Hàng dệt may Trung Quốc ngày càng nhằm phục vụ thị trường nội địa. Reuters
Dòng tựa lớn đập mắt trên trang nhất tờ Le Monde, ghi nhận là thị trường nội địa Trung Quốc phát triển mạnh lên, mức tiêu thụ mặt hàng vải sợi không ngừng tăng cao. Châu Âu và Hoa Kỳ phải tìm nguồn cung cấp tại các nước khác.
Xưởng sản xuất của thế giới giờ đây đang chuyển thành... xưởng sản xuất cho chính mình. Bài báo trên Le Monde mở đầu với nhận xét hóm hỉnh như trên, ghi nhận là sau khi cung cấp cho các thị trường thế giới về hàng may mặc giá rẻ, giờ đây, Trung Quốc không còn làm thuê, mà phục vụ cho chính mình với sức tiêu thụ trong nước đang bùng lên : từ tháng giêng đến tháng 8/2010, hàng may mặc, giầy dép bán ra đã tăng 23,7%. Nhìn chung hàng bán lẻ trong năm 2010 tăng 18,4%, trong lúc năm 2009 chỉ tăng 1,5%.
Đà tăng lên của mức tiêu thụ này sẽ tiếp tục mạnh lên trong tương lai khi mà tầng lớp trung lưu Trung Quốc phát triển thêm. Theo một bản nghiên cứu của nhóm Boston Consulting Group, thì trong 10 năm tới đây, số người tiêu thụ tầng lớp trung lưu của Trung Quốc từ 150 triệu sẽ lên 400 triệu người.
Trước mức tiêu thụ nội điạ tăng mạnh lên, giới sản xuất Trung Quốc tập trung hơn vào thị trường của chính mình. Mặt khác theo bài báo, nhân tuần lễ thời trang Hồng Kông, tuần qua, đặc phái viên của Le Monde đã ghi nhận là các doanh nhân Âu Mỹ đã phải trầy trật như thế nào để tìm được nhà cung cấp hàng may mặc Trung Quốc ở một cái giá phải chăng.
Tất cả đều phải công nhận giá sản xuất tại Trung Quốc hiện nay đắt lên, hơn rất nhiều, tăng từ 30% đến 40% từ năm 2008, do lương công nhân tăng lên và quyền lợi xã hội của họ. Giá nguyên liệu cũng gia tăng mạnh : từ vải bông cho đến tơ tằm. Một doanh nhân Đức đã phải thốt lên : Mọi người đều tiếc rẻ Trung Quốc thời kỳ trước khủng hoảng.
Cho nên các cửa hiệu lớn tại Âu Châu và Hoa Kỳ đã phải nhìn sang những quốc gia khác : Pakistan, Cam Bốt, Việt Nam, Bangladesh hay Ấn Độ mà nhân công rẻ hơn nhiều. Riêng Pháp, theo le Monde quay sang trở lại những nước Bắc Phi, mà giá sản xuất hiện ngang bằng với Trung Quốc, nhưng lại có lợi thế là ở gần, và chất lượng hàng được đánh giá là tốt hơn.
Tuy nhiên theo Le Monde, trích dẫn nhận định của một số doanh nhân, không phải ngày một ngày hai mà tìm được ngay cơ sở để thay thế Trung Quốc, họ cần phải làm việc một thời gian dài nữa với các cơ xưởng tại đây.
Riêng các nhà sản xuất Trung Quốc cũng đang đứng trước một sự chọn lựa : hoặc là tập trung vào thị trường nội điạ dễ dãi hơn, với số lượng hàng to lớn nhưng lợi nhuận thì không cao, hoặc tiếp tục xuất khẩu, lợi nhuận cao hơn nhưng phải đảm bảo chất lượng nghiêm túc với tiêu chuẩn nghiêm ngặt hơn.