Ngô Thu Hiền (biên dịch)
Viết bởi "National Parent Teacher Association" [một tổ chức giúp đỡ các bậc cha mẹ trong việc phát triển các kỹ năng cần thiết để dạy dỗ, chăm sóc và bảo vệ con cái tại Hoa Kỳ].
Đối với nhiều bậc phụ huynh, kỷ luật có nghĩa là trừng phạt. Nhưng thực tế, kỷ luật có nghĩa là dạy con trẻ. Kỷ luật hơn trừng phạt: Kỷ luật là một cách tích cực nhằm giúp đỡ và hỗ trợ con trẻ dần dần tự điều khiển được bản thân.
Với tư cách là người làm cha, làm mẹ, bạn là người thầy đầu tiên của con trẻ. Con bạn có thể sẽ khó chấp nhận kỷ luật, do đó tìm hiểu lý do tại sao trẻ cần kỷ luật là một việc làm quan trọng.
Kỷ luật sẽ bảo vệ con trẻ. Thông thường, cha mẹ đưa ra kỷ luật nhằm bảo vệ con trẻ khỏi những nguy hiểm. Bạn có thể dạy con bạn đừng sờ vào lò nướng bằng cách nói “Không. Lò nướng nóng và con sẽ bị bỏng!”
Kỷ luật giúp con hoà đồng với mọi người. Kỷ luật giúp con trẻ hoà đồng với mọi người và phát triển khả năng tự kiểm soát. Bé 4 tuổi có thể nhắc bạn cùng chơi nhớ tới nguyên tắc trong lớp học nhằm tránh xung đột giữa hai bé.
Kỷ luật giúp con hiểu các giới hạn. Kỷ luật giúp con hiểu các giới hạn và các hành vi có thể chấp nhận được. Bé 6 tuổi cần hiểu khái niệm chờ đến lượt ở lớp học bởi vì đó là cách hành xử thích hợp.
Kỷ luật giúp trẻ
- Suy nghĩ và hành động đúng mực.
- Hiểu các hậu quả logic kèm theo các hành động của mình.
- Cân nhắc và sử dụng thông tin quan trọng để thành công ở trường học và các nơi khác.
- Hiểu các nguyên tắc sống của người khác và tôn trọng tài sản của người khác.
- Hiểu các giá trị trong gia đình và cộng đồng.
- Cuối cùng, mục đích của kỷ luật là dạy con trẻ cư xử theo cách chấp nhận được để trẻ đưa ra những quyết định sáng suốt khi giải quyết vấn đề.
Kỷ luật không phải là hình thức trừng phạt
Kỷ luật không giống với trừng phạt. Các nghiên cứu chỉ ra rằng các hình phạt về thể chất như đánh, bạt tai hoặc lăng mạ bằng lời nói không có hiệu quả. Những hình phạt đó giường như khiến bạn đạt kết quả nhanh, nhưng về lâu dài, biện pháp sử dụng hình phạt có hại hơn là có lợi. Trừng phạt thân thể dễ làm con trẻ mất can đảm và xấu hổ, từ đó hình thành lòng tự trọng thấp nơi con trẻ. Một số chuyên gia đồng ý rằng trừng phạt thân thể dễ dẫn đến sự tức giận thể hiện bằng hành động bởi vì con trẻ hiểu rằng mọi người chấp nhận bạo lực và trẻ có quyền được sử dụng bạo lực để giải quyết vấn đề. Thay vì trừng phạt thân thể trẻ em để bé cư xử đúng mực, bạn nên dạy con trẻ biết hành vi nào được phép, hành vi nào không được phép và lý do tại sao. Bạn nên nhấn mạnh vào những việc con được phép làm hơn là những việc con không được phép làm. Ví dụ, “Con hãy nhặt quần áo trên sàn để mẹ hút bụi” hơn là nói “Đừng ném quần áo của con bừa bãi ra sàn nhà nữa”.
Phụ huynh và kỷ luật ở nhà trường
Kỷ luật mà con trẻ học hỏi ở gia đình là nền tảng cơ bản cho hành vi của trẻ ở nhà trường. Kỷ luật ở lớp học mở rộng hơn kỷ luật ở gia đình. Phụ huynh cần coi vấn đề kỷ luật ở trường cũng là vấn đề kỷ luật ở gia đình. Nếu giáo viên cho bạn biết con bạn gặp vấn đề về hành vi ở nhà trường như chạy ra khỏi lớp, nói chuyện riêng, bạn hãy cùng giáo viên tìm ra hướng giải quyết. Cố gắng tìm ra cách điều khiển hành vi trẻ thoải mái nhất và điều chỉnh lại năng lượng của học sinh. Trẻ sẽ sớm thiết lập lại thói quen làm việc tốt.
Cha mẹ cũng cần biết và ủng hộ các nguyên tắc của nhà trường. Giống như ở nhà, nhà trường cũng cần phải có các nguyên tắc về hạnh kiểm. Trẻ cần biết rằng một ngôi trường hiệu quả là nơi mà học sinh, cha mẹ, giáo viên và người quản lý cùng đặt ra các nguyên tắc. Khi được tham gia vào việc thiết lập nguyên tắc, con trẻ sẽ tự mình tuân theo kỷ luật. Con trẻ cần biết rằng cha mẹ mong đợi chúng tuân theo các nguyên tắc ở trường học.
Lời khuyên
-Làm gương. Bạn cần làm gương cho con noi theo. Ví dụ, nếu bạn muốn dạy con không được sử dụng bạo lực để giải quyết xung đột hoặc giải quyết vấn đề thì bạn đừng trừng phạt thân thể con.
-Thiết lập các giới hạn, nhưng bạn cẩn thận kẻo bạn áp đặt quá nhiều nguyên tắc. Trước khi đưa ra nguyên tắc, bạn hãy tự hỏi mình: Liệu nguyên tắc đó có cần thiết hay không? Liệu nguyên tắc đó có bảo vệ sức khoẻ và sự an toàn của con không? Liệu nguyên tắc đó có bảo vệ quyền lợi hay tài sản của người khác không? Nếu quá nhiều nguyên tắc, con bạn rất khó nhớ và bạn khó có thể theo đến cùng chính các nguyên tắc mà bạn đặt ra.
-Nguyên tắc đơn giản và dễ hiểu. Cho trẻ càng tham gia nhiều vào quá trình thiết lập nguyên tắc càng tốt. Con trẻ sẽ bớt phá vỡ nguyên tắc hơn bởi vì chúng cũng được tham gia vào quá trình tạo ra các nguyên tắc. Giúp trẻ hiểu nguyên tắc và biết rõ điều gì sẽ xảy ra nếu như trẻ phá vỡ nguyên tắc. Nếu bạn và con (trên 4 tuổi) đồng ý với nhau rằng bé không được một mình băng qua đường, và nếu bé phá vỡ nguyên tắc đó, bé sẽ phải chịu những hậu quả mà bạn đã nói trước với bé.
-Linh động. Một số nguyên tắc phù hợp với bé còn nhỏ tuổi, nhưng khi bé lớn hơn, bé cần độc lập hơn. Hoặc mỗi trẻ khác nhau sẽ phản ứng với nguyên tắc khác nhau. Vì vậy, bạn cần link động khi áp dụng nguyên tắc.
-Giúp con tự chủ. Con trẻ chưa đủ tự chủ để luôn luôn tuân theo các nguyên tắc. Vì vậy, muốn con tuân theo các nguyên tắc, bạn cần rèn luyện tính tự chủ của con cái.
-Bạn hãy nói rõ với con hành vi nào của bé khiến bạn và người khác khó chịu.
-Nhanh chóng hành động khi con có hành vi không mong đợi. Đừng để cho vấn đề leo thang mới ngăn chặn.
-Kiên định. Thống nhất quan điểm về phương pháp giáo dục cùng các thành viên trong gia đình. Nhờ cách này, con bạn sẽ biết chắc điều gì sẽ xảy ra nếu như bé không tuân theo nguyên tắc.
-Khuyến khích các hành vi và thành tích tốt của con. Để cho con biết rằng bạn đánh giá cao nỗ lực của bé.
-Tránh tranh giành quyền lực với con. Kỷ luật không phải là một trò chơi có kẻ thắng người thua. Bạn mong đợi sự hợp tác của con và con bạn mong đợi bạn công bằng. Đôi khi, bạn hãy tôn trọng con để con có quyền thể hiện sự bất đồng.
-Đưa ra những gợi ý tích cực. Tránh chỉ trích, phê phán. Chỉ trích hay phê phán khiến con bạn cảm thấy bực bội, giận giữ hoặc lòng tự trọng thấp.
-Khuyến khích con trở thành người độc lập và có tinh thần trách nhiệm.
-Bạn hãy là người hài hước.
-Hãy nói với con rằng bạn yêu chúng nhường nào. Khi con cư xử sai, bạn hãy để con biết bạn không thích hành động của con chứ không phải không thích bản thân con !!!
Tác giả: Ngô Thu Hiền (biên dịch)
Nguồn: http://giaoducconggiao.net/index.php?m=home&v=detail&ia=203