HÀ NỘI 24-1 (TH) – Tân tổng bí thư của đảng CSVN, Nguyễn Phú Trọng, “vui vẻ nhận lời” sang thăm hai nước Lào và Trung Quốc “vào thời gian thích hợp”, thông tấn xã chính thức của Hà Nội loan báo như vậy chỉ một ngày sau khi ông chính thức được “cơ cấu”.
Nguyễn Phú Trọng tiếp Vương Gia Thụy, ủy viên trung ương đảng, trưởng ban liên lạc đối ngoại trung ương của Bắc Kinh. (Hình: TTXVN)
Bản tin ngày 20 tháng 1, 2011 của TTXVN ít được dư luận chú ý vì mọi người hiểu cái chuyện bầu bán chia chác chỗ ngồi ở đại hội đảng CSVN chỉ là chuyện đổi ngựa giữa đường. Cái mọi người muốn thấy thay đổi là hệ thống chính trị độc tài đảng trị thì vẫn vậy, cho dù ai trong cái nhóm người bảo thủ đó vẫn còn ngồi kềm hãm sức sống của dân tộc.
Bản tin nói trên, tuy vậy, được hầu hết hệ thống báo chí tuyên truyền từ trung ương đến các địa phương tiếp sức loan báo.
Ngay một tháng từ trước khi Nguyễn Phú Trọng lên làm tổng bí thư, báo chí Nhật đã loan tin này và bật mí rằng Trọng là người có khuynh hướng thần phục Bắc Kinh.
Về khách quốc tế, bản tin TTXVN nói trên về chuyện “Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng tiếp khách quốc tế” ngay sau khi đại hội đảng kết thúc chỉ thấy nói đến “Thoongloun Sisoulith, ủy viên Bộ Chính Trị, Phó thủ tướng chính phủ, trưởng ban đối ngoại trung ương, bộ trưởng Bộ Ngoại Giao Lào, đặc phái viên của tổng bí thư ban chấp hành trung ương đảng Nhân Dân Cách Mạng Lào, chủ tịch nước Cộng Hòa Dân Chủ Nhân Dân Lào Choummaly Sayasone” và với “Vương Gia Thụy, ủy viên trung ương đảng, trưởng ban liên lạc đối ngoại trung ương, đặc phái viên của tổng bí thư ban chấp hành trung ương đảng Cộng Sản Trung Quốc, chủ tịch nước Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa Hồ Cẩm Ðào”.
Trong cuộc tiếp kiến đặc biệt này “Phó Thủ Tướng Lào Thoongloun Sisoulith trân trọng chuyển đến Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng lời mời thăm chính thức nước Cộng Hòa Dân Chủ Nhân Dân Lào của tổng bí thư, chủ tịch nước Choummaly Sayasone”. Và “ông Vương Gia Thụy trân trọng chuyển đến Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng lời mời thăm chính thức nước Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa của tổng bí thư, chủ tịch nước Hồ Cẩm Ðào”.
Ðáp lại “Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng đã cảm ơn và vui vẻ nhận lời mời thăm chính thức Lào và Trung Quốc vào thời gian thích hợp”.
Theo diễn tiến ngày, người ta có cảm tưởng ông Trọng sẽ làm một chuyến thăm viếng cả hai nước, đi Vạn Tượng (Vientiene) trước rồi đến Bắc Kinh sau.
Khi Nông Ðức Mạnh lên làm tổng bí thư 10 năm trước, ông ta đã ký thỏa thuận khai thác bauxite phục vụ kỹ nghệ Trung Quốc, trong khi Trung Quốc cho đóng cửa nhiều khu vực khai quặng bauxite ở nước họ để tránh ô nhiễm, tàn hại môi sinh. Những năm gần đây, dư luận người Việt trong và ngoài nước chống dối dữ dội kế hoạch khai thác bauxite vì đủ mọi thứ thất lợi. Về mặt kinh tế thì lỗ vốn, về môi trường thì tàn hủy môi sinh, nguy hiểm treo trên đầu hàng chục triệu người ở các tỉnh phía Nam. Các dự án khai thác bauxite ở Việt Nam lại toàn nằm ở các khu vực quan yếu về quốc phòng.
Nay, những ngày đầu tuần này, tin tức từ Trung Quốc cho hay Trung Quốc sẽ xây dựng một tuyến đường sắt cao tốc nối liền khu tự trị dân tộc Choang ở tỉnh Quảng Tây, miền Nam Trung quốc với Singapore.
Bản tin Anh ngữ China Daily News viết như vậy và được tờ Thời Báo Kinh Tế Việt Nam thuật lại vắn tắt hôm Chủ Nhật 23 tháng 1, 2011 còn nói rằng “tuyến đường này sẽ băng ngang qua lãnh thổ Việt Nam”.
Ðoạn đầu từ Nam Ninh (thủ phủ Quảng Tây) tới Bằng Tường (giáp ranh tỉnh Quảng Ninh (Việt Nam) sẽ bắt đầu khởi công từ 2011. Từ đó, sẽ chạy qua Hà Nội, sang Vientiane (Lào), Phnom Penh (Cam Bốt), Bangkok (Thái Lan), Kuala Lumpur (Mã Lai) trước khi tới Singapore.
Không thấy nói ai sẽ bỏ vốn đầu tư thế nào, thỏa thuận thế nào giữa các nước về một dự án khổng lồ lên hàng trăm tỉ đô la như thế. Chỉ thấy bản tin China Daily nói rằng Bắc Kinh bỏ ra 15.6 tỉ nhân dân tệ (khoảng $2.36 tỉ USD) để xây dựng. Số tiền này có thể chỉ đủ để nghiên cứu khả thi cho dự án.
Ông Mạnh sau khi đã “hợp đồng” khai thác bauxite xong xuôi, bị mọi người chống đối dữ dội, khi gần hết nhiệm kỳ rồi mới nói “sắp tới không khai thác tài nguyên thiên nhiên” bừa bãi để bán ra ngoài.
Bây giờ, tới phiên ông Nguyễn Phú Trọng, bauxite đã bán mất rồi. Còn mấy dự án thiết lập nhà máy điện hạt nhân, đường sắt cao tốc, cho thuê rừng đang chờ đợi ông ở Bắc Kinh.