Thời HM đi kiểm phiếu (1986) thông tin khó mà lọt ra khỏi khu cấm Ba Đình. Nhưng thời internet này, “trong nhà chưa rõ, ngoài ngõ đã thông”. Tháng trước có dự báo của một bác xứ Úc, hôm nay lại có leak (rò rỉ) không “cố ý” của Wikileaks. ĐH XI thu hút dư luận quốc tế không
Hiệu Minh
Thời HM đi kiểm phiếu (1986) thông tin khó mà lọt ra khỏi khu cấm Ba Đình. Nhưng thời internet này, “trong nhà chưa rõ, ngoài ngõ đã thông”. Tháng trước có dự báo của một bác xứ Úc, hôm nay lại có leak (rò rỉ) không “cố ý” của Wikileaks. ĐH XI thu hút dư luận quốc tế không nhỏ.
Trước ĐH hàng tháng, BBC tiếng Việt có những bài dự đoán về giới lãnh đạo cao cấp của VN. Theo tin không chính thức, ông Nguyễn Phú Trọng, 66 tuổi, dự kiến sẽ trở thành Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam. Ông Trương Tấn Sang, 61 tuổi, sẽ là Chủ tịch nước, và ông Phạm Quang Nghị, 61 tuổi, sẽ giữ chức Chủ tịch Quốc hội, trong khi ông Nguyễn Tấn Dũng, 61 tuổi, sẽ tiếp tục là Thủ tướng.
Đội hình dự kiến đưa ra có vẻ chưa như ý, nên Đại hội trù bị bỏ hẳn 3 ngày để bàn về nhân sự. Người trong nước đoán già, đoán non. Cánh ngoại giao tại Hà Nội rỉ tai nhau, Yahoo Messenger khắp nơi.
Vị A thân Trung Quốc. Ông B làm Tổng Bí thư sẽ giúp cho mối bang giao Việt Mỹ. Ông C hay ông D giúp cho kinh tế khởi sắc và tiềm năng.
>Đài Á Châu Tự do (RFA) còn đưa hẳn ra một danh sách gần như chắc chắn: Tổng bí thư Đảng: Ông Nguyễn Phú Trọng. Chủ tịch nước: Ông Trương Tấn Sang. Thủ tướng: Ông Nguyễn Tấn Dũng. Chủ tịch Quốc hội: Ông Nguyễn Sinh Hùng. Chưa biết tin đồn đúng sai thì đùng một cái, Wikileaks rò rỉ bức điện mật của tòa đại sứ Mỹ tại Hà nội về vấn đề nhân sự của đại hội XI. Tin này được tờ và giới truyền thông thi nhau copy.
Theo bức điện này, Đại sứ Mỹ sắp mãn nhiệm tại Hà Nội, Michael Michalak, bình luận về ban lãnh đạo mới của Việt Nam rằng, ông Trương Tấn Sang và Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng là hai ứng viên hàng đầu cho chức Tổng Bí thư.
Theo Đại sứ Michalak, cả hai vị này có nhiều ảnh hưởng trong Đảng – Chính phủ, và ”có lẽ là hai nhân vật chính trị có nhiều quyền lực nhất ở Việt Nam”.
Nếu ông Dũng không đứng đầu Đảng, có nhiều khả năng ông sẽ ngồi lại ghế thủ tướng. Trong trường hợp đó, hai ứng viên khác là hai ông Nguyễn Phú Trọng và Tô Huy Rứa.
Ông Michalak cũng nhận xét, ông Dũng và ông Sang không chuộng cải cách chính trị như là cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt, nhưng mọi người biết họ ”thực dụng, theo kinh tế thị trường, và đều muốn có thêm những bước tiến trong quan hệ với Hoa Kỳ”.
Câu này mới là câu quan trọng. HM không nhớ ông Trương Tấn Sang đã sang Mỹ bao giờ chưa, nhưng Tổng Cua đã “gặp” Thủ tướng Dũng trong một cuộc họp với bà con Việt kiều tại DC trong thời gian ông sang thăm Mỹ (6-2008).
Chi tiết tôi nhớ nhất là bác Dũng vì bận họp liên miên nên đến muộn. Tuy vậy bà con vẫn nhiệt tình chờ cả tiếng. Bác phát biểu 60 phút liền, không cần giấy tờ, với các dữ liệu về số má kinh tế, xã hội, lưu loát tựa như ta nghe audio news.
Chuyến đi này được coi là sự cam kết của Chính phủ Việt nam trong chính sách mở cửa kinh tế.
Việc ông Michalak nhắc đến chi tiết ông Dũng muốn có bước tiến trong quan hệ với Hoa Kỳ là hoàn toàn có lý.
Chỉ có điều, tin “vỉa hè” được leaks trong thời điểm nhạy cảm. Hiên nay, trong hội trường tại Mỹ Đình, các vị nhà ta đang bàn thảo ai lên, ai xuống.
Không hiểu hệ thống bảo mật của Sứ quán Mỹ tại Hà nội được làm bằng phần mềm gì mà điện của Đại sứ cũng bị Wikileaks bắt được. Đây là câu hỏi lớn về kỹ thuật.
Nhưng người ta cũng tự hỏi, việc rò rỉ thông tin như thế này có mục đích ngoại giao gì không, hay chỉ là lỗi kỹ thuật thuần túy. Có ai đó bỏ phiếu thêm bằng “dư luận” hay chăng? Thời đại internet hay ở chỗ “nửa kín, nửa hở” làm khối người hồi hộp.
Còn nhớ Trung Quốc “bắn tin” vụ thử máy bay tàng hình trong lúc ông chủ Lầu Năm Góc thăm Bắc Kinh. Thậm chí ông Hồ Cẩm Đào cũng “không hay, không biết”. Nhưng thông điệp của vụ “ngoại giao tàng hình” đã rất rõ.
Wikileaks là một tổ chức quốc tế hoạt động phi lợi nhuận. Họ chuyên đăng tải các nội dung được gửi đến vô danh và các thông tin rò rỉ của các loại tài liệu chưa công bố.
Tổ chức này tự mô tả là được thành lập bởi những người Trung Quốc bất đồng quan điểm, cũng như các nhà báo, nhà toán học, và những nhà công nghệ của các công ty mới thành lập từ Hoa Kỳ, Đài Loan, châu Âu, châu Á và Nam Phi. Julian Assange, một nhà báo người Úc và là một nhà hoạt động Internet, là người điều hành chính.
Wikileaks làm cho chính phủ Mỹ đau đầu vì tin tức mật liên quan đến chiến trường Afganistan, cuộc chiến Iraq và cả tài liệu mật của Bộ Ngoại giao Mỹ.
Nếu người đứng đầu là Julian Assange bị bắt và giải độ sang Mỹ thì có thể bị án tử hình vì tội làm lộ mật quốc gia. Nhưng anh ta đang bị tại ngoại bên Thụy Điển vì tội hiếp dâm. Người tài hay có “tai biến” liên quan đến cái bao cao su. Khổ thế đó.
Những nhà bất đồng quan điểm với chính phủ Trung Quốc, hiện đang làm miễn phí cho Wikileaks, tung cú hỏa mù này ra, họ có gửi thông điệp nào khác nữa không?
Có lẽ nên email mà hỏi. Hay ta gọi phone cho bác Michalak để xem bác ấy nghĩ gì về sự “rò rỉ” có một không hai này.
Tuy vậy, đối với người Việt Nam, bác Dũng, bác Sang, bác Trọng hay bác Rứa, lên làm Tổng Bí thư, có lẽ kết cục cũng như nhau. Dân ta vốn lạc quan vào ngày mai. Họ tin vị Tổng Bí thư mới sẽ đưa đất nước đến tột đỉnh của phồn vinh.
Theo một thăm dò dư luận gần đây do Gallup thực hiện, người Việt Nam lạc quan nhất thế giới. Cùng lạc quan với ta, có Brazil và Trung Quốc, những quốc gia đang phát triển.
“Chỉ số lạc quan” của Việt Nam là 61%, bỏ xa nhóm đứng thứ hai là Trung Quốc, Brazil và Peru với 49%. Lá phiếu “lạc quan” này rất quan trọng trước Đại hội XI.
Trong lúc đó, Pháp “đội sổ” với 61% người được hỏi tỏ ra bi quan. Các nước phương Tây cũng không hơn gì. Có tới 52% người Anh và 48% người Tây Ban Nha nói, còn nhiều khó khăn kinh tế đang đợi họ.
Người Mỹ, giống như các nước phương Tây, tỏ ra khá lo lắng về triển vọng kinh tế. Chỉ có 25% người tham gia khảo sát ở Bắc Mỹ lạc quan cho rằng, kinh tế năm 2011 sẽ có tiến bộ. Ông Luck và Bin nhà này nằm trong số đó.
Người Việt ta luôn tin vào ngày mai. Thời chiến tranh Mỹ-Việt, niềm tin vào ngày hòa bình đã giúp họ vượt qua bao mất mát và hy sinh. Trong thời bình, dù còn nhiều khó khăn, có lẽ cái tâm thế đó vẫn còn đọng lại.
Dù Wikileaks có leaks hay không, ông Michalak có gửi điện về Mỹ với mong muốn vị trí chức Tổng Bí thư thế nào, dù ai đó cố ý rò rỉ vào thời điểm nhạy cảm, người phương Bắc có hỏi han “Đại hội các bạn ra sao”, thì ngày 19-1-2011, Việt Nam sẽ có vị Tổng Bí thư mới.
12-01-2011.