Pgs. Ts. Po Dharma, Tổng biên tập Champaka
Trần Gia
Phụng là một nhà giáo dạy học ở trường trung học Phan Châu Trinh Ðà
Nẵng, sang định cư ở Hoa Kỳ vào năm 1995. Kể từ năm 1996, ông bắt đầu
làm nghề nghiên cứu và viết văn. Chỉ trong vòng 13 năm, ông ta cho xuất
bản 20 tác phẩm về lịch sử cổ đại và cận đại của Việt Nam.
Ðây là
công trình nghiên cứu quá đồ sộ về số lượng bài viết để rồi độc giả có
cảm giác rằng Trần Gia Phụng đang viết tiểu thuyết lịch sử hơn là thực
hiện chương trình nghiên cứu khoa học về lịch sử Việt Nam. Có chăng vì
lý do đó mà học giả Lữ Giang đã đưa ra lời kết luận rằng Trần Gia Phụng
nghiên cứu khá nhiều sử liệu, nhất là cổ sử, nhưng khi trình bày, ông
thường cố gắng viết “theo lề đường bên phải”, viết cho “hợp với lòng
dân, hợp với dư luận ngoài phố hơn là sự thật”(xem http://vanhoamagazine.com).
Trong số
20 công trình nghiên cứu của Trần Gia Phụng, chúng tôi chỉ chú tâm đến
tác phẩm mang tựa đề Những Câu Chuyện Việt Sử (Tập 4, 2005), nhất là
chương viết về “Ðường Về Phương Nam”, trong đó tác giả đưa ra quan điểm
cho rằng người Việt không tiêu diệt người Chiêm và chính quyền Ðại Việt
không chủ trương diệt chủng”. Ðó là trọng tâm của đề tài mà chúng tôi
muốn đưa ra phân tích trong bài khảo luận này.
1) Dân tộc Chăm quấy phá biên giới
Trong chương Ðường Về Phương Nam, Trần Gia Phụng viết rằng:
“Hành động gây hấn tấn công liên tục của người Chiêm hay chính quyền Chiêm luôn luôn tạo một tình thế bất ổn thường xuyên ở biên giới, khiến cho chính quyền Ðại Việt lo ngại và tìm cách hóa giải nguy cơ này” (trang 44)
Ai
cũng biết, đổ tội cho nước láng giềng quấy phá biên giới chỉ là một thể
loại văn chương mà các quốc gia trong khu vực Ðông Nam Á trong đó có Ðại
Việt thường áp dụng trước khi xuất quân đánh phá quốc gia đối phương
của mình. Chính vì thế Trần Gia Phụng không nên dựa vào phong cách hành
văn chính trị này để làm yếu tố lịch sử nhằm hợp thức hóa chủ nghĩa bành
trướng của Ðại Việt trên lãnh thổ Champa. Vương quốc Campuchia cách xa
Ðại Việt hơn ngàn cây số, không xua quân quấy phá biên giới của dân tộc
Việt, thế thì tại sao Ðại Việt cũng xua quân tấn công Campuchia để chiếm
trọn đất đai của
họ ở miền nam Việt Nam hôm nay? Trần Gia Phụng nên có tầm nhìn sâu xa
hơn nhất là phải nắm vững những yếu tố lịch sử của Champa một cách vững
vàng hơn trước khi kết tội dân tộc Chăm quấy phá biên giới của dân tộc
Việt để rồi hôm nay họ phải gánh chịu thân phận của tập thể tộc người
vong quốc.
2). Vì người Bồ Ðào Nha mà nhà Nguyễn phải xâm chiếm Champa
Cũng trong chương này, Trần Gia Phụng cho rằng:
”Vào cuối thế kỷ thứ 16, người Chiêm thường buôn bán với người Bồ Ðào Nha ở Ma Cao, thuộc địa của Bồ trên đất Trung Hoa. Thương thuyền Bồ Ðào Nha thường hay ghé buôn bán trao đổi với người Chiêm ở các hải cảng Cam Ranh và Phan Rang. Do các lẽ đó, chúa Nguyễn cho thi hành chính sách dinh điền, đưa dân tới những vùng đất Chiêm Thành chưa khai thác, mở mang cày cấy vùng đất mới, sống hòa lẫn với người Chiêm, canh chừng và bảo vệ an ninh biên giới”(trang 44)
Có chăng đây chỉ là lối suy diễn của nghệ nhân viết lách chứ không phải là phong cách lý luận của một sử gia Việt Nam đã từng viết 20 tác phẩm?
Ai cũng
biết, Champa vào cuối thế kỷ thứ 16 là quốc gia có chủ quyền, hội đủ
điều kiện pháp lý để buôn bán với bất cứ nước nào trên thế giới. Chính
vì thế Ðại Việt không có quyền dựa vào mối liên hệ giữa người Chăm và Bồ
Ðào Nha để làm yếu tố chính trị nhằm đưa dân chúng người Kinh xâm nhập
vào lãnh thổ Champa mà không có sự đồng ý của vương quốc này. Biến cố
vào năm 1692 là một bài học chính đáng mà Trần Gia Phụng nên học hỏi
thêm. Lợi dụng cơ hội biên giới mở cửa, dân tộc Kinh tìm cách xin định
cư trên lãnh thổ Champa kể từ nữa thế kỷ thứ 17. Sự hiện diện của người
Kinh càng ngày
càng đông đảo đã gây ra sự bất đồng chung quanh vấn đề người Kinh dùng
tiền bạc để mua bán đất đai, kéo theo cuộc vùng dây của dân tộc Chăm vào
năm 1692 nhằm bài trừ người Kinh định cư trong vương quốc này. Ðây là
một thí dụ điển hình nhằm chứng minh rằng sự hiện diện của dân tộc Việt
trên lãnh thổ Champa nằm tại miền trung hôm nay là một yếu tố nằm trong
tiến trình của chính sách Nam Tiến, không liên quan gì đến người Bồ Ðài
Nha như Trần Gia Phụng vừa nêu ra.
Ðối với
dân tộc Chăm, đất đai nằm trong lãnh thổ Champa dù chưa khai thác hay bỏ
hoang đi nữa, vẫn thuộc về chủ quyền của quốc gia Champa. Mọi sự lấn áp
đất đai Champa bằng vũ lực hay qua làn sóng di dân đều xem như là hành
động chiếm đoạt lãnh thổ của vương quốc này. Một dân tộc có chủ quyền dù
họ là người Chăm hay người Việt đi nữa đều có nghĩa vụ bảo vệ biên
cương của họ.
Trần Gia
Phụng cũng đừng quên rằng sự hiện diện của dân tộc Kinh trên lãnh thổ
Champa tại miền trung hôm nay không phải là biến cố nhất thời, mà là
tổng thể của một giai đoạn lịch sử đậm máu mà chúng tôi gọi đó là giai
đoạn Nam Tiến của dân tộc Việt, cấu thành nhân tố đã làm sụp đổ cả một
hệ thống vương triều Champa trên bán đảo Ðông Dương. Nam Tiến ở đây
không những ám chỉ cho làn sóng vượt biên của dân tộc Việt để đi tìm tự
do và no ấm ở phía nam trong nghĩa hiện đại của nó mà còn là cuộc di dân
về phía nam có hệ thống nằm ngay trong “chủ nghĩa đế quốc” của vua chúa
Ðại Việt, mặc dù nội
dung của nó có sự khác biệt so với “chủ nghĩa đế quốc” của người Mỹ.
Theo quan
điểm của chúng tôi, “chủ nghĩa đế quốc” của vua chúa Ðại Việt là nhân tố
nằm ngay trong nền văn minh của dân tộc Việt. Vua chúa Ðại Việt không
phải là người dân bình thường mà là “Thiên Tử”, có nghĩa vụ bành trướng
tối đa lãnh thổ của mình trên đất đai của các nước láng giềng, để hoàn
thành trách nhiệm của vị “Thiên Hoàng” có chức năng cai trị trên năm
châu bốn bể, chứ không phải trên mảnh đất nhỏ nhoi của Ðại Việt vào thời
điểm đó. Ðây chỉ là chủ thuyết về không gian của vũ trụ phát xuất từ
nền văn minh Trung Hoa mà Ðại Việt chỉ học lại mà thôi.
Champa là
quốc gia nằm ở phía nam của Ðại Việt. Vì Ðại Việt không giám tiến quân
sang phương bắc để chống lại sự oai quyền của Trung Hoa, nên chỉ còn
cách tiến quân về phương nam để chiếm trọn đất đai Champa. Chính vì thế,
mỗi bước chân của dân tộc Việt tràn về phương nam chỉ là thành tựu của
các trận chiến mà Ðại Việt đã từng đứng ra thực hiện hầu làm tròn nghĩa
vụ và vai trò của Thiên Tử để đồng hóa tập thể dân tộc Chăm không cùng
văn hóa với dân tộc Việt. Nội dung bài viết của Trần Gia Phụng nhằm đổ
lỗi cho dân tộc Chăm quấy phá biên giới cũng nằm trong di sản văn hóa
mang màu sắc “đế quốc”
này.
Ðứng trên
phương diện lịch sử mà phân tích, sự hiện diện của dân tộc Việt trên dải
đất miền trung hôm nay không liên quan gì đến chính sách phát triển
dinh điền, vì nạn thiếu đất đai ở miền bắc Việt Nam như Trần Gia Phụng
nêu ra, mà là cuộc di dân có tổ chức và luôn luôn đặt dưới quyền bảo trợ
của đoàn quân viễn chinh Ðại Việt có mặt trên lãnh thổ Champa bị chiếm
đóng. Hay nói một cách khác, chính sách di dân của dân tộc Việt về phía
nam hoàn toàn tùy thuộc vào kết quả của cuộc chiến và sức mạnh quân sự
của Ðại Việt vào thời điểm đó, chứ không phải làn sóng di cư của người
Kinh sang hướng nam vì lý
do kinh tế hay chính trị trong nghĩa rộng của nó. Bằng chứng cụ thể,
dân tộc Việt chỉ có mặt trong khu vực Quảng Bình và Quảng Trị sau ngày
chiến thắng của Ðại Việt chống lại Champa vào năm 1069. Sự hiện diện của
dân tộc Việt trong khu vực Huế (Châu Ô và Lý) chỉ xảy ra sau ngày từ
trần của vua Chế Mân vào năm 1306 trong một hoàn cảnh vô cùng mờ ám vì
không ai hiểu nổi tại sao Huyền Trân Công Chúa không có giọt lệ cho
chồng mà lại chạy trốn trong khi đó truyền thống Champa không bao giờ
chấp nhận cho Huyền Trân lên giàn hỏa với Chế Mân, vì công chúa nhà Trần
không phải là người theo Bà La Môn Giáo. Dân tộc Việt cũng bước chân
vào khu vực Quảng Nam, Quảng Ngãi và Qui Nhơn sau ngày thất thủ của
thành Ðồ Bàn vào năm 1471, vào khu vực Phú Yên sau
cuộc tấn công của nhà Nguyễn vào năm 1611, vào Nha Trang-Cam ranh sau
trận chiến vào 1653 và Phan Rang-Phan Rí kể từ vương quốc Champa bị xóa
trên bản đồ vào 1832.
Những gì
mà chúng tôi vừa nêu ra là những tiến trình của biến cố mà Trần Gia
Phụng phải nên dựa vào đó để xây dựng quan điểm lịch sử của mình hơn là
lý luận quanh co chung quanh mối liên hệ giữa người Chăm và Bồ Ðào Nha
để giải thích cho cuộc Nam Tiến của dân tộc Việt.
3). Người Việt chỉ chiếm đất bỏ hoang của dân tộc Chăm
Theo quan điểm của Trần Gia Phụng:
“Dân số Chiêm Thành ít
mà đất đai Chiêm Thành rộng. Người Chiêm bỏ hoang đất đai không cày cấy,
trong khi người Việt đang cần đất, nên người Việt từ từ tiến xuống khai
phá đất đai để sinh sống. Khi người Việt đến khai phá, thì người Chiêm
quay qua tấn công. Những cuộc tấn công này trở thành lý do chính đáng
cho người Việt đánh trả” (trang 45)
Ai cũng
biết, Champa là vương quốc có nền văn minh cao độ, đã từng xây dựng cho
mình một hệ thống tổ chức chính quyền vững chắc và lực lượng quân sự
hùng mạnh, chứ không phải là bộ lạc du canh du cư, ăn lông ở lỗ, bỏ mặc
biên giới cho người Việt đến khai thác đất đai của họ một cách tùy tiện
như Trần Gia Phụng đã hiểu lầm.
Biên giới
Champa là biên giới thần quyền ngăn cấm bất cứ ai xâm nhập vào lãnh thổ
của quốc gia này. Vua Champa là thủ lãnh của vương quốc mang danh hiệu:
Po Tanah Raya (chủ nhân tối cao của đất đai rộng lớn), tức là người có
trách nhiệm bảo vệ sự toàn vẹn lãnh thổ của vương quốc này. Thế thì làm
sao dân tộc Việt có thể vượt biên giới Champa để chiếm cứ đất đai để làm
sở hữu của mình mà không có sự phản ứng của chính quyền Champa thời đó?
Có chăng Trần Gia Phụng đang viết tiểu thuyết lịch sử thì đúng hơn.
Lịch sử đã
chứng minh rằng mỗi bước tiến của dân tộc Việt trên mảnh đất Champa nằm
ở miền trung Việt Nam chỉ là kết quả của các trận chiến tang thương với
bao xương máu của chiến sĩ, thường phát triển theo từng giai đoạn và
kéo dài trong hàng thế kỷ. Ðây là cuộc chiến giữa hai dân tộc có hai nền
văn minh khác nhau nhằm bảo vệ sự sống còn của mình. Champa là vương
quốc theo nền văn minh Ấn Giáo có ý thức hệ riêng về chủ quyền đất đai,
quan niệm riêng về biên giới và chủ thuyết riêng về chiến tranh. Theo
truyền thống, vương quốc Champa cũng như Campuchia và các quốc gia Ða
Ðảo (Nam Dương, Mã Lai) theo nền văn minh
Ấn Giáo không bao giờ tìm cách chiếm đoạt đất đai của nước láng giềng
để làm sở hữu của mình. Cũng vì tin vào chủ thuyết biên giới mang tính
cách thần quyền mà vua Chế Bồng Nga không thôn tính Ðại Việt sau bao lần
đánh phá Thăng Long. Nếu không bị gò bó vào qui luật Ấn Giáo này, vương
quốc Champa đã xóa bỏ danh xưng Ðại Việt trên bản đồ từ lâu rồi!
Không chủ
trương chiếm đoạt đất đai của người khác nhưng vương quốc Champa cũng
không bao giờ chấp nhận bất cứ ai xâm chiếm lãnh thổ của mình. Ðối với
Champa, chiến tranh chỉ là giải pháp nhằm chinh phạt đối phương chứ
không phải chiến tranh xâm chiếm đất đai của đối phương. Ngược lại, Ðại
Việt chịu ảnh hưởng của nền văn minh Trung Hoa, có ý thức hệ khác biệt
về lãnh thổ, thường xây dựng quốc gia của mình chung quanh chủ thuyết
“một tắc đất một tắc vàng”, không ngần ngại vượt biên giới để xâm chiếm
đất đai của nước láng giềng một khi trận chiến đã thành công. Chính đó
mới là nguyên
nhân phát sinh ra cuộc Nam Tiến của dân tộc Việt chứ không phải vì
người Chăm có nhiều đất đai không canh tác nên người Việt phải đến đó
khai thác như Trần Gia Phụng vừa nêu ra.
4). Ðại Việt không chủ trương diệt chủng
Vấn đề diệt chủng là đề tài nổi cộm nằm trong chương Ðường Về Phương Nam. Theo Trần Gia Phụng:
“Chính quyền Ðại Việt
không chủ trương diệt chủng, nhưng họ cần phải triệt hạ lực lượng chuyên
quấy phá và đánh tập hậu ở phía nam (trang 44) (...) Có điều chắc chắn
trong lịch sử bang giao Việt Chiêm, không bao giờ xảy ra nạn diệt chủng
như được thấy như vài nước châu Âu” (trang 45)
Trước khi bàn đến vấn đề diệt chủng, Trần Gia Phụng nên định nghĩa trước tiên diệt chủng là gì?
Theo quan
điểm của công pháp quốc tế, diệt chủng là hành động cố ý tiêu diệt một
tập thể tộc người có hệ thống và nằm trong dự án đã đề ra, vì vấn đề
chủng tộc, tôn giáo. Dựa vào định nghĩa này, không ai có thể trả lời một
cách chính xác Ðại Việt có chủ trương tiêu diệt dân tộc Chăm không? Vấn
đề quan trọng ở đây không phải là vấn đề diệt chủng hay triệt hạ dân
tộc Chăm như Trần Gia Phụng nêu ra, mà là đi tìm nguyên nhân để trả lời
cho câu hỏi tại sao dân tộc Chăm hôm nay chỉ còn sống sót chưa đầy 100
000 người sau 8 thế kỷ đương đầu với cuộc Nam Tiến của dân tộc
Việt?
Trần Gia
Phụng là người gốc miền trung, cũng là nhà nghiên cứu sử học, có thấy
một bóng dáng người Chăm nào còn sống sót trên dải đất Champa chạy dài
từ tỉnh Quảng Bình cho tới Nha Trang hôm nay? Có chăng một vương quốc
Champa giàu mạnh đã để lại cho hậu thế một di sản văn hóa oai hùng mà
không có đồng bào Chăm sinh sống!
Nếu hôm
nay dân tộc Chăm không còn hiện hữu trên mảnh đất quê cha đất tổ của họ ở
miền trung Việt Nam nữa, thì Trần Gia Phụng nên bỏ ít thì giờ để đặt
lại vấn đề tại sao? Họ bỏ xứ ra đi vì chiến tranh hay bị tiêu diệt vì lý
do của cuộc Nam Tiến? Nhưng nguyên nhân của sự tiêu diệt này không nhất
thiết phát xuất từ chiến tranh hay súng đạn và cũng không phải từ hành
động chém giết lẫn nhau trên bãi chiến trường mà là phát xuất từ nhiều
yếu tố khác nhau trong đó chính sách đồng hóa mà Ðại Việt thường dùng
làm bích chương để chinh phạt các dân tộc chư hầu man ri mọi rợ, đã đóng
một vai trò tích cực trong
tiến trình hủy diệt một tập thể dân tộc Chăm ở miền trung Việt Nam để
họ không còn biết đến đâu là nguồn gốc nhân chủng và lịch sử của họ nữa.
Chính đó là trọng tâm của đề tài mà Trần Gia Phụng phải nên đưa ra mổ
xẻ trước khi bàn đến vấn đề người Chăm bị diệt chủng hay không, một đề
tài rất nhạy cảm đối với dân tộc Chăm và cả dân tộc Việt.
5). Dân tộc Việt không phá hủy đền đài cung điện Champa
Bàn về di sản đền đài Champa, Trần Gia Phụng viết rằng:
“Người Việt không phá
hủy các đền đài cung điện hay thánh tích Chiêm Thành. Các đền tháp của
Chiêm Thành từ được xây dựng từ Quảng Bình vào đến Bình Thuận được bảo
toàn chu đáo từ khi có sự hiện diện của người Việt cho đến ngày nay. Nếu
chủ trương diệt chủng, người Việt chẳng những tiêu diệt người Chiêm, mà
còn phá hủy đền đài thánh tích Chiêm để xóa đi toàn bộ dấu vết nước
này” (trang 45)
Ðây là
phong cách lý luận của một sử gia có tri thức không bình thường. Ngay cả
Chế Lan Viên, dù sao chỉ là nhà thơ chuyên về nghề viết văn, cũng công
nhận rằng sau 8 thế kỷ chiến tranh tương tàn nhằm chống lại làn sóng Nam
Tiến, vương quốc Champa chỉ để lại cho hậu thế hôm nay một chuỗi di
tích đền đài hoang phế và điêu tàn. Trần Gia Phụng vẫn còn đôi mắt trong
sáng để hoàn thành 20 tác phẩm chứ không phải là người mù mắt không
phân biệt được màu sắc, thế thì tại sao tác giả không thấy những đền đài
Champa bị tàn phá, cung điện Champa bị hủy diệt và di sản lịch sử
Champa chỉ còn là đống gạch nằm
ngổn ngang ở miền trung Việt Nam hôm nay!
Theo chúng
tôi, phong cách lý luận cho rằng “các đền tháp của Chiêm Thành (...)
được bảo toàn chu đáo từ khi có sự hiện diện của người Việt cho đến ngày
nay” chỉ là thể loại văn chương lường gạt độc giả hơn là quan điểm của
một nhà nghiên cứu nghiêm túc. Ðọc qua nội dung của đoạn văn này, chúng
tôi có cảm tưởng rằng Trần Gia Phụng đang viết một giáo trình giảng dạy
cho các con em trong trường tiểu học chứ không phải là phong cách viết
văn của một sử gia trong nghĩa rộng của nó.
6). Dân tộc Chăm không đòi lại đất đai đã bị chiếm đóng
Cũng trong
chương “Ðường Về Phương Nam”, Trần Gia Phụng không ngần ngại phóng đại
lời tuyên bố của chúng tôi trong dịp trao đổi với ông ta vào ngày
13-12-1999 tại Toronto như sau:
“Một nhà nghiên cứu gốc
Chiêm [tức là Ts. Po Dharma] cho rằng theo quan niệm thần học của người
Chiêm, một khi đất đai bị nước ngoài (Việt) chiếm đóng, thần của người
Chiêm không còn linh nghiệm (...)nên người Chiêm không muốn đòi lại đất
đai, vì đòi lại ở cũng không tốt. Do đó, người Việt tiến đến sinh sống
tại vùng nào, thì người Chiêm không đòi lại, không chống đối để khôi
phục (...)Thói quen này của người Chiêm khuyến khích người Việt tiến
mãi, vì không gặp cuộc kháng cự nào đáng kể của người Chiêm (trang 46)
(...) Dẫu sao, vẫn có những dư luận đổ lỗi cho người
Việt về sự suy thoái của Chiêm Thành” (trang 47)
Trong
cuộc tiếp xúc với Trần Gia Phụng tại Toronto, chúng tôi chỉ bàn đến quan
niệm biên giới Champa mang tính cách thần quyền. Ðây chỉ là nội dung
của bài khảo luận mang tựa đề: “Biên Giới Champa” đăng trong tác phẩm
Histoire de frontières de la Péninsule Indochinoise. I.- Les frontières
du Vietnam (L'Harmattan, Paris, 1989, trang 128-135) mà chúng tôi đã yêu
cầu Trần Gia Phụng nên đọc bài này một cách chi tiết hơn chứ không phải
cho phép đăng những lời bình luận của chúng tôi như Trần Gia Phụng đã
bịa ra. Một nhà sử học phải có nghĩa vụ đọc và tham khảo nội dung bài
viết đã đăng tải chứ không có
quyền nghe lóm những gì mà người ta kể lại.
Ðối với dân tộc Champa, biên giới là đường biên mang tính cách thần quyền nhằm chia cách giữa hai lãnh thổ. Chính vì thế không ai có quyền vượt qua biên giới mà không có sự đồng ý của thần linh canh giữ biên giới này. Cũng vì quá tin vào biên giới thần quyền mà người Chăm ít khi từ bỏ “quê cha đất tổ” để đi định cư nơi khác ngoại trừ những biến cố trọng đại như chiến tranh. Dân tộc Việt cũng thường gắn liền với biên giới của “quê cha đất tổ”, nhưng dân tộc này cũng không từ bỏ quan niệm “một tắt đất một tắc vàng”, cấu thành một chủ thuyết đã biến người Kinh thành một tập thể tộc người linh động và tích cực hơn so với dân tộc Chăm, không ngần ngại vượt ra khỏi biên giới của “quê cha đất tổ” để tiến về phía nam. Chính đó cũng là nhân tố giải thích cho sự hiện diện của dân tộc Việt trên dải đất miền trung hôm nay.
Vì
quá tin vào biên giới thần quyền, dân tộc Chăm không bao giờ xâm nhập
vào đất đai của người khác hầu chiếm đoạt tài sản của họ. Người Chăm
Phan Rang ít khi lập gia đình với người Chăm Phan Rí, cũng vì ngăn cách
bởi biên giới thần quyền này. Một khi lập gia đình, con trai người Chăm
trước khi bước vào khuôn viên gia đình của người vợ phải làm lễ rửa chân
để chứng minh rằng ông ta không mang bụi bậm từ bên ngoài vào biên giới
thân tộc của người phụ nữ, v.v. Kể từ đó biên giới trở thành một hệ
thống tín ngưỡng có thần linh canh giữ đã bó buộc vương quốc Champa
không có quyền vượt biên giới của mình để xâm chiếm đất đai của quốc
gia láng giềng, nhưng Champa cũng không bao giờ chấp nhận bất cứ ai vượt
qua biên giới của mình để chiếm đoạt lãnh thổ của vương quốc này. Ðây
là hai khái niệm hoàn toàn khác nhau mà Trần Gia Phụng đã nhằm lẫn.
Tóm
lại, đối với dân tộc Champa, biên giới là một qui chế pháp lý mang tính
thần quyền, không được co giãn theo đà tiến quân của đối phương. Cũng
vì mang tính thần quyền đó, tức là không bao giờ bỏ rơi thần linh canh
giữ biên giới của mình bị khống chế bởi dân tộc khác mà vương quốc
Champa không ngừng xua quân khôi phục lại đất đai đã lọt vào tay của Ðại
Việt. Kể từ đó, những cuộc chiến giữa Champa và Ðại Việt đã trở thành
cuộc tranh chấp không lối thoát chung quanh vấn đề đất đai mà
Ðại Việt đã chiếm đóng. Cuộc vùng dây của Chế Bồng Nga vào cuối thế kỷ
thứ 14 cũng nằm trong mục tiêu nhằm phục hưng lại đất đai Champa đã mất.
Sau ngày thất thủ của thành Ðồ Bàn vào năm 1471, vương quốc Champa
không ngừng xua quân đòi lại đất đai bị chiếm đóng. Trận chiến giữa
Champa và nhà Nguyễn vào năm 1611 và 1653 là hai thí dụ điển hình. Thế
thì đâu là yếu tố mà Trần Gia Phụng dựa vào đó để cho rằng dân tộc
Champa là những kẻ ngu muội, không biết đòi lại đất đai của họ đã lọt
vào tay của người khác.
Tổng biên tập Champaka
Pgs. Ts. Po Dharma