Có
lẽ bạn chưa bao giờ tỉ mỉ lập một danh sách mà các tờ báo cả nước loan
tin trong một ngày về một chủ đề nào đó. Nếu rảnh rỗi, thử một lần xem.
Câu
nói cửa miệng của một số đông người đọc báo hôm nay là báo lề phải chỉ
chuyên khai thác những tiết mục “ đâm, giết, hiếp”. Nhận định này đúng
nhưng không công bằng cho người làm báo. Thử tưởng tượng xem mỗi ngày có
hàng chục vụ giết người trên cả nước như ngày 14 tháng 11 chẳng hạn,
nếu là người làm báo thì bạn sẽ làm gì?
Xin xem những gì mà các báo loan tải:
Dân
Việt 14-11: Thắt cổ chồng đến chết rồi ung dung đi ăn cưới. Bà Đỗ Thị
Thơ, sinh năm 1976, dân tộc Kinh, trú tại xã Linh Hồ, huyện Vị Xuyên,
tỉnh Hà Giang chính là vợ của nạn nhân.
Bee.Net 14-11: Một người chăn bò bị chém chết tên Võ Văn Giới ngụ ấp 3, xã Xuân Tây, huyện Cẩm Mỹ.
Lao
Động 14-11: tại số nhà 228, thị trấn Trùng Khánh, huyện Trùng Khánh,
tỉnh Cao Bằng đã xảy ra một vụ cướp hết sức táo tợn làm chị Nông Thị Thu
thiệt mạng và anh Đinh Trọng Thành bị thương nặng.
Lao
Động 14-11: Vụ án giết bảo vệ, cướp ngân hàng xảy ra ở chi
nhánh ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (Agribank)
Bình Đà, Thanh Oai, Hà Nội, bước đầu đã có những manh mối.
Bee.Net
14-11: Vì muốn báo thù anh Nguyễn Việt Cường, ở phường Nguyễn Văn Cừ,
TP Quy Nhơn, Bình Định, giảng viên khoa Lịch sử Trường ĐH Quy Nhơn, mà
Đặng Văn Cửu, 22 tuổi, ở xã IaYok, IaGrai, Gia Lai, sinh viên năm cuối
trong trường, đã bắt cóc cháu Nguyễn Việt Dũng 8 tuổi, học sinh lớp 3
Trường tiểu học Ngô Mây rồi ra tay sát hại dã man.
Dân
trí 14-11: Xảy ra mâu thuẫn, Bình vồ cán chổi bằng cây lao vào đánh tới
tấp vào đầu chị Hà. Khi phát hiện nạn nhân gục hẳn, đối tượng này lạnh
lùng đưa cô vợ “hờ” lên giường đắp chăn rồi tẩu thoát.
Thanh
Niên 14-1: Hầu như đêm nào khoa Cấp cứu của các BV Chợ Rẫy, Nhân dân
115, Nhân dân Gia Định, Chấn thương chỉnh hình… cũng tiếp nhận những ca
nhập viện do đánh nhau, đâm chém. Những đối tượng này thuộc nhiều lứa
tuổi (khoảng 16 đến 40 tuổi). Theo các BS, tình trạng đả thương về đêm
nhiều hơn ban ngày.
Tiền
Phong 14-11: Lãnh đạo Trại giam A2, Bộ Công an, Diên Xuân, Diên Khánh,
Khánh Hoà xác nhận, tối 8-11 một hạ sĩ quan của trại A2 là N.N.H đâm bị
thương hai người tại khu nhà trọ.
Việt
Báo: Ngày 15/11, Công an quận Thủ Đức, TP HCM đã đưa Kim Văn Bình về nhà
trên đường 12 phường Tam Bình để thực nghiệm hiện trường hành vi sát
hại dã man người chung chăn gối suốt nhiều năm.
TTXVN 14-11: Vụ giết người chỉ vì… điếu thuốc.
VietnamNet 14-11: Chân dung kẻ nghịch tử hiếp dâm em gái ruột.
VnExpress
14-11: Bà chủ thu đổi ngoại tệ bị sát hại tại nhà. Người đàn bà kinh
doanh thu đổi ngoại tệ nằm chết trong bếp với 3 vết chém. Cạnh đó, người
chồng bất tỉnh, cơ thể đầy thương tích.
Dân
Việt 14-11: Nam sinh viên đâm chết người yêu cũ của bạn gái. Công an
phường An Xuân, Tam Kỳ, Quảng Nam cho biết Nguyễn Đức Chiến, 21 tuổi,
sinh viên năm nhất Trường Cao đẳng Công kỹ nghệ Đông Á, TP Tam Kỳ, đã ra
đầu thú về tội giết người.
Đọc đến đây thì bức tranh giết người trên cả nước sẽ khiến bạn ra sao? Buồn bã, giận dữ, lo sợ hay…mackeno?
Riêng tôi thì lạnh toát linh hồn!
Chưa
bao giờ tôi nghĩ rằng mức độ dã man của người dân xứ tôi lại lên cao như
vậy. Một sinh viên vì giận người cưu mang cho mình đã dửng dưng giết
đứa con chỉ hơn 8 tuổi của người ra ơn cho anh ta một cách dã man. Điều
gì đã khiến một sinh viên học tới năm thứ ba lại có thể đủ can đảm làm
một việc mà dù người không học vấn cũng khó mà làm được?
Tại
sao một số lớn thanh niên nam nữ lại có thể vô cảm trước tính mạng con
người như vậy? Nguồn cội của vấn đề có phải phát xuất từ gia đình, xã
hội, trường học hay đạo đức của cộng đồng?
Mỗi
ngày sự tha hóa đạo đức như chiếc xe không phanh, cứ chạy tuột khỏi trí
nhớ người dân mà không thấy một cơ quan nào lên tiếng. Lên tiếng bằng
nhiều cách: hội thảo giữa các nhà tội phạm học, nghiên cứu lý do, thống
kê xã hội, tôn giáo, hoàn cảnh sống, trình độ học vấn…nhằm tìm một
phương cách đối phó hay ít ra là ngăn ngừa.
Tất cả
đều im lặng như những việc này không xảy ra tại Việt Nam. Những câu
chuyện sát nhân được người dân theo dõi như xem một cuốn phim kinh dị.
Các tổ chức xã hội lờ đi như không thuộc trách nhiệm của mình. Cơ quan
luật pháp chỉ ra tay sau khi câu chuyện đã vở lỡ và thường thì khi báo
chí ngưng không khai thác câu chuyện nữa thì coi như vở kịch hạ màn.
Nỗi
đau của gia đình nạn nhân không bao giờ nguôi. Xác chết của các vụ giết
người cộng lại có thành một bãi tha ma đi nữa cũng không làm ai xót xa
ngoại trừ gia đình của nạn nhân.
Không
xót xa nhưng trách nhiệm thì phải có. Trách nhiệm của mọi người và phải
chia cái phần đen tối này một cách công bằng cho toàn xã hội.
Thấy
cướp không la, thấy người bị tai nạn không cứu, thấy đánh nhau không
gọi công an, thấy móc túi không hô hoán…là thói ích kỷ trầm kha của dân
chúng trách sao tội phạm không lên ngôi.
Dù
sao thì bỏ ra nửa buổi để làm một danh sách báo chí loan tin về các vụ
giết người cũng không bõ công:…Khi Lý Thông nhiều hơn Thạch Sanh trong
xã hội thì cũng là lúc nên tiết giảm bớt niềm tin vào hệ thống pháp luật
này cũng như các giá trị đạo đức cần phải xem xét lại.
Không
xa đâu, khi các nhà nghiên cứu nước ngoài lập ra được một cuốn sách
thống kê có nhan đề: “Người Việt độc ác” thì bản thân từng người chúng
ta cũng đừng nên lấy làm nhục nhã, bởi cái nhục lớn nhất là sự im lặng
trước cái ác vẫn được chúng ta kiên trì theo đuổi hàng ngày.
canhco's blog