"Hèn mà còn nhận ra mình là thằng hèn, là hèn tử tế. Hèn mà ngậm miệng ăn tiền là hèn nhơ bẩn.
Hèn mà ngậm máu phun người là hèn bất nhân. Hèn bán đất bán nước thì trời tru đất diệt"
(Phạm Chuyên)

Donnerstag, 27. Januar 2011

VĂN HÓA VÀ CHÍNH QUYỀN

Lý Đại Nguyên

TƯƠNG TÁC GIỮA TÔN GIÁO VÀ CHÍNH TRỊ TRONG TIẾN TRÌNH THĂNG HÓA LỊCH SỬ NHÂN LOẠI

Văn Hóa vừa là nền móng, vừa là nội dung, vừa là hướng vươn lên của Con Người, của lịch sử Dân Tộc và Thế Giới. Chính Quyền có nhiệm vụ nhất thời là nối kết, lãnh đạo, tạo điều kiện cho Con Người xây dựng, bảo vệ, phát huy đặc tính Dân Tộc, tiến tới kiến tạo một Thế Giới Dân Chủ, Tự Do, Điều Hợp, Hòa Bình, Phát Triển. Đây không còn là mơ ước của các vị Chân Nhân của Loài Người từ ngàn xưa nữa, mà đang là nhu cầu thực tại của Nhân Loại sống giữa Thế Giới hôm nay.

Các nhà Văn Hóa của Nhân Loại, gồm các bậc Giác Ngộ như Đức Phật, Đấng Christ, Bậc Tiên Tri, các vị Chân Sư Đạo Học Minh Triết, các Văn Nhân Thi Sĩ…đều cùng biểu hiện Tâm Linh Trí Tuệ của mình ra, để hướng dẫn Con Người trên con đường đi lên xây dựng cuộc sống đep, đúng, lành và luôn luôn mới, nhằm cùng kiến tạo một Xã Hội Người, thánh thiện, nói lên đầy đủ Văn Hóa Tính.

Nhưng những tư tưởng thánh thiện minh triết đó, đều vì trình độ ý thức của đại khối người còn quá thấp kém hạn hẹp, nên chưa theo kịp, phần khác lại bị những kẻ có quyền lực trong tay, thường chỉ biết sử dụng như một phương tiện tinh thần, dùng vào việc khống chế niềm tin của Con Người, khiến Con Người ngoan ngoãn trở thành những bầy tôi trung thành, phục vụ cho kẻ nắm được quyền lãnh đạo xã hội.

Chính vì thế mới có hiện tượng Văn Hóa phục vụ cho Chính Quyền, vốn là thế lực nhất thời làm hư năng lực trường cửu. Khiến kỷ cương Văn Hóa bị đảo điên, bị ngắt ra từng đoạn. Xã Hội đọa lạc. Chính Quyền biến thành tà quyền bá đạo. Chung cuộc nạn nhân vẫn là Con Người. Những đường hướng tốt đẹp, tích cực khai mở Tâm Thức Con Người, nhằn phục vụ Loài Người của các bậc Chân Nhân Thượng Trí, chỉ còn là giấc mơ giữa cuộc sống khổ đau, đầy đọa lừa dối, bóc lột, tra khảo, chém giết lẫn nhau.

Thế nên, lời khuyên đúng nhất, chân thật nhất vẫn là lời của bậc Toàn Giác: “Mỗi Người tự thắp đuốc lên mà đi”. Khi đuốc linh tuệ từ tâm mỗi người đã tự thắp sáng, tức là đã nhìn ra được chính tự thân mình: Có Quyền Tự Do, có Trách Nhiệm Tự Chủ và có Năng Lực Sáng Tạo, mới ý thức được chính mình, phải làm chủ lấy mình, trách nhiệm về mọi hành vi của mình, và nhận ra Con Người là Nguyên Nhân của Lịch Sử Loài Người.

CHÍNH DANH TỪ THUỞ BAN ĐẦU

Thực ra, ngay từ khi Nhân Loại chập chững biết sống cuộc sống quần tụ, thoát khỏi cuộc sống Mặc Thức Nhân Nhiên, bước vào cuộc sống Ý Thức Nhân Loại, thì Con Người đã tự nhiên tuân theo tập quán, sau đó là tin tưởng, mà phân công trong việc dìu dắt Bộ Tộc.

1- Chăn dân, chiến đấu kiếm sống trong thực tế thuộc quyền Tộc Trưởng hay còn gọi là Tù Trưởng.

2- Giao tiếp với Trời, Thần, Ma, Quỷ thiêng liêng, chữa bệnh, gìn giữ tập tục, thuộc quyền các Pháp Sư, hay có nơi gọi là Phù Thủy, Ông Đồng, Bà Cốt.

Đây là những nét phác thảo thô sơ về đầu mùa của cuộc sống Ý Thức Người. mà đây cũng là sự phân công rất hợp lý do nhu cầu cuộc sống đòi hỏi. Phần tinh thần Chỉ Đạo thuộc quyền Pháp Sư. Phần thực tế Lãnh Đạo, thuộc quyền Tộc Trưởng. Cả 2 đều tin dựa vào Thần Quyền mới có mạng số thực quyền đối với con dân. Sau này gọi đó là Văn Hóa Chỉ Đạo, hay Giáo Quyền hướng dẫn tâm linh và Chính Quyền Lãnh Đạo, hay Thế Quyền cai trị xã hội.

Nhưng càng ngày Ý Thức Người càng biến thiên, nặng về tranh cướp quyền lực cá nhân, nên hai lãnh vực Chỉ Đạo và Lãnh Đạo luôn luôn muốn lấn vượt nhau. Cuộc sống càng trở nên gay gắt, tranh giành mỗi lúc một quyết liệt, thì khuynh hướng độc quyền càng có cơ hội lớn mạnh. Rồi gom hai thứ thành một. Bắt thứ này phục vụ cho thứ kia, hay ngược lại, khiến cho cuộc sống Ý Thức Nhân Loại gặp không biết bao tai ương cho đến giờ này vẫn chưa hết.

VƯƠNG QUYỀN VÀ VĂN HÓA

Khi Loài Người chính thức sinh hoạt trong cảnh sống Ý Thức Nhân Loại, thì các Quốc Gia Phong Kiến cũng thi nhau xuất hiện. Lúc đó Loài Người thực sự sống bằng ý thức tôn thờ người hùng chiến tranh. Quyền Lực Quốc Gia trong tay kẻ chiến thắng. Kẻ chiến thắng tối hậu làm Vua. Vua là Con Trời làm chủ nhân ông tuyệt đối của Quốc Gia. Dân thuộc quyền sở hữu của Vua. Quần Thần, có nơi cả các Thầy Tư Tế, Tu Sĩ, Đạo Sĩ, cũng đương nhiên là bầy tôi của Vua. Tức là Văn Hóa phải phục vụ Vương Quyền.

Có những nước thuộc thời cổ đại như Ai Cập, Trung Hoa, Vua là đại diện Thượng Đế, hay chính là Con Trời. Bởi thế việc tế Trời nhà Vua đảm nhận, Vua kiêm cả việc sắc phong các vị Địa Thần, Nhân Thần để cho dân chúng thờ kính. Vua cũng cử ra các quan trông coi việc tế tự. Tóm lại quyền thiêng liêng Vua cũng thu vào tay, nói chi đến Văn Học, Nghệ Thuật. Thứ gì đẹp ý Vua, thì được trọng dụng, phát huy, thứ gì không thích thì cấm chỉ.

Thời đó các nước phong kiến theo chế độ Con Trời này, thường là các Đế Quốc dữ tợn. Còn ở các tiểu quốc thì vẫn hiền lành trong sự phân công giữa Vương Quyền và Giáo Quyền. Nếu ở nơi còn tình trạng Đa Thần thì giới Văn Nhân, Đạo Sĩ được tôn quý, ngay nhà Vua cũng nể vì. Riêng các Tiểu Vương Quốc trong lục địa Ấn Độ thì đều đặt giới tu sĩ Ba La Môn lên thành đẳng cấp thượng đẳng trên Vương Quyền. Lục địa Ấn Độ không thống nhất bằng Vương Quyền Đế Quốc, mà lại thống nhất qua Giáo Quyền Bà La Môn. Đến thế kỷ thứ 3 trước Tây Lịch, Đại Đế Asoka, 268-232 trước TL, đùng binh đội thống nhất nước Ấn. Sau đó ông theo Đạo Phật, xiểng dương tinh thần Từ Bi, áp dụng vào việc cai trị, có nghĩa là lấy Đạo Phật làm Quốc Giáo cho cả Đế Quốc. Nhưng bản chất Đạo Phật là Đạo Giải Thoát không thích ứng với việc cầm quyền thống trị. Chinh vì vậy, mà sau thời đó, Đạo Phật bị đánh bật khỏi lục địa Ân Độ, Ba La Môn Giáo lại trở về nguyên vị toàn thống cho tới nay.

ĐẾ QUỐC VÀ VĂN HÓA

Lục địa Trung Hoa, sau thời xuân thu, chiến quốc, nhà Hán thống nhất được đất nước, lúc ấy Đạo Khổng đã phổ cập trong giới sĩ phu. Với thuyết chính danh, định phận, theo trật tự Trời, Đất, Người. Vua Tôi, Thầy Trò, Cha Con, Chồng Vợ, Anh Em, hết sức mạch lạc, nghiêm ngặt. Làm bầy tôi thì phải tận trung với Vua. Học thành tài để thờ vua, giúp nước. Những nguyên tắc đó rất thích hợp cho việc trị nước, an dân, củng cố Vương Quyền tuyệt đối. Nên Hán Võ Đế 140-87 trước Tây lịch, dùng thuật cai trị của Pháp Gia, kết hợp với Đạo Khổng để chủ đạo cho triều đại Nhà Hán. Khổng Tử được tôn thành Vạn Thế Sư Biểu. Đạo Nho thành kỷ cương của chế độ, dùng vào việc giáo hóa dân chúng và mở mang Đế Quốc. Ảnh hưởng khắp miền Á Đông, kéo dài tới hai ngàn năm, dù nhiều triều đại đã thay đổi, nhưng Nho Gia đại diện cho Văn Hóa Trung Hoa, trước sau vẫn lệ thuộc Vương Quyền.

Suốt thời gian dài trên 300 năm, Đạo Kitô bị cấm đoán, tàn sát tại Lamã, nhưng tín lý của Đạo đã đáp ứng với tâm thức Con Người thời đại, nên Đạo Chúa Kitô đã phát triển rất mạnh trong dân chúng bị trị ở khắp các Vương Quốc Âu châu. Năm 312, Hoàng đế Lamã Constantine thống nhất toàn bộ Âu Châu, nhà vua hiểu được rằng: Muốn thực sự nắm trọn được tư tưởng và niềm tin của dân Châu Âu, thì phải dùng tới Đạo Chúa Kitô làm Công Giáo để chủ đạo cho sinh hoạt Đế Quốc. Thế nên, ngay năm sau 313, Hoàng Đế chính thức công nhận Kitô Giáo là đạo của toàn Đế Quốc Lamã. Rồi năm 314 triệu tập hội đồng Giám Mục toàn cõi, săc phong Giáo Hoàng, thành hình Giáo Hội Lamã. Mãi tới năm 1059, giáo hội Lamã mới độc lập với vương quyền, thành lập Hội Đồng Hồng Y Giáo Chủ để bầu lên Giáo Hoàng lưu truyền tới nay.
Một khi Giáo Quyền đã thành lập, thì luôn luôn bền vững hơn Thế Quyền. Cho nên, Giáo Quyền nhiều lúc vượt hẳn lên trên Thế Quyền, để nắm quyền lãnh đạo Đế Quốc. Nhất là khi các Hoàng Đế Lamã suy yếu. Cuộc tranh giành quyền bính giữa Giáo Quyền và Thế Quyền kéo dài cả ngàn năm. Dù khi các nước Âu Châu đã không còn công nhận quyền lãnh đao của Hoàng Đế Lamã nữa, nhưng vẫn phải cần tới việc xin được Giáo Hoàng Lamã tấn phong cho vương hiệu, thì mới được chính thức đăng quang. Vì toàn thể các nước Âu Châu đền nhìn nhận Giáo Hội Kitô là Công Giáo.

TƯ SẢN VÀ VĂN HÓA

Từ thời Văn Nghệ Phục Hưng thế kỷ 15, phong trào văn nghệ bừng lên, tràn qua lãnh vực triết học, nhắn vào cải cách tôn giáo. Những tư tưởng của các hiền triết Platon, Aristot và hầu hết các nhà Đạo Học: Duy Thần, Duy Lý, Duy Tâm, Duy Vật thời Hy Lạp cổ, đều được đánh thức dậy, để khẳng định vị thế ưu việt của Văn Hóa. Một cuộc Cách Mạng Tôn Giáo chính thức bùng nổ. Mở đấu năm 1517, Linh Mục Kitô Giáo là Lurther, khởi xướng cuộc chống lại quyền hành của Giáo Hoàng Lamã. Ông cho rằng : “Ý chí của Thượng Đế được đặt nơi Vương Quyền”. Ông được vua chúa nhìn nhận là Giáo Chủ của đạo Tin Lành. Năm 1533 nhà đại trí thức Calvin cũng chống lại quyền lực của Giáo Hoàng Lamã, nhưng ngược lại với Lurther, Ông cho rằng: “Ý chí Thượng Đế được đặt nơi Ý hướng Dân Chúng”. Ông cũng được nhìn nhận là Giáo Chủ Tin Lành Đại Chúng. Chính Tân Giáo của Calvin đã mở mùa cho Ý Thức Tư Sản Dân Quyền.
Cuộc truy quét các Tân Giáo tại Âu Châu, mỗi ngày mỗi gay gắt, nên những giáo phái này đều có khuynh hướng, bỏ quê hương Âu Châu, để sang lập nghiệp tại Tân Thế Giới – Mỹ Châu - Chính nhờ tinh thần Tự Do Tư Sản Dân Quyền, vốn là tư tưởng căn bản của Đạo Tin Lành, mà sau này khi Hoa Kỳ thoát khỏi sự thống trị của Đế Quốc Anh, năm 1776, tháng 4, ngày 7, đã tuyên bố Độc Lập, thành lập nền Cộng Hòa: Tư Do Tư Sản Dân Quyền đầu tiên trên Thế Giới, rồi từng ngày, từng giờ không ngừng đổi mới, để có được nền tảng Đa Văn Hóa, một chế độ Dân Chủ Trọng Pháp, và hệ thống Kinh Tế quy mô có tính Toàn Cầu Hóa như hiện nay.
Trong khi đó thì cuộc Cách Mạng Dân Quyền 1789, rồi cuộc cách mạng Tư Sản 1848 tại Pháp, đã không may mắn như ở Mỹ, nó đã bị lớp Phong Kiến, rồi Tư Bản cực quyền làm cho đọa lạc đi. Biến các nước Dân Chủ non trẻ trở thành các Quốc Gia Thực Dân đi chiếm thuộc địa ,và tranh giành thuộc địa với nhau. Gây ra không biết bao nhiêu thống khổ cho Nhân Loại. Bất công làm ung thối Xã Hội, đào thêm xấu hổ chia cắt Giầu, Nghèo, làm phát sinh ra cuộc đấu tranh Giai Cấp. Tạo điều kiện cho Phong Trào Cộng Sản lớn mạnh, đoạt đươc chính quyền tại Nga năm 1917.

VÔ SẢN VÀ VĂN HÓA

Khi đã gọi là Giai Cấp Vô Sản, thì bản chất của họ đã là lớp người cùng khổ trong xã hội, ăn còn khó có, nói chi đến học. Một Người có Văn Hóa thì không học tại trường, cũng phải suy tư tự học. Lớp Vô Sản thực tế đã thiếu hai điều kiện vừa nêu, thì làm thế nào mà có Văn Hóa cho được.

Sở dĩ đặt vấn đế Văn Hóa với cuộc Cách Mạng Vô Sản, vì lớp Triết Gia ảo tưởng, lớp tranh đấu Xã Hội không tưởng, đã “sáng tạo” ra một hệ thống lý luận chủ quan, duy ý chí, một chiều, khép kín : Duy Vật Biện Chứng, Duy Vật Sử Quan, Duy Vật Cộng Sản. Hận Thù Giai Cấp. Đấu Tranh Sắt Máu. Triệt tiêu Quyền Tự Do Tư Tưởng, Quyền Tự Do Tư Hữu. Triệt tiêu Gia Đình, Tôn Giáo, Tổ Quốc và mọi giá trị Văn Hóa truyền thống ngàn đời của các Dân Tộc, để xây dựng một Thế Giới Đại Đồng không biên giới, không giai cấp v.v.. Chủ trương trên vốn dĩ đã phi văn hóa, mà lại dùng lớp vô sản, vô văn hóa làm đội ngũ tiền phong, thì họ chỉ có khả năng hủy diệt chứ làm sao kiến tạo nỗi một Xã Hội Người yên lành tiến bộ trên thế gian được.
Mà thực vậy, phong trào cộng sản đã tiến lên như vũ bão trong đấu tranh, nhưng lại hoàn toàn thảm bại trong xây dựng, điều đó khẳng định rằng: Cộng sản đã thiếu Nền Móng, Nội Dung và Hướng Tiến của Xây Dựng, đó là Văn Hóa. Nên chỉ tồn tại trong nhất thời, nhờ vào biện pháp Khủng Bố có tổ chức quy mô sắt máu, và kiểm soát bao tử đối với Dân Chúng đã vào tròng, và tuyên truyền lừa đối với những người bên ngoài. Bởi vậy, khi Dân đã Hết Sợ, Người đã Tỉnh Thức thì cộng sản bị Sụp Đổ là cái chắc. 1990 - 1991 Đông Âu và Liên Xô sụp đổ đã là một bằng chứng hiển nhiên.

THỜI ĐẠI NHÂN CHỦ NHÂN VĂN

Sau thời Liên Xô tan vỡ, hầu như về mặt tư duy, nhân loại bị rớt vào một khoảng trống, tất cả đều thấy những gì cộng sản ra công phá hủy, nay đang dần dần phục hoạt trở lại, phục hoạt với một dáng vẻ ể oải, hết còn hăng say tin tưởng, như thời còn phải cố công, gắng sức, liều chết duy trì trong bóng tối của sự đe dọa. Có nghĩa là về mặt Nhận Thức Tư Tưởng, Nhân Loại chỉ muốn quên đi dĩ vãng hãi hùng do một thứ nhận thức chủ quan, đẩy lên thành Hệ Thống Tư Tưởng Duy Vật, được cộng sản sử dụng như một cùm xích vô hình trói buộc Con Người, tàn hại mọi giá trị đích thật của Văn Hóa. Thế nên, phần chủ đạo cho sự phát triển, cứ để tự nhiên cho nhu cầu thực tế, tự thích ứng, tự phản ứng.

Trong khi đó thì những chuyển biến thực tế Kinh Tế và Khoa Học lại bước đi những bước thật dài khó lòng kiểm soát. Các tổ chức Tài Chánh Quốc Tế như: Ngân Hàng Thế Giới – WB - Quỹ Tiền Tệ Quốc tế – IMF – Tổ Chức Mậu Dịch Thế Giới – WTO - và Chính Phủ của các nước kỹ nghệ phát triển hàng đầu - G7+1 tới G20, mặc nhiên được đặt vào vị thế Điều Hợp Nền Kinh Tế Thế Giới. Tất nhiên, những quyết định của các nước có ảnh hưởng lớn trong các Tổ Chức Quốc Tế trên, phải nghĩ tới lợi ích kinh tế của Quốc Gia họ trước đã. Cũng may là tình trạng kính tế Thế Giới buộc các nước phải ở thế Liên Lập, tiến tới Toàn Cầu Hóa. Thế nên, các nước giầu, các công ty tài chánh mạnh, cũng phải có cái nhìn chung về sự phát triển của các nước nhỏ, cũng như giới công nhân và người tiêu thụ. Đây là Nhu Cầu Điều Hợp phải có của sinh hoạt Thế Giới thời đại.

Tiếp sức với sự Điều Hợp mặc nhiên phải có trong sinh hoạt Kinh Tế Toàn Cầu Hóa, ngành Truyền Thông đã và đang được những công trình “khoa học sáng tạo” tăng cường cho khả năng thông tin mau lẹ, rộng khắp, chính xác, tỷ mỉ về mọi vấn đề, mọi sinh hoạt của mọi nơi, đến với mọi người. Khiến cho Thế Giới sinh động sôi sục, khiến cho Nhân Loại thấy gần nhau hơn, Toàn cầu như thu nhỏ lại, mà những mâu thuấn cá biệt cũng thấy rõ nét hơn. Thêm vào đó, những phương tiện di chuyện mau lẹ tối tân, đưa Con Người đến gần nhau, giúp cho Nhận Thức của Con Người về Thế Giới thu hẹp lại dễ cảm thông và chia xẻ những khó khăn với nhau hơn..

Nhưng vế mặt Chính Trị xem ra còn quá chậm chạp, Thế giới tuy đã có tổ chức Liên Hiệp Quôc, nhưng tổ chức quốc tế này được thành lập sau Thế Chiến 2 với bản chất đế cao Quyến Dân Tộc Tự Quyết, nhằm chống lại tàn dư của phong trào thực dân, nhất là lại rơi vào cuộc Chiến Tranh Lạnh, nên thế giới bi chia là 2 giới tuyến Tự Do và Cộng Sản. Mà Cộng Sản Liên Xô là thành viên thường trực của Hội Đồng Bảo An có quyền phủ quyết, chính vì vậy các bên đều dùng quyến phủ quyết để giữ thế mạnh, và quyền lợi của mình, bởi vậy Liên Hiệp Quốc trở thành bù nhìn. Sau khi Liên Xô sụp đổ, thì các chính phủ độc tài ở các nước chậm phát triển, hay đang phát triển, và các nước còn tự nhận là Xã Hội Chủ Nghiã, đều nhân danh quyền Dân Tộc Tự Quyết không cho nước ngoài và Liên Hiệp Quốc can dư vào việc vi phạm nhân quyền, đàn áp người dân nước họ. Dù họ có chân trong LHQ và đương nhiên phải tôn trọng Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyến của tổ chức này, và các Công Ước Quốc Tế mà họ đã ký . Cuộc khủng hoảng tài chánh –1997- tại Á Châu, đã quật ngã một số nước hung hăng phát triển mạnh về Kinh Tế Thị Trường, mà lại duy trì nền Chính Tri chuyên đoán, dưới hình thái “Chế độ Gia Trưởng khoác áo Dân Chủ”. Tùy tiện xử dung quyền hành để ban bố các đặc ân, đậc quyền, đặc lợi, nhất là trong lãnh vực tài chánh. Các nước mắc vào những nhược điểm trên, hết thảy đều bị trả giá, cho tới khi kiện toàn được Nền Dân Chủ Trọng Pháp mới yên.

Thế nên, nền Chính Trị Dân Chủ Trọng Pháp, vừa là Nhu Cầu của dân chúng mỗi nước, vừa là Điều Kiện để Kinh Tế Thị Trường Tự Do phát triển,vừa là Niềm Tin cho Giới Đầu Tư Quốc Tế, vừa là Cơ Hội để mỗi Quốc Gia chủ động hội nhập vào tiến trình Toàn Cầu Hóa kinh tế. Không thực hiện Dân Chủ Hóa cho mau lẹ, để chủ động sinh hoạt trong Thế Giới, thì cũng có nghĩa đi ngược lại với trào lưu diễn hóa của lịch sử, chắc chắn bị đào thải. Lẽ đương nhiên chỉ có các Chính Quyền Độc Tài ngoan cố phi văn hóa, mới không chịu Dân Chủ Hóa mà thôi.

Tới đây có thể khẳng định được rằng: Chỉ có các Chính Quyền độc tài chuyên đoán, thiển cận, mới ôm chủ trương dùng Văn Hóa làm phương tiện khống chế tư tưởng toàn dân, bắt Con Người làm nô lệ cho một lý tưởng, một chủ nghĩa, một tín ngưỡng… Mà cụ thể là phải thần phục chính quyền chủ nhân của những thứ đó, nói khác đi là lợi dụng những thứ gọi là giá trị tinh thần đó làm công cụ khống chế tư tưởng Con Người. Nguy hiểm hơn nữa, hành vi như vậy, còn làm mất giá trị đích thật của Văn Hóa đi. Khiến cho tính cách phổ quát của Văn Hóa biến mất, chỉ còn lại là thứ lý tưởng của Chủ Nghĩa, của Tín Ngưỡng, của đảng, của chính phủ, của phe này nhóm kia, chứ không còn là của Con Người, của Toàn Dân nữa.

Thời đại đang buộc mọi thế lực phải trả Văn Hóa về cho Con Người, cho Toàn Dân. Chính quyền có trách nhiệm phải tạo điều kiện tối ưu để nâng cao Dân Trí, tạo cơ hội cho dân tiếp thu và phát huy Văn Hóa, Đồng thời tôn trọng lắng nghe ý kiến tự do của mổi người dân, vì họ mới thực là Chủ Nhân của Đất Nước, của Thế Giới. Khi nâng cao trình độ Văn Hóa nơi Con Người, cũng có nghĩa là đưa Văn Hóa vào làm Nội Dung cho mọi lãnh vực, mọi ngành nghề, mọi sinh hoạt Quốc Gia và Quốc Tế. Đặt Văn Hóa đúng vị trí và thế cách Chủ Đạo, Chỉ Đạo phải có.
Đến đây, vị thế của các Văn Hóa Nhân phải được đặt ra. Bỡi lẽ, thế nào cũng sẽ xuất hiện, và cần phải được tạo điều kiện cơ hội cho họ xuất hiện. Hiển nhiên họ không phải do bất cứ quyền lực nào tạo ra, mà phải do chính họ tự khẳng định bằng: Tài Đức, Trí Tuệ, Công Trình và những Đóng Góp cho sự đi lên của Con Người, của Xã Hội, được công luận đại chúng nhìn nhận. Những sáng kiến, những ý kiến đúng cho phúc lợi dân chúng, cho hòa bình thịnh vượng Đất Nước là sự Chỉ Đạo cần thiết cho các Chế Độ. Khi trình độ dân trí đã trưởng thành, thì việc nhận ra đâu là những Văn Hóa Nhân chân chính, và những mạo nhận chắc không khó.
Khi Con Người ý thức được giá trị Nhân Chủ tự thân, cùng nhau chủ động xây dựng một cuộc sống Nhân Văn, tức là cuộc sống của Con Người thuộc về Người luôn luôn Sáng, Đẹp, Tốt, Lành, Yên, Vui Thịnh Vượng và Thăng Hóa không cùng, thì đây chẳng còn là mơ ước, mà là Nhu Cầu của Con Người, của Thế Giới Người hiện nay về Thời Đại Nhân Chủ Nhân Văn của mình. Vì đó là bước đường của Lịch Sử đang tới, sau khi đã vượt qua những chặng tăm tối, khốc liệt, nguy hiểm, từ bước Mặc Thức Nhân Nhiên, qua Ý Thức Nhân Loại đang tới Nhận Thức Nhân Văn, để thể hiện Nhân Chủ Đạo ngay trong cuộc sống nội tâm của mỗi người, cuộc sống chung với tha nhân, và cuộc sống hướng thượng cùng tất cả.

LÝ ĐẠI NGUYÊN
MÙA XUÂN TÂN MÃO
NĂM 2011