January 09, 2011
Dân biểu Ed Royce và phu nhân
Nguồn : wikimedia
Ðức Tâm
Ed Royce, một dân biểu có thế lực trong Ủy ban Ðối ngoại Hạ viện Hoa Kỳ tố cáo hành động « côn đồ » trong vụ nhà ngoại giao Mỹ, Christian Marchant, bị hành hung ở Huế ngày 05/01/11. Theo ông, công an Việt Nam vi phạm các quy định của công ước quốc tế trong việc bảo vệ an ninh cho các nhân viên ngoại giao.
Dân biểu thuộc đảng Cộng Hòa, Ed Royce, một nhân vật có thế lực trong Ủy ban Ðối ngoại Hạ viện Hoa Kỳ tố cáo hành động mà ông gọi là « côn đồ » trong vụ nhà ngoại giao Mỹ Christian Marchant bị hành hung ở Huế, ngày 05/01/2011, khi viên chức ngoại giao này tìm cách đến thăm linh mục Nguyễn Văn Lý.
Dân biểu Royce tố cáo công an Việt Nam đã « dẫm đạp » lên chân của nhà ngoại giao Mỹ, vi phạm các quy định của công ước quốc tế trong việc bảo vệ an ninh cho các nhân viên ngoại giao. Do vậy, ông Royce cho rằng vụ tấn công một nhà ngoại giao Mỹ còn vượt quá mức cần phải trừng phạt.
Xô xát giữa công an Việt Nam và ông Christian Marchant đã xẩy ra khi quan chức chính trị thuộc sứ quán Mỹ tại Việt Nam muốn vào thăm linh mục Nguyễn Văn Lý, hiện đang được tại ngoại để chữa bệnh ở Nhà Chung, Huế.
Dân biểu Royce cho biết là các cộng sự của ông đã liên lạc với nhà ngoại giao Marchant và có thể khẳng định là nhân viên ngoại giao này không phải là một mối đe dọa đối với Việt Nam. Thế nhưng, điều này cũng không ngăn cản được các quan chức Việt Nam dẫm đạp lên chân nhà ngoại giao Mỹ.
Theo ông Royce : « trong quá khứ, chính phủ Việt Nam đã sử dụng các thủ thuật côn đồ nhắm vào các nhà ly khai đấu tranh ôn hòa và đối với những người được coi là mối đe dọa đối với chính quyền. Giờ đây, rõ ràng là không ai có thể tránh khỏi những hành động lạm dụng này ».
Dân biểu Royce là người thường xuyên chỉ trích tình trạng vi phạm nhân quyền, không có tự do tôn giáo tại Việt Nam.
Một quan chức Mỹ, xin giấu tên, tại Hà Nội cho AFP biết là ông Marchant chỉ bị thương nhẹ. Hôm thứ năm, ông Michael Michalak, đại sứ Mỹ sắp mãn nhiệm kỳ đã tránh cung cấp chi tiết về sự cố này, và chỉ nói là Washington chính thức phản đối mạnh mẽ chính phủ Việt Nam trong việc đối xử với một nhà ngoại giao Hoa Kỳ.
Trong khi đó, phát ngôn nhân bộ Ngoại giao Việt Nam thì khẳng định là Việt Nam luôn luôn tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà ngoại giao làm việc nhưng họ cũng phải tôn trọng luật pháp của Việt Nam.
..............................................................
Dự luật "Chế tài Việt cộng"
Việt Hà, phóng viên RFA * 2011-01-06
|
Dân biểu Ed Royce hôm mùng 5 tháng 1 giới thiệu dự luận cấm vận dành cho Việt Nam do những vi phạm về nhân quyền.
AFP PHOTO / TIM SLOAN
Phiên họp Quốc hội Hoa Kỳ khóa 112 ngày 05 tháng 01 năm 2011, Washington, DC.
Ông đồng thời một lần nữa cũng kêu gọi Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ đưa Việt Nam trở lại danh sách cần quan tâm đặc biệt. Trong khi đó cũng vào ngày mùng 5 tháng 1, một viên chức ngoại giao Mỹ khi đi thăm linh mục Nguyễn Văn Lý tại Huế, đã bị công an ngăn cản, hành hung.
Vi phạm quyền con người
Việt Hà phỏng vấn dân biểu Ed Royce về những đề nghị và diễn tiến mới này. Phần chuyển ngữ do Mặc Lâm thực hiện. Trước hết dân biểu Ed Royce giới thiệu về dự luật mới như sau:
Dự luật này nhắm vào quan chức chính phủ, công an, hay bất cứ ai tham gia vào việc vi phạm quyền con người đối với những người bất đồng chính kiến ôn hòa. DB Ed Royce
Dân biểu Ed Royce: "Ðây là dự luật cấm vận Việt Nam liên quan đến các vi phạm về quyền con người. Tôi giới thiệu dự luật này để có những cấm vận đối với các quan chức chính phủ, những người có những hành vi vi phạm quyền con người ở Việt Nam. Dự luật này nhắm vào quan chức chính phủ, công an, hay bất cứ ai tham gia vào việc vi phạm quyền con người đối với những người bất đồng chính kiến ôn hòa. Cách thức là cấm những người này không được vào Mỹ và cả cấm vận về tài chính. Dự luật này yêu cầu Tổng thống phải đưa ra một danh sách những người vi phạm nhân quyền ở Việt Nam và họ sẽ bị từ chối vào Mỹ và không được tham gia làm ăn với bất cứ công ty Mỹ nào.
Chúng tôi chuẩn bị vào kỳ họp Quốc hội và chúng tôi chuẩn bị thông qua dự luật này lần nữa tại Quốc hội và đưa ra Thượng viện. Vì dự luật này đã được đưa ra vào hồi cuối năm ngoái khi dân biểu Joseph Cao giới thiệu dự luật lần đầu. Ðiều đáng chú ý là khi tôi giới thiệu dự luật này thì vào cùng ngày, một nhân viên ngoại giao Hoa Kỳ bị ngăn cản và tống giam bởi công an Việt Nam. Nguyên nhân là vì ông ta đến thăm linh mục Nguyễn Văn Lý. Cho nên điều mà chúng ta có đó là việc một nhân viên ngoại giao Hoa kỳ bị tấn công trực tiếp trong cùng ngày dự luật được đưa ra. Tôi cho đây là điều quan trọng vì nó nhắc nhở mọi người trên toàn thế giới chú ý đến vấn đề tự do tôn giáo và quyền con người ở Việt Nam."
Việt Hà: Thưa ông dân biểu, ông có nói đến sự việc một nhân viên ngoại giao Hoa Kỳ bị tấn công khi đến thăm linh mục Nguyễn Văn Lý hôm mùng 5 tháng 1. Sự việc này theo ông ảnh hưởng thế nào đến quan hệ Việt Mỹ?
Dân biểu Ed Royce: "Tôi cho rằng vấn đề chính phủ Việt Nam không tôn trọng quyền tự do phát biểu ý kiến và quyền tự do tín ngưỡng là rõ ràng được nói đến trong các báo cáo và báo chí Mỹ cũng đã nói đến những sự việc như thế sẽ ảnh hưởng đến quan hệ hai nước. Ðiều mà chúng ta muốn thấy là chính phủ Việt Nam thay đổi cách thức và cho phép quyền con người cũng như tự do tôn giáo lớn hơn.
Dân Biểu Ed Royce trong một lần vận động cho nhân quyền VN trước Quốc Hội Hoa Kỳ.
RFA PHOTO.
Hiện Việt Nam là một nước độc đảng và tình hình thì đang ngày càng trở nên tồi tệ chứ không tốt hơn chút nào. Việt Nam vẫn tiếp tục đàn áp tôn giáo và bắt bớ những người bất đồng chính kiến mà tôi cho là họ sẽ không dừng lại chừng nào chính phủ Mỹ lên tiếng. Cho nên vấn đề này đang thu hút được sự chú ý khắp nơi về quyền con người ở Việt Nam. Nó cho thấy Việt Nam đang thụt lùi mà không có một tiến bộ nào mà chúng tôi mong đợi."
Sự khác biệt
Việt Hà: Ðã có những dự luật Việt Nam được đưa ra nhưng không phải dự luật nào cũng được thông qua tại cả hai viện. Dự luật này có gì khác biệt với các dự luật khác để có thể đảm bảo được thông qua và ông lạc quan thế nào về tương lai của dự luật?
Dân biểu Ed Royce: "Chúng tôi đã có những dự luật được thông qua ở Thượng viện trước kia dành cho các nước độc tài khác, cho nên đã có tiền lệ đối với các chính thể độc tài. Ví dụ như dự luật về quyền con người với Iran. Bây giờ chúng ta đã có cả một quá trình sẵn sàng. Nhưng điều mà chúng tôi muốn nói đến đó là phải có một sự tập trung lớn hơn về những vi phạm quyền con người trên toàn thế giới.
Tôi hết sức tin tưởng là dự luật lần này sẽ được thông qua cũng giống như tôi tin tưởng vào nghị quyết tôi đưa ra hồi năm ngoái kêu gọi Bộ Ngoại Giao đưa VN lại danh sách CPC.
DB Ed Royce
Những dự luật về quyền con người đã được thông qua đối với các nước khác và giờ đây là Việt Nam. Tôi hết sức tin tưởng là dự luật lần này sẽ được thông qua cũng giống như tôi tin tưởng vào nghị quyết tôi đưa ra hồi năm ngoái kêu gọi Bộ Ngoại Giao đưa Việt Nam lại danh sách CPC. Và dự luật đó đã gửi ra một thông điệp là hạ viện đứng về phía người dân Việt Nam. Và quốc hội sẽ tiếp tục gây áp lực lên chính phủ Việt Nam về vấn đề nhân quyền."
Việt Hà: Ðã nhiều lần ông và các đồng nghiệp kêu gọi đưa Việt Nam lại danh sách các quốc gia cần quan tâm đặc biệt nhưng dường như đều bị Bộ Ngoại Giao bỏ qua. Lần này, ông có lập luật nào đủ mạnh mẽ để có thể tạo áp lực lên Bộ Ngoại Giao?
Dân biểu Ed Royce: "Vấn đề của Bộ ngoại giao là họ cứ nói rằng đừng lo lắng, tình hình sẽ thay đổi liên quan đến quyền con người ở Việt Nam. Nhưng tình hình trên thực tế cứ ngày một tệ đi, đến mức giờ đây có một nhân viên Hoa Kỳ bị đối xử như vậy. Và chuyện này đã được nhiều người chứng kiến và đã xuất hiện trên báo chí khắp nơi, nhân viên ngoại giao theo luật quốc tế phải được bảo vệ đặc biệt, và chính phủ Việt Nam cần phải tuân thủ. Nhưng theo tôi, trong tình hình linh mục Lý đang bị quản chế chặt chẽ như vậy và một nhân viên ngọai giao Hoa Kỳ thì bị tấn công, bộ ngoại giao Mỹ đã bày tỏ quan ngại, và phản đối mạnh mẽ hành động này thì đây chính là một ví dụ nữa về áp lực đang tăng lên từ quốc hội lên Bộ Ngoại giao để đặt Việt Nam lại danh sanh CPC. Vì những hành động như vậy tiếp tục chứng minh là chúng ta đã không đi đúng đường, Việt Nam không có tiến bộ.
Chúng ta đã nhìn thấy tiến bộ ở nhiều nơi trên thế giới mà tại sao chúng ta lại không nhìn thấy những tiến bộ nào ở Việt Nam về quyền con người? Ðây chính là lúc để chúng ta thông qua dự luật này. Tôi cho rằng sự kiện một nhân viên ngoại giao Hoa Kỳ bị tấn công lần này cũng giúp tạo thêm áp lực lên bộ Ngoại giao Hoa Kỳ khi xem xét đưa Việt Nam vào danh sách CPC."