Trần Gia Phụng
Lời người viết: Tôi nhận được e-mail của champaka1999@aol.com
gởi bài “Trả lời cho Trần Gia Phụng về “Người Việt không tiêu diệt
người Chăm”. Tôi quyết định không trả lời. Tôi tôn trọng lòng yêu nước
của Po Dharma. Tuy nhiên, sau đó tôi nhận được bài nầy từ nhiều độc
giả từ Hoa Kỳ, Pháp, Đức, đồng thời hỏi ý kiến tôi hoặc yêu cầu tôi lên
tiếng những điều Po Dharma viết. Tôi thấy tốt nhất tôi đăng lại nguyên
bản bài viết cũ của tôi, để độc giả đọc cả hai phía, đọc bài của Po
Dharma và đọc những chi tiết do tôi viết ra chứ không bị “đoạn văn thủ
nghĩa” theo người phê bình, và có nhận xét cả hai phía, từ ý kiến đến
văn phong của mỗi bên, để xem bên nào đang “viết tiểu thuyết lịch sử”
(lời Po Dharma). Bài nầy trích từ sách
Những câu chuyện Việt sử tập 4, Toronto 2005, chương “Đường về phương
Nam”, mục “IV: Tiêu diệt hay thu hút và hội nhập?”, tt. 39-51. Nếu độc
giả nào muốn tìm hiểu toàn bài, thì xin tìm đọc trong sách vừa dẫn. Tôi
xin cảm ơn độc giả thăm hỏi và cảm ơn Po Dharma đã quảng cáo sách tôi
cũng như tạo cơ hội cho tôi trở lại vấn đề nầy.
***
Người Việt
đã đến sinh sống tại vùng đất của Chiêm Thành và Thủy Chân Lạp tức nước
Phù Nam. Do đó, có câu hỏi đặt ra là phải chăng người Việt đã tiêu
diệt nước Chiêm Thành? Vấn đề nầy cần được xem xét lại dựa trên hoàn
cảnh lịch sử Chiêm Thành, Đại Việt và Đông nam Á.
1.- NỘI TÌNH CHIÊM THÀNH
Người
Chiêm gồm nhiều sắc tộc khác nhau. Trong mỗi sắc tộc, lại có nhiều thị
tộc riêng lẻ. Những thị tộc nầy thường tranh chấp nhau. Sử sách ghi
nhận, riêng sắc tộc Chàm đã có nhiều thị tộc, mỗi thị tộc có cùng một họ
và vật tổ riêng. Hai thị tộc mạnh nhất là thị tộc Cây Cau
(Kramukavamca) ở phía nam, vùng Panduranga (Phan Rang), và thị tộc Cây
Dừa (Narikelavamca) ở phía bắc, vùng Indrapura (Đồng Dương, Quảng
Nam).(1) Về sau, những sắc tộc và thị tộc nầy hợp nhất thành nước Chiêm
Thành, nhưng các thị tộc vẫn giữ độc lập với nhau. Đó là chưa kể trên
vùng rừng núi Trường Sơn và cao nguyên nam Trung phần, các sắc tộc
Churu, Jarai, Raglai… luôn luôn tự trị. (Cho đến nay, chưa có chính
quyền nào có thể đưa các sắc tộc trên cao nguyên nầy vào nề nếp hành
chánh trung ương). Vì vậy tổ chức chính quyền Chiêm Thành không chặt
chẽ, không có hệ thống duy nhất từ trung ương xuống địa phương.(2) Tự
nội bộ Chiêm Thành đã có những mầm mống chia rẽ vì sắc tộc.
Tổ chức xã
hội Chiêm Thành vừa khép kín vừa phân chia giai cấp. Những giai cấp
nầy có tính thế tập cha truyền con nối nên có thể gọi là thế cấp. Giai
cấp thượng tầng tăng lữ và quý tộc tuy thiểu số, lại điều khiển hai giai
cấp thường dân và tiện dân gồm đại đa số dân chúng. Giới lãnh đạo nầy
lo bảo vệ quyền lợi riêng cho đẳng cấp và tộc họ mình, bắt dân đi lính
ra trận, xây đền đài, cung điện, các nơi thờ phụng linh thiêng, hơn là
lo cho đời sống của dân. Quyền hành và kiến thức văn hóa chỉ có tính
cách tập truyền, không có tổ chức giáo dục và thi cử để tuyển lựa nhân
tài trong dân gian. Vì muốn hạn chế văn hóa giáo dục cho riêng giai cấp
lãnh đạo, nên tuy tiếp xúc rất sớm với người Việt và người Trung Hoa,
nhà cầm quyền Chiêm Thành không du nhập kỹ nghệ sản xuất giấy là vật
dụng cần thiết để phổ biến văn hóa, giáo dục và nhất là để lưu truyền
văn chương, lịch sử.
Việc hạn
chế văn hóa và giáo dục nầy làm cho đa số người Chiêm chậm tiến, trình
độ đại chúng thấp, ảnh hưởng tai hại lâu dài cho Chiêm Thành. Vì ít
được học hay không được học, dân chúng Chiêm Thành thường bị chính quyền
đương thời lợi dụng trong công việc riêng của chính quyền, không có
điều kiện thăng tiến đời sốngï, nên người dân cảm thấy không tha thiết
ràng buộc với chế độ mình đang sống. Như vậy, ngoài sự chia rẽ vì sắc
tộc, xã hội Chiêm Thành còn bị chia rẽ vì thế cấp.
Vào cuối
thế kỷ 15, sau khi Lê Thánh Tông trả đũa Trà Toàn năm 1471, trong giới
lãnh đạo Chiêm Thành có trình độ, một số bị bắt, một số bỏ trốn ra nước
ngoài, qua Chân Lạp, Mã Lai tỵ nạn.(3) Người Chiêm còn lại như rắn mất
đầu, thiếu hướng dẫn và lãnh đạo, nên Chiêm Thành càng bị chậm tiến và
dễ suy thoái.
Người
Chiêm Thành theo mẫu hệ, phụ nữ có nhiều ưu thế hơn nam giới. Khi tiếp
xúc với một xã hội bên ngoài không phân biệt giai cấp, mà lại trọng nam,
thì giai cấp tiện dân bị áp bức của Chiêm Thành, hoặc những người đàn
ông Chiêm Thành thích tự do, sẽ có khuynh hướng ngả về theo hướng bên
ngoài. Cả hai điều đó đều bất lợi cho chính quyền và xã hội Chiêm
Thành.
Chính
quyền Chiêm Thành thường đem quân đi chinh phạt khắp nơi. Trên đất
liền, người Chiêm đưa quân viễn chinh Chân Lạp (Cambodia), Mã Lai, Đại
Việt và có khi cả Trung Hoa nữa.(4) Chiến tranh, cướp bóc có thể xem là
một sinh hoạt kinh tế, nhưng loại hình kinh tế nầy rất mạo hiểm, không
có căn bản vững chắc tại chính đất nước Chiêm Thành. Những cuộc viễn
chinh làm cho nước Chiêm kiệt quệ. Tài sản quốc gia bỏ vào việc mua sắm
vũ khí, nuôi quân, khiến cho đất nước lụn bại, nghèo khổ. Khi động
binh, nam giới tòng quân ra trận, sẽ thiếu người làm nông, đất đai bị bỏ
hoang, không người cày cấy, chăm sóc ruộng vườn.
Trên mặt
biển, người Chiêm tổ chức những đoàn cướp biển. Cướp biển Chiêm Thành
là nỗi hãi hùng một thời cho những thương thuyền trên biển Đông, từ
Trung Hoa xuống tới Indonesia. Khi đế quốc Hồi giáo vùng quần đảo
Indonesia sụp đổ, các nước phương tây làm chủ Ấn Độ dương và Thái Bình
dương. Thương thuyền lớn của người Âu Châu, trang bị súng ống tối tân,
làm mất đi quyền lợi của những nước sống bằng nghề cướp biển với những
chiếc thuyền nhỏ và võ khí thô sơ như Chiêm Thành.
Một đặc
điểm của người Chiêm khác biệt hẳn với người Việt là đi đến đâu, những
nhà lãnh đạo Chiêm thích xây dựng những công trình kiến trúc, đền tháp
quy mô vĩ đại để thờ cúng thần linh, bắt dân chúng đóng góp công sức cực
khổ, và làm hao tốn công quỹ của nhà nước, trong khi người Việt lại chú
trọng chăm lo đời sống thiết thực của dân chúng, xây dựng tổ chức xã
thôn vững mạnh.
2.- CHIÊM THÀNH BỊ TRẢ ĐŨA
Vì thường
đem quân đi gây hấn, nên Chiêm Thành bị các nước đối phương đến đánh
trả. Quân Chiêm cướp bóc tàn phá Chân Lạp, thì lại bị Chân Lạp cướp bóc
tàn phá khi phản công. Các thánh địa Chiêm Thành bị hư hỏng hoặc tiêu
hủy. Sau chiến tranh, triều đình Chiêm Thành lại bắt dân tái xây dựng
thánh địa. Riêng thánh tích Po Nagar, tức Tháp Bà ở Nha Trang, bị phá
hủy và trùng tu nhiều lần, cho đến khi người Việt hiện diện từ thế kỷ
17 mới được yên ổn cho đến nay.(5)
Chiêm
Thành ít nhất bị người Trung Hoa phá hủy hai lần vào các năm 605 và
1282; người Java hai lần vào đánh cướp vào các năm 774 và năm 787; người
Chân Lạp (Cambodia) xâm chiếm vào các năm 950, 1190, rồi đô hộ từ 1203
đến 1220. Những sự kiện trên đây cho thấy rằng Chiêm Thành đã bị nhiều
nước khác nhau đến tàn phá tận gốc rễ từ rất sớm, kể cả trước khi Ngô
Quyền lập quốc ở nước Việt. Có thể nói, Chiêm Thành là nạn nhân của
chính tính hiếu chiến của các nhà lãnh đạo Chiêm Thành.
Khi nước
Việt giành lại độc lập năm 938, và càng ngày càng lớn mạnh, Chiêm Thành
luôn luôn thân thiện với Trung Hoa và kiếm cách tấn công nước Việt.
Không kể chuyện nước Việt trả đũa, chính sách nầy sai lầm ở chỗ nếu Đại
Việt sụp đổ, thì Chiêm Thành cũng không chống được Trung Hoa.
Điểm đặc
biệt là hai lần đầu tiên Đại Việt tiến về phương nam là hai lần do các
vua Chiêm Thành tự nguyện dâng tặng đất đai. Vua Lý Thánh Tông viễn
chinh năm 1069 chỉ cốt để ổn định biên giới phía nam chứ chưa nghĩ đến
việc chiếm đất Chiêm Thành. Nếu nghĩ đến việc chiếm đất, thì sau khi
chiến thắng vẻ vang, nhà vua tự động buộc địch thủ phải nhường đất, chứ
không cần phải bắt Chế Củ về Thăng Long để trừng phạt. Sau Chế Củ đến
Chế Mân. Cần lưu ý là Chế Mân hoàn toàn tự nguyện tặng đất năm 1306 để
làm quà cưới công chúa Huyền Trân, chứ Đại Việt không áp đặt một điều
kiện nào đối với Chế Mân. Việc Huyền Trân qua làm hoàng hậu Chiêm Thành
còn bị chính triều đình Đại Việt lúc đó phản đối.(6)
Người
Chiêm Thành sau nầy rất hãnh diện về nhân vật anh hùng Chế Bồng Nga (Po
Bin Swor, trị vì 1360-1390). Chế Bồng Nga đã ba lần đánh chiếm kinh đô
Thăng Long vào các năm 1371, 1377, 1378. Tuy nhiên, chính vì huy động
sức dân để đi chinh chiến, chứ không dùng sức dân để xây dựng kinh tế,
nên nước Chiêm vẫn không tiến bộ gì hơn. Thêm vào đó, sau khi nước Đại
Việt phục hưng, các vua Đại Việt lại đem quân trả đũa. Nhà Hồ lấy đất
đến vùng Amaravati (vùng Quảng Nam), trong đó có thánh địa Indrapura
(Đồng Dương, Quảng Nam), là một thiệt thòi lớn cho Chiêm Thành, nhưng
đây cũng là một cái giá trả lại cho những lần liên tục tấn công Đại Việt
của Chế Bồng Nga trong 30 năm ông ta cầm quyền.
Một điểm
cần lưu ý là nền kinh tế của Chiêm Thành dựa trên căn bản ngoại thương.
Chiêm Thành sản xuất nhiều gia vị và hương liệu như quế, hồ tiêu, trầm
hương… Chiêm Thành có một lực lượng hải thuyền mạnh, trao đổi buôn bán
với các nước phía nam, nằm dưới sự kiểm soát của các đế quốc vùng quần
đảo Indonesia. Tại vùng quần đảo nầy, đế quốc Ấn Độ giáo Majapahit (thủ
đô ở trung tây Java) bao gồm vùng Đông Nam Á, bắt đầu suy vi từ thế kỷ
15, nhường chỗ cho đế quốc Hồi giáo Malacca trên bán đảo Mã Lai.
Thương
nhân Hồi giáo, nhất là người Ả Rập, kiểm soát con đường buôn bán hồ tiêu
đông tây, tức con đường chuyên chở gia vị bằng đường biển từ các nước
phía đông sang cung cấp cho các nước phía tây. Do ảnh hưởng của việc
buôn bán trao đổi nầy, người Chiêm Thành vốn theo Ấn Độ giáo, cũng
chuyển hướng theo Hồi giáo. Đế quốc Malacca sụp đổ vào cuối thế kỷ 16,
do sự xuất hiện của người Tây phương, nhất là người Bồ Đào Nha và người
Hòa Lan. Do đó, việc giao thương bằng đường biển của người Chiêm Thành
gặp bế tắc.
Lâu nay,
Chiêm Thành không mấy chú ý đến nông nghiệp, bây giờ muốn quay lại nền
kinh tế trọng nông cũng không dễ. Chính khi Chiêm Thành đang suy thoái,
gặp khó khăn ở trong cũng như ngoài nước, thì cũng là lúc tổ chức xã
hội tại Đại Việt đã vững mạnh và đang phát triển, nhất là lúc đó các
chúa Nguyễn đang cần xây dựng Đàng Trong để chống các chúa Trịnh ở Đàng
Ngoài.
Đối với
những nhà lãnh đạo Đại Việt biết lo xa, không có cái gì bảo đảm sẽ không
tái diễn chuyện Chế Bồng Nga, nếu không làm cho Chiêm Thành suy yếu.
Hành động gây hấn tấn công liên tục của người Chiêm hay chính quyền
Chiêm luôn luôn tạo một tình thế bất ổn thường xuyên ở biên giới phía
nam Đại Việt, khiến chính quyền Đại Việt lo ngại và tìm cách hóa giải cơ
nguy nầy. Chính quyền Đại Việt không chủ trương diệt chủng, nhưng họ
cần phải triệt hạ lực lượng chuyên quấy phá và đánh tập hậu ở phía nam.
Có lẽ cũng
nên thêm một sự kiện đặc biệt khá quan trọng chắc chắn làm cho các chúa
Nguyễn lo ngại không ít, đó là vào cuối thế kỷ 16, người Chiêm Thành
thường buôn bán với người Bồ Đào Nha ở Ma Cao, thuộc địa của Bồ trên đất
Trung Hoa. Thương thuyền Bồ Đào Nha hay ghé buôn bán trao đổi với
người Chiêm ở các hải cảng Cam Ranh và Phan Rang.(7)
Do các lẽ
đó, các chúa Nguyễn cho thi hành chính sách dinh điền, đưa dân tới những
vùng đất Chiêm Thành chưa khai thác, mở mang cày cấy vùng đất mới, sống
hòa lẫn với người Chiêm, canh chừng và bảo vệ an ninh biên giới. Chính
sách dinh điền ở nước ta đã phát triển từ đời nhà Trần, khi các vua
Trần cho phép các hoàng thân, công chúa thâu nhận những người nghèo đói
làm hương binh, để vừa làm ruộng vừa đánh giặc. Chính sách nầy còn được
gọi là “ngụ binh ư nông”, lấy lính từ trong nông dân. Chính sách dinh
điền là dùng dinh (doanh trại quân đội) bảo vệ và phát triển điền (đất
đai), rồi lấy điền làm ra thực phẩm để nuôi dinh.
3.- NGƯỜI VIỆT KHÔNG TIÊU DIỆT NGƯỜI CHIÊM
Dân số
Chiêm Thành ít mà đất đai Chiêm Thành rộng.(8) Người Chiêm bỏ hoang đất
đai không cày cấy, trong khi người Việt đang cần đất, nên người Việt từ
từ tiến xuống khai phá đất đai để sinh sống. Khi dân Việt đến khai
phá, thì người Chiêm quay qua tấn công. Những cuộc tấn công nầy trở
thành lý do chính đáng cho người Việt đánh trả. Sự đánh trả qua lại gây
chết chóc đau thương cho cả hai bên, chứ không nhất thiết là chỉ bên
nầy, hay chỉ bên kia chịu tử vong. Có điều chắc chắn trong lịch sử bang
giao Việt Chiêm, không bao giờ xảy ra nạn diệt chủng như thấy được ở
vài nước châu Âu. Năm 1467, vua Lê Thánh Tông ra lệnh cấm tất cả quan
cũng như dân, công cũng như tư, không được dùng người Chiêm làm nô tỳ.
Ngày 16-11 năm kỷ mùi (1499), vua Lê Hiến Tông ban chiếu chỉ theo đó
“…từ nay trở đi, xứ Quảng Nam không được cướp bắt người Man [chỉ người
Chiêm] và mua bán làm nô tỳ. Ai vi phạm thì cho phép hữu ty hặc xét trị
tội…”(9)
Triết lý
sống căn bản của người Việt là sống cùng với người khác và để người khác
cùng sống với mình, nên điểm đặc biệt là dầu khác sắc tộc và tôn giáo
với người Chiêm, người Việt sống chung lẫn lộn với người Chiêm, luôn
luôn tôn trọng truyền thống và tôn giáo riêng của sắc dân Chiêm, và
người Việt không phá hủy các đền đài cung điện hay thánh tích Chiêm
Thành. Các đền tháp của Chiêm Thành được xây dựng từ Quảng Bình vào đến
Bình Thuận được bảo toàn chu đáo từ khi có sự hiện diện của người Việt
cho đến ngày nay. Nếu chủ trương diệt chủng, người Việt chẳng những
tiêu diệt người Chiêm, mà còn phá hủy đền đài thánh tích Chiêm để xóa đi
toàn bộ dấu vết nước nầy.
Trươc việc
tiệm tiến định cư của người Việt, người Chiêm lại phản ứng theo cách
riêng: người Chiêm không thích sống lẫn lộn hòa đồng với người Việt, mà
chỉ sống theo bản làng thị tộc riêng của mình. Chẳng những người Chiêm
sống cách biệt với người Việt, mà chính trong nội bộ, người Chiêm cũng
sống theo từng bộ tộc cách biệt với nhau nữa. Lý do chính có thể vì
giới lãnh đạo Chiêm muốn giữ bản sắc văn hóa riêng, tộc họ riêng, và
nhất là vì sự phân chia giai cấp của mỗi thị tộc khác nhau, không muốn
con em mình kết hôn với những người khác thị tộc, và không muốn người
Chiêm bị cuốn hút theo văn hóa bên ngoài, nên người Chiêm sống rất khép
kín. Do đó, người Việt tiến đến đâu, người Chiêm co cụm rút lui đến
đó. Ngày nay, quan sát các thị tộc Chăm ở Bình Thuận hay các thị tộc
Churu, Raglai, Banhar, Jarai… ở cao nguyên nam Trung phần, vẫn thấy xảy
ra hiện tượng quần cư riêng lẻ của người Chiêm.
Cũng có
lúc Chiêm Thành tiến đánh Đại Việt, như vào thế kỷ 14, Chế Bồng Nga ba
lần đem quân ra tận thủ đô Thăng Long, nhưng người Chiêm lại không cương
quyết đòi lại đất mà người Việt đã chiếm đóng. Một nhà nghiên cứu gốc
Chiêm Thành cho biết rằng theo quan niệm thần học của người Chiêm, một
khi đất đai bị người nước ngoài (Việt) chiếm đóng,thần của người Chiêm
không còn linh nghiệm, mà thần của những người mới đến (Việt) mạnh hơn,
phù hộ cho những người mới đến chứ không phù hộ cho người Chiêm, nên
người Chiêm không muốn đòi lại đất đai, vì đòi lại ở cũng không
tốt.(10) Do đó, người Việt tiến đến sinh sống tại vùng nào, thì người
Chiêm không đòi lại, không chống đối để khôi phục, mà chấp nhận tình
trạng đã rồi và bỏ đi vùng đất khác. Thói quen nầy của người Chiêm
khuyến khích người Việt tiến mãi vì không gặp cuộc kháng cự nào đáng kể
của người Chiêm.
Một hiện
tượng đặc biệt trong lịch sử Chân Lạp (Cambodia) có thể giúp chúng ta
suy nghiệm về việc suy thoái của Chiêm Thành. Tại Chân Lạp, dưới triều
đại Suryavarman II (trị vì 1113-1150), quần thể cung điện đền đài Angkor
Wat, Angkor Thom được xây dựng tại thủ đô Angkor. Đây là đỉnh cao của
nghệ thuật iến trúc Chân Lạp và cũng là đỉnh cao của nền văn minh Chân
Lạp. Angkor bị vua Chiêm Thành là Jaya Indravarman IV tàn phá vào năm
1177. Sau đó, bị người Thái tấn công năm 1369, 1388, và 1431. Triều
đình Chân Lạp liền dời đô đến Phnom Penh (Nam Vang) năm 1434.(11) Từ
đó, Angkor chìm hẳn vào bóng tối, không một ai biết đến sự hiện diện của
ngôi đền nguy nga tráng lệ nầy, cho đến hạ bán thế kỷ 19, người Pháp
mới phát hiện ra Angkor Wat, Angkor Thom.
Xã hội
Chân Lạp lúc đó, khá giống với xã hội Chiêm Thành về nhiều điểm như:
phân biệt giai cấp; giai cấp lãnh đạo hiếu chiến, sẵn sàng nhượng đất
cho nước ngoài để bảo vệ quyền lợi của tập đoàn lãnh đạo; thiếu tổ chức
giáo dục để phổ biến văn hóa; không có sử sách lưu truyền hậu thế. Do
đó, khi giai cấp lãnh đạo ưu tú suy thoái, thì lôi kéo theo sự suy thoái
của Chân Lạp, chứ không phải do nguyên nhân nào từ bên ngoài, đến nỗi
một hệ thống kiến trúc đồ sộ tượng trưng cho nền văn minh Chân Lạp như
Angkor, mà chính những người dân Chân Lạp cũng hoàn toàn quên lãng và bỏ
hoang.
Trở lại
vấn đề Chiêm Thành, nếu không có cuộc Nam tiến của người Việt, nghĩa là
không có sự chung đụng bên ngoài, với tình trạng thích sống biệt lập của
người Chiêm (giống người Chân Lạp), thì phải chăng hiện tượng Angkor đã
có thể xảy ra trên đất Chiêm? Và nếu người Việt không có mặt kịp thời,
phải chăng Chiêm Thành đã phải rơi vào tay các nước phương tây từ những
ngày đầu của phong trào thực dân, như Philippines gần 400 năm, hoặc
Indonesia gần 300? Hơn nữa, sẽ không biết chuyện gì xảy ra nếu nước
phương tây đó chủ trương thực dân (trồng người, tức di dân đến định cư),
theo kiểu ở Úc hay ở một vài nước Phi Châu?
Dầu sao,
vẫn có những dư luận đổ lỗi cho người Việt về sự suy thoái của Chiêm
Thành. Thứ nhất, người Chiêm ngày nay hầu như ít biết nguyên nhân thực
sự vì sao nước mình bị suy thoái, mà chỉ thấy người Việt sống trên vùng
đất cũ của tổ tiên mình, đâm ra oán thán người Việt. Bản nhạc “Hận Đồ
Bàn” cho thấy rõ tâm sự nầy. “Rừng hoang vu, vùi lấp bao nhiêu uất căm
hận thù. Ngàn gió ru, muôn tiếng vang trong tối tăm mịt mù. Vạc kêu
sương, buồn nhắc đây bao lúc quật cường. Đàn đóm vương, như bóng ai
trong lúc đêm trường về. Rừng trầm cô tịch, đèo cao thác sâu, đồi hoang
suối reo hoang vắng cheo leo, ngàn muôn tiếng âm, tháng năm buồn ngân,
âm thầm hòa bài hận vong quốc ca…”(12)
Sự đau
buồn thương tiếc của người Chiêm rất đáng thông cảm, nhưng nguyên nhân
đưa đến sự suy sụp của Chiêm Thành nằm ngay trong nội bộ Chiêm Thành chứ
không phải do Đại Việt gây ra. Hơn nữa, nước Chiêm đâu có mất, đền đài
cung điện vẫn còn đó, chỉ có chính quyền theo chủ trương phân biệt giai
cấp của thiểu số lãnh đạo, gồm giới quý tộc và tăng lữ Chiêm suy
thoái. Khi hội nhập vào xã hội Việt, các đền đài cổ tháp Chiêm chẳng
những không bị phá hủy hay tiêu diệt, mà còn được bảo vệ tốt hơn; bà con
người Chiêm được bình đẳng và có nhiều điều kiện học hành, thăng tiến
cuộc sống, hơn dưới chế độ phân biệt giai cấp của giới quý tộc Chiêm.
Đó là chưa kể chính sách ưu đãi dành cho người Chiêm hay người miền cao
nguyên như dưới thời Việt Nam Cộng Hòa.(13)
Đáng tiếc
là trong khi đó lại có một số người Việt đã tự hào một cách quá đáng về
dân tộc mình, luôn luôn lớn tiếng rằng người Việt anh hùng, “bắc cự
Trung Hoa, nam diệt Chiêm Thành”, gây ra một mặc cảm tự tôn không đúng
cách. Chính điều nầy càng làm cho bà con người Chiêm Thành phẫn nộ, gây
thêm mối chia rẽ giữa hai dân tộc anh em. Có điều buồn cười là mặc cảm
tự tôn nầy đôi khi lại vội biến thành mặc cảm tội lỗi, cho rằng vì mình
đã diệt Chiêm Thành nên ngày nay mình phải mang tội tổ tông, bị nghiệp
chướng, và bị lưu đày trở lại. Thậm chí khi Việt Nam Cộng Hòa bị sụp đổ
năm 1975, thấy cựu tổng thống Nguyễn Văn Thiệu là người Phan Rang, tức
xứ Panduranga của Chiêm Thành ngày trước, có một giai thoại vô căn cứ
được lan truyền cho rằng ông Nguyễn Văn Thiệu là người Chiêm Thành đầu
thai trở lại để trả thù người Việt (?).
Những dư
luận từ hai phía trên đây đều phát xuất từ cảm quan lịch sử bồng bột,
chứ không dựa trên những dữ kiện khách quan của lịch sử. Chiêm Thành
suy thoái vì nhiều lý do trong đó nguyên nhân quan trọng tiềm ẩn ngay
trong tổ chức xã hội và chính quyền Chiêm Thành, chứ người Việt Nam
không tiêu diệt Chiêm Thành. Những biến chuyển lịch sử Chiêm Thành cho
thấy Chiêm Thành đã có những mầm mống suy thoái từ rất sớm, và có thể
nói chính vì Chiêm Thành suy thoái mà cuộc nam tiến của người Việt được
phần nào dễ dàng và nhanh chóng, chứ không phải vì Việt Nam nam tiến mà
Chiêm Thành suy thoái.
Phải thẳng
thắn nhìn nhận rằng trong việc tiếp xúc giữa hai sắc tộc Việt Chiêm, có
thể xảy ra những lạm dụng hà hiếp sai trái của người Việt đối với người
Chiêm, nhưng đây chỉ là những hành vi cá nhân, chứ trong lịch sử Việt
Nam, chính quyền Đại Việt hoàn toàn không thi hành chính sách diệt chủng
đối với người Chiêm. Đó là điểm cần phải ghi nhận cụ thể. Người Việt
chỉ đến sống chung hòa lẫn với người Chiêm, trên vùng đất Chiêm Thành
xưa, nay thành quê hương chung, tức mảnh đất miền Trung ngày nay. Bằng
chứng cụ thể là người Chiêm hiện vẫn sinh sống ở miền trung và nam Việt
Nam, và những người Chiêm thuộc các sắc tộc Churu, Raglai, Banhar vẫn
sinh sống ở vùng cao nguyên nam Trung phần.
Người Việt
tôn trọng di sản văn hóa, tập tục, tôn giáo của người Chiêm, không phá
hủy, động chạm gì đến đền đài thánh địa Chiêm, và nhất là tôn trọng
quyền định cư thành những trung tâm riêng lẻ của người Chiêm. Văn hóa và
văn minh Chiêm vẫn còn đó, ký thác và hội nhập trong dòng văn hóa và
văn minh Việt, đồng thời tạo nên bản sắc phong phú mới cho văn hóa chung
giữa các sắc tộc anh em trên đất nước Việt Nam. Những điệu múa cung
đình Huế, những điệu hò Nam ai, Nam bình, những bản nhạc như “Hận Đồ
Bàn” của Xuân Tiên, những lời thơ trong Điêu Tàn của Chế Lan Viên, là
những ví dụ điển hình về sự phổ biến của văn hóa Chiêm Thành trong văn
hóa Việt Nam.
Chẳng
những thế, nhiều người Việt còn chia sẻ, tin theo những tín ngưỡng của
người Chiêm, như thánh mẫu Thiên Y A Na hiện đang được thờ phụng tại
Tháp Bà (Nha Trang), hay điện Hòn Chén tức điện Ngọc Trản (Huế). Điện
nầy là nơi thờ cúng hàng năm của triều đình nhà Nguyễn, nhất là triều
đại vua Đồng Khánh (trị vì 1885-1888). “Cho đến nay, người Việt quanh
vùng [Tháp Bà Pô Nagar], cứ ngày rằm, mồng một, hoặc khi có chuyện riêng
tư gì đó, đều lên Tháp Bà thắp hương, cầu xin Bà phù hộ độ trì. Tại
chân núi Tháp Bà, bên bờ sông Nha Trang, có hẳn một xóm của những người
làm nghề cung văn, nhạc công, múa bóng chuyên nghiệp thường xuyên phục
vụ các nghi lễ dân gian tại Tháp Bà. Xóm đó được mọi người gọi là xóm
Bóng.”(14) Người Việt còn chịu ảnh hưởng sâu xa văn hoá Chiêm Thành về
nhiều mặt như ngôn ngữ, ca dao, truyện cổ, âm nhạc, ca vũ, trang phục,
thực phẩm… Như thế, có thể nói văn minh Việt còn, thì văn minh Chiêm
Thành cũng tồn tại.
Nói cách
khác, Đại Việt không tiêu diệt Chiêm Thành, mà đã thu hút Chiêm Thành về
phía mình và người Chiêm đã hội nhập vào dòng sống Việt. Cả hai đã
cùng tồn tại cho đến ngày hôm nay và chắc chắn mãi mãi về sau. Sự tồn
tại của sắc tộc Chiêm Thành và văn hóa Chiêm Thành trong đại gia đình
Việt Nam là một đóng góp quý báu thật đáng trân trọng. Rất mong người
Chiêm và người Việt cùng nhau nhận thức lịch sử bang giao giữa hai dân
tộc anh em trong quá khứ một cách khách quan, đừng bi quan cũng như đừng
hãnh tiến, đừng đổ lỗi cho nhau, để cùng đoàn kết, phát huy những nét
hay đẹp của văn hóa Chiêm Việt, và hướng đến một tương lai tươi sáng
chung cho đất nước. (Trích Những câu chuyện Việt sử tập 4, Toronto 2005,
chương “Đường về phương Nam”, mục “IV: Tiêu diệt hay thu hút và hội
nhập?”, tt. 39-51.)
TRẦN GIA PHỤNG
(Tháng 11-2011)
CHÚ THÍCH
1. Dohamide và Dorohiem, Dân tộc Chàm lược sử, Sài Gòn: 1965, tt. 21-22.
2. Po Dharma, “Góp phần tìm hiểu lịch sử Champa”, Champaka số 1,
California: International Office of Campa, 1999, tr. 13.
3. Pierr-Bernard Lafont, “On the Relations Between Champa and Southeast
Asia”, trong sách Proceedings of the Seminar on Champa, Southeast Asia
Community Resource Center (viết tắt SACRC), California: 1994, tr. 72.
4. Dohamide và Dorohiem, sđd. tr. 44.
5. Tháp nầy đã bị tàn phá bởi người Java năm 774, người Chân Lạp năm 945,
và người Chân Lạp một lần nữa vào cuối thế kỷ 12, nhưng từ năm 1653, khi
Hùng Lộc vâng lệnh Hiền Vương chiếm vùng nầy cho đến nay, tháp Bà chẳng
những được giữ gìn an toàn mà còn được trùng tu lại nữa. Phan Thanh
Giản (1796-1867), thượng thư bộ Lễ triều vua Tự Đức (trị vì 1848-1883),
đã thâu thập những truyền thuyết điạ phương ghi lại trong tấm bia mà ông
cho dựng ở đây vào năm Tự Đức thứ 9 (1856).
6. Ngô Sĩ Liên, Đại việt Sử ký toàn thư, bản dịch của do Nxb. Khoa học Xã
hội, Hà Nội: 1993, tập 2, tr, 90. Vì triều đình phản đối, nên tuy
thượng hoàng Trần Nhân Tông hứa gả Huyền Trân cho Chế Mân trong cuộc gặp
gỡ năm 1301, nhưng mãi đến năm 1306, cuộc hôn nhân mới diễn ra. Lúc
đó, việc nầy bị phản đối vì quan niệm phân biệt chủng tộc hẹp hòi của
triều đình.
7. Pierre Bernard Lafont, “On the Relations Between Champa and Southeast Asia”, SACRC, sđd. tr. 73.
8.
9. Toàn thư, bd. tập 3, tr. 20.
10. Ý
kiến của tiến sĩ Po Dharma, gốc người Chiêm Thành, chuyên viên về Chiêm
Thành làm việc tại Trường Viễn Đông Bác Cổ, trong cuộc gặp gỡ ngày
13-12-1999 với người viết tại Toronto. (Người viết đã được sự đồng ý của
tiến sĩ Po Dharma viết lại ý kiến nầy khi nào có điều kiện.) [Chú thích
thêm: Người viết đăng lại nguyên văn bản in năm 2005. Tuy nhiên vào
tháng 11-2011, tiến sĩ Po Dharma mới viết bài phủ nhận việc nầy. Sự phủ
nhận nầy cũng chỉ mới phủ nhận việc giải thích sự kiện không đòi lại
đất, còn sự kiện không đòi lại đất rõ ràng là đã xảy ra trong quá khứ,
không phủ nhận được. Ví dụ Chế Bồng Nga ba lần ra đánh Thăng Long, cướp
của rồi trở về, chứ hoàn toàn không đòi lại hay chiếm lại những phần
đất đã mất.]
11. Encyclopaedia Britannica, vol. 4, U.S.A. 1972, xem chữ “Cambodia”, phần “History”.
12. Lời mở đầu bản nhạc “Hận Đồ Bàn” của tác giả Xuân Tiên.
13. Thời Việt Nam Cộng Hòa, chính phủ có riêng một bộ ở trung ương, và mỗi
tỉnh ở cao nguyên có một ty chuyên phụ trách vấn đề các sắc tộc ít
người.
14. Ngô Văn Doanh, Tháp cổ Chămpa, Sự thật & Huyền thoại, Nxb. Văn hóa Thông tin, Hà Nội, 1994, tr.143.