Cộng Hoà Liên Bang Đức hiện tại là một trong những Quốc Gia tân tiến nhứt Âu Châu.
Nhưng không ai có thể quả quyết như vậy cách đây khoảng 50 năm, trước năm 1949, khi Hiến Pháp hiện hành chưa được tuyên bố.
Cộng Hoà Liên Bang Đức lúc đó là một Quốc Gia bị đổ nát kiệt quệ, thua trận trong thế chiến thứ II, đang bị quân đồng minh chiếm đóng, vừa thoát khỏi cơn ác mộng độc tài của Hitler đã đưa đến chiến tranh và đại họa.
Hiến Pháp 1949 được soạn thảo trong hoàn cảnh bi đát đó của đất nước, các vị trong Quốc Hội Lập Hiến phải nghĩ ra một Hiến Pháp, văn bản nền tảng trên đó xây dựng lại đất nước, chứa đựng những điều kiện tránh tại họa có thể tái diển do cách hành xử tác oai tác quái tùy hỷ của những ai thi hành quyền lực Quốc Gia.
Một số các điều kiện tiền liệu đó được các vị suy nghĩ khi đề cập đến vai trò Quốc Hội trong tương lai. Và đó là đề tài của bài viết, chúng ta cùng nhau đọc để suy nghĩ cho tương lai đất nước, khi chúng ta có cơ hội kiến tạo lại Quê Hương thân yêu của chúng ta.
Như hầu hết các Quốc Gia Đại Nghị Chế Âu Châu, Quốc Hội Cộng Hoà Liên Bang Đức là một Quốc Hội Lưỡng Viện, Hạ Viện Liên Bang ( Bundestag) và Thượng Viện Liên Bang ( Bundesrat).
A - Hạ Viện Liên Bang ( Bundestag).
I - Thể thức bầu cử:
Hạ Viện Liên Bang là một cơ quan đại diện cho dân chúng khắp Liên Bang, được tuyển chọn qua các cuộc phổ thông đầu phiếu, trực tiếp, tự do, bình đẳng và kín:
- “ Các dân biểu Hạ Viện Liên Bang được tuyển chọn qua các cuộc bầu phiếu phổ thông, trực tiếp, tự do, bình đẳng và kín. Các Hạ Nghị Sĩ là những người đại diện cho toàn dân Đức, không bị ràng buộc bởi mệnh lệnh hay chỉ dẫn của ai và là những người chỉ phải tuân theo lương tâm của mình“ (Điều 38, đoạn 1 Hiến Pháp 1949 Cộng Hoà Liên Bang Đức ( CHLBD).
Nhiệm kỳ của Hạ Viện Liên Bang là bốn năm:
- “ Hạ Viện Liên Bang được tuyển chọn cho mỗi bốn năm. Hạ Viện Liên Bang mãn nhiệm cùng với phiên họp đầu tiên của Hạ Viện mới (Điều 39, id.).
Dân chúng có quyền bầu cử và ứng cử vào Hạ Viện Liên Bang khi đến 18 tuổi trưởng thành:
- “ Mọi công dân đến 18 tuổi trưởng thành đều có quyền bầu cử và ứng cử vào Hạ Viện (Điều 38, đoạn 2, id.).( phần ứng cử hội đủ 18 tuổi và phải có quyền công dân Đức ít nhứt là một năm , được tu chính án xác nhận năm 1970).
Mỗi Hạ Nghị Sĩ đều được hưởng các đặc quyền trong khi thi hành chức vụ của mình:
a) Không thể bị xét xử hay phạt vạ kỷ luật:
- “ Các Hạ Nghị Sĩ không bao giờ có thể bị đưa ra xét xử hay phạt vạ kỷ luật, cũng không thể bị đòi buộc phải giải thích ngoài Hạ Viện Liên Bang, về các ý kiến và việc bỏ phiếu của mình trong Quốc Hội hay trong các Ủy Ban quốc Hội “ (Điều 46, Hiến Pháp 1949 CHLBD).
b) Được miễn nhiểm khỏi bị bắt bớ giam cầm hay khỏi bị giảm thiểu tự do dưới bất cứ hình thức nào khác, nếu không được chính Hạ Viện Liên Bang cho phép (Điều 47, đoạn 2, id.)
c)
d) “Các Nghị Sĩ Hạ Viện có quyền từ chối làm chứng đối với nhưng người đã tin tưởng bày tỏ cho họ, với tư cách là dân biểu Quốc Hội, những dữ kiện, hay đối với những người mà chính các dân biểu đã thân tín thông tin với tư cách dân biểu của họ. Dựa trên giới hạn của quyền được từ chối làm nhân chứng nầy, không ai có quyền trưng thu tài liệu liên hệ “ (Điều 47, id.).
Về cách thức bầu cử Hạ Viện Liên Bang, cả lãnh thổ Quốc Gia được chia thành 328 đơn vị bầu cử đơn danh, phân nửa tổng số dân biểu của Hạ Viện là 656.
Mỗi cử tri, trên cùng một tấm thẻ có hai phiếu:
- phiếu thứ nhứt ( Erststimme) là phiếu dành cho cử tri chọn một trong số các ứng cử viên trong đơn vị, theo phương thức đơn danh. Ai là người được nhiều phiếu nhứt, dù là đa số tương đối cũng được đắc cử.
- phiếu thứ hai ( Zweitstimme) là phiếu dùng để cử tri chọn một trong các danh sách các ứng cử viên thuộc các chính đảng khác nhau trong vùng ( Landeslisten), theo phương thức đa số tỷ lệ.
Số phiếu ở mỗi đơn vị hợp chung lại với số phiếu toàn quốc thành tổng số và chia ra, cứ mỗi 60.000 phiếu là chính đảng liên hệ có được cửa một dân biểu vào Hạ Viện ( Lá phiếu được vớt lai )
Qua những gì vừa trình bày, chúng ta thấy phương thức bầu cửa ở Công Hoà Liên Bang Đức là phương thức tổng hợp giữa cách
- bầu cử theo đơn danh đa số ( uninominale) của Anh Quốc, vị dân biểu được chọn ở dòng đầu,
-nhưng cũng là phương thức bầu cử theo đa số tỷ lệ ( maggiorité proportionelle) để cho mọi thành phần cử tri đều có thể chọn được vị dân biểu của mình, có tiếng nói của mình trong Quốc Hội.
Nhưng để tránh sự sinh sôi nẩy nở quá đáng các chính đảng trong dân chúng, phương thức bầu cử của Cộng Hoà Liên Bang Đức đưa ra một lằn mức để ngăn chận, ( Sperrklausel ): một chính đảng muốn được công nhận là chính đảng sinh hoạt trong lòng Quốc Gia phải đạt đến ít nhứt 5% số phiếu toàn quốc hay có ít nhứt 3 dân biểu được bầu ở đơn vị theo phương thức đơn danh.
I I - Tổ chức nội bộ.
Hạ Viện Liên Bang có quyền tự lập trong tổ chức nội bộ.
- Các thành viên của Hạ Viện có quyền chọn Chủ Tịch, Phó Chủ Tịch và các Thư Ký.
- Thường thì Chủ Tịch Hạ Viện được chọn giữa những người thuộc các chính đảng có đa số tương đối.
- Nhiệm kỳ của những chức vụ được chọn tồn tại cho đến khi Hạ Viện mãn nhiệm.
- Hạ Viện có quyền soạn thảo nội quy của mình (Điều 40, đoạn 1, Hiến Pháp 1949 CHLBD).
- Hạ Viện có quyền kiểm soát các cuộc bầu cử và quyết định một nghị viên nào đó có còn thuộc thành phần của Hạ Viện hay không (Điều 41, đoạn 1, id.).
- Các quyết định của Hạ Viện, nhứt là đối với việc “ chuẩn y hay bát bỏ luật pháp ” , phận vụ chính của Quốc Hội, không có tính cách vĩnh viễn. Bỡi lẽ nhiều cơ chế khác của Quốc Gia ( Chính Quyền Liên Bang, 1/3 dân biểu Hạ Viện hay Chính quyền của một Tiểu Bang) có quyền đệ trình kháng thư đến Viện Bảo Hiến, nhờ xét xử tính cách hợp hiến hay vi hiến của đạo luật (Điều 93, Hiến Pháp 1949 CHLBĐ).
- Các công tác của Hạ Viện thường được các Ủy Ban làm việc riêng rẻ từng Ủy Ban thường trực chuyên môn, rồi lấy quyết định chung kết trong các phiên họp khoáng đại.
B - Thượng Viện Liên Bang.
I - Thể thức bầu cử.
Thượng Viện Liên Bang ( Bundesrat) là gạch nối giữa tổ chức Liên Bang ( Bund) và các Tiểu Bang ( Laender).
Là cơ quan, qua đó các Tiểu Bang nói lên tiếng nói của mình ở cấp bậc Liên Bang:
- “ Qua trung gian của Thượng Viện, các Tiểu Bang cộng tác vào lập pháp và quản trị Liên Bang ” (Điều 50, Hiến Pháp 1949 CHLBD).
Các Thượng Nghị Sĩ của Thượng Viện Liên Bang không do bầu cử, mà do Chính Quyền các Tiểu Bang chỉ định, họ là thành viên của Chính Quyền các Tiểu Bang:
- “ Thượng Viện được gồm có các thành phần do Chính Quyền các Tiểu Bang tuyển chọn và thu hồi” (Điều 51, id.).
Thành phần các Thượng Nghị Sĩ trong Thượng Viện được phân chia theo nguyên tắc đa số tỷ lệ, tùy theo số đông dân chúng trong mỗi Tiểu Bang, nhưng không phải là tỷ lệ cứng rắn:
Mỗi Tiểu Bang có 3, 4, 5 hay 6 Thượng Nghị Sĩ, tùy theo số dân chúng:
- “ Mỗi Tiểu Bang có ít nhứt là 3 phiếu ở Thượng Viện; các Tiểu Bang có hơn 2 triệu dân có được 4 phiếu; Tiểu bang có hơn 6 triệu dân, có 5 phiếu; Tiểu Bang có trên 7 triệu, có 6 phiếu ” (Điều 51, đoạn 3, id.).
Như vậy mặc dầu không theo nguyên tắc hoàn toàn bình đẳng như ở Hoa Kỳ, tiêu chuẩn được Cộng Hoà Liên Bang Đức áp dụng là tiêu chuẩn theo tỷ lệ và có ý ưu đải các Tiểu Bang nhỏ bé hơn.
Thượng Viện có tất cả 69 Thượng Nghị Sĩ.
II - Tổ chức nội bộ.
Thượng Viện Liên Bang có quyền hiến định tự lập chọn Chủ Tịch của mình có chức vụ trong một năm và luân phiên thay đổi nhau giữa các Tiểu Bang:
- “ Thượng Viện Liên Bang tuyển chọn Chủ Tịch của mình với chức vụ một năm ” (Điều 52, đoạn 1, Hiến Pháp 1949 CHLBD).
Vị Chủ Tịch có quyền điều khiển các hoạt động của Thượng Viện, triệu tập các phiên họp khoáng đại, và nhứt là có bổn phận phải triệu tập Thượng Viện, họp khoáng đại, nếu có sự yêu cầu của hai Tiểu Bang hay của Chính Quyền Liên Bang (Điều 52, đoạn 2, id.).
Chủ Tịch Thượng Viện có quyền thay thế vị Nguyên Thủ Quốc Gia trong trường hợp chức vụ của vị Nguyên Thủ bị cản trở hay khiếm diện trước nhiệm kỳ:
- “ Các chức vụ của Tổng Thống Liên Bang , trong trường hợp bị cản trở hay khiếm diện trước định kỳ, được điều hành bởi Chủ Tịch Thượng Viện ” (Điều 57, id.).
Thượng Viện Liên Bang được tổ chức thành những Ủy Ban chuyên môn, trong đó thành viên của các Tiểu Bang đều được mời tham dự.
Các Ủy Ban chuyên môn của Thượng Viện cũng có thể được các thành phần hay đại diện khác (không cần phải là Thượng Nghị Sĩ) tham dự với tư cách chuyên viên:
- “ Các phần tử hay đại biểu của Chính Quyền các Tiểu Bang có thể tham dự vào các Ủy Ban của Thượng Viện Liên Bang ” (Điều 52, đoạn 4, id.).
Mỗi khi một dự án luật ( do Chính Quyền Liên Bang hay do Hạ Viện đệ trình) hay một vấn đề liên quan đến việc quản trị xứ sở được chuyển đến Thượng Viện, dự án luật hay vấn đề liên hệ vừa kể lập tức được chuyển đến Ủy Ban đặc trách của Thượng Viện. Ủy Ban đặc trách trình bày vấn đề với các Chính Quyền Tiểu Bang để hỏi ý kiến.
Điều vừa kể cho thấy không phải mọi quyết định trong việc điều hành Quốc Gia đều phát xuất từ trung ương.
Các tổ chức của các Ủy Ban chuyên môn của Thượng Viện có lợi điểm hơn các Ủy Ban của Hạ Viện Liên Bang.
Vì là những Ủy Ban chuyên môn có sự tham dự của cả các “ thành phần hay đại diện khác của Chính Quyền các Tiểu Bang ”, là những chuyên gia trong nhiều lãnh vực khác nhau. Nhờ đó, Ủy Ban chuyên môn có thể nhờ cậy được khả năng của các chuyên gia để giải quyết vấn đề, không như các Ủy Bang của Hạ Viện chỉ là những dân biểu, nhiều khi không có khả năng chuyên môn để quyết định vấn đề mà mình không có thẩm quyền.( Friedrich, Landparlament in der Bundesrepublik, Berlin 1975)
Như vậy đặc tính của các Ủy Ban chuyên môn Thượng Viện, gồm cả các chuyên gia không cần phải là thượng nghị sĩ, tránh được tình trạng nhiều lúc các dân biểu trong Ủy Ban Hạ Viện phải ngồi trước vấn đề lở cười, lở khóc.
C – Vai trò của Quốc Hội và một số cơ quan liên hệ.
1 ) Vai trò của Tổng Thống Liên Bang
Trước kinh nghiệm hành xử quyền lực độc đoán của Adolf Hitler, Vị Tổng Thống của Hiến Pháp 1949 CHLBĐ không còn được bầu do phổ thông đầu phiếu nữa, tức là không còn do dân chúng trực tiếp bầu lên, mà là do Hội Đồng Liên Bang ( Bundesversammlung) với một số nghị sĩ ngang nhau của Thượng Viện và Hạ Viện đồng đều bầu lên:
- “ Vị Tổng Thống Liên Bang được Hội Đồng Liên bang bầu lên, không cần bàn cải. Mọi công dân Đức có quyền được bầu vào Hạ Viện, đều có thể được bầu và cần có đủ 40 tuổi ” (Điều 54, Hiến Pháp 1949 CHLBD).
Và rồi quyền hạn của Tổng Thống đối với Thủ Tướng ( Kanzler) và Hạ Viện cũng bị giới hạn, sau mẫu gương hành xử quyền bính hét ra lửa của Hitler:
- “ Vị Thủ Tướng Liên Bang được tuyển cử do Hạ Viện, theo lời đề nghị của Tổng Thống.
Sẽ được tuyển chọn ai hội đủ đa số phiếu (đa số tuyệt đối) của các thành viên Hạ Viện. Người được tuyển chọn phải được Tổng Thống Liên Bang bổ nhiệm ” (Điều 63, id.).
Tổng Thống bổ nhiệm vị Tân Thủ Tướng, nhưng là bổ nhiệm người đã được Hạ Viện đồng thuận tuyển chọn trước.
Điều đó cũng cho thấy rằng việc Tổng Thống bổ nhiệm vị Thủ Tướng do Hạ Viện tuyển chọn ( Hạ Viện là Viện Quốc Hội dân cử), Tổng Thống không thể truất phế Thủ Tướng, nếu không có sự đồng thuận của Hạ Viện ( Schneider – Zeh, Parlamentsrecht und Parlamentpraxis in der Bundesrepublik Deutschland, Berlin-New York, 1989).
Và Hạ Viện, nếu muốn cất chức Thủ Tướng sẽ phải hành xử và hội đủ các điều khoản hiến định, nếu không muốn việc truất phế trở thành một hành động tự sát, bị giải tán ( Schneider- Zeh, op. cit., id.).
Điều khoản hiến định đó, chúng ta sẽ bàn đến ở những trang tới.
Vị Tổng Thống Liên Bang cũng không còn được Hiến Pháp dành cho quyền tuyên bố “ tình trạng khẩn trương nguy ngập” để tùy hứng xử dụng quyền đặc biệt “ hét ra lửa ” của Hitler.
2) Chính Phủ và Hạ Viện.
Thủ Tướng và Nội Các Chính Phủ không do Tổng Thống tuyển chọn và bổ nhiệm, như thời Đệ Nhứt Cộng Hoà với Hiến Pháp Weimar 1919 và những gì đã xảy ra với Hitler, ai cũng biết.
Chính Phủ của Hiến Pháp 1949 CHLBD được khai sinh bằng thể thức khác biệt hơn, để tránh việc hoàn toàn tùy thuộc vào Tổng Thống,Thủ Tướng và Nội Các phải cúi đầu vâng phục Tổng Thống hét ra lửa.
Sau khi Hạ Viện được tuyển chọn và Hạ Viện vừa sắp xếp xong nội quy, các chức vụ, ủy ban chuyên môn, những cuộc thăm do và thương lượng giữa các lực lượng chính trị trong Hạ Viện bắt đầu diển ra.
Sau khi hội đàm với các vị lãnh đạo các chính đảng, Tổng Thống có thể ủy quyền cho một nhà lãnh đạo một chính đảng ( chính đảng chiếm đa số) thành lập Chính Phủ.
Người được ủy thác, sau khi nhận thấy mình có thể tin cậy vào sự ủng hộ của đa số dân biểu ( túc số để tạo thành đa số tuyệt đối) trong Hạ Viện, có thể trả lời chấp thuận nhận nhiệm vụ và được Tổng Thống bổ nhiệm chức Thủ Tướng, lãnh đạo Chính Phủ.
Vị Thủ Tướng dựa vào cuộc thăm do và đồng thuận trước đó, có thể phát hoạ ra danh sách các Bộ Trưởng, thành phần Chính Phủ và đệ trình lên Tổng Thống để Chính Phủ được ủy nhiệm.
Mặc dầu chưa được Hạ Viện tín nhiệm, nhưng mặc nhiên Chính Phủ vừa được phát họa đã được Hạ Viện “ chuẩn y ” trong các cuộc thăm do và thương lượng trước đó.
Tất cả thủ tục hình thành Chính Phủ, dựa trên sự thăm do, thương lượng để tìm được đa số đồng thuận trong Hạ Viện ủng hộ, gồm cả tiến trình ủy nhiệm của Tổng Thống cho Thủ Tướng lựa chọn các Bộ trưởng và việc Hạ Viện bỏ phiếu tín nhiệm, trên phương diện hiến định chỉ gồm có một động tác duy nhứt trong Hiến Pháp 1949 CHLBĐ: Hạ Viện ( Viện đại diện dân cử) trực tiếp tuyển chọn Thủ Tướng Liên Bang:
- “ Thủ Tướng Liên Bang được Hạ Viện tuyển chọn không cần thảo luận, theo lời yêu cầu của Tổng Thống Liên Bang” (Điều 63, đoạn 1, id.).
Với điều khoản vừa kể, Hiến Pháp 1949 CHLBD quy tựu hết trách nhiệm của Chính Phủ vào cá nhân của vị Thủ Tướng.
Các Bộ trưởng cũng được Tổng Thống bổ nhiệm, nhưng khác với Hiến Pháp Weimar, các ông không có trách nhiệm từng cá nhân trực tiếp trước Hạ Viện, bởi lẽ các ông không do Hạ Viện tuyển cử và cũng không nhận được tín nhiệm nơi Hạ Viện.
Chỉ có Thủ Tướng là người được Hạ Viện trực tiếp tuyển cử (Điều 63, đoạn 1, id.) và là người duy nhứt trong Chính Phủ được hay bị Hạ Viện bỏ phiếu tín nhiệm hay bất tín nhiệm:
- “ Hạ Viện có thể tuyên bố bất tín nhiệm đối với Thủ Tướng Liên Bang, khi…” (Điều 67, đoạn 1, id.).
Việc tập trung vào con người vị Thủ Tướng với sự đồng thuận đa số tuyệt đối của Hạ Viện trong việc tuyển chọn, cũng như việc “ chuẩn y hay bất tín nhiệm ”, tránh cho việc bất đồng tư tưởng, chính kiến giữa Thủ Tướng và các Bộ Trưởng, “ông nói gà bà nói vịt ”, nhược điểm của các Chính Phủ liên hiệp, làm cho Chính Phủ suy yếu.
Việc Hạ Viện biểu quyết tín nhiệm hay bất tín nhiệm chỉ đối với Thủ Tướng ( chớ không với cả Chính Phủ), cũng như chỉ có Thủ Tướng hoàn toàn chịu trách nhiệm về đường lối chính trị của Chính Phủ, cho thấy Thủ Tướng có quyền vô hạn định trong việc đề cử hay thu hồi chức vụ các Bộ Trưởng.
Đó là điều các vị soạn thảo Hiến Pháp 1949 CHLBD nhằm tạo ra để có một Chính Quyền mạnh mẽ và hữu hiệu ( K. Stern, Das Staetsrecht der Bundesrepublik Deutschland, Muenchen, C.H. Beck, vol. I, 765).
Lá phiếu bất tín nhiệm xây dựng.
Hiến Pháp 1949 không những chỉ giới hạn cho Hạ Viện Liên Bang mới có quyền bất tín nhiệm Thủ Tướng Chính Phủ, mà còn đặt điều kiện hạn chế Hạ Viện chỉ được xử dụng quyền nầy trong các điều kiện được Hiến Pháp xác định rỏ rệt.
Mục đích của những điều kiện giới hạn là để cũng cố cho Hành Pháp được luôn luôn hoạt động hợp pháp và vững chắc, luôn luôn có Hạ Viện bên cạnh biểu quyết đồng thuận và hậu thuẩn cho tồn tại.
Giới hạn được Hiến Pháp 1949 đặt ra đối với Hạ Viện được xác định ở điều 67:
- “ Hạ Viện có thể tuyển bố bất tín nhiệm Thủ Tướng Liên Bang chỉ khi nào Hạ Viện tuyển chọn được một vị thay thế với đa số phiếu các thành viên Hạ Viện (đa số tuyệt đối ) và yêu cầu Tổng Thống Liên Bang thu hồi chức vụ Thủ Tướng. Tổng Thống phải thoả mãn lời yêu cầu nầy và bổ nhiệm vị vừa được tuyển chọn ” (Điều 67, Hiến Pháp 1949 CHLBD).
Tinh thần của điều khoản vừa kể được gọi là “ lá phiếu bất tín nhiệm xây dựng ” ( konstruktive Misstrauensvotum).
Giới hạn được Hiến Pháp 1949 đặt ra do kinh nghiệm tiêu cực của thời Đệ Nhất Cộng Hoà Weimar. Dưới thời Cộng Hoà Weimar, hai đảng đối lập cực hữu và cực tả, Đảng Đức Quốc Xã và Đảng Cộng Sản, đối lập với Chính Phủ và chống thể chế dân chủ mà Hiến Pháp Weimar chủ trương, thường toa rập cấu kết nhau làm cho phe thân Chính Phủ thành thiểu số, để bất tính nhiệm và lật đổ Chính Phủ.
Thái độ của họ nhằm đả phá, lật đổ hơn là cộng tác nhau tạo đa số vững mạnh để xây dựng đất nước. Mục đích của họ là làm cho Chính Phủ tê liệt và đả phá nền Cộng Hoà Weimar.
Hiểu như vậy các điều kiện “ lá phiếu bất tín nhiệm xây dựng ” của điều 67 vừa kể được viết ra nhằm ngăn chận tình trạng bất ổn của thời Cộng Hoà Weimar tái diển và chính tình trạng bất ổn đó đã đưa đến chế độ độc tài của Hitler.
Đành rằng Hạ Viện có quyền biểu quyết bất tín nhiệm Thủ Tướng Chính Phủ, nếu không chúng ta không còn ở trong Đại Nghị Chế nữa.
Nhưng Đại Nghị Chế hay Dân Chủ Tự Do không có nghĩa là đập đổ vô trách nhiệm, mà là tự do phát biểu ý kiến bất đồng với những gì không lợi ích, hiệu năng, hành xử lạm quyền quá lố trong hiện tại, để đưa ra những đường lối chính trị chính đáng, chương trình khả thi thực hiện tốt đẹp hơn trong tương lai.
Đó là ý nghĩa của câu văn “ Hạ Viện có thể bất tính nhiệm Thủ tướng, chỉ khi nào tuyển chọn được một vị khác thay thế với đa số phiếu ( tuyệt đối) các thành viên Hạ Viện” (Điều 67, id.).
Một câu văn tiền liệu tránh tình trạng bất ổn, hổn loạn, vô chính phủ và Quốc Gia bị tê liệt, do cách hành xử của những ai có thái độ vô trách nhiệm gây hổn loạn cho đất nước.
Giải tán Hạ Viện trước định kỳ.
Như tất cả các Hiến Pháp của các Quốc Gia dân chủ tự do, Hiến Pháp 1949 CHLBĐ bảo đảm ý kiến và nhu cầu, ước vọng của người dân luôn được trước các đại diện dân cử lên tiếng trong Quốc Hội, nhu cầu và ước vọng của đa số (được tuyển chọn trong các đơn vị bầu cử đơn danh với lá phiếu thứ nhứt ( Erststimme), cũng như tiếng nói của thiểu số dân chúng còn lại trong phương thức đếm phiếu toàn quốc và chia cho 60.000 phiếu để có được một dân biểu.
Hạ Viện Liên Bang là tiếng nói của toàn thể dân chúng Đức, nói lên đường hướng chính trị và phương thức quản trị xứ sở mà Chính Quyền phải lắng nghe.
Hạ Viện Liên Bang có quyền bày tỏ thái độ bất bình của dân chúng đối với Hành Pháp bằng lá phiếu bất tín nhiệm của mình.
Nhưng để tránh hổn loạn, bất ổn, khủng hoảng cho Quốc Gia, Hạ Viện phải hội đủ các điều kiện được Hiến Pháp tiên liệu được viết lên ở điều 67 vừa trích dẫn, khi tỏ thái độ bất tín nhiệm đối với Chính Phủ.
Nhiệm kỳ của Hạ Viện Liên Bang được Hiến Pháp xác định là 4 năm.
Nếu Hạ Viện hành xử theo các điều kiện hiến định vừa kể, không ai có quyền trấn áp, bắt bớ, áp chế, giảm thiểu tự do từ thành viên, cho đến tổ chức nội bộ cũng như cả cơ quan Hạ Viện, trong khi Hạ Viện thi hành quyền dân cử của mình.
Tuy vậy, để tránh những gì đã xảy ra với Đệ Nhất Cộng Hòa Weimar, khi đảng Đức quốc Xã và đảng Cộng Sản hùa nhau, âm mưu phá hoại nền dân chủ, Hiến Pháp 1949 cũng phải tiền liệu những điều kiện phòng hờ những cấu kết với âm mưu bất chính, phương hại cho đất nước ( M. Volpi, Lo Sciolgimento Anticipato del Parlamento e la Classificazione dei regimi contemporanei, Maggioli, Rimini 1983).
Hiến Pháp 1949 CHLBD tiền liệu những điều kiện để có thể giải tán Quốc Hội trước định kỳ.
Thật ra, việc giải tán Hạ Viện trước định kỳ không phải là hành động “ trả đủa ” đối với Hạ Viện ương ngạnh, cho bằng vì nhu cầu thiết yếu và để đáp ứng một cách thiết thực hết sức có thể ý muốn của dân chúng, ý muốn chính đáng của dân chúng nói lên trong Hạ Viện và nhu cầu hoạt động của Chính Phủ.
Mục đích của việc giải tán Hạ Viện trước định kỳ là tạo ra điều kiện để bầu cử Hạ Viện mới, hy vọng rằng Hạ Viện mới sẽ quy tựu được đa số nghị sĩ (đa số tuyệt đối) ủng hộ một Chính Phủ vững mạnh trong tương lai.
Nhưng hai lần giải tán Quốc Hội trước định kỳ các năm 1930-1932 ( có đến 2 lần chỉ trong năm 1932) cho thấy kết quả trái ngược: cứ mỗi lần giải tán và bầu Quốc Hội mới, là mỗi lần số phiếu của các phe thái cực ( cực tả, Cộng Sản và cực hữu, Đức Quốc Xã) gia tăng, để phá hoại đạp đổ thể chế dân chủ.
Do đó các vị soạn thảo Hiến Pháp 1949 rất dè dặt áp dụng vũ khí đang bàn. Các vị đặt Hạ Viện Liên Bang chỉ có thể bị giải tán với hai giả thuyết:
- Hạ Viện Liên Bang không có khả năng tuyển chọn vị Tân Thủ Tướng với đa số tuyệt đối các thành viên,
- Hạ Viện Liên Bang bỏ phiếu bất tín nhiệm vị Thủ Tướng đương nhiệm và không có khả năng tuyển chọn nổi một Tân Thủ Tướng khác với đa số tuyệt đối.
a) Hạ Viện Liên Bang không có khả năng tuyển chọn Tân Thủ Tướng với đa số tuyệt đối các thành viên.
Sau cuộc phổ thông đầu phiếu chính trị ( hoặc sau việc từ chức, hoặc sau cái chết của Thủ Tướng đương nhiệm), nều Hạ Viện Liên Bang không có khả năng quy tựu được đa số tuyệt đối các thành viên để tuyển chọn một Tân Thủ Tướng, Tổng Thống Liên Bang có thể giải tán Hạ Viện:
- “Được tuyển chọn ai hội đủ đa số phiếu các thành viên Hạ Viện Liên Bang. Người được tuyển chọn phải được Tổng Thống ủy nhiệm”.
- “ Nếu nhân vật được Tổng Thống đề nghị không được Hạ Viện Liên Bang tuyển cử, trong vòng 14 ngày kể từ ngày bầu cử, Hạ Viện Liên Bang có thể tuyển chọn Thủ Tướng với đa số tuyệt đối các thành viên của mình”.
- “ Nếu không có một cuộc bỏ phiếu nào trong khoảng thời gian vừa kể, liền sau đó phải có một cuộc bỏ phiếu khác, trong đó ai được nhiều phiếu nhứt (đa số tương đối cũng được) sẽ được tuyển chọn. Nếu người được tuyển chọn chiếm được đa số ( tuyệt đối) số phiếu các thành viên Hạ Viện, trong vòng 7 ngày sau cuộc đầu phiếu, Tổng Thống Liên Bang phải bổ nhiệm vị đó. Nếu người được tuyển chọn không hội đủ đa số phiếu ( tuyệt đối) như vừa kể, trong vòng 7 ngày, Tổng Thống Liên Bang có thể hoặc bổ nhiệm vị được tuyển chọn, hoặc giải tán Hạ Viện” (Điều 63, đoạn 2, 3 và 4 Hiến Pháp 1949 CHLBD).
Đọc các đoạn trích dẫn của điều 63 Hiến Pháp 1949 CHLBD vừa kể, chúng ta thấy rằng giải pháp giải tán Quốc Hội trước định kỳ là giải pháp cuối cùng, sau khi đã tìm hết mọi giải pháp khác.
Nếu ở vòng bỏ phiếu đầu tiên, Hạ Viện chưa quy tựu đủ đa số tuyệt đối để chọn Thủ Tướng ( và Thủ Tướng sẽ thành lập Chính Phủ để bắt đầu hoạt động cho Quốc Gia), Hiến Pháp 1949 còn dành cho Hạ Viện một cơ hội thứ hai: trong vòng 14 ngày kế tiếp, các thành viên Hạ Viện phải thoả thuận với nhau, tạo thành khối đa số tuyệt đối để tuyển chọn vị Tân Thủ Tướng cho Quốc Gia (đoạn 3, id.).
Giả sử cuộc bỏ phiếu thứ hai cũng bất thành, các lực lượng chính trị trong Quốc Hội không thoả thuận được với nhau để chọn Thủ Tướng sau thời gian 14 ngày đó, Hạ Viện bị bắt buộc phải bỏ phiếu lần thứ ba. Lần nầy cũng vậy, ứng viên nào chiếm được đa số tuyệt đối sẽ đắc cử và Tổng Thống bị bắt buộc phải bổ nhiệm.
Giả sử “ trời xui đất khiến ”, xui xẻo còn hành hạ kéo dài, ngay cả ở vòng bỏ phiếu thứ ba nầy, tức là sau 21 ngày kể từ ngày kết thúc cuộc phổ thông đầu phiếu chính trị ( vị nguyên Thủ Tướng từ chức hay từ trần), vẫn chưa có ai được Hạ Viện bầu với đa số tuyệt đối, thì đành vậy. Ai được bầu với số phiếu nhiều nhứt (đa số tương đối) cũng có thể được Tổng Thống chấp nhận bổ nhiệm trong vòng 7 ngày (Điều 63, đoạn 4, id.).
Nhưng trong trường hợp nầy, Tổng Thống có thể giải tán Hạ Viện (đoạn 4, id.).
Các vị soạn thảo Hiến Pháp 1949 đợi thêm thời gian 7 ngày, trước khi Tổng Thống có quyết định bổ nhiệm người thắng cử hay giải tán Hạ Viện, vì nghĩ rằng đó là chiếc phao cứu cấp cuối cùng của Hạ Viện.
Các vị hy vọng rằng thời gian 7 ngày đó, có thể các dân biểu còn có thời gian chứng tỏ cho Tổng Thống thấy rằng nhân vật tạm thời được đề cử với số phiếu đa số tương đối, sẽ được các dân biểu bảo đảm cho thành đa số tuyệt đối, và như vậy bắt buộc Tổng Thống phải bổ nhiệm thay vì giải tán Hạ Viện, cho về vườn ( Schneider- Zeh, op. cit., 128).
Chỉ khi các điều kiện trên được nhẫn nại, chờ đợi một cách vô vọng, Tổng Thống mới xử dụng quyền “ giải tán Quốc Hội trước định kỳ ”.
b) Hạ Viện bất tín nhiệm Thủ Tướng và không có khả năng chọn người thay thế.
* Trường hợp thứ hai để giải tán Quốc Hội trước định kỳ: khi Thủ Tướng đương nhiệm xin Hạ Viện bày tỏ ý kiến “ tín nhiệm hay bất tín nhiệm ” đối với đường lối chính trị, chương trình quản trị xứ sở của ông hay chương trình thực hiện một đồ án cá biệt nào đó.
Nếu Thủ Tướng không được Hạ Viện bỏ phiếu tín nhiệm, trong vòng 21 ngày Tổng Thống có thể giải tán Hạ Viện:
- “ Trường hợp có thể xảy ra khi Thủ Tướng Liên Bang yêu cầu Hạ Viện biểu quyết lòng tín nhiệm đối với ông, không được đa số ( tuyệt đối) thành viên Hạ Viện chấp thuận, trong vòng 21 ngày, theo lời đề nghị của Thủ Tướng, Tổng Thống có thể giải tán Hạ Viện. Quyền nầy sẽ không còn hiệu lực, vừa khi Hạ Viện tuyển chọn được một Thủ Tướng khác với đa số ( tuyệt đối) thành viên của mình ” (Điều 68, đoạn 1, Hiến Pháp 1949 CHLBD).
Lý do tại sao giải tán Quốc Hội trước định kỳ ở điều 68 vừa đọc cũng là lý do của điều 63 được trích dẫn ở trên: một Quốc Hội không chu toàn nhiệm vụ hiến định của mình, lựa chọn và hậu thuẩn vững mạnh, với đa số tuyệt đối, cho Chính Phủ có khả năng điều hành Quốc Gia.
Quốc Hội không thể tại vị lâu dài, mà không cho Quốc Gia một Chính Phủ có khả năng điểu khiển và hoạt động, thoả mãn nhu cầu và ước vọng của dân chúng, là một Quốc Hội thiếu trách nhiệm của mình đối với Đất Nước.
Tổng Thống không có quyền giải tán Quốc Hội, nếu Quốc Hội có khả năng quy tựu đa số thành viên vững mạnh để tuyển chọn và làm hậu thuẩn cho Chính Phủ, hoạt động vì lợi ích của dân chúng.
Quốc Hội như vừa kể là Quốc Hội có quyền tồn tại đến mãn nhiệm, không có quyền lực Quốc Gia nào có khả năng giải tán môt Quốc Hội đang chu toàn nhiệm vụ của mình, phục vụ đất nuớc.
* Nhưng giải pháp “ giải tán Quốc Hội trước định kỳ ” trong trường hợp Hạ Viện bất tín nhiệm Thủ Tướng Chính Phủ không phải là giải pháp duy nhứt.
Giải pháp thứ hai được đưa ra, đó là giải pháp tuyên bố “ tình trạng lập pháp khẩn trương ” ( notgebungsgericht ) :
- “ Nếu trong trường hợp được điều 68 quy định, Hạ Viện không bị giải tán, Tổng Thống theo lời yêu cầu của Thủ Tướng Chính Phủ, cùng với sự đồng thuận của Thượng Viện, có thể tuyên bố “tình trạng lập pháp khẩn trương”, đối với một đạo luật bị hạ Viện bác bỏ, mặc dầu Chính Phủ tuyên bố là cấp bách. Cũng vậy, đối với một dự án luật bị bát bỏ, mặc dầu Thủ Tướng Liên Bang đặt liên hệ giữa dự án và tính cách khả dĩ áp dụng các điều khoản của điều 68 ”.
- “ Nếu Hạ Viện lại bác bỏ một lần nữa dự án luật, sau khi “ tình trạng lập pháp khẩn trương” được tuyên bố, hoặc biểu quyết chấp thuận theo văn mạch mà Chính Phủ không thể chấp nhận được, dự án luật được coi là đã được biểu quyết tán đồng, nếu được Thượng Viện đồng thuận. Điều nầy cũng có giá trị đối với một dự án luật không được Hạ Viện biểu quyết sau 4 tuần lễ kể từ ngày được đệ trình”.
- “ Trong thời gian tại chức của một vị Thủ Tướng, trong suốt thời gian 6 tháng kể từ ngày “ tình trạng lập pháp khẩn trương” được tuyên bố, bất cứ dự án luật nào bị Hạ Viện bát bỏ, đều được coi là chuẩn y, theo tinh thần của đoạn ( 1 ) và ( 2 ). Hết 6 tháng vừa kể, trong nhiệm kỳ của một Thủ Tướng, không thể chấp nhận một lần công bố thứ hai ” tình trạng lập pháp khẩn trương” (Điều 81, đoạn 1, 2 và 3 Hiến Pháp 1949 CHLBD).
Ba giải pháp được điều 81 liệt kê để giải quyết tình trạng bế tắc giữa Hạ Viện và Chính Quyền, cho thấy Hạ Viện là một viện Quốc Hội dân cử, đại diện chính thức và hệ trọng cho tiếng nói phát biểu nhu cầu và ước vọng của người dân.
Nhưng Hạ Viện, cũng như Chính Quyền không phải là cơ quan duy nhứt trong guồng máy Quốc Gia, nhứt là khi Hạ Viện không chu toàn trách nhiệm hiến định của mình, quy tựu được đa số tuyệt đối để thành lập, bảo đảm và hướng dẫn Chính Quyền đem lại lợi ích chung cho đất nước.
Trong trường hợp thiếu trách nhiệm như vừa kể, các cơ chế khác của Quốc Gia được Hiến Pháp tiền định có thể thay thế Hạ Viện trong một thời gian ngắn, 6 tháng ( Tổng Thống, Chính Phủ Liên Bang và Thượng Viện, đại diện Chính Quyền các Tiểu Bang).
Các giải pháp của điều 81, dựa trên sự đồng thuận của các cơ chế khác của Quốc Gia để giải quyết tình trạng đình trệ và tê liệt đời sống Quốc Gia.
Các giải pháp đó không phải là phương thức hành xử độc tài, cưỡng áp Hạ Viện, mà là những phương thức duy nhứt và tạm thời nhằm cứu vãn đời sống Cộng Đồng Quốc Gia. Tạm thời bởi lẽ không được kéo dài trên 6 tháng và không được lập lại lần thứ hai trong nhiệm kỳ của một Thủ Tướng.
Về phía Hành Pháp, vị Thủ Tướng trong vai trò lãnh đạo của mình bị Hạ Viện bất tín nhiệm, sẽ không bị cô lập và không bị Quốc Gia bỏ rơi, nếu đường lối lãnh đạo và quản trị đất nước của ông và Nội Các ông được coi là đúng đắn và lợi ích cho Quốc Gia. Bên cạnh ông và Nội Các của ông còn có các cơ chế khác hổ trợ, để đạt được mục đích chung của Quốc Gia.
Thủ Tướng và Nội Các của ông còn được Tổng Thống, Vị Nguyên Thủ quốc Gia và Thượng Viện, đại diện cho các Cộng Đồng Địa Phương, các Tiểu Bang ( Laender) khắp đất nước ủng hộ để chu toàn hoạt động của mình.
Hạ Viện là tiếng nói của dân chúng. Nhưng các dân biểu Hạ Viện không thể cố chấp khăng khăng giữ lấy tự ái của mình, cũng như không có khả năng thoả thuận với nhau để cung cấp cho đất nước cơ quan Hành Pháp, hoạt động đem lại lợi ích cho dân chúng.
Hiến Pháp 1949 CHLBD là Hiến Pháp của một Quốc Gia Dân Chủ Đại Nghị Chế.
Trong Đại Nghị Chế, Hiến Pháp không thể áp đặt Quốc Hội chấp nhận một Chính Phủ mà Quốc Hội không muốn, nhưng Hiến Pháp có thể bắt buộc Quốc Hội tuyển chọn vị Thủ Tướng để thành lập Chính Phủ, thiết yếu cho đời sống Quốc Gia, cũng như ủng hộ, tạo điều kiện thuận lợi và xác định chính hướng để Chính Phủ hoạt động lợi ích cho Quốc Gia, bằng đa số tuyệt đối thành viên của mình, nếu không muốn bị giải tán trước định kỳ hoặc bị thể chế hiến định giảm thiểu đi nhiệm vụ lập pháp của mình trong khoảng thời gian 6 tháng.
Hiến Pháp 1949 CHLBD tạo được ổn định cho cuộc sống Quốc Gia, nhờ các vị soạn thảo đã tiền liệu các điều kiện để giải quyết các tình trạng đình trệ và bế tắc.
Kết quả đạt được do kinh nghiệm không có gì là tốt đẹp của thời Đệ Nhứt Cộng Hoà Weimar, cộng thêm với nhiều đầu óc sáng suốt cùng suy nghĩ của các học giả người Đức tạo nên.
D - Thượng Viện, Hạ Viện và Chính Phủ Liên Bang.
Một số mối liên hệ tương quan giữa 3 cơ quan hiến định vừa kể, chúng ta đã đề cập đến ở những dòng trên,
- “ lá phiếu bất tín nhiệm xây dựng”,
- “ giải tán Hạ Viện trước định kỳ ”,
- “ tình trạng lập pháp khẩn trương ”…
Đó là những gì có thể xảy ra trong các trường hợp xung đột bất thường, Hiến Pháp 1949 CHLBD đã tiền liệu để tránh tình trạng bất ổn và tê liệt, thiệt hại đến đời sống Quốc Gia.
Trong cuộc sống thường nhật thông thường, Thượng Viện, Hạ Viện và Chính Phủ Liên Bang là những cơ quan hiến định tự nhiên của Quốc Gia, hoạt động nhịp nhàn với nhau để hướng dẫn chính hướng và quản trị Quốc Gia một cách hiệu năng.
Đó là những gì Hiến Pháp 1949 CHLBD diển tả qua điều 76:
- “ Các dự án luật được Chính Quyền Liên Bang, các thành viên Hạ Viện trình lên Hạ Viện và Thượng Viện ” (Điều 76, đoạn 1 Hiến Pháp 1949 CHLBD).
Khi Chính Phủ Liên Bang, qua các Bộ Trưởng và chuyên viên của mình đề thảo ra một dự án luật, dự án phải được đệ trình đến Thượng Viện để duyệt xét và Thượng Viện phải phán quyết trong vòng 6 tuần lễ.
Khi một dự án luật mà Chính Phủ Liên Bang cho là “ khẩn cấp ”, sau khi Chính Phủ đệ trình cho Thượng Viện, Chính Phủ cũng có thể đệ trình cho Hạ Viện sau 3 tuần lễ kể từ ngày đã đệ trình Thượng Viện, dầu cho Thượng Viện chưa bày tỏ ý kiến.
- “ Các dự án luật, Chính Phủ Liên Bang phải đệ trình trước tiên cho Thượng Viện. Thượng Viện có quyền phán quyết ý kiến của mình trong vòng 6 tuần lễ. Chính Phủ Liên Bang có thể chuyển đến Hạ Viện, sau 3 tuần lễ, một dự án luật mà mình cho là ngoại lệ và đặc biệt khẩn cấp, khi đệt trình lên Thượng Viện, ngay cả khi ý kiến của Thượng Viện chưa được trả lời cho Chính Phủ. Nhưng rồi Chính Phủ phải lập tức chuyển đến Hạ Viện phán quyết của Thượng Viện, ngay vừa khi nhận được Thượng Viện trả lời ” (Điều 76, đoạn 3, id.).
Trong tiến trình thông thường để hình thành luật pháp, một dự án luật được đệ trình Thượng Viện, Thượng Viện ( là Viện Quốc Hội đại diện của các Chính Quyền các Tiểu Bang) sẽ chuyển đến Chính Quyền các Tiểu Bang để hỏi ý kiến.
Nếu Chính Quyền các Tiểu Bang đa số tỏ ý bất đồng, Thượng Viện không có cách gì tự mình “chuẩn y ” dự án luật đang bàn.
Điều đó cho thấy Chính Quyền Liên Bang không thể đưa ra Nghị Định, Pháp Lệnh tự mình hay ỷ thế “ cả vú lập miệng em ” dựa vào đa số đồng thuận ở Hạ Viện “ ban hành ” đạo luật nào và áp dụng thế nào tùy hỷ.
Thượng Viện Liên Bang là Viện Quốc Hội, gồm thành viên là các đại diện Chính Quyền các Tiểu Bang.
Tiếng nói của Thượng Viện là tiếng nói của Chính Quyền và dân chúng địa phương, có thể là tiếng nói của các lực lượng chính trị thiểu số đối lập, nhằm “ cắt tỉa, hảm thắng ” cách hành xử quá lố, tùy hỷ của Chính Quyền và Hạ Viện Liên Bang có thể cấu kết nhau.
Tiếng nói của Thượng Viện, của các Tiểu Bang hay của Cộng Đồng Địa Phương không phải chỉ là tiếng nói liên quan đến các vấn đề địa phương, mà cũng là tiếng nói của dân chúng ở địa phương liên quan đến nhu cầu và ước vọng của toàn quốc.
Do đó không có cách gì Hiến Pháp 1949 CHLBD cho phép Hạ Viện và Chính Phủ Liên Bang soạn thảo, “chuẩn y hay bát bỏ ” và hành xử luật pháp mà không đếm xỉa gì đến tiếng nói của Thượng Viện và Chính Phủ các Tiểu Bang ( Gherig, Parlament-Regierung- Opposition: Dualismmus als Voraussetzung fuer eine parlamentarissche Kontrolle der Regierung, Muenchen, 1969, 189s).
Điều đó cắt nghĩa tại sao Hiến Pháp 1949 CHLBD tiền liệu những điều kiện đề phòng bộ mặt độc tài của Hitler lúc nào cũng lăm le muốn trở lại, đối với bất cứ ai hành xử quyền lực Quốc Gia.
“Đức khôn ngoan” dạy cho chúng ta rằng bộ mặt độc tài của Hitler lúc nào cũng có thể trở lại, nhứt là đối với những ai có quyền và bổn phận “ soạn thảo và chuẩn y ” luật pháp và kế đến là những ai “hành xử ” luật pháp.
Hiểu như vậy, chúng ta hiểu tại sao hầu hết các Hiến Pháp Tây Âu là những Hiến Pháp cứng rắn, Hiến Pháp mà người dân của họ đã đổ bao nhiêu máu và nước mắt mới viết lên được.
Và điều đó cắt nghĩa tại sao Hiến Pháp 1949 CHLBD đặt điều kiện gia trọng cho những ai muốn tu chính sửa đổi Hiến Pháp sau nầy:
- “ Một đạo luật như thế (đạo luật để tu chính Hiến Pháp) cần được sự đồng thuận của 2/3 số phiếu của Hạ Viện và 2/3 số phiếu của Thượng Viện ” (Điều 79, đoạn 2 Hiến Pháp 1949 CHLBD).
Một điều kiện gia trọng nặng nề như vậy, không phải là điều kiện dễ thực hiện: phải được sự đồng thuận của 2/3 dân biểu của cả Hạ Viện lẫn Thượng Viện!
Chúng ta thử nghĩ muốn chọn vị Thủ Tướng để thành lập Chính Phủ điều hành Quốc Gia, Hiến Pháp chỉ đòi buộc cần có đa số tuyệt ( ½ số phiếu + 1 phiếu) các thành viên Hạ Viện. Điều kiện chỉ có vậy mà phải mất bao nhiêu công sức mới chu toàn được, kể cả việc tạo ra các tình trạng bế tắc khẩn trương mà Hiến Pháp đã phải tiền liệu những giải pháp để tháo gở, chúng ta đã thấy ở trên.
Còn nữa, Hiến Pháp 1949 CHLBD đã phán quyết có những điều khoản cố định, bất di dịch trong Hiến Pháp, không ai có thể sửa đổi với bất cứ điều kiện nào:
- “ Không thể chấp nhận bất cứ một sự thay đổ nào đối với Hiến Pháp nầy, có liên quan đến mối tương quan giữa Liên Bang và các Tiểu Bang, đến quyền tham gia lập pháp của các Tiểu Bang hay đến các nguyên tắc được tuyên bố ở điều 1 và điều 20 ” (Điều 79, đoạn 3 Hiến Pháp 1949 CHLBD).
Quyền của các Tiểu Bang có quyền tham dự vào tiến trình “ chuẩn y hay bác bỏ ” các dự án luật, chúng ta vừa thấy ở trên, để tránh việc cấu kết tập quyền giữa Hạ Viện và Chính Phủ Liên Bang “soạn thảo, chuẩn y hay bác bỏ và hành xử quyền lực ” độc tài tùy hỷ.
Ngoài ra Hiến Pháp 1949 CHLBD tuyên bố địa vị tối thượng bất khả xâm phạm của con người trong tổ chức Quốc Gia, vì đó là nền tảng của mọi cộng đồng nhân loại, của hoà bình và công chính trên thế giới:
- “ Phẩm giá con người bất khả xâm phạm. Bổn phận của mọi quyền lực Quốc Gia là kính trọng và bảo vệ phẩm giá đó.
- Như vậy dân tộc Đức nhìn nhận các quyền bất khả xâm phạm và bất khả nhượng của con người, như là nền tảng của mọi cộng đồng nhân loại, của hoà bình và công chính trên thế giới ” (Điều 1, đoạn 1 và 2 Hiến Pháp 1949 CHLBD).
Kế đến phương thức cấu trúc của Quốc Gia, làm nền tảng và khuôn sườn để tôn trọng và bảo vệ phẩm giá con người mà Hiến Pháp đã tuyên bố bất khả xâm phạm cũng được tuyên bố cố định ở điều 20, khi Hiến Pháp định nghĩa thế chế Quốc Gia của Cộng Hoà Liên Bang Đức:
- “ Cộng Hoà Liên Bang Đức là một Quốc Gia Liên Bang, dân chủ và xã hội ” (Điều 20, đoạn 1, id.).
Đặt các điều kiện phải tuân hành đối với những ai soạn thảo, chuẩn y và thi hành luật pháp Quốc Gia, các phương thức cần để giải quyết khi xảy ra những cơn khủng hoảng làm xáo động hay làm tê liệt cuộc sống Quốc Gia, các nguyên tắc cố định tôn trọng con người và để bảo vệ thể chế Cộng Hoà Dân Chủ.
Tất cả những cử chỉ thận trọng đó không có mục đích gì hơn là để đề phòng những bộ mặt độc tài như bộ mặt của Hitler, lúc nào cũng thập thò trong bóng tối, chờ cơ hội xuất hiện.
Một trong những mục đích chính của Hiến Pháp 1949 CHLBD là để chống độc tài là vậy.
Kế đến vai trò của Thượng Viện, Viện Quốc Hội đại diện cho Chính Quyền các Tiểu Bang cũng tối quan trọng để chống kết cấu độc tài từ trung ương.
Thường thường thì Thượng Viện chỉ có nhiệm vụ duyệt xét lại và chuẩn y các đạo luật đã được Hạ Viện chấp thuận ( Zustimmungsgesetze).
- Đối với những đạo luật có liên quan đến các quyền lợi của các Tiểu Bang về quản trị, tài chánh, thuế vụ và những đạo luật về tu chính Hiến Pháp như vừa kể, nếu Thượng Viện bát bỏ, phán quyết bát bỏ của Thượng Viện có giá trị tuyệt đối. Hạ Viện và Chính Phủ Liên Bang không có cách gì có thể thắng được (Điều 93, id.)
- Thượng Viện có thể tham dự việc soạn thảo các đạo luật thông thường cùng chung với Hạ Viện. Trong trường hợp bất đồng ý kiến đối với các đạo luật thông thường nầy, Thượng Viện có thể bát bỏ. Nhưng phiếu không đồng thuận của Thượng Viện có thể bị Hạ Viện vượt thắng , nếu Hạ Viện có đủ đa số 2/3 thành viên của mình chấp thuận, một tỷ lệ không phải dễ đạt đến.
- Tuy vậy, giữa hai Viện Quốc Hội có một Ủy Ban Hoà Giải ( Vermittlung ausschuss), được thiết lập gồm 16 thành viên Thượng Viện và 16, thuộc Hạ Viện. Các thành viên của Ủy Ban Hoà Giải hoạt động với tư cách cá nhân, không phải trả lời hành động của mình trước tư nhân cũng như trước Chính Quyền các Tiểu Bang. Ủy Ban hoạt động trong các phiên họp kín, nên thường gặt hái được nhiều kết quả tốt đẹp trong công tác trung gian hoà giải của mình.
- Ủy Ban Hoà Giải không có thẩm quyền quyết định, mà chỉ có thể suy nghĩ và đưa ra dự án mà Ủy Ban nghĩ rằng có thể gặt hái được sự đồng thuận của cả hai Viện.
- Thường thỉ một dự án luật được Hạ Viện biểu quyết chấp thuận, liền sau đó được chuyển giao đến Thượng Viện. Nếu Thượng Viện không biểu quyết đồng tình, trong vòng hai tuần lể Thượng Viện có thể yêu cầu Ủy Ban Hoà Giải nhóm họp (Điều 77, đoạn 2, Hiến Pháp 1949 CHLBD).
- Đồ án của Ủy Ban Hoà Giải đưa ra được trao cho Hạ Viện để biểu quyết và sau đó chuyển đến Thượng Viện. Nếu Thượng Viện lại bát bỏ với đa số phiếu, Hạ Viện có thể vuợt thắng được với đa số. Và nếu Thượng Viện bát bỏ đến 2 /3 số phiếu của mình, Hạ Viện có thể không chấp nhận ý kiến của Thượng Viện cũng với số phiếu 2/3 thành viên của mình (Điều 77, đoạn 4, id.).
E - Hoạt động kiểm soát.
Qua những gì đã trình bày, chúng ta thấy Hiến Pháp 1949 CHLBD dành nhiều điều khoản liên hệ đến mối tương quan giữa Hạ Viện, Chính Phủ, Tổng Thống và Thượng Viện Liên Bang để các cơ chế Quốc Gia “ kiểm soát và cân bằng nhau ” ( checks and balances), như trong Tổng Thống Chế của Hoa Kỳ, cũng như những phương thức để giải quyết tình trạng khủng hoảng, bất ổn và trì trệ giữa lập pháp và hành pháp.
Tất cả những mối tương quan vừa kể được nghĩ ra nhằm xác định đúng đắn đường lối chính trị và chương trình quản trị Quốc Gia trong hiệu năng.
Trong Đại Nghị Chế ( Parlamentarisme), ngoài vai trò hướng dẫn và xác định đường lối chính trị và chương trình quản trị hiệu năng cho Quốc Gia, Quốc Hội còn được Hiến Pháp trao cho quyền kiểm soát hoạt động của Chính Quyền:
-Trong hoạt động kiểm soát của Quốc Hội, Hạ Viện có thể viết thành văn bản, đặt thành nghi vấn ( kleine Anfrage) về cách hành xử nào đó của Chính Quyền nếu có được 15 thành viên Hạ Viện yêu cầu (15/656 hạ nghị sĩ không phải là một con số khó kiếm). Bản văn nghi vấn đó sẽ được đưa ra bàn cải trong Hạ Viện trong các giờ dành để đặt câu hỏi ( Fragestunde), như thời gian “question time” trong Quốc Hội Anh.
- Và trong lúc bàn cải ở Hạ Viện, nếu bản văn có được ít nữa là 30 dân biểu đồng thuận ký tên, các vấn đề được nghi vấn sẽ được yêu cầu Chính Phủ phải trả lời trước Hạ Viện ( grosse Anfrage).
- Nếu các nghi vấn không được Chính Phủ giải đáp thoả đáng trước Hạ Viện, với 1 /4 dân biểu đồng thuận, Hạ Viện sẽ thiết lập Ủy Ban Điều Tra về cách hành xử của Chính Quyền:
* “ Hạ Viện có quyền và, do lời yêu cầu của 1 /4 các thành viên, bị bắt buộc phải thiết lập Ủy Ban Điều Tra để thu thập các chứng cớ cần thiết trong các buổi họp công cộng. Tiến trình tranh luận có thể được thực hiện trong các phiên họp kín ” (Điều 44, đoạn 1 Hiến Pháp 1949 CHLBD).
Do đặc tính của Đại nghị Chế, các chính đảng chiếm đa số đương quyền trong Chính Phủ cũng có thể đang chiếm đa số trong Hạ Viện. Bởi đó Hiến Pháp 1949 CHLBD không đợi phải có đa số Hạ Viện mới có quyền đặt nghi vấn, điều tra và tố cáo Chính Phủ về cách hành xử bất chính của họ:
- 15 dân biểu,
- rồi 30 dân biểu
- và cuối cùng chỉ cấn 1/4 thành viên Hạ Viện
cũng có quyền đòi buộc Hạ Viện thiết lập Ủy Ban Điều Tra hạch hỏi và tố cáo cách hành xử sai quấy của Chính Phủ.
Nói cách khác, Hiến Pháp 1949 CHLBD trao cho thành phần thiểu số đối lập có thực quyền hạch hỏi, tố giác và nếu cần bất tín nhiệm Chính Phủ ( Gherig, op. cit., 192s).
Đọc những điều kiện ràng buộc liên hệ giữa các cơ chế Quốc Gia như trên, chúng ta có thể hiểu được tại sao Cộng Hoà Liên Bang Đức là một Quốc Gia Đại Nghị Chế bền vững, không bị hổn loạn và không bị độc tài trong suốt trên 50 năm nay, tạo điều kiện ổn định và dân chủ tự do biến đất nưóc từ đổ nát đến tân tiến nhứt Âu Châu, mặc dầu cho đến những năm gần đây, khi chúng tôi viết bài nầy, Tây Đức vẫn bị các Anh Em Xã Hội Chủ Nghĩa Vĩ Đại bên kia bức tường Bá Linh không ngừng khuấy nhiểu.
Kết quả trên là những kinh nghiệm đắc giá của Hiến Pháp Weimar 1919 và bao nhiêu khối óc lỗi lạc của người Đức đã cùng nhau ngồi lại suy nghĩ, viết ra Hiến Pháp 1949 CHLBD và định chế cho Quốc Hội Liên Bang.
Người Đức không bốc đồng tự nhiên có được Hiến Pháp 1949 trong tay và Quốc Hội Liên Bang được tổ chức nhịp nhàng, không đưa đến hổn loạn và độc tài, mà qua những gì họ đã phải trả đắc giá bằng xương máu và công sức.
Mercedes là chiếc xe an toàn và bảo đảm nhứt thế giới, không phải người Đức tự nhiên bốc đồng chế ra được, nếu không phải từ bao nhiêu tai nạn chết người và bao nhiêu chương trình nghiêng cứu không ngừng.
Cộng Hoà Liên Bang Đức và Quốc Hội Liên Bang của họ là bài học cho những ai có tâm huyết suy tư cho Đất Nước.
Mọi đồ án và công trình có giá trị không thể một ngày, một buổi bốc đồng mà thành tựu được.
Người Ý, con cháu của người La Tinh có câu:
“Roma không phải chỉ một ngày mà xây dựng được! ” (Ma Roma non fu fatta in un giorno!)