng thủ đoạn của họ
đã không lừa được ai.
1.- Cuộc hội thảo tại Washington
Trong
cuộc hội thảo tại Trung Tâm Nghiên Cứu Chiến Lược Quốc Tế ở Washington
từ ngày 20 đến 21.6.2011, đại diện của Trung Quốc là Giáo sư Su Hao, Phó
giám đốc Trung Tâm Nghiên Cứu Quốc Tế thuộc trường đại học ngoại giao
Trung Quốc, đã đưa ra hai căn cứ pháp lý để chứng minh quyền sở hữu Biển
Đông của Trung Quốc: Thứ nhất là dựa vào lý thuyết “quyền sở hữu lịch sử”
(historic title) được nói đến trong bản án ngày 18.12.1951 (Anh chống
Na Uy về vùng đánh cá) của Tòa Án Quốc Tế để chứng minh vùng nước nằm
trong vùng lưởi bò là
“vùng nước lịch sử”
(historic water) của Trung Quốc. Thứ hai là dựa vào một nguyên tắc ấn
định trong luật “Corpus Juris Civilis” của La Mã vào thế kỷ thứ 6, để
chứng minh Hoàng Sa và Trường Sa là của Trung Quốc. Luật này quy định
rằng “Một hải đảo nổi lên ở biển là vật vô chủ (nó không thuộc về ai) và vì thế nó trở thành tài sản của người chiếm hữu đầu tiên”. Nhưng hai căn cứ lý luận này đã bị các chuyên gia bác bỏ: Thứ nhất, Công Ước LHQ về Luật Biển năm 1982 không công nhận “vùng nước lịch sử” và “quyền sở hữu lịch
sử”. Thứ hai là Trung Quốc chỉ xác định chứ không chứng minh được “quyền sở hữu chấp hữu” (possession title) về các hoang đảo trên Biển Đông theo đúng điều kiện luật định, nên không có giá trị. Trung Quốc câm họng.
2.- Cuộc hội thảo tại Manila
Cuộc
hội thảo ngày 17.10.2011 tại Manila do Quỹ Hòa bình và Phát triển của
Philippines và Viện Nghiên cứu Đông Nam Á ở Singapore phối hợp tổ chức,
nhằm «làm sáng tỏ toàn bộ các vấn đề liên quan đến Biển Đông» và «giúp
các chính phủ đối thoại chính thức với nhau». Trong cuộc hội thảo này,
ông Trần Sỹ Cầu, Giáo sư tại Đại học Ngoại giao Trung Quốc, tiếp tục dựa vào quy tắc “hải đảo nổi lên ở biển” (Insula in mara nata) của luật La Mã xưa, chứng minh rằng Trung Quốc là nước đầu tiên khám phá ra vùng quần đảo
Trường Sa, đã đến cư trú và phát triển khu vực đó từ thế kỷ thứ 16, 17, nên «Trường Sa đã trở thành vùng lãnh thổ không thể tách rời của Trung Quốc từ thời đó".
Dĩ nhiên, quan điểm này cũng bị các chuyên gia bác bỏ như trong cuộc hội thảo tại Washington.
3.- Cuộc hội thảo tại Đại Học Main
Căn
cứ theo lời tường thuật của Giáo Sư Ngô Vĩnh Long đã dẫn trên, chúng ta
thấy các lập luận của Trung Quốc để chứng minh quyền sở hữu Biển Đông
của họ có thể bị bác bỏ một cách dễ dàng.
Thứ
nhất, Trung Quốc nói Việt Nam không có, hay là chưa có vùng kinh tế đặc
biệt từ thềm lục địa trở ra. Lập luận này hoàn toàn sai. Điều 57 của
Luật Biển quy định vùng đặc quyền kinh tế
(exclusive economic zone) của mỗi quốc gia là 200 hải lý tính từ đường
cơ sở. Việt Nam khi gia nhập Luật Biển đương nhiên được hưởng vùng đặc
quyền kinh tế 200 hải lý. Chỉ khi nào Việt Nam muốn nới rộng thềm lục
địa ra trên 200 hải lý mới phải trình LHQ chấp thuận. Tuy nhiên, nếu có
tranh chấp về thêm lục địa thì LHQ không giải quyết. Như vậy quyền có
một
vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý là quyền đương nhiên.
Thứ
hai, Trung Quốc nói đường chữ U ra đời từ năm 1947, trong lúc Luật Biển
của Liên Hiệp Quốc (UNCLOS) chỉ mới có từ năm 1982, nên không thể áp
dụng cho tranh chấp Biển Đông. Đây là một hình thức ngụy biện. Trên
nguyên tắc, các nước trên thế giới khi gia nhập Công Ước LHQ về Luật
Biển năm 1982 thì phải áp dụng công ước này. Những quy định trước đó
trái với Công Ước đều phải điều chỉnh lại cho đúng với Công Ước. Trung
Quốc đã ký vào Công Ước LHQ ngày 10.12.1982 và phê chuẩn Công Ước ngày
7.6.1996, nên kể từ ngày đó phải tuân theo Công Ước LHQ và được hưởng
những quyền lợi do Công Ước quy định như lãnh hải 12 hải lý, vùng
đặc quyền kinh tế 200 hải lý, thềm lục địa, v.v. Trung Quốc cũng đã
dùng Công Ước LHQ để yêu cầu Việt Nam phân chia lại Vịnh Bắc Bộ theo
Công Ước này, vì Công Ước ký với Pháp ngày 26.6.1887 bất lợi cho Trung
Quốc. Việt Nam đã phê chuẩn Công Ước LHQ vào ngày 25.7.1994 nên cũng đã
chấp nhận phân chia lại Vịnh Bắc Bộ với Trung Quốc theo Công Ước LHQ.
Trung Quốc không thể thi hành những khoản của Công Ước có lợi cho Trung Quốc và từ chối thi hành những điều khoản bất lợi.
Thứ
ba, Trung Quốc cho rằng Việt Nam đã ký kết với Trung Quốc nguyên tắc
chỉ giải quyết tranh chấp Biển Đông một cách song phương mà thôi.
Thỏa ước ngày 11.10.2011 giữa Trung Quốc và Việt Nam có quy định:
“Căn
cứ chế độ pháp lý và nguyên tắc được xác định bởi luật pháp quốc tế
trong đó có Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982, nỗ lực tìm
kiếm giải pháp cơ bản và lâu dài mà hai bên đều có thể chấp nhận được
cho các vấn đề tranh chấp trên Biển.”
Như
vậy, dù giải quyết song phương hay đa phương, Trung Quốc vẫn phải tôn
trọng luật pháp quốc tế, trong đó có Công Ước LHQ về Luật Biển năm 1982
mà hai bên đã phê chuẩn.
Dĩ
nhiên khi đưa ra những lời tuyên bố nói trên, các đại diện của Trung
Quốc thừa biết họ chỉ “cãi chày cãi cối” hay ngụy biện và sẽ không được
chấp nhận, nhưng họ vẫn nói. Tại sao?
TRUNG QUỐC MUỐN GÌ?
Mọi
người đều biết trước khi Mỹ và các nước NATO mở cuộc tấn công vào
Libya, Trung Quốc đã ký hợp đồng khai thác dầu lửa và xây dựng các cơ sở
hạ tầng cho Libya. Trung Quốc đã đưa vào Libya nhiều công ty và khoảng
30.000 chuyên viên và nhân công. Thế nhưng hôm 17.3.2011, khi HĐBA LHQ
thông qua Nghị quyết 1973 thiết lập vùng cấm bay và cho phép sử dụng vũ
lực đối với chính quyền của Gaddafi, Trung Quốc đã bỏ phiếu trắng, mặc
dầu Trung Quốc có quyền phủ quyết. Sau đó, Trung Quốc đã cho rút nhanh
các công ty, các chuyên viên và nhân công của họ ra khỏi Libya.
Đối
với Syria, Trung Quốc lại hành động khác, mặc dầu ở Syria Trung Quốc
chưa có quyền lợi gì cả. Ngày 4.10.2011, Trung Quốc và Nga đã dùng quyền
phủ quyết để bác bỏ Nghị quyết của HĐBA LHQ “lên án những vi phạm nhân quyền nghiêm trọng có tính hệ thống của chính quyền Syria”. Ông Li Baodong, Đại sứ Trung Quốc tại LHQ nói: “Cộng đồng quốc tế nên tôn trọng một cách đầy đủ chủ quyền, độc lập và sự toàn vẹn lãnh thổ của Syria”.
Vì thái độ nghịch lý nói trên, nhiều người nghi ngờ đã
có sự đổi chác giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc về các vùng mà Hoa Kỳ và Trung
Quốc được độc quyền chiếm đóng để bảo vệ quyền lợi của họ,
nên Trung Quốc mới để yên cho Mỹ hành động ở Libya. Sự chuẩn bị lực
lượng và thái độ ngược ngạo của Trung Quốc trong thời gian gần đây khiến
nhiều người tin rằng Trung Quốc đang chuẩn bị để làm chủ Biển Đông.
PHẢN ỨNG CỦA MỘT SỐ NƯỚC ASEAN
Trước sự chuẩn bị và thái độ ngang ngược của Trung Quốc, một số nước ASEAN hình như đã “ngửi” được chuyện gì sắp xẩy ra.
Ngày 13.11.2011, nhiều website đã lặp lại một bản tin đã được các báo trong nước phổ biến vào tháng 6 vừa qua nói rằng nếu chiến tranh xẩy ra ở Biển Đông, Đài Loan sẽ đứng về phía Trung Quốc.
Bản tin nhắc lại lời tuyên bố của Thiếu tướng Doãn Thịnh Tiên, người
đứng đầu hải quân Đài Loan tại khu vực Thái Bình Dương, trong một cuộc
phỏng vấn: “Nếu xảy ra xung đột bằng quân sự
giữa Trung Quốc đại lục và Philippines thì quân đội Đài Loan đóng ở
Thái Bình Dương sẽ ra tay trợ giúp quân đội của Trung Quốc đại
lục”. Theo ý kiến của ông, trong hoàn cảnh đặc biệt như
vậy, quân đội của Trung Quốc và Đài Loan nên hợp thành một “liên minh
quân sự”.
Bản tin RFA ngày 28.10.2011 do phóng viên Thanh Trúc từ Bangkok cho biết trong một bài xã luận dưới tựa đề “Thân cận với Mỹ mà không chọc giận Trung Quốc”, đăng trên nhật báo Anh ngữ Bangkok Post phát hành tại Thái Lan, Giáo sư Amitav Acharya, Chủ tịch Trung Tâm Nghiên Cứu Châu Á, phân khoa Quan Hệ Quốc Tế thuộc American University ở Hoa Kỳ, cho rằng có thể nói một cách rõ ràng Hoa Kỳ và Trung
Quốc đang là hai yếu tố quyết định tương lai của khu vực Châu Á Thái Bình Dương.
Theo giáo sư Amitav Acharya, từ trước đến nay ASEAN có vẻ yên ổn và hài lòng trong quan hệ với cả Hoa Kỳ lẫn Trung Quốc. Thế nhưng từ lúc Trung Quốc khởi sự thái độ hay cung cách gọi là “hành xử nước lớn” hai
năm nay trên vùng biển mà Bắc Kinh gọi là Nam Trung Hoa, các quốc gia
ASEAN không ít thì nhiều phải tự đặt lại vấn đề về tương quan của mình
với nước láng giềng khổng lồ này. Ông đặt câu hỏi: “Sự thân thiện mà Hoa Kỳ muốn chứng tỏ đối với ASEAN liệu có phải là câu trả lời hay
giải pháp dài hạn để giải quyết thái độ nước lớn của Trung Quốc đối với tổ chức này không?”
Ông
cho biết ông K. Shanmugham, Ngoại trưởng Singapore, cho rằng khi hành
pháp Obama đề cao chính sách gọi là thân thiện trở lại vùng Đông Nam Á,
thì Washington cũng phải chứng minh được tầm quan trọng khi gắn bó với
khu vực, Mỹ nên can thiệp vào Đông Nam Á bằng tinh thần trách nhiệm, bằng chủ trương rõ ràng và minh bạch. Ông khẳng định rằng nếu
thiếu những điều kiện đó, Hoa Kỳ đừng trách các nước trong khu vực phải
tự tính toán lấy số phận của họ, nghĩa là ngã sang Trung Quốc để tìm sự
yên thân.
Còn
ông Marty Netalegawa, Ngoại trưởng của Indonesia, nói rằng ASEAN tuyệt
đối phải biết dung hòa, nghĩa là đừng tỏ vẻ cầu cạnh Mỹ quá đáng bởi
điều này sẽ củng cố thêm nỗ lực tuyên truyền chỉ trích lâu nay từ phía
Bắc Kinh rằng Hoa Kỳ là một thế lực ngoại bang không thể can thiệp vào
nội tình biển Nam Trung Hoa được.
Ông cho rằng Hàng Không Mẫu Hạm đầu tiên của Trung Quốc mua lại của Liên Xô cũ, đang neo đậu tại cảng Đại Liên, không
nằm trong việc mời gọi Hoa Kỳ giúp cân bằng thế lực quân sự với Trung
Quốc mà là tìm cách phát triển cùng nới rộng mối quan hệ với cả Hoa Kỳ
lẫn Trung Quốc.
Theo
giáo sư Amitav Acharya, đó là những nguyên tắc trọng yếu hầu duy trì tư
thế mà Indonesia gọi là trạng thái quân bình hữu hiệu giữa các cường
quốc thế giới tại khu vực Châu Á Thái Bình Dương.
Giáo
sư Acharya nói rằng Hoa Kỳ cần nghe ngóng thật cẩn trọng bởi đang có sự
suy nghĩ khác nhau về vai trò của Mỹ trong việc bắt tay với ASEAN, cũng
như đang có những quan điểm khác biệt giữa các thành viên chủ chốt của ASEAN về phương cách ứng xử của Hoa Kỳ trong khu vực.
Giáo sư Acharya khuyến cáo ASEAN cũng cần phải thận trọng khi tìm kiếm hậu thuẩn của Hoa Kỳ đến mức độ nào.
ĐƯỜNG LỐI CỦA MỸ?
Trong
thời gian gần đây, để làm an lòng Philippines và các nước ASEAN, Hoa Kỹ
thường nói lên vai trò quan trọng của Hoa Kỳ ở Đông Nam Á và Biển Đông.
Tạp chí Foreign Policy tháng 11 đã đăng một bài của bà Ngoại trưởng Hoa
Kỳ Hillary Clinton với tựa đề: “Thế Kỷ Thái Bình Dương của Hoa Kỳ” (America’s Pacific Century) nói về chính sách đối ngoại của Hoa Kỳ tại khu vực Á Châu Thái Bình Dương. Bà xác định: “Khu vực Á Châu Thái Bình Dương đã trở thành một động lực chính của nền chính trị toàn cầu... Cũng giống như Á Châu rất
quan trọng cho tương lai nước Mỹ, sự tham dự của Hoa Kỳ rất quan trọng cho tương lai Á Châu.” Riêng với Trung Quốc, bà cho rằng sự hợp tác giữa hai nước sẽ có lợi hơn là xung đột.
Trong
cuộc gặp gỡ bán chính thức ngày 23.10.2011 với các đại diện ASEAN tại
Bali, Indonesia, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Leon Panetta, cũng chỉ xác định
lại hai nguyên tắc căn bản mà Mỹ đã nhắc đi nhắc lại nhiều lần. Nguyên
tắc thứ nhất là bảo đảm vùng biển quốc tế ở Biển Đông: “Tự do hàng hải, hàng không, tự do phát triển kinh tế và thương mại...” Nguyên tắc thứ hai là về chủ quyền trên Biển Đông: Mỹ «không bênh vực bên nào», chỉ đòi hỏi giải quyết xung khắc bằng thái độ ôn hòa, theo công pháp quốc tế và Luật biển
của Liên Hiệp Quốc. Về hải lộ và không lộ quốc tế trên
Biển Đông, Trung Quốc không dại gì gây trở ngại. Về chủ quyền trên Biển
Đông, Trung Quốc không có nói nước đôi theo kiểu Mỹ. Hôm 25.10.2011, tờ
Thời báo Hoàn Cầu của Trung Quốc đã cảnh cáo đích danh Việt Nam và một số nước có tuyên bố chủ quyền trên Biển Đông rằng các quốc gia này “cần chuẩn bị tâm lý để nghe tiếng đại bác” nếu như vẫn tiếp tục đối chọi với Trung Quốc.
Các
nhà phân tích cho rằng Mỹ và Đài Loan khó bỏ được Trung Quốc vì đó là
một thị trường quá lớn. Trong vòng 15 hay 20 năm nữa, Mỹ khó tìm được
một thị trường tương tự để thay thế. Vì thế, Ngoại trưởng Clinton đã
nhận định rằng sự hợp tác giữa hai nước sẽ có lợi hơn là xung đột.
THẾ KẸT CỦA VIỆT NAM
Ít ai tin rằng 10 nước trong khối ASEAN sẽ đứng lại với nhau để bảo vệ nhau. Hiện nay, Cambodia, Lào và Miến Điện đã đứng hẵn về phía Trung Quốc. Trong 7 nước còn lại, hai nước đang có tranh chấp với Trung Quốc và Việt Nam và Philippines.
Trong
cuộc hội thảo quốc tế về an ninh Biển Đông tại Hà Nội hôm 4.11.2011,
ông Đặng Đình Quý, Giám đốc Học viện Ngoại giao Việt Nam, cảnh báo rằng
những căng thẳng vẫn còn tồn tại trên Biển Đông có nguy cơ sẽ trở thành những cuộc xung đột toàn diện nếu các bên liên quan không kiềm chế và tôn trọng những qui tắc cơ bản của luật quốc tế.
Vì Mỹ chủ trương sự hợp tác giữa Trung Quốc và Mỹ có lợi hơn xung đột, nhiều người tin rằng sẽ không có cuộc xung đột toàn diện hay chiến tranh quân sự giữa Mỹ và Trung Quốc trên Biển Đông, nhưng
biên giới của Biển Đông có thể sẽ được tách ra xa khỏi Việt Nam, chỉ
còn vùng bao quanh 5 nước không có tranh chấp với Trung Quốc là
Indonesia, Singapore, Thái Lan, Malaysia và Brunei, và Việt Nam sẽ phải
chịu áp lực nằng nề của Trung Quốc. Đó là vấn đề đáng quan tâm.
Ngày 8.11.2011
Lữ Giang