Khu Bolsa ở Little Sài Gòn ngập tràn nắng. Tuy là ngày thứ Năm trong tuần nhưng thương xá Phúc Lộc Thọ vẫn tấp nập những người Mỹ tóc đen, chủ yếu nói giọng Nam. Trong khu vực sảnh trước thương xá, các sạp hoa đủ màu, đủ loại làm ta có cảm giác đang ở một góc nào đó trên đường hoa Nguyễn Huệ vào những dịp Tết đến, xuân về.
Có đến tận Little Sài Gòn (California, Mỹ) và sống cùng với những người Việt mới thấy cuộc sống ở đây thật giống mà cũng thật khác ở nhà.
Cửa hàng bán hoa và hoa quả |
Có anh bạn nói rằng, em đi ngoài phố, thấy nhà nào trồng cây chuối, ổi, đào, mai… thì đích thị đấy là nhà người Việt. Anh còn nói dù hải quan Mĩ có kĩ đến đâu đi chăng nữa nhưng người Việt mình vẫn mang được hạt giống ở nhà sang đây trồng. Người Việt ở đâu cũng vậy, thích cây nhà lá vườn và để dép ở ngoài. Một thói quen không thể bỏ được.
Người Việt bên này cũng lấy cơm làm bữa chính. Đi khắp khu Little Saigon và vùng phụ cận, đâu đâu cũng nhìn thấy những quán phở, bún, mì, miến, nộm… Trong các khu chợ, có hầu hết các loại rau quả, thực phẩm, nhu yếu phẩm như ở nhà.
Và đi chợ Tết cũng là một nếp cũ chẳng ai bỏ được. Đi chợ không cứ phải là mua, đi chợ còn là chơi. Ở đây ta vẫn có thể nhìn thấy các cụ già thanh thản đánh cờ tướng dưới ánh nắng vàng, những người đàn ông đủ lứa tuổi ngồi tán gẫu bên li cà phê. Chỉ có các bà các chị là chịu khó dạo tới dạo lui các sạp hàng.
Cửa hàng ở đây cũng mang đậm phong cách Việt, từ các cửa hàng quần áo, giày dép đến các tiệm uốn tóc, bán đồ trang trí cũng như các shop vàng bạc, trang sức và đá quý. Thảng quên đi, cứ ngỡ vẫn đang ở một khu chợ nào đó quê nhà. Tôi lấy làm lạ là phụ nữ bên này dùng nón nhiều thế. Đội nón ngoài nắng đã đành, đứng bán hàng ở trong nhà cũng đội nón. Bác chủ nhà nơi tôi thuê trọ cũng đội nón. Tôi chợt cười thầm khi nghĩ đến hình ảnh một bà già ngoài 60, vận áo nâu - hình như phụ nữ có tuổi ở bên này vẫn ăn mặc rất “cũ” như thế, túi đeo lệch một bên vai, đội nón sùm sụp đang đứng giữa khu chợ hiện đại và sạch sẽ này lại lái được ô tô đưa tôi đi chợ. Một điều thật lạ lẫm với quê nhà.
Một góc chợ hoa. |
Giá cả nếu quy ra tiền Việt thì đắt kinh khủng, nhưng vẫn rất rẻ với nơi chỉ tiêu tiền “đô”. Bánh tét, bánh chưng 10 - 13 USD/cái, cúc đại đóa khoảng 5 đến 7 bông 8 USD/chậu, hoa mai 15 - 40 USD/bó, là loại mai vàng, cành rất dài chứ không thấy loại mai thường trồng trong chậu thấp như ở VN. Mứt thì có quá nhiều loại nên khó nói. Nhìn chung, loại hộp nhỏ, thuần là mứt sen hay mứt dừa, mứt bí... thì từ 4, 95 đến 6 USD, loại hộp to gồm nhiều loại mứt trong đó thì cũng nhiều giá, dao động từ 20 đến 40 USD/hộp... Chẳng thiếu thứ gì nếu đủ tiền sắm một cái Tết cổ truyền tươm tất.
Chợ Tết ngoài trời. |
Dãy hàng hoa bên ngoài thương xá Phúc Lộc Thọ và các chợ lân cận rực rỡ các loại hoa, chủ yếu là cúc, mai, phong lan, địa lan. Nhìn những cửa hàng ấy thấy đúng như trong các hội chợ Tết ở Việt Nam, tìm mãi vẫn không thấy được cái hồn của các chợ đầu mối ở Quảng Bá, chân cầu Thăng Long hoặc Tây Tựu ở Hà Nội. Những loại hoa được bán chủ yếu ở đây có vẻ giống miền Nam, hoa đào cũng có vẻ khác ở nhà một chút. Người Bắc xa xứ nơi đây có thể vẫn được cảm nhận một cái Tết với đầy đủ mọi thứ trong hai vế đối “Thịt mỡ, dưa hành, câu đối đỏ/ Cây nêu, tràng pháo, bánh chưng xanh”. Những cánh đào ở đây dày hơn, bông, lá to hơn và hầu hết là bích đào. Có lẽ ánh nắng Cali và niềm vui xứ người khiến cho đào phai không tìm được chỗ đứng và những cành đào rừng với những bông hoa mỏng manh, kiên cường trong gió lạnh, những mầm lá xanh non sẽ mãi mãi là những cánh tay vẫy gọi ngọt ngào đối với những người con xa xứ.
Bà chủ hàng hoa đội nón, chân đi dép lê mời khách mua hàng. |
Nét nổi bật trong chợ hoa ở đây là cúc vàng đại đóa và phong lan, địa lan. Dù đã cố tìm nhưng vẫn chưa thấy những loài hoa bình dị mà thân thương như cúc vạn thọ, vi-ô-lét, thược dược…
Cảm nhận cuối cùng là về sự khác biệt giữa tư duy phương Đông và phương Tây, thật may cũng là trong buổi đi chợ Tết này. Tôi đã chứng kiến cảnh một bà già người Việt hăm hở mang mấy cành mai rất dài mua từ thương xá Phúc Lộc Thọ lên xe nhưng người lái không đồng ý. Mặc cho bà “sorry” rồi phớt lờ, rồi lại “sorry”, rồi mời bác tài xuống xem bà đã đút gọn vào một góc, không ảnh hưởng đến ai, người lái xe cứ đứng đó, không cho chiếc xe chạy và chỉ giải thích duy nhất có một lần: Cành hoa của bà dài quá và lòe xòe, có thể nguy hiểm cho những người khác trên xe. Chiếc xe cứ đứng đó. Hai phút trôi qua, những người Việt trên xe lên tiếng rất đông. Nào là dịch giúp bà, nào là bình luận, nào là đánh giá…
Tư duy duy tình của người Việt nổi lên. Một bà già lên tiếng: Có ai nói thạo tiếng Mỹ thì xin cho bà ấy một tiếng, khổ thân, đợi xe đến hơn nửa tiếng rồi. Một người khác thì nói: Xin gì, Mỹ làm gì có xin xỏ. Thế rồi họ đều khuyên bà xuống xe, buộc lại gọn gàng, đợi chuyến sau.
Việc tưởng chừng đơn giản thế, ở Việt Nam thì chắc là mọi người sẽ nhao nhao xin và bác tài sẽ nhượng bộ, vậy mà ở đây chiếc xe đã dừng đúng 7 phút.
Nguồn: Nông Nghiệp VN