"Hèn mà còn nhận ra mình là thằng hèn, là hèn tử tế. Hèn mà ngậm miệng ăn tiền là hèn nhơ bẩn.
Hèn mà ngậm máu phun người là hèn bất nhân. Hèn bán đất bán nước thì trời tru đất diệt"
(Phạm Chuyên)

Montag, 10. Januar 2011

Giáo dục không nên chỉ dạy các “thần dân” biết nghe lời


 Lê Nguyên

Cái mà nền giáo dục Việt Nam thiếu trầm trọng là một môi trường học thuật lành mạnh. Ở đó cho phép phát huy tối đa sức sáng tạo của con người. Ở đó có tự do tranh luận, ở đó có sự đua tranh tư tưởng, ở đó có các chế tài và ưu đãi khuyến khích người học đi đến tận cùng các suy tư khoa học của mình. 

Cái thừa và cái thiếu
Năm 2010 đã khép lại. Bên cạnh những âu lo phiền muộn về bức tranh kinh tế, giá cả đột biến, về lụt lội kinh hoàng gây nên cảnh tang thương cho miền Trung ruột thịt… thì năm 2010 cũng là năm bừng lên niềm hân hoan làm nức lòng hàng triệu người Việt Nam và dịu bớt đi những căng thẳng. Việt Nam lần đầu tiên có một người giành được huy chương Fields, phần thưởng có uy tín như là một giải Nobel trong lĩnh vực toán học.
Giáo sư Ngô Bảo Châu ngay sau sự kiện đó, đã trở thành một cơn sốt: Cơn sốt trên báo chí, cơn sốt cho các bậc cha mẹ bắt chước tên của anh để đặt tên cho con cái của mình. Và phần nào đó là cả cơn sốt của các nhà quản lí xã hội, trong việc dùng hình ảnh Ngô Bảo Châu để phục vụ cho các mục tiêu chính trị!
Chẳng có gì là không đáng tự hào khi trí tuệ Việt Nam chinh phục được đỉnh cao trí tuệ nhân loại. Phần thưởng một căn hộ lộng lẫy trị giá 12 tỉ Việt Nam đồng, dù sao đi nữa, cũng là một món quà quý giá, về phía Nhà nước, là sự cụ thể hoá thành vật chất để ghi công GS Ngô Bảo Châu, và cũng là kỳ vọng sự đóng góp cho đất nước của người GS tài năng.
Rồi thì ngay sau khi tin tức về huy chương Fields được lan truyền và bùng nổ trên các phương tiện thông tin đại chúng, trong niềm hân hoan có phần bồng bột của dân chúng và của tầng lớp lớp lãnh đạo, những nhà hữu trách đã lập tức có ngay kế hoạch phát triển nền khoa học nước nhà bằng cách đề ra ý tưởng xây dựng một Viện nghiên cứu và đào tạo cấp cao về Toán.
Nhưng rồi cơn hứng khởi nào cũng sẽ qua đi, và chúng ta cần phải tỉnh táo nhìn lại chính mình. Không chỉ là nhìn lại cái thực trạng khoa học, thực trạng xã hội chung của nước nhà, mà còn là tỉnh táo nhìn lại để cho ra những quyết sách khôn ngoan, đúng đắn. Người Việt Nam ta vốn có thừa cái “nhiệt tình nóng” trong chiến tranh giữ nước, nhưng dường như lại thiếu cái khối nhiệt tình vô cùng cần thiết trong thời bình.
Cái tinh thần không chịu nhục vì nghèo hèn, cái tinh thần sống chết theo đuổi lí tưởng, đam mê của bản thân. Việt Nam vốn thừa những Phạm Ngũ Lão bị đâm vào đùi vẫn không hay bởi đang nung nấu nỗi căm hờn giặc Nguyên và nghĩ mưu cứu nước. Nhưng Việt Nam lại cũng thiếu những nhà bác học như Archimedes của Hi Lạp cổ đại, vẫn mải mê với những suy tư trừu tượng về các bài toán xung quanh các hình kỉ hà bất kể quân giặc đã kéo đến sát sau lưng mình.
Ban thưởng một ngôi biệt thự để ghi công, hình thành ngay kế hoạch xây dựng một viện nghiên cứu cấp cao về toán học hay về một lĩnh vực nào đó… không có gì là sai cả, nhưng liệu đã đủ chưa, liệu đã là đúng hướng, là giải pháp căn cơ cho cơn khủng hoảng giáo dục nước nhà hiện nay? Cần bao nhiêu biệt thự lỗng lẫy để ghi công hay bao nhiêu viện khoa học nghiên cứu cấp cao được mọc lên, để đưa giáo dục Việt Nam thoát khỏi vũng lầy? Đâu là giải pháp then chốt?
Có tố chất nhưng tại sao không có đỉnh cao?
Muốn trả lời được câu hỏi đó, trước hết phải trở lại đi tìm căn nguyên của vấn đề. Chưa cần căn nguyên nào xa xôi, hãy xét căn nguyên ngay từ chính giải thưởng cụ thể là huy chương Fields cao quý đó.
Rõ ràng, không chỉ với Ngô Bảo Châu mà còn với nhiều nhân tài khác nữa hiện đang thành danh trong môi trường khoa học ở các nước phát triển, chúng ta có thể khẳng định rằng tố chất của người Việt Nam không hề thua kém các nước trên thế giới. Nhưng tại sao các nhân tài đó không thể cất cánh khi ở trong nước, mà chỉ có thể đạt đến đỉnh cao và thành danh khi ra nước ngoài học tập?
Không nghi ngờ gì nữa, cái mà nền giáo dục Việt Nam thiếu trầm trọng là một môi trường học thuật lành mạnh. Ở đó cho phép phát huy tối đa sức sáng tạo của con người. Ở đó có tự do tranh luận, ở đó có sự đua tranh tư tưởng, ở đó có các chế tài và ưu đãi khuyến khích người học đi đến tận cùng các suy tư khoa học của mình.
Toán học với các GS tên tuổi như Ngô Bảo Châu, Vũ Hà Văn, hay là vật lí thiên văn với các GS như Trịnh Xuân Thuận… là thuộc về lĩnh vực khoa học tự nhiên. Nhưng cái môi trường học thuật ở đó có tự do tranh luận và cá nhân được phép đi đến tận cùng các ý tưởng của mình thì lại thuộc về trách nhiệm của các ngành khoa học nhân văn và khoa học xã hội, cái nền tảng quan trọng cho sự phát triển bền vững của bất cứ quốc gia nào. Cái mảng mà lâu nay ta lơ là, hờ hững nếu không muốn nói là lãnh đạm, ghét bỏ nó.
Thực tế đáng ngại đó về mặt khách quan cũng bắt nguồn từ điều kiện nước nhà. Bao nhiêu năm chiến tranh đói nghèo, người ta phải xao lãng cái nhiệm vụ chăm lo “phần hồn” của dân tộc để lo lắng cho cái chết cận kề và miếng cơm manh áo. Khi tiến hành đổi mới mở cửa, cả xã hội bung ra làm kinh tế, toàn dân hối hả kiếm tiền bất chấp mọi thứ, nhiệm vụ “chăm sóc phần hồn” kia một lần nữa lại bị lơ là, lãng quên.
Nhà quản lí xã hội đã thiếu một tầm nhìn dài hạn, không lường trước được các vấn nạn đó khi tiến hành mở cửa kinh tế, cho nên đã chậm trễ trong việc tập trung phát triển khoa học xã hội nhân văn, và đề ra các giải pháp then chốt cho các bài toán xã hội. Đó chính là nguyên nhân sâu xa của các vấn nạn nhức nhối trong xã hội hiện nay: Sự thờ ơ của lớp trẻ với vận mệnh dân tộc, sự dửng dưng vô cảm với nỗi đau đồng loại, sự thiếu ý thức tuân thủ pháp luật, ý thức bảo vệ môi trường,…
Cho nên, sau những cơn hân hoan hào hứng lâng lâng trong chiến thắng, chúng ta cần tỉnh táo nhìn lại chính mình. Và đặc biệt hơn lúc nào hết, các nhà quản lí xã hội phải có các quyết sách khôn ngoan và sáng suốt, các giải pháp căn cơ cho bài toán giáo dục nước nhà. Theo đó, những biệt thự sang trọng đắt tiền, những viện nọ viện kia chỉ mới là các hành động tức thời, không hề là cái chìa khoá then chốt.
Tăng lương, nâng cao chế độ đãi ngộ cũng chưa phải là giải pháp tối ưu cho người làm khoa học. Cái mà người làm khoa học cần là một môi trường khoa học đích thực, ở đó không bị vẩn đục bởi những sự phiền nhiễu vô văn hoá. Ở đó có tự do học thuật, có tự do tư tưởng, được khuyến khích và được đảm bảo cho việc đi đến tận cùng tư tưởng của mình.
Xã hội đương đại mà chúng ta đang sống cần phá bỏ “độc quyền” chân lí, kiên quyết loại bỏ tư tưởng chụp mũ và dán nhãn phản động hay lệch lạc về tư tưởng cho những ai dám nói lên quan điểm khác biệt… là những việc cần làm ngay để cứu vãn nền khoa học và giáo dục nước nhà.
Xã hội lành mạnh là xã hội “bách gia tranh minh”
Muốn xoá bỏ điều đó, trước hết phải xuất phát từ ý thức của những người quản lý. Những nhà quản lí xã hội cần thấy rằng một xã hội dân chủ và tiến bộ chưa bao giờ là một xã hội đồng phục về tư tưởng. Một xã hội lành mạnh và phát triển năng động phải là một xã hội của “bách gia tranh minh”, ở đó có sự cọ xát của các tư tưởng, ở đó tôn trọng các ý kiến khác biệt trên tinh thần thượng tôn pháp luật.
Theo đó, một giải pháp căn cơ cho nền giáo dục nước nhà phải được thể hiện ở việc đề ra các chính sách đề phát triển không chỉ ngành toán học hay bất kì ngành cụ thể nào. Mà quan trọng hơn là tạo ra một môi trường, một chế tài cho phép tự do học thuật được nảy nở. Đó là nhiệm vụ của khoa học xã hội nhân văn. Đó là các giải pháp cần thiết để tạo điều kiện cho khoa học xã hội nhân văn phát triển.
Khoa học xã hội và nhân văn chỉ có thể phát triển trong một môi trường không có sự áp đặt tư tưởng và sự độc quyền chân lí. Giáo dục phải đào tạo ra các công dân tự tin sống trong một xã hội thượng tôn pháp luật, chứ không phải là các thần dân chỉ biết câm lặng tuân phục.
Chỉ khi nào chúng ta cảm thấy sẵn sàng chấp nhận những lời chỉ trích, cho dù trong thâm tâm cảm thấy phần nào khó chịu, chấp nhận những sự khác biệt, để biết lắng nghe, tận dụng trí tuệ của các giai tầng, điều chỉnh, sửa đổi những chủ trương, chính sách chưa phù hợp với thực tiễn, với sự phát triển của xã hội trên hành trình hội nhập. Chỉ khi đó, cá nhân tôi tin rằng sự khủng hoảng giáo dục mới có cơ hội được giải quyết triệt để, các vấn nạn nhức nhối hiện nay của xã hội có cơ hội được dẹp trừ.