Lữ Giang
Hàng
năm, cứ vào khoảng tháng 10 dương lịch, khi gần đến ngày kỷ niệm Tổng
Thống Ngô Đình Diệm bị Hoa Kỳ ra lệnh lật đổ và hạ sát, trên báo chí và
nhất là trên Internet, “cuộc chiến” lại diễn ra giữa phe “bênh” và phe
“chống” ông Diệm. Phe “bênh” tổ chức lể truy điệu và viết bài ca tụng
“công đức” của ông Diệm, còn phe “chống” kể “tội ác” của ông Diệm và
Thiên Chúa Giáo. Hiện tượng này phát xuất từ mặc
cảm tội lỗi của một số người trước đây vì có những tham vọng ngông
cuồng, đã bị cả CIA lẫn Việt Cộng lừa và biến thành công cụ, xử dụng
xong rồi loại bỏ, đưa Phật Giáo vào đất nước vào những ngày đen tối, nên
chơi trò đánh lận con đen để “rửa mặt” và “chạy tội”!
Dĩ nhiên, cả hai bên tranh luận đều không quan tâm đến sự thật lịch sử. Bên “chống” viết “Bản Cáo Trạng”:
Đi lượm bất cứ sự kiện hay quan điểm nào chống ông Diệm và Thiên Chúa
Giáo rồi phổ biến, không cần biết đúng hay sai. Có khi họ còn phịa ra
những chuyện ít ai có thể tưởng tượng nổi, như chuyện ông Diệm khi làm
Tuần Vũ ở Ninh Thuận đã dùng đèn cầy
đốt vào đít Việt Cộng để tra tấn chẳng hạn! Bên “bênh” ở vào thế thụ
động, thường viết “Biện Minh Trạng”:
Đưa ra những sự kiện và lập luận không có hệ thống để chống lại đối
phương và ca tụng “công đức” của ông Diệm. Thỉnh thoảng mới có một vài
bài có lý luận sắc bén. Có thể coi đây là cuộc chiến với SỰ THẬT.
LỰC LƯỢNG CỦA HAI BÊN
Nhìn vào “chiến trường”, chúng ta thấy phe chống ông Diệm gần như thắng thế hơn phe bênh ông Diệm vì các lý do sau đây:
Lý do thứ nhất: Phe chống có lãnh đạo.
Những
thành phần chống ông Diệm đã hình thành được một nhóm chủ đạo luân
phiên gây chiến như Trần Chung Ngọc, Cao Huy Thuần, Hồ Đắc Xuân, Lê
Cung, Vũ Ngự Chiêu, Hoàng Văn Giàu (Hoàng Nguyên Nhuận), Nguyễn Mạnh
Quang, Charlie Nguyễn (đã chết), Bùi Kha, v.v. Còn các thành phần trợ
chiến như Nguyễn Hữu Ba, Trần Quang Diệu, Bảo Quốc Kiếm, Võ Văn Sáu, Lê
Nguyên Long, Lê Xuân Nhuận... nhiều vô số kể.
Trái
lại, những thành phần bênh ông Diệm không có tổ chức, chỉ hành động
theo sáng kiến cá nhân. Như chúng ta đã biết, nhóm Cần Lao đã hoàn toàn
bị tan rã sau khi ông Diệm bị giết. Những thành phần Cần Lao nồng cốt
được ông Diệm tin cậy như Trần Thiện Khiêm, Nguyễn Văn Thiệu, Tôn Thất
Đính, Lê Văn Nghiêm, Đỗ Mậu... đã bị CIA mua chuộc, biến thành “bọn ác ôn côn đồ đáng nguyền rủa”
(cụm từ
của Tổng Thống Johnson), làm đảo chánh lật đổ và giết ông Diệm, sau đó
làm mất miền Nam. Số còn lại lo đi kiếm chỗ để yên thân. Trái lại, rất
nhiều người không liên hệ gì đến Đảng Cần Lao hay chế độ Ngô Đình Diệm,
có người còn chưa sinh ra khi ông Diệm bị giết, thấy những chuyện nhiễu
nhương, đã nhảy ra đòi “phục hồi” uy tín cho ông Diệm, nhưng họ hầu hết
là “tay ngang”, không có lãnh đạo, thường suy nghĩ và hành động theo cảm
tính, nên thường bị phe chống ông Diệm đưa vào “mê hồn trận”.
Lý do thứ hai: Phe chống có nhiều phương tiện
Đa
số các bài viết của nhóm chống ông Diệm và chống Công Giáo đều được in
thành sách hay đưa lên các websites như sachhiem, giaodiemonline,
chuyenluan, Virtual Archivist, talavas blog, v,v,. Một số websites của
các trung tâm Phật Giáo cũng đã yểm trợ cho phe này như quangduc.com, buddismtoday.com, thuvien-thichnhathanh.org, old.thuvienhoasen.org, v.v.
Phe chống ông Diệm cũng biết Bách Khoa Toàn Thư Mở “vi.wikipedia.org”
(phần tiếng Việt) của Wikimedia Foundation, Inc., gồm đa số các thành
phần trẻ, biết rất ít về lịch sử và văn hóa Việt Nam. Họ làm theo quan
thầy chỉ bảo, cứ thấy có sự kiện được dẫn chứng là cho phổ biến, không
cần biết đúng hay sai, nên phe chống ông Diệm đã mượn diễn đàn
“vi.wikipedia.org” để phổ biến nhiều tài liệu bịp bợm chống VNCH, nhất
là Đệ Nhất Cộng Hoà. Tôi đã lưu ý Wikimedia Foundation, Inc., nhiều lần,
nhưng vẫn còn rất nhiều bài bịp bợm được phổ biến trên đó.
Sau
khi được “vi.wikipedia.org” phổ biến như tài liệu tham khảo, phe chống
ông Diệm lại quy chiếu vào những tài liệu bịp bợp đó để viết bình luận
(như trường hợp Đào Văn Bình)!
Trái
lại, phe bênh ông Diệm gần như không có phương tiện nào để phổ biến các
tài liệu và quan điểm của họ, ngoại trừ các diễn đàn Internet.
Lý do thứ ba: Phe chống hành động có chiến thuật
Chiến thuật quen thuộc nhất của phe chống ông Diệm là luôn liên kết các hoạt động của ông Diệm với Thiên Chúa Giáo để kích động lòng hận thù tôn giáo.
Trong chiến tranh Việt Nam, Thích Trí Quang và nhóm Phật Giáo đấu tranh
luôn dùng chiến thuật này để kích động Phật tử đứng lên đấu tranh. Sau
chiến tranh, khối Phật Giáo đấu tranh ngày càng tan rã, nhóm chống ông
Diệm lại càng phải kích động lòng hận thù
tôn giáo để thu hút các thành phần Phật Giáo cực đoan còn lại đứng về
phía họ để kéo dài sự tồn tại.
Chiến
thuật thứ hai của phe chống ông Diệm đã được chúng tôi cảnh cáo nhiều
lần trên các diễn đàn Internet: Chiến thuật của nhóm này là đưa ra những
sự kiện hay vấn đề vớ vẩn để cho những người thiếu bản lãnh "tức khí"
nhảy ra tranh luận. Khi nói vấn đề này chưa xong, chúng lại bày ra
chuyện khác, đưa "đối phương" vào "mê hồn trận," kéo dài trận chiến ra
vô tận. Có những vấn để trả lời dứt khoát rồi, chúng lôi ra
lại!
Một thí dụ cụ thể là những điểm chính nói về Phật Giáo theo Cộng Sản trong cuốn "Biến Động Miền Trung" của Liên Thành đều đúng cả, chỉ có một vài chi tiết sai, nên chúng cứ dựa vào mấy chi tiết đó để "chọi đá đường rầy xe lửa" liên tục, không bao giờ ngừng nghỉ. Dĩ nhiên là chúng không bao giờ
dám sờ tới những điểm chính. Nhưng càng chọi, Liên Thành bán sách càng mạnh. Tôi nghe nói đã bán trên 50.000 cuốn rồi!
Tài
liệu chứng minh nhóm Phật Giáo đấu tranh đã bị CIA rồi Cộng Sản biến
thành công cụ, xử dụng xong rồi loại bỏ, được tìm thấy quá nhiều, cuốn “Biến Động Miền Trung” của Liên Thành chẳng nhằm nhò gì.
Năm nay, tạp chí Đất Mẹ
của ông Nguyễn Phi Thọ ở Houston, đã mời phe chống ông Diệm và Thiên
Chúa Giáo như Trần Chung Ngọc, Nguyễn Mạnh Quang, Võ Văn Sáu, Lê Nguyên
Long, Lê Xuân Nhuận, v,v., đến Houston dự một buổi tranh luận về một số
đề tài mà các ông ấy nêu lên. Tạp chí Đất Mẹ cam đoan sẽ đài thọ vé máy
bay và nơi ăn chốn ở đàng hoàng cho những người được mời, nhưng không
ai dám nhận lời.
Ông Nguyễn Phi Thọ kết
luận:
Chuột cống sợ bóng người,
Đười ươi thích làm trò khỉ.
Lý do thứ tư: Có sự tiếp tay của Đảng CSVN
Nhóm
chống ông Diệm còn được nhà cầm quyền CSVN ở trong nước tiếp tay rất
đắc lực.
Cho đến nay Đảng CSVN vẫn còn cay cú về chuyện chế độ Ngô Đình
Diệm đã quét sạch gần như toàn bộ hệ thống nằm vùng và tình báo của họ.
Chỉ từ tháng 7–1955 đến tháng 2–1956, mật vụ của ông Diệm đã thanh toán
được 93.362 đảng viên và cán bộ nằm vùng được để lại. Lê Duẩn phải bỏ
chạy ra Bắc. Hai tên trùm điệp báo và quân báo là Mười Hương và Lê Câu
bị tóm gọn, các
cơ sở từ Quảng Trị đến Cà Mau bị phá vỡ, v.v. Do đó, các văn công Việt
Cộng đã được lệnh viết rất nhiều bài mô tả chế độc Ngô Đình Diệm là ác
ôn, gia đình trị. Nhóm Phật Giáo tiếp tay cho họ dĩ nhiên được hoan
nghêng và yểm trợ tích cực.
Cuốn “Việt Nam Máu Lửa Quê Hương Tôi” của nhóm Đỗ Mậu và cuốn “Giáo Sĩ Thừa Sai và chính sách thuộc địa của Pháp tại Việt Nam”
của Cao Huy Thuần đã được nhà cầm quyền CSVN cho in lại và phổ biến
rộng rãi trong nước, một số được đưa ra hãi ngoại. Mới đây, các cơ quan
truyền thông hải ngoại đã phát hiện: Bùi Hồng Quang, một trong những
người chủ trương tạp chí Giao Điểm,
đã được
Cục An Ninh Xã Hội thuộc Tổng Cục An Ninh ở trong nước cho phép in tạp
chí Giao Điểm ở trong nước và cấp Giấy phép mang số 1020/A41(P4) ngày
20.12.2007 cho đưa ra nước ngoài với mục đích được ghi rõ là “tuyên truyền vận động đường lối chính sách của Đảng và Nhà nước ta”.
Các
báo chí và websites ở trong nước cũng đã và đang phổ biến nhiều bài của
nhóm chống ông Diệm ở trong nước cũng như hải ngoại, chẳng hạn như các
bài sau đây: Bất Ngờ, Sinh Viên Huế 1963 - Hồi Ức của Nguyễn Đắc Xuân,
Mùa Phật Đản Đẫm Máu 63 của Vũ Ngự Chiêu, Cuộc Cách Mạng 01-11-1963 của
Hoành Linh Đỗ Mậu, Ngựa Non Háu Đá của Trần Đình Hoàng, Nhân Dân Miền
Nam Hân Hoan Chào Mừng Cách Mạng 1/11/63 của Chuyển Luân, Kenedy là
Người
Đằng Sau Cái Chết Của Ngô Đình Diệm của Nguyễn Văn, Phong Trào Phật
Giáo Miền Nam Năm 1963 của Lê Cung, v.v.
Nhìn chung, chúng ta thấy Đảng CSVN vẫn tiếp tục dùng nhóm Phật Giáo quá khich làm công cụ đánh phá như trước năm 1975.
TRẢ LẠI SỰ THẬT CHO LỊCH SỬ
Tôi
còn nhớ cách đây mấy năm, trong một buổi họp đầu tiên của “Ban Tổ Chức
Lễ Tưởng Niệm Cố Tổng Thống Ngô Đình Diệm và Các Chiến Sĩ Dân Quân Cán
Chính Việt Nam Cộng Hòa” tại thành phố Westminster, California, tôi có
đến tham dự. Sau khi nghe các đại diện phát biểu, nhất là ông Lê Châu
Lộc, tôi có trình bày như sau:
Giai
đoạn chống hay bênh ông Diệm đã qua rồi. Bây giờ các tài liệu liên quan
đến cuộc chiến Việt Nam, nhất là dưới chế độ Ngô Đình Diệm, đã được
giải mã và công bố gần hết. Đọc các văn kiện này, chúng ta sẽ thấy từ
việc truất phế Bảo Đại, thành lập một chính phủ mạnh để chống cộng, đến
việc làm suy yếu chính phủ Ngô Đình Diệm để lật đổ và đưa quân Mỹ vào
miền Nam... đều không giống như những gì chúng ta đã
tưởng từ trước đến nay.
Vậy đã đến lúc không còn có thể tiếp tục bôi bác hay huyền thoại hóa ông Diệm nữa, mà trả lại sự thật cho lịch sử: Cái gì ông Diệm làm đúng, phải nói là đúng, cái gì ông Diệm làm sai là nói sai.
Riêng
đối với chiến dịch bôi bác chế độ Đệ Nhất Cộng Hoà đã lan rộng trong
nhiều năm qua, chỉ cần công bố các tài liệu đã được giải mã là nó sẽ tự
tan biến ngay. Bản phúc trình điều tra của Phái Đoàn Liên Hiệp Quốc Tìm Hiểu Thực Tế (Report of the United Nations Fact-Fiding Mission) là một tài liệu quan trọng phải được dịch ra tiếng Việt và phổ biến.
Trong
phòng họp lúc đó tôi thấy có Giáo Sư Hà Như Chi và Bác Sĩ Hà Thúc Như
Hỹ là những người biết và chứng kiến rất nhiều biến cố đã xẩy ra dưới
thời của chính phủ Ngô Đình Diệm, đã đồng ý với chúng tôi, nhưng đa số
không quan tâm đến những gì chúng tôi đã trình bày, họ chỉ nghĩ đến tổ
chức lể truy điệu và đọc diễn văn.
THÍCH XÀI ĐỒ CỔ
Sau
cuộc họp nói trên, tôi có đến tham dự một cuộc hội thảo nói về biến cố
trất phế Bảo Đại năm 1955. Tôi thấy cả thuyết trình viên lẫn người tham
dự đều không nắm vững chuyện gì đã thật sự xẩy ra lúc đó, không biết
những tài liệu đã được giải mã. Họ xài toàn đồ cổ.
1.- Có đến hai cuộc truất phế Bảo Đại!
Nhìn
vào các biến cố đã xẩy ra năm 1955, chúng ta thấy có đến hai cuộc truất
phế Bảo Đại. Cuộc truất phế thứ nhất do các đại diện đoàn thể và giáo
phái họp tại Phòng Khánh Tiết của Dinh Độc Lập ngày 29.4.1956 thực hiện.
Các tổ chức này đã công bố quyết định: “Tuyên bố truất phế Bảo Đại
kể từ ngày 29.4.1955, ủy nhiệm chí sĩ Ngô Đình Diệm thành lập một chính
phủ lâm thời quốc gia Việt Nam kể từ ngày 29.4.1955”.
Hội nghị đã thành lập Hội Đồng Nhân Dân Cách Mạng Quốc Gia và ra trước
Tòa Đô Chánh Sài Gòn hạ hình Bảo Đại xuống và đọc nghị quyết của hội
nghị.
Cuộc
truất phế thứ hai do chính phủ Ngô Đình Diệm thực hiện qua cuộc trưng
cầu dân ý ngày 23.10.1955. Tại sao lại phải có thêm cuộc truất phế Bảo
Đại lần thứ hai này?
Tôi
đã hỏi những người có tham dự hội nghị truất phế Bảo Đại ngày 29.4.1955
như Giáo Sư Phạm Việt Tuyền, Giáo Sư Lê Thành Trị, ông Cao Xuân Vỹ, ông
Đỗ La Lam, ông Nguyễn Hữu Khai, v.v., họ đều nói rằng vì Hội Đồng Nhân
Dân Cách Mạng Quốc Gia có khuynh hướng muốn nắm quyền lãnh đạo quốc gia
nên ông Diệm phải tổ chức trưng cầu dân ý. Nhưng khi tài liệu bí mật
được giải mã, chúng tôi lại khám phá ra một sự kiện
mới.
Như
mọi người đã biết, ông Diệm đã về chấp chánh ngày 7 tháng 7 năm 1954 và
ngày đó được gọi là ngày Song Thất. Chỉ 44 ngày sau đó, tức ngày 20.8.1954, Hội Đồng Ninh Quốc Gia Hoa Kỳ đã họp mật và đưa ra Nghị Quyết số NSC 5429/3 gồm một số điểm chính như sau: "Pháp phải trao trả hoàn toàn độc lập (kể cả quyền rút lui khỏi Liên Hiệp Pháp) cho Việt Nam
và ủng hộ một chính phủ bản xứ mạnh. Diệm phải mở rộng căn bản chính phủ, bầu cử quốc hội, soạn thảo hiến pháp và truất phế Bảo Đại một cách hợp pháp.”
Quốc
Trưởng Bảo Đại, chính phủ Ngô Đình Diệm, các tổ chức chính trị và giáo
phái ở Việt Nam lúc đó chẳng ai hay biết gì về nghị quyết này. Nhưng Tòa
Đại Sứ Mỹ ở Sài Gòn có nhiệm vụ phải thi hành nghị quyết đó là “truất phế Bảo Đại một cách hợp pháp”
(legally derhrone Bao Dai). Các viên chức Toà Đại Sứ đã lưu ý ông Diệm
về chuyện này. Ngày 3.5.1955, sau khi
các đoàn thể và giáo phái quyết định truất phế Bảo Đại, chính Tướng
Collins, Đại Sứ Hoa Kỳ tại Sài Gòn đã đến gặp ông Diệm lúc 20 giờ và cho
biết: “Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ nói rằng nếu truất
phế Bảo Đại theo yêu cầu của Hội Đồng Nhân Dân Cách Mạng Quốc Gia, tình
hình sẽ rất nguy hiểm.”
Ông
Ngô Đình Nhu đã nghĩ ra một giải pháp là triệu tập đại diện các hội
đồng hành tỉnh tại Dinh Độc Lập vào ngày 6.5.1955 để bàn về tình thế.
Hội nghị đã đưa ra nghị quyết trao toàn quyền cho Thủ Tướng Ngô Đình
Diệm ổn định tình thế và triệu tập Quốc Dân Đại Hội trong vòng 6 tháng.
Ngày 26.9.1955, Thủ Tướng Ngô Đình Diệm thông báo cho Đại Sứ Reinhardt
biết sẽ tổ chức trưng cầu dân ý để truất phế Bảo Đại vào ngày
23.10.1955.
Những chuyện này, đa số những người tranh luận về chuyện truất phế Bảo Đại đều không hay biết gì cả!
2.- Việc thành lập Đảng Cần Lao
Chuyện
lập Đảng Cần Lao cũng rắc rối không kém gì chuyện truất phế Bảo Đại.
Ngoài Nghị Quyết số NSC 5429/3 ngày 20.8.1954 của Hội Đồng An Ninh Quốc
Gia Mỹ là “Ủng hộ một chính phủ bản xứ mạnh” (a strong indigenous government), giữa Pháp và Mỹ còn ký một Nghị Định Thư ngày 29.9.1954 “ủng hộ ông Ngô Đình Diệm để thành lập một chính phủ mạnh,
quốc gia và chống cộng.” Thi hành hai văn kiện này, Bộ
Ngoại Giao Hoa Kỳ muốn chính phủ Ngô Đình Diệm thành lập tại miền Nam
một chế độ độc đảng theo khuôn mẫu của Trung Hoa Quốc Dân Đảng của Tưởng
Giới Thạch. Tướng Lansdale đã nói rất rõ :
“Đảng
Cần Lao không phải là ý kiến của nhà Ngô; “trước tiên nó được đề xướng
bởi Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ” để loại bỏ cộng sản ra khỏi đất nước.”
(The CLP was not their idea; it "was originally promoted by the U.S. State Department" to rid the country of communists). [United States-Vietnam Relations, 1945 – 1967, Book 11, tr. 1 – 12.]
Việc
hình thành một chế độ độc đảng tại miền Nam đã gây ra cuộc tranh luận
giữa Tướng Lansdale và Bộ Ngoại Giao. Tướng Lansdale đã về Washington để
trình bày, nhưng Bộ Ngoại Giao nói rằng chính sách đã được quyết định,
cứ phải thi hành như thế. Muốn biết cuộc tranh luận này như thế nào, xin
đọc cuốn “In the Midst of War” của Tướng Edward G. Lansdale, trong phạm vi một bài báo, chúng tôi không thể trình bày được.
Tuy
nhiên, khi muốn lật đổ chế độ Ngô Đình Diệm để đổ quân vào, Hoa Kỳ lại
đổi giọng, đòi thực thi dân chủ để được lòng dân và thắng Cộng sản! Đai
sứ Elbridge Durbrow đã mở cuộc tấn công mạnh vào Đảng Cần Lao và muốn
đảng này phải giải tán.
Trên
đây là hai vấn đề đã được tranh luận trong suốt 48 năm qua, nhưng đó là
hai cuộc tranh luận giữa những người điếc theo kiểu “ông nói gà bà nói
vịt”, chẳng ai muốn tìm hiểu sự thật lịch sử đã được diễn biến như thế
nào.
SỰ THẬT SẼ GIẢI THOÁT CHÚNG TA.
Cho
đến nay, cả phe chống lẫn phe bênh ông Diệm đều rất sợ những SỰ THẬT
LỊCH SỬ được công bố vì nó thường khác với những suy nghĩ và những sự
kiện họ đã từng đưa ra. Sự thật còn có thể xoá bỏ những hận thù mà họ đã
cố gắng tạo ra để che đậy những mặc cảm tội lỗi.
Những
người bênh và những người chống chế độ Ngô Đình Diệm cần biết rằng
không phải chỉ những suy nghĩ và những tư tưởng của họ đã lỗi thời, mà
đa số sách của các sử gia, học giả và nhà chính trị đã viết ra trước khi
các tài liệu bí mật được giải mã, cũng đang bị lịch sử bỏ lại đàng sau.
Các thế hệ tới sẽ không dựa vào các sự kiện và các quan điểm mà họ đã
đưa ra
nữa, mà dựa vào những sự thật được khám phá ra. Nhờ những kinh nghiệm
lịch sử này, chúng ta có thể nhìn các biến cố đã xẩy ra, đang xẩy ra và
sẽ xẩy ra một cách thông suốt hơn.
Rất khó nói về “SỰ THẬT” với những người đang ôm chặt những thành kiến trong 48 năm qua. Họ chỉ muốn ôm nó xuống thuyền đài. Nhưng Thánh Kinh nói: “Veritas liberabit vos” (Sự thật sẽ giải thoát các người) (John 8:32).
Lữ Giang