Lữ Giang
Nhân Dân Nhật báo của Trung Quốc ngày 28.9.2011 đã đưa ra lời cảnh cáo:
“Các nước Á Châu nên cảnh giác với sự nguy hiểm của cảm tưởng họ thấy rằng họ có thể ‘làm bất cứ cái gì họ muốn’ vì có sự hiện diện quân sự của Hoa Kỳ ở khu vực.”
Bài báo viết tiếp:
“Á
Châu vẫn là đất màu mỡ cho tâm lý chiến tranh lạnh. Á Châu đang tiến về
phía trước và sẽ không bao giờ trở lại thời kỳ chiến tranh lạnh và Trung Quốc phải đóng một vai trò quan trọng về sự an ninh của Á Châu trong tương lai.”
Các
nước ASEAN, trong đó có Việt Nam, đều hiểu rằng đó không phải là một
lời cảnh cáo suông. Hành động của Trung Quốc sẽ như thế nào, chúng ta
chưa thể lường được.
Trên
đây là thái độ của một con hổ đói đang đưa nanh vuốt ra để kiếm sống.
Một câu hỏi lớn được đặt ra là tại sao khi đang đưa cánh tay dài ra vơ
vét tài nguyên ở Trung Đông, ở Châu Mỹ Latin, ở Phi Châu..., Trung Quốc
lại nhất quyết phải nắm được Biển Đông bằng mọi giá? Các nước ASEAN,
nhất là Việt Nam, và Hoa Kỳ sẽ phải ứng phó như thế nào?
CON HỔ ĐÓI TRUNG QUỐC
Trong
hiện tại và trong giai đoạn sắp đến, Trung Quốc sẽ phải đối phó với
nhiều vấn đề nghiêm trọng. Nghiêm trọng không phải chỉ vì dân số đất
nước này đã tăng lên gần 1,3 tỷ người, mà còn vì từ năm 1980, Trung Quốc
đã trở thành một nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất thế giới.
Năm
năm về trước, GDP của Trung Quốc chỉ mới 2.300 tỷ USD, tức chỉ bằng nửa
của Nhật, nhưng trong vài năm qua, Trung Quốc đã lần lượt vượt qua Anh,
Pháp và Đức, bây giờ đã vượt qua cả Nhật Bản, trở thành nền kinh tế thứ
nhất ở Á Châu và thứ hai thế giới, chỉ sau Mỹ. Theo dự tính, năm 2040,
Trung Quốc sẽ đứng ngang hàng với Mỹ (với GDP khoảng 14.000 tỷ USD).
Trước
sự tăng nhanh của dân số và nền kinh tế, Trung Quốc phải đối phó với
nhiều vấn đề nghiêm trọng, trước tiên là vấn đề lương thực, rối đến vấn
đề năng lượng, vấn đề nguyên liệu... Chúng tôi chỉ nêu lên một số vấn đề
chính.
NHỮNG VẤN ĐỀ NGHIÊM TRỌNG
Về lương thực,
từ năm 1997, một nhóm các khoa học gia đã ước tính đến năm 2025, Trung
Quốc sẽ phải nhập 175 triệu tấn lương thực mỗi năm, và đến năm 2030, con
số này lên tới 200 triệu, tức bằng toàn bộ số lương thực xuất khẩu hiện
nay của cả thế giới. Trung Quốc thấy trước vấn đề nên đã lập ra những
kế hoạch có thể giúp thu đủ số lương thực cần dùng, nhưng không kéo dài
được lâu, vì vấn đề môi trường. Trung Quốc đang thực hiện kế hoạch tạo
dựng nguồn lương thực tại một số nước ở Mỹ Châu Latin và Phi Châu.
Vấn đề thứ hai nghiêm trọng hơn, đó là vấn đề năng lượng.
Theo thống kê thường niên về năng lượng thế giới của tập đoàn dầu mỏ BP
được công bố ngày 8.6.2011, Trung Quốc đã chính thức vượt Mỹ trở thành
nước tiêu thụ năng lượng lớn nhất thế giới. Tổng số lượng tiêu thụ năng
lượng của Trung Quốc tăng hơn 11,2% so với năm 2009.
Về
dầu lửa, Trung Quốc chiếm 20,3% tổng số nhu cầu dầu lửa toàn cầu, vượt
qua Mỹ với tỷ lệ 19%. Năm 2010, lượng dầu thô sử dụng thực tế của Trung
Quốc là 439 triệu tấn, tăng 13,1%.
Cục
tình báo năng lượng Mỹ (EIA) cho biết Trung Đông cung ứng khoảng 2,9
triệu thùng mỗi ngày cho Trung Quốc, chiếm hơn một nửa tổng số lượng
nhập khẩu dầu của Trung Quốc, trong đó lượng cung ứng của Saudi Arabia
đạt xấp xỉ 1,1 triệu thùng mỗi ngày. Bộ Quốc phòng Mỹ dự đoán lượng dầu
Trung Quốc phải nhập khẩu sẽ tiếp tục tăng cao, có thể chiếm 2/3 nhu cầu
vào năm 2015 và 4/5 vào năm 2030. Nếu xung đột xảy ra giữa Mỹ, phương
Tây và Iran, Trung Quốc sẽ phải đối mặt với một thách thức lớn vì các
nguồn cung cấp dầu lửa từ vùng Vịnh phải qua eo biển Hormuz.
HỔ ĐÓI ĐI KIẾM ĂN
Tính
đến năm 2008, Trung Quốc đã có 12.000 dự án đầu tư chính thức ở hơn 180
quốc gia và vùng lãnh thổ. Thương vụ mới nhất là PetroChina của Trung
Quốc đã ký mua 60% cổ phần của công ty Athabasca của Canada với giá 1,7
tỷ USD để khai thác bitum (nhựa đường). Ngày 18.7.2011, PetroChina mua
lại một lượng khí đốt thiên nhiên khổng lồ từ Úc với khoảng 2,25 triệu
tấn mỗi năm và kéo dài 20 năm. Trước đó, PetroChina đồng ý mua 45,51% cổ
phần của Công ty dầu mỏ Singapore (SPC) với giá hơn 1 tỷ USD.
1.- Tiến vào Nam Mỹ
Kề
từ năm 2010, Trung Quốc đã trở thành nhà đầu tư quan trọng hàng đầu tại
một số nước trong khu vực Mỹ Châu Latin, đặc biệt là Brazil, Argentina,
Venezuela và Peru. Trung Quốc đã ký hợp đồng 3 tỷ USA khai thác mỏ dầu
khí Peregino và 3,3 tỷ USD xây dựng tổ hợp luyện kim ở Brazil, mua lại
50% công ty dầu khí Bridas của Argentina. Công ty Chinalco ký hợp đồng
2,2 tỷ USD khai thác mỏ đồng Toromocho ở Peru, v.v. Chỉ riêng về dầu khí
Trung Quốc đã đầu tư tới 15 tỷ USD vào các nước Mỹ Châu Latin trong năm
qua,
Venezuela
đã tăng lượng cung dầu thô cho Trung Quốc từ 350 nghìn thùng/ngày lên
800 nghìn thùng/ngày kể từ năm 2008. Trung Quốc cam kết đầu tư 16 tỷ đô
la trong vòng ba năm để khai thác dầu lửa ở khu vực Orénoque. Trung
Quốc sẽ khai thác dầu ở lưu vực sông Orinoco của Venezuela và hai nước
cùng phát triển khu vực dầu khí ở Zumano.
Ngoài
ra, Quỹ đầu tư chung 9 tỷ USD giữa Venezuela và Trung Quốc đang tài trợ
85 dự án phát triển tại Venezuela, từ các nhà máy điện nhỏ tới các dự
án hóa dầu, xây dựng hệ thống đường sắt, đường cao tốc và nhà ở.
2.- Tiến vào Phi Châu
Từ
lâu, Phi Châu vốn được coi là vùng “hoang địa”, nơi đó nghèo đói, lười
biếng, bệnh hoạn... lan tràn, nên gần như đã bị Hoa Kỳ và các nước Tây
phương bỏ rơi. Nhưng Trung Quốc lại nhìn về Phi Châu với cái nhìn khác.
Theo
số liệu Trung Quốc công bố, Trung Quốc hiện là đối tác thương mại hai
chiều lớn nhất của Phi Châu đạt tới 114 tỷ USD. Theo dự báo của Ngân
hàng Standard, đầu tư của Trung Quốc vào lục địa Phi Châu trong thời
gian từ 2009 đến 2015 có khả năng tăng tới 70%, lên 50 tỷ USD. Kim ngạch
buôn bán hai chiều giữa Trung Quốc và Châu Phi đến năm 2015 có thể vọt
lên mức 300 tỷ USD. Phi Châu đã trở thành thị trường mới cho hàng xuất
khẩu của Trung Quốc.
Công
ty CNOOC của Trung Quốc cũng đã đạt được thỏa ước khoan thăm dò dầu khí
ở Kenya, và ký với Nigeria, nước sản xuất dầu mỏ lớn nhất ở Phi Châu,
một thoả ước về phát triển kinh tế.
Từ
tháng 9/2009, Trung Quốc đã đầu tư 450 triệu USD để thành lập hai đặc
khu kinh tế tại Chambuchi và Lusaka ở Zambia. Tương tự, Trung Quốc đã
thiết lập các đặc khu kinh tế ở 3 nước khác là Nigeria, Ethiopia và Ai
Cập. Tại Nigeria, Trung Quốc lên kế hoạch đầu tư 500 triệu USD vào hai
đặc khu kinh tế chủ yếu để chế tạo máy và khai thác khoáng sản.
MÔ THỨC ĐƯỢC ƯA THÍCH
Tờ
Wall Street Journal ngày 7.9.2011 tố cáo đầu tư và viện trợ của Trung
Quốc tại Phi Châu nhằm mục đích bòn rút nguồn tài nguyên thiên nhiên ở
đây và chiếm cảm tình của tầng lớp lãnh đạo và trung lưu ở châu lục này.
Nhưng nếu so với Mỹ, Trung Quốc xem ra đang được chào đón nồng nhiệt
hơn tại Phi Châu. Từ Nam Phi đến Ethiopia, mô hình phát triển của Trung
Quốc rất được các nhà lãnh đạo Phi Châu ưa chuộng, vì nó dựa trên sự tăng trưởng có sự chỉ đạo của Nhà nước và quản lý chặt chẽ về chính trị. Nó hoàn toàn khác với mô hình của Mỹ là dùng chiêu bài “dân chủ và nhân quyền” để lật đổ những nhà lãnh đạo không đi theo đường lối của Mỹ và thay thế bằng những tay sai của Mỹ. Tổng thống Robert Mugabe của Zimbabwe đã ca ngợi mô hình phát triển kinh tế của Trung Quốc là "đất nước bạn có thể thành công mà không cần phải đi theo mô hình phương Tây".
Theo
một bản báo cáo của Wahington Post, Trung Quốc đang nắm "quyền sinh
sát" đối với nền kinh tế Phi Châu. Các dự án đầu tư của Trung Quốc tại
đây, đa phần là khai thác khoáng sản, sử dụng các công nghệ thô sơ và
lạc hậu so với thế giới, nhưng vẫn là quá tốt đối với Phi Châu.
Sau
nhiều sự chỉ trích của Tây Phương, các công ty Trung Quốc không chỉ
quan tâm tới tài nguyên thiên nhiên của Phi Châu mà ngày càng tích cực
hơn trong việc giúp Phi Châu xây dựng các cơ sở hạ tầng như đường sá,
cầu cảng và nhà máy điện. Dấu ấn Trung Quốc hiện lên ngay tại một công
trình bệnh viện được khánh thành tại thủ đô Kinshasa của Congo và Trung
Quốc cũng đã hoàn thành quảng trường cũng như đại lộ phía trước tòa nhà
Quốc hội Congo. Tại Kenya, Trung Quốc đang thực hiện một dự án đường cao
tốc với trị giá 330 triệu USD với nguồn vốn vay từ Ngân hàng Phát triển
Phi Châu. Trung Quốc thậm chí còn xây cả tòa nhà Quốc hội cho Malawi,
các nhà thờ cho các giáo hội Công Giáo... Ngày nay, Trung Quốc đã áp
dụng phương thức "đổi tài nguyên lấy cơ sở hạ tầng”. Phi Châu xem ra hài lòng với phương thức này.
QUAY TRỞ LẠI BIỂN ĐÔNG
Như chúng tôi đã nói trong bài “Chuyện gì sẽ xẩy ra?”,
hôm 17.3.2011, khi HĐBA LHQ thông qua Nghị quyết 1973 thiết lập vùng
cấm bay và cho phép sử dụng vũ lực đối với chính quyền của Gaddafi,
Trung Quốc đã bỏ phiếu trắng, mặc dầu Trung Quốc có quyền phủ quyết. Sau
đó, Trung Quốc đã cho rút nhanh các công ty, các chuyên viên và nhân
công của họ ra khỏi Libya. Nhưng ngày 4.10.2011, khi HĐBA LHQ đưa ra
nghị quyết “lên án những vi phạm nhân quyền nghiêm trọng” ở Syria, Trung
Quốc đã phủ quyết, mặc dầu Trung Quốc chưa có quyền lợi gì ở đó. Vì
thái độ nghịch lý này, nhiều người nghi ngờ đã
có sự đổi chác giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc về các vùng mà mỗi bên có quyền
hành động vì quyền lợi của mình.
1.- Nguồn cung cấp dầu lửa bất an
Sự
thiệt hại của Trung Quốc ở Libya khi chiến cuộc xẩy ra không phải là
nhỏ. Ông Diêu Kiếm, phát ngôn viên của Bộ Thương mại Trung Quốc cho biết
cuộc chiến đã gây thiệt hại lớn cho 50 dự án lớn của 75 xí nghiệp Trung
Quốc ở Libya mà tổng số giá trị lên đến 18,8 tỉ USD. Ngoài ra, trao đổi
thương mại giữa Tripoli và Bắc Kinh năm 2010 đã lên đến 6,7 tỉ USD. Tờ
Minh Báo xuất bản tại Hongkong thẩm định: "Không phải Trung Quốc cần Libya, nhưng ngược lại".
Tripoli hiện lệ thuộc đến 90% vào hàng hóa nhập khẩu, và Trung Quốc đã
xuất khẩu qua Libya đủ thứ thượng vàng hạ cám, từ xe hơi cho đến máy rửa
chén, các mặt hàng điện tử hay các loại đồ chơi...
Ngày
13.9.2011, phát ngôn viên của Bộ Ngoại Giao Trung Quốc cho biết Hội
đồng Quốc gia Chuyển tiếp Libya đã xác nhận rằng mọi thỏa thuận ký kết
giữa chế độ Gaddafi và Trung Quốc vẫn còn có giá trị. Nhưng Trung Quốc
vẫn thấy tình hình ở Trung Đông và Bắc Phi đang ở trong tình trạng bất
ổn, bất cứ lúc nào cũng có thể gây trở ngại cho việc cung cấp dầu lửa
cho Trung Quốc. Tình hình ở Mỹ Châu Latin và Phi Châu cũng không có gì
bảo đảo, nên Trung Quốc phải quyết tâm chiếm đoạt nguồn dầu lửa tại Biển
Đông.
2.- Trử lượng dầu khí ở Biển Đông
Bộ
Tài nguyên và Địa chất Trung Quốc ước tính trữ lượng dầu mỏ ở Biển Đông
là khoảng 17,7 tỷ thùng. Nhưng các chuyên gia tin rằng ở Biển Đông có
trử lượng dầu mỏ khoảng 7,7 tỷ thùng và trữ lượng khí đốt khoảng 266
nghìn tỷ feet khối.
Giả
thiết sự tính toán của các chuyên gia đúng, trử lượng dầu lửa ở Biển
Đông cũng đã cao hơn trử lượng của Nga, Libya hay Nigeria.
Chính
phủ Trung Quốc đã quyết định từ nay đến năm 2020 phải triển khai các dự
án thăm dò và khai thác năng lượng ở Biển Đông với trị giá 30 tỷ USD.
Giàn khoan 981 chính thức hoạt động vào tháng 8, có thể hoạt động ở độ
sâu tối đa 3.000 mét và độ sâu giếng khoan tối đa 12.000 mét. Đó là loại
giàn khoan cấp “siêu sâu” do Trung Quốc sản xuất.
CHIẾM BIỂN ĐÔNG BẰNG MỌI GIÁ
Để
khỏi phụ thuộc quá nặng vào nguồn dầu lửa nhập khẩu, giới hoạch định
chính sách Trung Quốc đã quyết định phải chiếm Biển Đông bằng mọi giá.
Lúc
đầu, Trung Quốc dựa vào hai lý thuyết trong quốc tế công pháp cũ để xác
định vùng trong lưỡi bò và hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa là của
Trung Quốc, đó là lý thuyết “vùng nước lịch sử” (historic water) và lý thuyết “hải đảo nổi lên ở biển”
(Insula in mara nata). Nhưng cả hai lý thuyết này đã bị bác bỏ, vì
không được quốc tế công pháp ngày nay và Luật Biển LHQ 1982 công nhận.
Vã lại, Trung Quốc cũng không chứng minh được “quyền sở hữu chấp hữu” (possession title) của Trung Quốc ở Biển Đông.
Bị
thua trên phương diện pháp lý, Trung Quốc quyết định dùng sức mạnh. Mỹ
và các cường quốc Tây phương có thể dùng sức mạnh để nắm chủ quyền ở
Trung Đông và Bắc Phi, tại sao Trung Quốc lại không thể làm như vậy ở
Biển Đông?
Chuyên gia phân tích quốc phòng Dean Cheng thuộc tổ chức Heritage Foundation ở Washington đã có nhận định:
"Dường
như Trung Quốc đang triệt để can dự vào chuyện thúc đẩy để nhận toàn bộ
chủ quyền trên vùng này và họ có vẻ như chẳng thèm để ý xem họ đang dẫm
chân lên những ai."
Trên tờ Nhân Dân Nhật Báo ngày 4.8.2011, nhà bình luận Zhong Sheng đã nói rõ:
“Vài
quốc gia sẽ trả giá vì đánh giá sai về chủ quyền lãnh thổ Trung Quốc...
Bất kỳ quốc gia nào có đánh giá sai lầm chiến lược nghiêm trọng về vấn
đề này chắc chắn sẽ phải trả giá cao.”
Ngoại
trưởng Trung Quốc Dương Khiết-Trì đã đưa ra lời cảnh cáo Ngoại trưởng
Hoa Kỳ Hillary Clinton trong buổi họp song phương trước khi Diễn đàn An
Ninh cấp Vùng của khối ASEAN chính thức họp tại Bali, Indonesia. Ông ta
nói rằng việc Trung Quốc tuyên bố chủ quyền tại biển Đông hay bất kỳ nơi nào khác đều không phải là công việc của Hoa Kỳ. Điều cần lưu ý là đến nay Hoa Kỳ vẫn chưa phê chuẩn Công Ước LHQ về Luật Biển 1982.
CHIẾN DỊCH BAO VÂY TRUNG QUỐC?
Như
chúng tôi đã nói, trong khối ASEAN, có ba nước đã đứng hẵn về phía
Trung Quốc là Lào, Cambodia và Miến Điện. Còn hai nước Indonesia và
Singapore đã nói rõ lập trường của họ là thân cận với Mỹ mà không chọc
giận Trung Quốc.
Hai
nước đang bấn xúc xích là Việt Nam và Philippines. Việt Nam đang đi cầu
cứu nhiều nơi. Nhưng nhật báo The Hindu của Ấn Độ số ngày 9.11.2011
tiết lộ rằng Hà Nội đã đề nghị New Delhi trợ giúp về mặt quân sự, chủ
yếu là trong lĩnh vực hải quân, nhưng Ấn Độ phân vân, vì không muốn đổ
thêm dầu vào lửa trong quan hệ với Trung Quốc. Như vậy Việt Nam và
Philippines chỉ còn trông cậy vào Hoa Kỳ.
Trong
thời gian gần đây, có ba hội nghị liên quan đền Á Đông đã diễn ra tại
Honolulu, Bali và Úc. Những diễn biến của các hội nghị này đã khiến một
số người tin rằng đó là dấu hiệu cho thấy Hoa Kỳ muốn bao vây Trung Quốc
bằng kinh tế và quân sự. Sự thật như thế nào?
“Diễn đàn Hợp tác Kinh tế Á châu Thái Bình Dương” (APEC) được tổ chức tại Honolulu, Hawaii, từ 20 đến 12.11.2011 với chủ đề “Xác định tương lai”. Hội nghị đã bàn về nội dung của Hiệp Định “Đối tác Xuyên Thái Bình Dương”
(TPP) mang tầm vóc chiến lược với sự tham gia của 9 nước là Mỹ, Úc,
Brunei, Chilê, Malaysia, New Zealand, Peru, Singapore và Việt Nam. Mục
tiêu là nối kết các nền kinh tế liên hệ, tự do hóa mậu dịch và đầu tư
trong nội bộ tổ chức này, và có thể đi tới thành lập “Khu mậu dịch tự do trong vùng Á Châu Thái Bình Dương”.
Tổng Thống Obama nói rằng kim ngạch mậu dịch thường niên với Hoa Kỳ
hiện đã trên dưới 200 tỉ đô la, sẽ có lợi cho tất cả các nước tham gia.
Tuy nhiên, còn lâu mới hình thành được “Khu mậu dịch tự do trong vùng Á Châu Thái Bình Dương”
vì nhiều luật lệ và thủ tục rất nhiêu khê. Ngoài ra, nếu bỏ Hoa Kỳ ra,
thị trường của 8 nước còn lại cũng không bằng thị trường Trung Quốc.
Ngày
17.11.2011 hội nghị thượng đỉnh ASEAN lần thứ 19 được tổ chức ở Bali,
Indonesia. Trong 40 năm qua, ASEAN chưa làm được việc gì lớn. Họp thì
họp vậy, nhưng trở về nước nào làm theo quyền lợi nước đó, vừa đi theo
Trung Quốc vừa đi theo Mỹ, nên không thể có chuyện dùng ASEAN để bao vây
Trung Quốc về kinh tế và quân sự.
Trước đó, ngày 16.11.2011, khi ký “Tuyên Ngôn Manila” với Ngoại trưởng Philippines Albert Del Rosario, Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton đã khẳng định rằng Mỹ sẽ không đứng về bên nào trong tranh chấp ở biển Đông, nhưng bà cảnh cáo các
nước không được đe dọa để xác lập chủ quyền, và tranh chấp phải được
giải quyết thông qua Công ước LHQ về Luật Biển năm 1982.
Quan
trọng hơn cả, hôm 16.11.2011, Tổng Thống Obama đã viếng thăm Úc và
tuyên bố tăng cường sự hiện diện quân sự tại Úc, khởi đầu là gởi 250
thủy quân lục chiến đến miền Bắc nước Úc từ 2012 và sẽ tăng dần lên đến
2.500. Ông nói:
"Chúng tôi sẽ giữ vững khả năng đặc biệt nhằm thể hiện sức mạnh và đập tan các đe dọa cho hòa bình.”
Một
vài nhà phân tích cho rằng với những loại hoạt động chưa đâu vào đâu và
một vài lời tuyên bố có vẽ mạnh mẽ như thế, không đủ để chứng tỏ Mỹ
muốn bao vây Trung Quốc về cả kinh tế lẫn quân sự. Nó chỉ có giá trị như là một hành vi trấn an các nước đang bị Trung Quốc uy hiếp tại Biển Đông mà thôi.
Điều
chắc chắn là Trung Quốc sẽ không từ bỏ kế hoạch chiếm các mõ dầu ở Biển
Đông, nhưng Trung Quốc sẽ hành động như thế nào để sự đối đầu với Hoa
Kỳ không xầy ra, đó là vấn để cần tìm hiểu.
Ngày 15.11.2011
Lữ Giang