Cuộc đời con gắn liền với cái loa, nó như ký ức tuổi thơ, kỷ niệm tuổi trẻ và hoài niệm tuổi già.
Sinh con ra, tiếng loa rọt rẹt trên tường báo bố vào, đến bây giờ bố vẫn không hiểu được vì sao người ta không cho bố ở bên cạnh mẹ con ngay lúc mẹ con cần có bố nhất, để một người đau quằn quại cô độc và hứng chịu những cú thăm khám trong tư thế xoạc chân trên bàn đẻ, đến bây giờ bố vẫn không tin được người ta gọi bố vào chỉ để yêu cầu mua gấp hai lon bia để tắm cho con, với lý do là sạch nhớt, có thế mà cũng dùng loa.
Suốt tuổi thơ con học, đều là tiếng loa trường, từ đứng xếp hàng, đến yêu cầu không được chạy nhảy trong giờ ra chơi, không được để chảy mồ hôi, trường học là nơi người lớn hò hét la mắng trách móc, đứng bên ngoài nghe những lời giáo huấn qua loa, có cảm giác đó là doanh trại hoặc tệ hơn, nhà tù.
Những ngày con học trung học, mỗi lớp là một cái loa, loại loa thùng nhỏ gọn, cô giáo cần công cụ hỗ trợ vì phòng học chứa gần sáu mươi học trò, đông quá. Mỗi phòng học đều có công cụ hỗ trợ, và toàn trường bát nháo tiếng loa.
Nhà cạnh chùa, sư cũng dùng loa, ê a thuyết giảng bằng thứ tiếng lạ, tăng âm để át tiếng ồn từ phố vọng vào.
Đi lễ nhà thờ, cha xứ cũng dùng loa, ngậm ngùi âm thanh mà đôi khi muốn thoát cũng không thoát được.
Những cột điện vẫn còn vất vường cái loa phường, công cụ tuyên truyền và cảnh báo thời chiến tranh, nay vẫn còn phát huy tác dụng uy hiếp màng nhĩ trong thời bình. Nghe lại những bài đọc có chọn lọc của các cụ các em công tác phường đội, những thông tin có đầy trên mặt báo và internet.
Vào chợ cũng nghe loa, nhắc nộp thuế, đóng tiền hoa chi, nhắc các hộ kinh doanh những điều mà người quản lý cần đi xuống tận nơi nếu làm đúng chức năng.
Rồi thì các loại keo diệt chuột, bánh mì Sài Gòn, kem Wall’s, ve chai đồng nát, cân đo chiều cao sức khỏe, ép nhựa bằng lái.. cái nào cũng thi thố tài năng bằng các loại loa vang một góc trời…
Ừ thì sân bay cũng có loa, mặc dù bảng điện vẫn chạy đều đặn, vào tới trong máy bay rồi, cũng gặp lại cái loa, có những điều chính đáng thỏa đáng không tranh cãi được.
Tại sao người ta phải dùng loa, khi mà người ta vẫn còn có thể nói với nhau bằng giọng thật?
Tại sao người ta phải tăng âm, khi mà người ta vẫn còn có thể thì thầm?
...