Nguyễn Thị Ý
Khi mùa xuân đến, những khúc ca về mùa xuân lại vang lên, ngân vút rộn ràng. Trong nhiều khúc ca về mùa xuân diệu vợi, tôi luôn có ấn tượng sâu sắc với ca khúc “Hoa xuân” của nhạc sĩ Phạm Duy mỗi khi nghe lại.
“Xuân vừa về trên bãi cỏ non/ Gió Xuân đưa lá vàng xuôi nguồn/ Hoa cười cùng tia nắng vàng son/ Lũ ong lên đường cánh tung tròn/ Hoa chẳng yêu lũ bướm lả lơi/ Muốn yêu anh vác cầy trên đồi/ Hay là yêu chiến sĩ ngàn nơi/ Thấy hoa tươi cười bỗng thương đời/ Xuân! Hoa còn tươi mãi/ Hoa vì nhân thế biết sum vầy cuộc vui/ Xuân! Hoa nở vì ai/ Tay nhịp bàn tay cùng đắp xây ngày mai...”.
Những nét nhạc dịu dàng như mùa xuân đang len qua kẽ lá mà về với nhân gian, về với lòng người. Âm hưởng nghe êm ái như tiếng ru, mặc dù nhạc sĩ chỉ dùng những nốt nhạc vô cùng đơn sơ nhưng thật dễ hát dễ nghe và dễ bị “hớp hồn”. Rồi càng lắng nghe ca khúc, ta như thấy đâu đó có những chiếc lá vàng rơi rụng và nơi ấy những mầm xanh như chợt nhú lên mang sức sống mới cho đời, và hơn thế, như muốn nâng đỡ cho những con người trong phút giây “xao lòng” trở mình đứng dậy.
Một điều lạ trong những câu mở đầu của ca khúc này là hình tượng của chiếc lá vàng rơi rụng trong một khung cảnh xuân, ngập tràn hoa xuân? Lạ, nhưng đó là dụng ý nghệ thuật của nhạc sĩ Phạm Duy. Bởi, nếu chúng ta để ý kỹ một chút thôi thì ta sẽ thấy tác giả không cho chiếc lá vàng rụng rơi tơi tả mà lại cho chiếc lá xuôi theo làn gió xuân quay về nguồn cội. Quả là một dụng ý nghệ thuật tuyệt vời. Tuyệt vời, bởi vì ngay sau đó, ông đã đưa những hình tượng rực rỡ của mùa xuân tuôn trào lên ý nhạc: “Hoa cười cùng tia nắng vàng son/ Lũ ong lên đường cánh tung tròn...”, một hình tượng thật đẹp trong bức tranh thiên nhiên vô cùng sinh động của mùa xuân.
Sống tiếp với lời ca, lòng ta lại tiếp tục ngân rung bởi những nét nhạc, lời ca như lung linh, ngộ nghĩnh: Hoa cười cùng tia nắng xuân, nhưng hoa lại chẳng yêu lũ bướm lả lơi ve vãn. Vì sao vậy? Vì sao giữa một khung cảnh xuân như thế mà hoa lại từ chối sự ve vãn lả lơi của lũ bướm? Hóa ra thì, như nhiều người đã từng cho rằng: mùa xuân đối với ông, hoa xuân đối với ông như phần thưởng của thiên nhiên cho dân tộc, cho con người Việt Nam đáng yêu, dù cho là anh dân cày nơi đồng xa hay anh chiến sĩ đang cầm súng đứng gác ở biên cương, hoa muốn được cười để mang niềm vui đến cho mọi người trong ngày xuân tươi mới, chứ không phải hoa khoe sắc lả lơi tình tứ õng ẹo với những kẻ đào hoa như lũ bướm dập dìu kia. Cái tình chung ông muốn gửi đến cho nhân thế là vậy. Mà phải chăng đó cũng chính là điều luôn làm cho lòng người thổn thức, ngẫm suy. Thổn thức vì nốt nhạc, ngẫm suy vì thế thái nhân tình. Mà cái thế thái nhân tình trong “Hoa xuân” là sự nhẹ nhàng, dìu dặt, chứ không phải dậy lên thôi thúc, kể cả những lúc nốt nhạc, lời ca được lặp đi lặp lại: Xuân! Hoa còn tươi mãi/ Hoa vì nhân thế biết sum vầy cuộc vui/ Xuân! Hoa nở vì ai/ Tay nhịp bàn tay cùng đắp xây ngày mai”. Nghe lời ca, ta cảm thấy như lớp lớp hoa xuân đang nhẹ theo làn gió e ấp vào lòng người; để nói lên cái ý tứ của hoa không chỉ để khoe sắc thôi, mà còn biết xây đắp cho đời, để nhân thế mãi vui vẻ sum vầy bên nhau nữa...
“Có một chàng thi sĩ miền quê/ Ngắt bông hoa biếu người xuân thì/ Có một đàn em bé ngoài đê/ Hát câu i tờ đón Xuân về/ Những đoàn người trên luống cầy nâu/ Thấy hoa xuân phép lạ ra màu/Bỗng nhủ lòng ra sức cầy sâu/ Tiếng ca như thể tiếng kinh cầu/... / Xuân! Hoa tỏa hương mới/ Nhân quần ân ái đã kêu đòi niềm vui/ Xuân! Hoa là tình tôi/ Đua nở cùng ai cùng luyến yêu mọi nơi/ Có một bầy thôn nữ nhìn hoa/ Chúc cho Xuân vui vẻ thái hòa/ Có một vài tóc trắng thầm mơ/ Ước cho hoa nở mãi không già”.
Lời ca như một bức họa tranh mà nét phác thảo đơn sơ của người nhạc sĩ về hoa xuân dành cho người họa sĩ đồng quê ngắt bông hoa tặng cô gái xuân, cạnh đấy là mấy đứa mục đồng ôm sách lẩm nhẩm đánh vần, những chữ i tờ mà chúng đọc được cũng như những cánh hoa đẹp để làm món quà đón xuân sang, đó cũng là hoa, là hoa lòng, là hoa tâm hồn của trẻ thơ khi biết đánh vần được chữ i chữ tờ. Quả thật, chỉ là những đóa hoa xuân bình thường, vì ở đây ông không đề cập đến hoa mai, hoa đào hay là một loài hoa nào khác, thế mà khi hát lên, ta vẫn thấy hương hoa bay man mác khắp nơi trong ngày xuân, nhẹ nhàng, dìu dặt, ru êm và sâu lắng. Không những thế, hình tượng hoa xuân trong lời ca như là phép màu để đưa người với người được gần nhau hơn, cùng quyến luyến với nhau hơn.
Những lời ca nốt nhạc trong khúc ca “Hoa Xuân” thật đẹp và giàu hình tượng. Và vì thế, mỗi khi mùa xuân về, trong ta âm hưởng của bài ca lại mênh mang tràn về: ... “Xuân! Hoa nở vì ai/ Tay nhịp bàn tay cùng đắp xây ngày mai/... / Xuân! Hoa là tình tôi/ Ðua nở cùng ai, cùng luyến yêu mọi nơi...”.
Nguồn: Góc Học Trò