"Hèn mà còn nhận ra mình là thằng hèn, là hèn tử tế. Hèn mà ngậm miệng ăn tiền là hèn nhơ bẩn.
Hèn mà ngậm máu phun người là hèn bất nhân. Hèn bán đất bán nước thì trời tru đất diệt"
(Phạm Chuyên)

Dienstag, 10. August 2010

Khuấy động dậy sóng Biển Đông

The Japan Times

Diễn đàn khu vực ASEAN (ARF), cơ chế an ninh khu vực duy nhất của châu Á, thường bị chế giễu là diễn đàn “chỉ giỏi nói”, vì đó là nơi những nhà ngoại giao tụ họp thảo luận những quan ngại về an ninh chứ chưa bao giờ thực sự làm được điều gì cho an ninh cả. Tại hội nghị thường niên các ngoại trưởng ASEAN năm nay, nhóm họp hồi cuối tháng rồi tại Hà Nội, có nhiều tiếng nói đã gióng lên đủ mạnh để tạo ra một cuộc khuấy động đáng kể.

Bà Ngoại trưởng Hoa Kỳ Hillary Clinton lên tiếng khẳng định quyền lợi của Hoa Kỳ tại khu vực Biển Đông, và kêu gọi cho giải pháp giải quyết những tranh chấp lãnh hải ở đây. Lời phát biểu của bà Clinton đã được diễn dịch như một thách thức đối đầu với Trung Quốc. Thái độ sẵn sàng nhìn thấy một sự lăng mạ của Bắc Kinh đang bộc lộ ra não trạng của nó.

Biển Đông là một trong những vùng biển chiến lược trên thế giới.

Một phần ba tải trọng hàng hải của thế giới lưu chuyển qua vùng biển này, khiến nó trở thành hải lộ bận rộn thứ nhì trên thế giới. Nhật Bản và những quốc gia lân bang Đông Nam Á đều phụ thuộc vào sự lưu chuyển hàng hóa ngang qua vùng biển này. Có khoảng 500 triệu nhân mạng phụ thuộc vào vùng biển này để tìm nguồn lương thực và phương kế mưu sinh. Bên cạnh là một vùng biển có ngư trường phong phú, nó còn được cho là có nguồn trữ lượng dầu hỏa và khí thiên nhiên khổng lồ ở dưới đáy.

Chính những nguồn tài nguyên phong phú này đã phần nào gây nên những tranh chấp giành giật chủ quyền đối với những hải đảo nằm rải rác trên Biển Đông. Sáu quốc gia – Brunei, Trung Quốc, Indonesia, Malaysia, Philipines và Việt Nam – đều đã có tuyên bố phần sở hữu. Trung Quốc và Việt Nam đã nhiều lần đụng độ nhau để giành chủ quyền quần đảo Trường Sa; trận chiến năm 1988 đã cướp đi hơn 70 sinh mạng của Việt Nam. Những bên đối địch đã cho xây dựng nhiều cơ sở trên những khu vực họ kiểm soát – những “chòi lá của ngư dân” trông rất giống những cơ sở quân sự. Nhu cầu bảo vệ những nơi chiếm giữ đã thúc đẩy hình thành những chính sách quốc phòng bảo vệ thành quả thu được giữa các quốc gia tranh chấp và rất dễ dàng nhận thấy rõ nó giống như một cuộc chạy đua vũ trang trong khu vực.

Những bên đối địch lên tiếng tuyên bố những tranh chấp của mình đã gần hai thập kỷ nay. Vào năm 2002, Trung Quốc và những thành viên của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) đã ký kết một bản Tuyên bố về nguyên tắc ứng xử cho vấn đề Biển Đông, ràng buộc các bên ký kết không nên có những hành động làm tình hình thêm căng thẳng và nên tìm cách giải quyết trong hòa bình. Thật đáng lưu ý là, thỏa thuận năm 2002 không phải là bản quy tắc hành xử, tuy vậy, bản tài liệu này kêu gọi các bên ký kết nên cố gắng chuyển nó thành bản nguyên tắc ứng xử. Giữa “bản tuyên bố” và bản nguyên tắc ứng xử tồn tại một lỗ hổng; do vậy chính phủ mỗi bên đã nỗ lực bằng nhiều cách khác nhau đưa ra tuyên bố chủ quyền riêng của mình đối với những khu vực biển đảo khác nhau.

Trong khi đã có nhiều những tuyên bố chủ quyền và thậm chí một số lại chồng lấp lên nhau, Trung Quốc vẫn muốn đàm phán song phương hơn là đa phương. Điều đó thật dễ hiểu: với cách dàn xếp song phương, Trung Quốc dễ dàng chế ngự đối tác đàm phán của mình. Trong khi các quốc gia ASEAN thấy rõ nhu cầu cần kết hợp với nhau thành như một để làm đối trọng đối với Trung Quốc, cám dỗ muốn tách ra riêng để đánh quả đơn lẽ có lợi hơn đã thắng thế áp đảo – và trên thực tế đã chứng tỏ thất bại.

Hoa Kỳ đã duy trì thái độ không “nhúng tay vào” suốt một thời gian khá dài, và chỉ tái xác định quyền tự do thông thương của mình trong vùng mà không ngã về bên nào giữa các bên tranh chấp (mặc dù thực tế Hoa Kỳ có Philipines là đồng minh có nghĩa là nếu lãnh thổ của Philipines bị xâm phạm hay chiếm đóng thì Hoa Kỳ sẽ can thiệp). Lập trường có vẻ như không can thiệp đó thực sự chấm dứt khi bà Ngoại trưởng Hillary Clinton nhắc lại rằng “Hoa Kỳ có quyền lợi quốc gia tự do thông thương, đi vào những vùng hải phận chung của châu Á và tôn trọng luật pháp quốc tế tại vùng biển Biển Đông”. Gọi đích danh việc tìm giải pháp giải quyết tranh chấp lãnh thổ trong vùng là “ưu tiên ngoại giao hàng đầu,” Bà Clinton lên tiếng đề nghị trợ giúp tìm giải pháp cho vấn đề tranh chấp mà đã tồn tại một thời gian khá dài.

Có nhiều cách lý giải cho sự thay đổi trong quan điểm của Hoa Kỳ. Trung Quốc đã từ lâu tuyên bố chủ quyền toàn bộ vùng biển này: Nhiều bản đồ Trung Quốc chỉ định vùng biển này như cái “ao làng” của Trung Quốc. Trung Quốc đã tỏ ra hung hãn trong nỗ lực muốn kiểm soát toàn bộ khu vực, khuấy rối những tàu khảo sát của Hoa Kỳ hoạt động trên vùng biển thuộc hải phận quốc tế. Từ đầu năm nay, Trung Quốc nhiều lần khẳng định Biển Đông là một trong số những vùng “lợi ích cố lõi” của họ; và điều này đã thúc đẩy Hoa Kỳ tái khẳng định quyền lợi riêng của mình. Những công ty Hoa Kỳ được báo cáo là bị Bắc Kinh đe dọa vì hợp tác khai thác khoáng sản với đối thủ của nó trong khu vực.

Quan điểm mới này là một thắng lợi đối với Việt Nam, một trong những quốc gia đứng mũi chống lại Trung Quốc. Mười quốc gia tham gia diễn đàn ARF khác cũng lên tiếng ủng hộ những phát biểu của bà Ngoại trưởng Hillary Clinton.

Sự kiện này đã khiến Trung Quốc nổi giận. Ngoại trưởng Trung Quốc ông Dương Khiết Trì gọi những phát biểu của bà Clinton là nhằm “tấn công” chống Trung Quốc. Sự kiện 12 quốc gia cùng có chung một lập trường chống lại Trung Quốc như vậy đã góp sức tạo nên cái quan điểm của Bắc Kinh cho rằng cuộc tấn công ngoại giao đó đã được dự tính trước.

Thái độ biện bach chống chế đó bộc lộ ra nhiều điều. Nếu Trung Quốc thực lòng muốn giải quyết vụ tranh chấp này trên tinh thần hòa bình và công minh, thì nó nên hoan nghênh vai trò trung gian của quốc tế và sự trợ giúp từ một quốc gia như Hoa Kỳ, quốc gia không hưởng được lợi ích trực tiếp nào từ kết quả giải quyết tranh chấp. Nếu Washington bị xem là có ý đồ xấu, thì những quốc gia tranh chấp nên rất thể hiện đồng thuận với một trọng tài trung lập nào đó mà có thể giúp mình đạt được một giải pháp khả dĩ chấp nhận được cho tất cả các bên. Một thỏa thuận như thế sẽ củng cố luật pháp quốc tế liên quan đến tranh chấp chủ quyền lãnh thổ, thiết dựng niềm tin giữa các bên tranh chấp và làm giảm căng thẳng. Có lẽ phải mất một thời gian dài để Trung Quốc có thể phô diễn niềm tin hữu hảo của mình đối với các quốc gia lân bang. Quả thật rất khó lý giải được lý do tại sao Trung Quốc lại chống đối một giải pháp như thế.

Hồ Kim Sơn dịch từ: Japantimes