Nguyễn Hưng Quốc
Trưa Thứ Sáu, 12 tháng 11 vừa qua, tôi được mời tham dự buổi khai mạc cuộc triển lãm 35 năm định cư của người Việt tại Úc được tổ chức trọng thể tại toà thị sảnh thành phố Melbourne. Trong số các diễn giả, có ông Malcolm Frazer, cựu Thủ tướng Úc, người được cộng đồng Việt Nam ngưỡng mộ, cho là đã có công lớn trong việc mở cửa đón nhận tị nạn và di dân, đặt nền móng cho chủ nghĩa đa văn hoá tại Úc.
Tuy nhiên, điều tôi quan tâm nhất không phải là các diễn văn sáo mòn thường nghe trong các sinh hoạt tương tự. Tôi chú ý hơn đến nội dung cuộc triển lãm. Thật ra thì cũng chẳng có gì lạ. Cũng là một bộ sưu tập, chắc chắn là còn khá nghèo nàn, về lịch sử tị nạn và định cư của người Việt, từ những cảnh sống khốn khó ở quê nhà sau năm 1975 đến cảnh vượt biên và các trại tị nạn ở một số quốc gia Đông Nam Á, cuối cùng, là cuộc sống tại Úc.
Đối với người Việt Nam, những hình ảnh ấy chẳng có gì đặc biệt. Chúng là một phần của đời sống mỗi người. Nhưng việc sưu tầm và tập hợp lại những hình ảnh như thế trong một phòng triển lãm như thế này chắc chắn không phải là một điểu dễ dàng chút nào. Tôi nghĩ đó là một đóng góp rất đáng ghi nhận. Và là một công việc rất cần được tiếp tục để hoàn chỉnh. Chúng là những chứng tích của một giai đoạn lịch sử không thể quên. Và dĩ nhiên là không nên quên.
Khi lắng nghe các ý kiến phát biểu trong buổi khai mạc cũng như khi xem cuộc triển lãm, điều khiến tôi nghĩ ngợi nhiều nhất là những thành công và những thất bại của cộng đồng người Việt.
Giống như trong mọi buổi lễ kỷ niệm, bao giờ người ta cũng nhấn mạnh, nhiều khi một cách quá đáng, vào những thành tựu. Nhưng phải thành thực công nhận: thành tựu của cộng đồng người Việt tại Úc cũng như tại hầu hết các quốc gia khác, kể cả Mỹ, nơi có hơn một triệu rưỡi người gốc Việt sinh sống, cũng chưa có gì thực sự “vẻ vang”. Thì cũng có một số người thành công, đây đó, trong các lãnh vực khác nhau, từ khoa học đến kỹ thuật, từ chính trị đến kinh doanh, từ văn học đến các ngành nghệ thuật khác, từ việc học hành đến việc làm ăn buôn bán. Đây đó, có một số người đảm nhiệm những chức vụ khá cao trong hệ thống công quyền hay dân cử ở các quốc gia họ định cư. Đây đó có người được huân chương này hay giải thưởng nọ. Có. Nhưng không nhiều.
Một bức tranh hoàn chỉnh về một cộng đồng chỉ có thể được nhìn nhận từ các con số thống kê. Nhưng ở khía cạnh này, thành thực mà nói, niềm tự hào mà chúng ta muốn có không lấy gì làm vững chắc cho lắm. Hãy nhìn con số những người gốc Việt tại Úc không biết hoặc biết rất ít tiếng Anh mà xem: thuộc loại cao nhất trong các cộng đồng sắc tộc! Con số những người đang lứa tuổi lao động bị thất nghiệp: cũng thuộc hạng nhì ba tại Úc. Rồi con số tội phạm và tù nhân: Việt Nam cũng chiếm một “kỷ lục” rất đáng buồn.
Chúng ta thường tự hào là người Việt Nam chăm học và học giỏi. Nhưng các con số thống kê cho thấy một điều ngược lại: tỉ lệ những người Việt Nam học xong đại học so với người bản xứ còn khá thấp. Con số những người có bằng cấp hậu đại học lại càng thấp.
Viết như trên, tôi không có ý dè bỉu cộng đồng người Việt tại Úc cũng như ở hải ngoại nói chung. Không. Tuyệt đối không. Tôi chỉ muốn nhìn nhận sự thật. Và muốn nhấn mạnh: sự thật ấy, thật ra, không có gì khó hiểu.
Một trong những nguyên nhân chính là cộng đồng người Việt ở hải ngoại còn khá trẻ, mới khoảng 35 tuổi. Trước 1975, số người Việt sống ở nước ngoài rất hiếm hoi và thưa thớt; riêng tại Úc, chỉ hơn 1000 người một chút. Làn sóng người Việt chỉ thực sự tràn tới Úc từ năm 1978. Nhưng ngay cả khi tính lùi lại đến thời điểm 1975 thì khoảng thời gian ấy, thật ra, cũng chưa dài so với một cộng đồng. Bạn thử tính xem: thời gian để đi học, từ việc học tiếng Anh đến việc học một nghề hay một ngành gì đó mất bao lâu? Rồi đi làm, dành dụm trả cho xong một ngôi nhà một cách đàng hoàng lương thiện (nghĩa là không làm bất cứ điều gì bất hợp pháp, kể cả việc làm lậu và trốn thuế), mất bao lâu? Với một cá nhân mà còn thế, huống gì với cả một cộng đồng.
Thứ hai, có lẽ quan trọng hơn: không nên quên, cộng đồng người Việt Nam ở hải ngoại, trước hết, từ nguyên thủy, là một cộng đồng tị nạn.
Xin lưu ý: tị nạn chứ không phải di dân!
Giữa tị nạn và di dân, sự khác biệt không phải chỉ ở động cơ, một bên vì lý do chính trị và một bên vì lý do kinh tế, mà còn ở nhiều khía cạnh khác nữa. Trong số đó, nổi bật nhất là điều này: di dân là một chọn lựa trong khi tị nạn lại là một cưỡng bức.
Người tị nạn, đối diện với nguy cơ bị giết chết - hoặc tức khắc hoặc từ từ - chỉ có một con đường duy nhất: chạy trốn. Chạy bằng đường bộ, xuyên qua biên giới Campuchia hoặc Lào. Chạy bằng đường thủy, trên những chiếc thuyển nhỏ bé và mỏng mảnh. Chạy xuyên qua những bãi mìn và chạy xuyên qua bao nhiêu bão tố và sóng dữ. Để tìm sự sống.
Người di dân thì khác. Họ có nhiều lựa chọn: ở lại hoặc ra đi. Ra đi, họ cũng có thể có nhiều lựa chọn: đến nước này hay nước khác, vào thời điểm này hay thời điểm khác, v.v… Là một lựa chọn, người di dân thường chuẩn bị khá kỹ cho cuộc đời mới của mình, ít nhất là về các phương diện: ngôn ngữ, nghề nghiệp và tiền bạc.
Với những kẻ chạy trốn, những “chuẩn bị” như thế là những điều xa xỉ. Đại đa số người Việt Nam, khi đến được một trại tị nạn nào đó, sau một cuộc hành trình đầy nguy hiểm, thường không có gì trong tay và trong túi cả. Tiền bạc: không. Nghề nghiệp được đào tạo một cách bài bản theo yêu sách của phương Tây: không. Ngoại ngữ: phần lớn là không. Hoàn toàn với hai bàn tay trắng.
Đã thế, khác với phần lớn các cộng đồng tị nạn khác, người Việt Nam, nói chung, đi định cư ở những quốc gia rất xa xôi và xa lạ. Cho đến nay, tị nạn chủ yếu là hiện tượng có tính địa phương: người dân ở một quốc gia bất hạnh nào đó chạy tràn qua một nước láng giềng nào đó ngay bên cạnh. Giống kiểu người Việt Nam, trước đây, chạy qua Tàu, qua Lào, qua Campuchia, hoặc xa hơn một tí, qua Thái Lan hay Đại Hàn. Là hết. Người Iraq hoặc người Afghanistan bây giờ cũng thế: chủ yếu là chạy lánh nạn ở một nước láng giềng nào đó.
Người Việt thì khác. Sau khi rời Việt Nam đến một quốc gia láng giềng, hầu hết đều được phép tái định cư ở một quốc gia thứ ba, tất cả đều ở xa lơ xa lắc, nếu không phải ở Bắc Mỹ thì cũng ở châu Âu hay châu Úc.
Không những xa cách về địa lý mà còn xa cách về văn hoá. Về văn hoá, trước, người Việt cơ hồ chỉ gần gũi với Trung Hoa; sau, với Pháp. Mỹ và một số quốc gia nói tiếng Anh khác, như Úc và Tân Tây Lan, tuy có tham chiến tại Việt Nam một thời gian, nhưng ảnh hưởng về văn hoá chưa có gì sâu đậm. Ngay tiếng Anh cũng không thực sự phổ biến, ít nhất, với thế hệ tị nạn thứ nhất.
Không những xa lạ mà còn cách biệt. Chủ yếu là cách biệt về trình độ kỹ thuật và mức độ hiện đại hoá. Những cách biệt ấy làm cho hầu hết người Việt Nam, ngay cả giới có học, đều trở thành những kẻ vô dụng, ít nhất là thời gian đầu. Hầu hết đều phải đi học lại. Hầu hết phải chấp nhận làm những công việc tay chân vất vả như nhà thơ Cao Tần viết trong bài “Mai mốt anh về” vào tháng 3 năm 1977:
Mai mốt anh về có thằng túm hỏi
Mày qua bên Mỹ học được củ gì
Muốn biết tài nhau đưa ông cây chổi
Nói mày hay ông thượng đẳng cu li.
Ông rửa bát chì hơn bà nội trợ
Ông quét nhà sạch hơn em bé ngoan
Ngày ngày phóng xe như thằng phải gió
Đêm về nằm vùi nước mắt chứa chan.
Tôi tiếc, cho đến bây giờ, chúng ta vẫn chưa có một công trình nghiên cứu nào tương đối kha khá về những khó khăn và thử thách mà người Việt Nam phải đương đầu, từ chuyện vượt biên đến chuyện hội nhập vào đời sống mới ở đất lạ quê người.
Có hiểu được những khó khăn và những thử thách như thế, chúng ta mới thấy, ngay cả khi chưa có bất cứ thành tựu nào thực sự “vẻ vang”, chỉ riêng sự ổn định trong đời sống, ổn định một cách tương đối, đã là một thành tựu đáng quý.
Và đáng mừng.