Sơn Điền Nguyễn Viết Khánh
Đấu tranh chính trị không có nghĩa là bóp cổ nhau cho chết. Từ ngữ Việt Nam đã có hai chữ phân biệt rõ rệt: chính trường khác với chiến trường. Tuy nhiên cũng nên nhìn lại quá khứ một chút. Từ lâu tôi vẫn nghĩ trí tuệ của con người từ đầu Thế kỷ 21 đã tiến những bước rất mau lẹ, nhanh gấp nhiều lần so với thế kỷ trước. Bởi vậy hãy nhìn vào một quá khứ gần cách đây khoảng 70 năm, vào lúc Thế chiến II bùng nổ, gây hại đến hàng triệu sinh linh trên thế giới. Nguyên nhân gây ra cuộc chiến này là do Đức quốc xã thời Hitler với chủ nghĩa phát-xít cầm đầu và Liên Sô do Stalin cầm đầu với chủ nghĩa Cộng sản.
Phát-xít cũng như Cộng sản đều là những chủ thuyết chính trị. Vậy mà hai chủ nghĩa đó đã nổ súng, gây ra thế chiến vô cùng tai hại cho nhân loại. Bây giờ chúng ta hãy trở lại tình hình của nước Mỹ với vụ nổ súng tại chính trường ở Tucson ngày 8-1 vừa qua. Chính trường Mỹ từ xưa vẫn có hai chính đảng là Cộng Hòa và Dân Chủ. Cộng Hòa có tính bảo thủ nằm ở bên phải, còn Dân Chủ có tính tự do phóng khoáng nằm ở bên trái trên các hàng ghế Quốc hội xòe ra những nhài quạt. Nói chung sự phân bố như vậy rất có ý nghĩa cho lịch sử nước Mỹ từ khi lập quốc năm 1776. Chế độ lưỡng đảng đó đã tạo ra một nước Mỹ hùng mạnh nhất thế giới như hiện nay. Vụ nổ súng ở Tucson có nạn nhân bị bắn đầu tiên là bà Gabrielle Giffords, dân biểu của đảng Dân chủ. Hung thủ là Jared Loughner, một phần tử cực đoan lấy danh nghĩa của đảng Cộng Hòa. Nhưng tôi nghĩ đây chỉ là một sự tiếm danh của một nhóm nhỏ, cấp lãnh đạo đảng Cộng Hòa hoàn toàn không có trách nhiệm nào.
Chúng ta đã thấy buổi lễ tưởng niệm những nạn nhân của vụ nổ súng này ở Tucson vào thứ Tư tuần trước với sự hiện diện của TT Obama và Đệ nhất phu nhân Michelle, cùng rất đông những cấp lãnh đạo của hai đảng Cộng Hòa và Dân Chủ. Tối hôm đó được dân Mỹ và có lẽ cả rất nhiều người ở các nước khác trên thế giới chăm chú theo dõi. Người đầu tiên lên diễn đàn này là một nhân vật ít người biết: Bác sĩ Thomas Frieden, Giám đốc CDC (Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Bệnh tật). Vị Bác sĩ này vốn là dân gốc bản xứ (native), nghĩa là gốc những bộ lạc đã có ở Bắc Mỹ từ cả ngàn năm trước, ngôn ngữ Việt từ lâu vẫn quen gọi là những người da đỏ. Chúng ta cũng không quên những thành phần dân chúng nước Mỹ ngày nay đều từ Âu Châu qua và có đem theo một số nô lệ thuộc gốc da đen ở Phi Châu. Nói cách khác nước Mỹ ngày nay là nước của những di dân từ Âu châu, Phi Châu và sau đó từ Á châu, trong số này gần đây nhất là những di dân gốc Việt Nam như chúng ta.
Bác sĩ Frieden đã nói gì vậy? Ông nói rất cám ơn những người từ xa đến đã lập thành nước Mỹ như ngày nay. Và ông chỉ hình ảnh tòa nhà lớn ở nơi đang họp cũng như hàng ngàn tòa nhà cao ngất trời ở Tucson tạo ra một thành phố hoa lệ lộng lẫy như mọi đô thị khác ở Mỹ. Ông nói quý vị di dân từ xa đến chỉ trong khoảng hơn 300 năm đã "đem lại cho chúng tôi đủ mọi tiện nghi cho cuộc sống văn minh, kể cả một Đại học Y khoa đã tạo thành một bác sĩ như tôi. Các bộ tộc như chúng tôi đã sống qua bao ngàn năm trước mà không làm được cái gì để theo cho kịp đà tiến hóa của nhân loại".
Những người di dân có thể bỏ cái mặc cảm đến chiếm đất đai của những chủng tộc khác. Trái lại họ có thể tự hào đã đem lại đời sống văn minh cho các bộ tộc cổ xưa ở đất này. Tôi ngậm ngùi nghĩ đến nạn kỳ thị chủng tộc mà cho đến gần đây vẫn còn vương vất trong cuộc sống ở nước này. Nhưng đồng thời những người di dân từ khắp nơi trên thế giới, kể cả người gốc Việt, có thể tự hào vì đã góp phần xây dựng cho mảnh đất mà từ thời xưa chữ Hán của người Tầu vẫn gọi là Hoa Kỳ (xứ cờ hoa). Nếu người da đỏ hân hoan đón những chủng tộc khác đến nước này, nạn kỳ thị chủng tộc vẫn còn leo lắt trong một số người Mỹ da trắng. Giờ đây qua 10 năm đầu của Thế kỷ 21, tôi nghĩ sự kỳ thì đó đã dần dần biến mất hẳn, không phải qua cái nhìn hời hợt của đôi mắt mà đã thực sự bắt nguồn từ sâu thẳm trong con tim.
Ngày thứ Hai tuần này cũng là ngày kỷ niệm Mục sư Tin lành gốc da đen Martin Luther King Jr, bị kẻ kỳ thị mầu da bắn chết vào năm 1968. Mục sư King là một người Mỹ duy nhất không hề làm Tổng Thống mà đã được Quốc hội Mỹ vinh danh ông để làm ngày nghỉ lễ chung cho Liên bang kể từ năm 1986. Ngày nghỉ đó là ngày Thứ hai trong tuần lễ thứ 3 của tháng January. Hôm Thứ tư tuần trước ngay sau khi xuống phi cơ ông bà Obama đã đến ngay bệnh viện, đứng bên giường bệnh của bà Giffords.
Trong cuộc họp tối Thứ tư tại Tucson, với sự hiện diện của TT Obama và phu nhân, người ta đã thấy cử tọa đông chật ních người, dơm dớm nước mắt, trong số có những bậc anh hùng và các nhân vật có danh tiếng, kể cả những chính trị gia mà mấy tháng trước đây còn là kẻ thù của bà Giffords. Khi lên diễn đàn tối Thứ tư, TT Obama loan báo bà Giffords đã mở được mắt. Lúc đó trong cử tọa có một vị phụ nữ đứng lên trương cao biểu ngữ có mấy chữ "Chúng ta sẽ chữa lành các vết thương".
Trên diễn đàn TT Obama nói: "Những người bị thương, những người bị giết, tất cả đều là những người thân trong đại gia đình rộng lớn của chúng ta có đến 300 triệu người". Nói chung trong lịch sử Mỹ, các vị Tổng Thống đều được thông báo gấp rút và được yêu cầu làm cố vấn cho dân trong những dịp có tai ương chung cho cả nước. TT Ronald Reagan năm xưa đã nói trong khi đi đường, khi có tin phi thuyền không gian Challenger bị nổ trên trời vào lúc nửa đêm. TT Bill Clinton đã nói trước cử tọa thắt cà-vạt đen vào một ngày năm 1995 để tưởng niệm những người bị chết trong vụ đánh bom ở Oklahoma City. TT George W. Bush đã gọi loa đứng kêu gọi trên đống gạch vụn sau vụ khủng bố đánh bom 9/11 ở New York.
Trên diễn đàn ở Tucson, TT Obama nói tiếp: "Nay chúng ta đã được nhắc nhở rằng trong thời gian đi nhanh như gió trên Trái Đất này, điều quan trọng nhất không phải là của cải, chức tước, quyền lực hay danh vọng, mà là việc chúng ta được thương yêu như thế nào và một phần rất nhỏ của chúng ta được đóng góp ra sao vào việc làm cho cuộc sống của người khác tốt đẹp hơn".
Đối với những người của đảng Cộng Hòa, Obama nói đây không phải là dịp gây chia rẽ giữa hai đảng, mà là lúc hai đảng phải ngồi lại với nhau để tìm cách chữa lành những vết thương và thương thảo để cùng làm việc có lợi cho dân cho nước.
Hành động của tên côn đồ gây chết chóc ở Tucson, thay vì gây chia rẽ đã làm hai chính đảng ngồi lại với nhau. Quả là chuyện lạ!