Tạ Phong Tần
Câu chuyện ngụ ngôn về bó đũa nổi tiếng có lẽ người Việt ai cũng biết. Người cha bệnh nặng, biết mình không thể qua khỏi nên ông đã gọi các con lại và đưa ra một bó đũa bảo mỗi người hãy bẻ bó đũa. Các người con thay phiên nhau gồng mình, mắm môi mắm lợi ra sức bẻ nhưng bó đũa vẫn trơ ra. Cuối cùng, họ nói: “Chúng con không bẻ được”. Người cha lấy bó đũa, tách rời ra từng chiếc rồi lần lượt bẻ gãy hết chiếc đũa này đến chiếc đũa khác. Các người con “Ồ” lên: “Bẻ vậy thì có gì khó đâu”. Người cha nói: “Phải, bẻ từng chiếc đũa rất dễ, ngay cả cha bệnh sắp chết cũng làm được. Bó đũa cũng như các con đó, nếu các con chỉ biết đến bản thân mình thì sẽ trở nên lẻ loi, yếu ớt và bị kẻ thù bẻ gãy dễ dàng. Nếu các con đoàn kết và thương yêu lẫn nhau thì không ai có thể ức hiếp, đàn áp các con được. Như vậy cha mới yên tâm nhắm mắt”.
Ra đường, thấy sự việc sai trái (trái pháp luật hay trái đạo đức), người ta làm lơ đi luôn cho yên thân. Mỗi ngày, thấy sự việc chướng tai gai mắt, thấy áp bức bất công, thấy quyền con người của người khác bị chà đạp, chúng ta im lặng không lên tiếng bên vực, không có động thái gì giúp đỡ các nạn nhân vì những bất công, vì sự bị chà đạp ấy chưa đổ lên đầu chúng ta. Nhưng chúng ta quên rằng, hôm nay sự bất công đổ lên đầu anh em chúng ta, người anh em của chúng ta đã gục ngã, thì ngày mai quân dữ sẽ tiếp tục đem sự bất công đổ lên đầu chính chúng ta, vì mục đích của quân dữ là thống trị một xã hội, một thế giới không có Thiên chúa. Có quyền lực luôn làm cho người ta khát khao thêm quyền lực, không bao giờ quyền lực thỏa mãn được lòng tham.
“Tôi đã sinh ra và đã đến thế gian nhằm mục đích này: làm chứng cho sự thật. Ai đứng về phía sự thật thì nghe tiếng tôi” (Ga 18, 37).
Trong một xã hội đầy dẫy sự vô cảm, “sống chết mặc bây”, đầy dẫy sự dối trá, lọc lừa, lợi dụng cơ hội chà đạp lẫn nhau, thậm chí, dối trá và vô cảm là một trong số những phương tiện để ngoi lên mưu cầu địa vị, danh vọng, tiền tài… thì anh em nào muốn “làm chứng cho sự thật” như lời Chúa cũng trở nên hết sức khó khăn, đòi hỏi một tinh thần mạnh mẽ, một ý chí quyết tâm và một đức hy sinh mới có thể vác thánh giá theo chân Chúa.
Vì sao đơn giản chỉ là “làm chứng cho sự thật”, chống lại sự áp bức bất công mà phải điều kiện nghe “ghê gớm” đến như vậy? Chỉ vì nếu không có tinh thần mạnh mẽ, ý chí quyết tâm và chấp nhận hy sinh lợi ích bản thân mình, chúng ta dễ dàng cúi đầu sợ hãi trước sự đe dọa của bóng tối và các thế lực sự dữ.
Trong thời đại ngày nay, tất nhiên, không thế lực nào có thể “trùm bao bố”, “cho đi mò tôm”, “đấu tố” rồi xử tại chổ, “tịch biên tài sản đẩy đi kinh tế mới”, v.v… như cái thời cách đây mấy chục năm về trước. Vậy quân dữ sẽ đe dọa cái gì và chúng ta sợ hãi điều gì? Không cần phải thông minh lắm mới biết rằng: Nếu chúng ta sợ điều gì thì chúng sẽ đem điều đó đe dọa chúng ta. Lâu nay, chúng ta vẫn tự để mình trở thành nô lệ của mọi thứ tiện nghi vật chất, không thể sống thiếu tiện nghi. Vậy thì quân dữ chỉ cần hăm he chúng sẽ dùng quyền lực tước bỏ các thứ tiện nghi ấy đi là đủ để cho nhiều người phải co đầu rụt cổ, thậm chí quỳ lụy van xin chúng.
Những thói quen bình thường tưởng chừng như không là gì xảy ra hằng ngày trong đời sống chúng ta, vẫn có thể là cái thòng lọng quân dữ tròng cổ chúng ta để lôi chúng ta đi theo ý chúng muốn.
Ví dụ: Một kẻ ghiền thuốc lá, ghiền nhậu nhẹt, ghiền bài bạc, ghiền cá độ, ghiền gái gú, ghiền ăn ngon mặc đẹp, ghiền chơi bời, ghiền đi du hí, ghiền v.v… chỉ cần bị đe dọa “nhốt” (một thời gian) là đủ để hắn quỳ mọp xuống chân Satan rồi. Lúc này, muốn hắn bán anh em như Yuda bán Chúa thì hắn cũng sẳn sàng, vì hắn đã bị nô lệ cho những thói quen hưởng thụ tiện nghi của hắn, hắn không thể sống một ngày mà thiếu những thú vui trần tục ấy. Một kiểu đe dọa khác là quân dữ sẽ dùng mọi biện pháp (bẩn thỉu và đen tối) để “treo mỏ”, tức bao vây kinh tế anh em chúng ta. Nếu không quen một cuộc sống giản dị, chịu được thiếu thốn thì chúng ta cũng lập tức trở thành nô lệ của quân dữ. Ít nhất là chúng biến chúng ta từ con người – một hình ảnh đẹp đẽ của Thiên chúa- trở thành một cái máy tiêu thụ thức ăn: mắt mù, tai điếc, miệng câm, chớ không còn là một con người đúng nghĩa có linh hồn.
“Chính anh em là muối cho đời. Nhưng muối mà nhạt đi, thì lấy gì muối nó cho mặn lại? Nó đã thành vô dụng, thì chỉ còn việc quăng ra ngoài cho người ta chà đạp thôi” (Mt 5, 13). Để chính mình không trở thành “vật hóa”, không trở thành “vô dụng” và bị “chà đạp” trước thủ đoạn đen tối của quân dữ, chúng ta hãy sống như Đức Yêsu đã từng sống giữa loài người.
Đừng sợ mất những thứ mình đang có, nếu nó là của mình, thì trước sau gì Thiên chúa cũng mang đến cho mình. “Của Xêda, trả về Xêda; của Thiên Chúa, trả về Thiên Chúa” (Mt 22, 21), “Anh em không thể vừa làm tôi Thiên Chúa vừa làm tôi tiền của được” (Mt 6, 24). Nếu của cải đó không phải của mình, trước sau gì nó cũng trở về thế giới phù du.
“Con chồn có hang, chim trời có tổ, nhưng Con Người không có chỗ tựa đầu” (Mt 8, 20). Sống như Đức Yêsu đã từng sống giữa loài người chính là một cuộc sống giản dị nhất nếu có thể, bất cứ hoàn cảnh nào chúng ta cũng có thể tồn tại được, ngay cả khi “không có chổ tựa đầu”. Một cuộc sống theo tinh thần Tin Mừng, cũng có nghĩa là luôn chuẩn bị trước cuộc “vượt qua” cho chính bản thân mình. Hãy sống như mỗi ngày ta sống là ngày cuối cùng của đời ta, không có nghĩa là cố sống cố chết để hưởng thụ cho hết kẻo không kịp, mà là hãy làm tất những việc gì có thể làm ngày hôm nay, nếu việc gì hôm nay làm được chúng ta không nên để đến ngày mai. Hãy làm ngay việc cần làm khi có thể, đừng đợi đến ngày lễ, ngày tết mới mua hoa, mua quà tặng những người chúng ta thương yêu, kính trọng, hãy tặng ngay hôm nay nếu có thể tặng. Đó chính là tính “phòng sự bất ngờ” cổ nhân đã dạy, nếu có việc gì tệ nhất xảy ra cho chúng ta, chúng ta cũng giữ cho mình một thần thái ung dung tự tại, nhẹ bước thong dong, không lo lắng vướng bận điều gì. Khi đó, không có bất cứ thế lực đen tối nào có thể uy hiếp được tinh thần chúng ta, dù đó là cái chết.
Chúng ta cũng đừng để quân dữ lợi dụng lời lẽ ngụy trá để bịt miệng chúng ta rằng: Người có đạo mà thế này, người có đạo mà thế kia, v.v…. Chẳng qua là chúng muốn lừa bịp để chúng ta cam chịu khuất phục chúng. Đừng bao giờ tự biến mình thành con giun cho quỷ dữ mặc tình giày xéo, “Con giun xéo lắm cũng quằn”, nói gì là con người.
Chúng ta hãy làm như Đức Yêsu đã làm là mắng vào mặt chúng, vạch trần sự giả trá đê tiện của chúng: “Khốn cho các người, hỡi các kinh sư và người Pha-ri-sêu giả hình! Các người giống như mồ mả tô vôi, bên ngoài có vẻ đẹp, nhưng bên trong thì đầy xương người chết và đủ mọi thứ ô uế. Các người cũng vậy, bên ngoài thì có vẻ công chính trước mặt thiên hạ, nhưng bên trong toàn là giả hình và gian ác” (Mt 23, 27), hoặc khi cần thiết cũng dùng hành động để bảo vệ sự linh thiêng của đền thánh – đức tin của chúng ta: “Người liền lấy dây làm roi mà xua đuổi tất cả bọn họ cùng với chiên bò ra khỏi Đền Thờ; còn tiền của những người đổi bạc, Người đổ tung ra, và lật nhào bàn ghế của họ. Người nói với những kẻ bán bồ câu: “Đem tất cả những thứ này ra khỏi đây, đừng biến nhà Cha tôi thành nơi buôn bán”” (Ga 2, 15).
Chúng ta cũng đừng mặc cảm, đừng tự ti cho rằng chúng ta thấp kém, bé nhỏ, hay kiến thức hạn hẹp,… chẳng phải môn đệ của Đức Yêsu phần lớn đều là những người đánh cá, chài lưới, thu thuế… hay sao? Tác phẩm Tin Mừng hiện nay chúng ta đang có là bằng chứng ơn Chúa Thánh Thần đã ban xuống cho những người bình thường viết nên những tác phẩm phi thường. Chúng ta hãy nói, hãy kiên quyết bảo vệ những điều chúng ta cho là đúng, dù là nói trong hang hùm miệng sói. “Khi người ta đưa anh em ra trước hội đường, trước mặt những người lãnh đạo và những người cầm quyền, thì anh em đừng lo phải bào chữa làm sao, hoặc phải nói gì, vì ngay trong giờ đó, Thánh Thần sẽ dạy cho anh em biết những điều phải nói” (Lc 12, 11-12). Không việc gì phải sợ hãi, “Hỏi có ai trong anh em, nhờ lo lắng mà kéo dài đời mình thêm được một gang tay?” (Lc 12, 25).
Tôi không dùng từ “vượt qua” mà dùng từ “bước qua sợ hãi”. Khi “vượt qua” thì cái chướng ngại vật cản trở chúng ta nó ở một mức độ cao hơn, chúng ta còn coi nó quan trọng hơn, nhưng nếu một khi chúng ta mạnh dạn “bước qua” thì sự sợ hãi ám ảnh chúng ta lâu nay đã bị chúng ta giẫm nát dưới chân. Nếu tất cả chúng ta đều cùng nhau sống như Đức Yêsu đã từng sống giữa loài người, cùng bước qua sợ hãi khi lòng ta có Chúa sáng soi, “Anh em hãy thương yêu nhau như Thầy đã yêu thương anh em” (Ga 13, 34), xem sự bất công đổ lên đầu người anh em khác cũng là sự bất công đổ lên đầu chính mình, thì bất cứ thế lực đen tối nào cũng không thể “bẻ gãy” được chúng ta.
M. Tạ Phong Tần