"Hèn mà còn nhận ra mình là thằng hèn, là hèn tử tế. Hèn mà ngậm miệng ăn tiền là hèn nhơ bẩn.
Hèn mà ngậm máu phun người là hèn bất nhân. Hèn bán đất bán nước thì trời tru đất diệt"
(Phạm Chuyên)

Montag, 9. August 2010

Xin đừng bắt chước Cộng Sản!

 Vũ Ánh/Viêt Herald

Trong suốt 19 năm qua sống ở Mỹ, tôi đã nghe không biết bao nhiêu chương trình phát thanh, truyền hình, những bài báo, những bài diễn văn, những cuốn sách rất dày chỉ trích, phê phán, công kích chuyện Việt Nam không có tự do báo chí, báo chí bị kiểm duyệt, báo chí chỉ là công cụ tuyên truyền của nhà cầm quyền Cộng sản.

Những lời chỉ trích ấy đã khiến nhà cầm quyền Cộng sản không cãi vào đâu được, vì thực chất, Hà Nội cho tới nay vẫn khẳng định báo chí truyền thông phải là công cụ tuyên truyền cho chế độ. Khi đã là công cụ thì sẽ bị sử dụng như công cụ, nghĩa là bị nhà nước bấm nút cho phép làm gì mới được làm, đi ngược lại “lệnh trên” sẽ bị trừng phạt. Vụ nhơ nhớp nhất vừa mới xảy ra là vụ công an tỉnh Bắc Giang đánh chết người chỉ vì nạn nhân không mang nón an toàn.

Bắt một người về trụ sở công an vì một cái lỗi nho nhỏ chỉ đáng phạt vi cảnh đã là một điều quá đáng rồi, lại còn đánh chết người và vu cho nạn nhân là do dùng ma túy quá liều lượng là điều khó có thể tha thứ được. Sự giận dữ của dân chúng bùng lên và họ kéo đến sở công an tỉnh rồi trụ sở Ủy Ban Nhân Dân Thành Phố đòi phải làm sáng tỏ vấn đề. Nhà cầm quyền đã phải huy động một lực lượng an ninh lớn để dập tắt sự phẫn uất của dân chúng đối với hành động phi nhân của công an tỉnh Bắc Giang.

Trong lúc dân chúng Bắc Giang và dư luận trong nước sôi sục và ghê tởm hành động đã man của nhà cầm quyền Bắc Ninh, thì cả một hệ thống báo chí, truyền thông do nhà cầm quyền Cộng sản kiểm soát đã biểu lộ thái độ cúi đầu. Không những thế, báo chí trong nước còn có những bài báo đổ lỗi cho nạn nhân. Tại sao lại có một tình trạng nhục nhã như thế?

Câu trả lời không đòi hỏi những ai từng sống dưới chế độ Cộng sản phải suy nghĩ nhiều. Một chính quyền và một đảng duy nhất cầm quyền như đảng CSVN thì chỉ có thể có một nền báo chí như vậy mà thôi. Trong tình hình bình thường, không có những vụ giết người phi nhân tính như ở Bắc Giang thì báo chí ở Việt Nam còn “hoa hòe, hoa sói”, huyên hoanh “đi sâu, đi sát” vào những tệ nạn xã hội hay ru ngủ từng lớp thanh niên, thiếu nữ bằng những kiểu ăn chơi thời trung cổ, nhưng khi “đụng trận” bởi những vụ đại loại như vụ Bắc Giang, nền báo chí ở Việt Nam lộ nguyên hình là một nền báo chí “điếu đóm” cho nhà cầm quyền, cho độc tài và đảng trị. Một chế độ chỉ muốn có một nền báo chí ươn hèn như thế thì chế độ ấy cũng chẳng ra gì. Thế giới không bao giờ có thể tin cậy một chính quyền mà quyền tự do báo chí không được tôn trọng.

Chúng ta, những người Việt tị nạn trên đất Mỹ, tuy nhân số ước lượng không quá con số 1.5 triệu người, tập trung đông nhất trong vùng Little Saigon, chắc cũng không muốn có một nền báo chí tồi tệ như Việt Nam. Nhưng giả thử nếu có một ai muốn như vậy thì phải nói rằng những người ấy chính là những người ăn phải bả cộng sản. Chính vì ăn phải bả cộng sản nên họ mới dùng cái nhãn hiệu chống Cộng để che đậy ý đồ dùng áp lực buộc báo chí phải làm theo lệnh của họ.

Người Việt tị nạn may mắn được dung thân tại một đất nước tự do, dân chủ như nước Mỹ, với một bản Hiến Pháp công nhận tự do ngôn luận như đệ tứ quyền. Cho nên, đã là người Mỹ, đã tuyên thệ nhận quốc tịch hay là công dân thường trú hoặc tạm trú đều có bổn phận phải thi hành một số nghĩa vụ khi sử dụng quyền tự do ngôn luận. Đó là trách nhiệm pháp lý khi một người sử dụng đệ tứ quyền cho mình mà lại xâm phạm đệ tứ quyền của người khác. Chẳng hạn như những người biểu tình và phản biểu tình ở Mỹ có thể hét vào mặt nhau những lời chỉ trích gay gắt. Pháp luật vẫn tôn trọng và bảo vệ quyền tự do pháp biểu ấy. Nhưng chỉ cần một bên không kềm được nóng giận, chạm tay vào đối thủ, pháp luật sẽ can thiệp ngay và phần lỗi về ai thì tôi nghĩ không một người Việt Nam tị nạn nào là không hiểu.

Cho nên, nói cho cùng, chống Cộng ở Mỹ là điều khó khăn và tế nhị chứ không giản dị như người ta tưởng, người ta hô hoán. Kể từ khi chính phủ và đất nước mà chúng ta nhận làm tổ quốc thứ hai ngày càng “chơi thân” với Việt Nam Cộng Sản vì lợi ích chiến lược, người Việt tị nạn, nay là người Mỹ gốc Việt, bị đẩy vào một tình thế bất lợi về mặt quyền lợi chính trị. Những cán bộ Cộng sản có thể đi khơi khơi ở Little Saigon mà người chống Cộng không làm gì được nếu như họ không có hành động gì vi phạm đến pháp luật thành phố. Hàng hóa Việt Nam nhập vào đầy rẫy kể cả các sản phẩm văn hóa mà hàng vẫn bán được vì có người mua. Cái nguyên lý muôn đời của kinh doanh là nơi nào có nhu cầu mua thì nơi đó có người bán. Tình trạng này chỉ có thể chấm dứt nếu như thành phố ra luật cấm nhập hàng hóa Việt Nam hoặc trong cộng đồng chúng ta có nhiều lãnh tụ chính trị tài ba và có uy tín thuyết phục được các cơ sở kinh doanh nhất loạt không nhập sản phẩm Việt Nam kể cả các sản phẩm văn hóa và thuyết phục người có nhu cầu đừng mua hóa Cộng Sản. Liệu chúng ta có thể tìm ra nổi một người như thế không?

Nhưng nếu tôi cứ tiếp tục đặt vấn đề như thế này mãi thì thế nào cũng có người sẽ phán ngay: “À ra anh này chỉ đâm ngang. Anh đặt ra những trở ngại khó vượt qua được để làm thối chí chúng tôi là anh có ý đồ gì?”. Thật tình tôi không thể trả lời câu hỏi này, vì tôi làm báo thương mại chứ không phải là làm cán bộ tuyên vận hay văn hóa cho một tổ chức nào cả. Đã là viết báo thì cần phải đặt câu hỏi về những vấn đề thiết thực trong cộng đồng. Những câu hỏi đó có thể được nghiên cứu, được ủng hộ nhưng cũng có thể bị chỉ trích, bị bỏ vào sọt rác. Điều đó cũng chẳng có gì quan trọng. Nhưng vì không phải là cán bộ tuyên vận hay những nhà hoạt động, nên dĩ nhiên là tôi không muốn viết báo trong hoàn cảnh bị kiểm soát, bị áp lực giống như những nhà báo ở Việt Nam.

Vả chăng, những nhà lãnh đạo chính trị trong cộng đồng còn có lòng, còn nhiệt tình và niềm tin cũng không muốn đằng sau họ là một nền báo chí bị kiểm soát như báo chí Việt Nam. Ngoại trừ những người chỉ muốn dùng chiêu bài chống Cộng không phải để chống Cộng mà để mài giũa tên tuổi cá nhân mình, tất cả những người chống Cộng thật sự chắc chắn không muốn đương đầu với Cộng sản khi họ biết mình chỉ được yểm trợ bởi thứ vũ khí báo chí truyền thông cùn lụt vì bị áp lực, vì bị áp đặt cái nhìn thiển cận, cũ mòn và cực đoan.

Cộng đồng Việt Nam đã 35 tuổi. Đồng hương trong cộng đồng hiểu hơn ai hết đâu là hiển dương sự thật, đâu là dối trá, đâu là bưng bít, đâu là anh hùng, đâu là mị dân và đâu là lừa lọc. Sự hiểu biết ấy được đánh đổi bằng cái giá đắt khi họ trốn chạy Cộng sản. Cho nên, đừng lấy vải thưa mà che mắt họ. Và những ai có ý định này, xin cảnh giác một nguyên tắc bất di bất dịch trong bất cứ cuộc vận động chính trị nào: thuyết phục sẽ dẫn đến chiến thắng, đàn áp có thể chỉ thành công lúc đầu, nhưng không tránh được thất bại về sau.

Nếu một thủ lãnh chính trị là người có uy tín, có nhân cách chỉ cần một lời trách nhẹ, báo chí phải xét lại mình ngay. Nếu một thủ lãnh chính trị đã thiếu nhân cách mà lại còn thích làm trò múa rối trước công chúng, thì tại sao báo chí lại không cười và nói: “Mấy ông cứ họp báo lên án cho sướng miệng đi. Thấy mấy ông sướng miệng là chúng tôi vui rồi. Không cho các ông lên án lung tung, cộng đồng còn dễ lộn xộn hơn nữa”. (V.A.)