"Hèn mà còn nhận ra mình là thằng hèn, là hèn tử tế. Hèn mà ngậm miệng ăn tiền là hèn nhơ bẩn.
Hèn mà ngậm máu phun người là hèn bất nhân. Hèn bán đất bán nước thì trời tru đất diệt"
(Phạm Chuyên)

Sonntag, 8. August 2010

Đau lòng hai chữ Văn Hóa

Thanh Tâm

Hơn lúc nào hết, ngày hôm nay người ta lại sử dụng quá nhiều hai chữ “văn hoá”. Hễ bước chân ra đường là chúng ta thấy băng-rôn, biểu ngữ về văn hoá. Nào là “khu dân cư văn hoá”, “khu phố văn hoá”, “khu phố đạt danh hiệu khu phố văn hoá” ... Đi đâu người ta cũng hô hào, cổ vũ cho lối sống văn hoá nhưng thực hư văn hoá như thế nào thì con người đã quá rõ.

Văn hoá mà người ta hay nói đến, hay sử dụng, hay đề cập đó là văn hoá ứng xử. Văn hoá ứng xử ấy nó thể hiện trong cách giao tiếp ở công cộng, văn hoá ứng xử giữa con người với con người. Nhiều và nhiều văn hoá mà con người đối diện là văn hoá xả rác, văn hoá khạc nhổ, văn hoá phơi đồ, văn hoá xếp hàng…Văn hoá mà người ta đang đau đầu nhức óc, đang đề cập và đang tìm lối thoát đó là văn hoá giao thông.

Mỗi lần có chuyện phải bước chân ra đường, ắt hẳn người dân trong hai thành phố lớn như Hà Nội và Sài Gòn cảm thấy hết sức e ngại vì chuyện kẹt xe. Hễ ở trong nhà thì thôi, bước chân ra ngõ không kẹt ít cũng kẹt nhiều và cũng đã có những lần kẹt cứng.

Khi kẹt xe như vậy, người ta tìm đủ mọi cách để phân tích nguyên nhân, để tìm hướng giải quyết.

Nhiều và nhiều lần sau khi thoát ra khỏi đám đông kẹt xe thì phát hiện ra rằng người ta đã giành giật, đã lấn tuyến nên không thể nào di chuyển được. Ai cũng giành phần lợi cho mình nhưng cuối cùng chẳng ai đi được cả, thậm chí có những lần phải dựng xe để nghỉ ngơi vì trước mắt là hai chiếc xe buýt đối đầu nhau không ai chịu nhường đường cho ai. Giả như có cảnh sát đi chăng nữa thì cảnh sát cũng đành chịu vì giữa một biển người như thế nhưng không ai chịu nhường ai cả.

Đã có hơn một đề nghị xem ra khả thi đó là chuyện “đã đến lúc các anh cảnh sát giao thông phải xuống đường nhiều hơn”. Thật ra, phương án đó cũng tốt nhưng hình như tốt hơn nếu không có anh cảnh sát nào xuống đường cả. Với những nước văn minh tiến bộ thì may ra còn nghĩ đến chuyện không cần sự hiện diện của cảnh sát nhưng với Việt Nam e rằng còn hơi xa.

Nếu như ai nào đó đặt chân sang đất nước nhỏ bé Singapore sẽ vô cùng ngạc nhiên nếu như không nói là hình như Singapore không thấy có cảnh sát đứng đường. Tất cả các khu vui chơi giải trí chẳng hề thấy bóng dáng của một anh cảnh sát nào cả. Thậm chí đội ngũ vệ sĩ bảo vệ an ninh trật tự cho người dân bản xứ, cho khách du lịch cũng chẳng thể tìm ra.

Vấn đề không phải là có cảnh sát hiện diện, cảnh sát đứng đường, vệ sĩ bảo vệ hay không, mà là con người xử sự với nhau hay khi tham gia giao thông có văn hoá hay không mà thôi.

Đành biết là có lô cốt là nguyên nhân gây cản trở giao thông nhưng cũng chưa hẳn. Yếu tố chính để gây cản trở giao thông vẫn là con người. Biết rằng đoạn đường ấy có lô cốt dựng lên để thi công đường nhưng người ta hình như vẫn cứ cố tình đặt hàng quán của mình bán bên vệ đường có lô cốt ấy để kẻ nào không có lối đi cho biết.

Hình như cái nguyên nhân chính xảy đến mọi chuyện phải chăng là người ta đang sống trong cái nền văn hoá “mackeno”. Người ta sống chỉ biết đến họ còn những người khác ra sao mặc kệ. Từ cái chỉ biết quyền lợi cá nhân đã gây ra biết bao nhiêu đổ nát, bao nhiêu tan thương cho cuộc đời. Nếu con người nghĩ đến người khác, nhường nhịn cho người khác và sống cái chân lý “mình vì mọi người” thì cuộc sống sẽ nhẹ nhàng và thanh thản hơn.

Nhìn cận cảnh những người ngoại quốc khi đến Việt Nam tham gia ta sẽ thấy khuôn mặt của họ thế nào ? Hình như một chút sợ hãi, một chút tò mò lạ lẫm và hình như cũng một chút ngạc nhiên.

Chỗ này chỗ kia người ta hô hào và cảm thấy thành công, vinh dự khi họ tổ chức được đội ngũ dẫn du khách nước ngoài băng qua đường??? Tại sao phải làm thế nhỉ? Nếu con người biết nhường nhịn, nếu con người xử với nhau có văn hoá một chút thì đâu ai làm thế bao giờ. Thấy người ta cần qua đường thì phải nhường chứ, đàng này không hề nhường và mạnh ai qua được thì qua.

Không ngạc nhiên sao được khi giao thông bên xứ họ vẫn dành ưu tiên cho những người đi bộ. Chẳng cần đâu xa, chỉ một người anh em nhỏ bé Singapore thôi, khi thấy người đi bộ ngang qua đường thì tất cả và hình như tất cả xe hơi đang chạy đều dừng lại để nhường đường. Ở Việt Nam thì hoàn toàn khác, muốn qua đường không phải là chuyện đơn giản. Đau lòng lắm để mà nói có nằm mơ đi chăng nữa thì cũng khó mà có một văn hoá giao thông nói riêng và văn hoá ứng xử nói chung của người Việt như các nước bạn.

Chẳng phải ngồi đó để nguyền rủa bóng tối và cũng chẳng phải ngồi đó để khoanh tay nhìn cuộc đời. Có chăng là một chút thao thức, một chút bận tâm về cuộc sống, về cõi nhân sinh.

Người ta đang háo hức làm đủ mọi chuyện để mừng 1000 năm Thăng Long – Hà Nội nhưng bên dưới của những lễ hội có vấn đề về văn hoá, về ứng xử. Đơn giản nhất là những lần hội chợ về hoa, hội chợ về văn hoá thì sau những lần hội chợ ấy lắm vấn đề về lối hành xử còn tồn đọng. Cần lắm để mừng niềm vui của 1000 năm hiện diện của mội Thủ Đô Nước Việt nhưng có lẽ cần hơn những việc xây dựng về con người nhất là về mặt văn hoá để cho 1000 năm đó đậm đà hương sắc hơn. Nếu chỉ tổ chức lễ hội linh đình mà không tổ chức lại lối hành xử, lối sống văn hoá của con người thì quả là điều thiếu sót lớn.

Ngày đại lễ mừng 1000 năm Thăng Long – Hà Nội rồi cũng sẽ qua đi nhưng chuyện quan trọng là cái văn hoá trong 1000 ấy như thế nào. Nhìn nền văn hoá hình như đang mòn dần và đang méo dần sao mà đau lòng quá. Nên chăng mỗi người góp một chút chút gì đó của mỗi cá nhân để con người sống có văn hoá, sống có nhân có nghĩa hơn một chút trong cái cõi tạm này.

thanhtamgdcg@yahoo.com

Nguồn: http://giaoducconggiao.net/index.php?m=module2&v=detailarticle&id=2&ia=33