Vũ Linh
...chỉ 13% dân Mỹ nghĩ là TT Obama đã giúp họ trong vấn đề kinh tế...
Tuần vừa qua, báo Washington Post, qua cây bút cột trụ Dana Milbank, có viết một bài khá lý thú về TT Obama. Mở đầu với câu chuyện Đệ Nhất Phu Nhân Michelle Obama xuống thăm tiểu bang Louisiana vẫn đang bị khủng hoảng dầu loang đe dọa, rồi hô hào “bây giờ là lúc tốt nhất để mọi người mang con cháu xuống vùng biển này nghỉ hè”. Tuyên bố xong, bà cùng ông chồng và hai cô công chúa dọt tuốt lên Maine phía bắc, cách Louisiana đâu cũng cả hai ngàn dặm, bảo đảm không có một giọt dầu loang nào, mà cũng là nơi nghỉ hè trước đây của TT Clinton. Nhà báo Milbank kết luận một cách mỉa mai là chính quyền Obama “nói một đàng, nhưng lại làm theo Clinton” (Say one thing, but do the Clinton thing).
Bài viết được kèm theo một tấm hình chụp chung hai ông Obama và Clinton, với lời chú thích “đương kim tổng thống là người bên trái” (Obama), để độc giả khỏi nhầm lẫn không biết ai đang làm tổng thống!
Kể cũng lạ. Báo Washington Post, và nhất là ông Milbank, từ trước đến giờ vẫn gần như là cơ quan ngôn luận bán chính thức của Obama, mà bây giờ lại đá giò lại tổng thống như vậy? Thật ra cũng không lạ lắm. Nó chỉ phản ánh một sự thức tỉnh phần nào của truyền thông dòng chính, đã rõ ràng là khá thất vọng với TT Obama. Khối truyền thông này cũng biết đọc kết quả những thăm dò dư luận. Khi thấy hậu thuẫn của TT Obama trong quần chúng rụng như sung, thì họ cũng cần điều chỉnh lập trường để theo đà tiến hóa của dư luận cũng như để còn… bán báo.
Nhà báo Millbank, đúng theo sách vở Mỹ, đưa ra bằng chứng là chính quyền Obama thực sự là một chính quyền Clinton không có Clinton. Cựu TT Clinton dĩ nhiên không hiện diện trong nội các Obama, nhưng ngoài ông ra thì một số lớn những phụ tá cao cấp nhất của TT Obama đều là người của Clinton, kể cả bà Hillary Clinton đang làm ngoại trưởng.
Chỉ kể cấp thượng tầng, ta thấy: Chánh Văn Phòng Rahm Emanuel trước đây là phụ tá đặc biệt của TT Clinton, Cố Vấn Kinh Tế Larry Summers trước đây là Bộ trưởng Tài Chính, Bộ trưởng Tư Pháp Eric Holder trước đây là Thứ trưởng Tư Pháp, Giám Đốc CIA Leon Panetta trước đây là Chánh Văn Phòng Tổng Thống, Đặc sứ đặc trách Iraq và Afghanistan Richard Holbrooke trước đây là Thứ trưởng Ngoại giao. Ông Milbank liệt kê ra hơn một tá viên chức cao cấp thời Clinton hiện đang giữ những chức vụ then chốt khác trong chính quyền Obama.
TT Obama xuất thân là một dân cử địa phương của Chicago, không có quan hệ gì với các nhân vật tai to mặt lớn của đảng Dân Chủ. Ông đắc cử thượng nghị sĩ, đi Hoa Thịnh Đốn, chân ướt chân ráo vừa đến nơi là đã lo trèo cao hơn, nhẩy ra tranh cử tổng thống để rồi đắc cử luôn. Rốt cuộc, ông vẫn chẳng có quan hệ gì với ai nhiều, quanh quẩn chỉ vài bạn bè thân cận chưa có tầm vóc. Từ quân sư Axelrod đến phát ngôn viên Gibbs và phụ tá đặc biệt Jarrett, tất cả đều là chính khách địa phương. Do đó ông đã bắt buộc phải nhún mình nhờ vả vào các viên chức cao cấp thời Clinton.
Đó là tình trạng lúc ban đầu. Cũng dễ hiểu.
Nhưng cho đến giờ thì tình trạng không khả quan hơn mà lại còn trầm trọng hơn. Tức là TT Obama càng ngày càng lệ thuộc vào nhóm Clinton. Bằng chứng là mới đây phải bổ nhiệm ông Jack Lew làm tân Giám Đốc Văn Phòng Quản Lý Ngân Sách (Office of Budget Management). Ông Lew cũng là người đã giữ trách nhiệm này dưới thời TT Clinton. Ông thay thế ông cựu giám đốc Orzag vừa từ chức có lẽ vì quá kinh hãi với thâm thủng ngân sách hàng chục ngàn tỷ của TT Obama. Mới đây nữa là bà Elena Kagan trước đây là cố vấn pháp luật của TT Clinton bây giờ được đề cử vào Tối Cao Pháp Viện.
Chiều hướng này được coi như là hậu quả trực tiếp của những thất bại liên tục của TT Obama, từ đối ngoại đến đối nội.
Đối ngoại thì nước Mỹ càng ngày càng xung khắc với các đồng minh trong khi chẳng đạt được kết quả tích cực nào với khối đối nghịch như Bắc Hàn, Cuba, Venezuela, Iran. Cũng chẳng tạo được thêm cảm tình gì của khối Hồi giáo bất chất mọi cách vuốt ve và xin lỗi.
Đối nội thì đạt được hai thành quả được các đệ tử tung hô là “lịch sử”: cải tổ y tế được thông qua bằng cửa sau, và hiện giờ vẫn còn trong vòng tranh cãi, chưa ai biết hậu quả lâu dài tốt xấu như thế nào; cải tổ ngân hàng cũng vừa được thông qua, nhưng đại đa số dân Mỹ chẳng hiểu có tác dụng thực tế như thế nào với họ. Trong khi đó, những lời hứa giải quyết các vấn đề năng lượng, di dân, thất nghiệp, giáo dục, an ninh, v.v... vẫn chưa đi đến đâu. Nhất là vấn đề phục hồi kinh tế. Một thăm dò mới nhất của CBS cho thấy chỉ có vỏn vẹn 13% dân Mỹ nghĩ là TT Obama đã giúp họ trong vấn đề kinh tế. Vâng, quý vị không đọc lộn đâu, 13%!
Quan trọng hơn cả là lời hứa cột trụ, THAY ĐỔI, đã không thực hiện được. TT Obama được bầu vì dân Mỹ tin vào lời hứa thay đổi không khí chính trị của Hoa Thịnh Đốn: trong sáng hơn, trong sạch hơn, và nhất là đoàn kết lưỡng đảng hơn. Change We Can Believe In!
Lời hứa trong sáng hơn đã không được giữ khi cuộc cải tổ y tế cũng như cải tổ ngân hàng diễn tiến trong hậu trường, qua những mặc cả, trao đổi quà cáp giữa các chính khách hai đảng và Tòa Bạch Ốc, mà chỉ một ít chi tiết được lọt ra ngoài, không trực tiếp truyền hình trên C-Span như ứng viên Obama hứa.
Lời hứa trong sạch hơn cũng phải xét lại sau những dư luận về đổi chác mua quan bán chức giữa Chánh Văn Phòng Rahm Emanuel với các chính khách địa phương như ở Illinois, Pennsylvania và Colorado.
Đặc biệt hơn cả là lời hứa hợp tác lưỡng đảng đã không thực hiện được. Trái lại, các chuyên gia chính trị Mỹ nhận định chính quyền Obama là chính quyền tạo phân hóa lớn nhất (most polarized) trong lịch sử Mỹ, hơn xa chính quyền Bush mà ứng viên Obama đã từng mạnh mẽ chỉ trích.
TT Obama, hơn một năm sau khi nhậm chức, đã thông qua luật kích cầu kinh tế và luật cải tổ y tế với… không có phiếu nào của đối lập, và vài chục phiếu chống từ ngay trong hàng ngũ bảo thủ Dân Chủ, và thông qua luật cải tổ ngân hàng với đúng ba phiếu Cộng Hòa.
Sự phân hoá đó là hậu quả trực tiếp của chính sách cấp tiến cực đoan mà TT Obama đã thi hành. Không phải ngẫu nhiên mà 55% dân Mỹ hiện nay nghĩ rằng TT Obama là người có khuynh hướng xã hội chủ nghĩa, “socialist”, tạm dịch là thiên tả cho nhẹ.
Kết quả của những thất hứa và thất bại trên đưa đến tình trạng hậu thuẫn cá nhân của TT Obama rớt như diều đứt giây, từ hơn 70% cách đây một năm rưỡi khi mới nhậm chức, xuống còn khoảng 45%. Quan trọng hơn nữa, đảng Dân Chủ, sau ba lần thất bại trong các cuộc bầu cử tại Virginia, New Jersey, và Massachusetts, đang bị đe dọa thất bại toàn diện trong cuộc bầu cử tháng Mười Một tới.
TT Obama bắt buộc phải cầu cứu cựu TT Clinton.
Dù sao thì uy tín của ông Clinton vẫn còn rất lớn trong đảng Dân Chủ, và ngay trong dân chúng nói chung. Ông tổng thống này nổi danh về chuyện lem nhem với cô Monica, nhưng đồng thời cũng là một tổng thống có đường lối cấp tiến dù không đến nỗi cực đoan như TT Obama. Thăm dò mới nhất của Gallup cho thấy 61% dân Mỹ ủng hộ TT Clinton. Trong khi đó, TT Obama đã rớt xuống khoảng 45%, ngang với cựu TT Bush, người từng bị truyền thông cấp tiến thù ghét nhất và cho là tồi tệ nhất.
Tuy TT Clinton không hiện diện trong nội các, nhưng đã đóng một vai trò then chốt như sứ giả đặc biệt giúp giải quyết những khó khăn nội bộ trong đảng Dân Chủ, chẳng hạn như đi thuyết phục ứng viên Joe Sestak đừng ra tranh cử thượng nghị sĩ tại Pennsylvania, đi vận động phiếu cho các dự luật cải tổ y tế và cải tổ ngân hàng, đi Arkansas cứu nguy bà TNS Lincoln Blanche đang bị đe dọa mất job, đi giải thích với thiên hạ cách TT Obama ứng phó vụ dầu loang. TT Clinton cũng có nhiệm vụ đi trấn an giới doanh gia đang lo chính sách không thân thiện của TT Obama với doanh nhân qua những quyết định bất lợi cho tư doanh (tăng thuế) cũng như những tuyên bố coi “nhà giàu” như kẻ thù. Trong mùa bầu cử này, từ giờ đến tháng 11, ngôi sao đi vận động cho các ứng viên của đảng Dân Chủ sẽ là cựu TT Clinton, chứ không phải là TT Obama.
Chẳng những cầu cứu sự giúp đỡ của cá nhân ông Clinton, dang tay mời đón người của Clinton, mà còn thi hành đường lối chính sách của TT Clinton.
Có một điều nhiều người đã quên, mà các đệ tử của Obama đã không dám nhắc lại: chương trình cải tổ y tế nhằm mang bảo hiểm và dịch vụ y tế đến cho toàn dân (universal healthcare) vừa được quốc hội thông qua thực ra là chương trình của bà Hillary mà Obama chống đối kịch liệt khi còn tranh cử. Lúc đó, ông Obama lo chứng minh mình là ôn hòa, chủ trương hợp tác lưỡng đảng mà.
Cuối cùng thì như nhà báo Milbank đã đặt câu hỏi: không biết chính quyền Obama có phải là nhiệm kỳ 3 của TT Clinton hay không.
Điều đáng nói nhất là trường hợp bà Hillary Clinton. Theo những thăm dò dư luận mới nhất, bà Hillary được coi như là người “trưởng thành” nhất, có uy tín nhất trong chính quyền Obama hiện nay. Vượt xa cả TT Obama luôn. Thậm chí, đa số dân Mỹ (57%) lại còn nghĩ bà Hillary xứng đáng làm tổng thống hơn Obama. Hiện nay không thiếu gì người trong đảng Dân Chủ hối hận đã không bầu bà Hillary làm đại diện cho Dân Chủ trong cuộc tranh cử tổng thống. Họ đặt câu hỏi: phải chi hồi đó bầu bà Hillary thì bây giờ bà đã là tổng thống, có phải tốt hơn không?
Chính sách đối ngoại của TT Obama là thất bại nổi bật nhất của chính quyền này. Nhưng oái ăm thay, không ai đổ lỗi lên đầu bà Ngoại trưởng Hillary hết, vì đều cho rằng những thất bại là lỗi của TT Obama. Trước hết vì đường lối tổng quát do chính tổng thống đề ra quá yếu đuối, ngây thơ, chỉ lo vuốt ve thiên hạ. Tại Afghanistan, bà Hillary công khai hậu thuẫn chủ trương đánh mạnh của tướng McChrystal mới bị cách chức và cố gắng bênh vực chính quyền Hamid Karzai bị Toà Bạch Cung khinh miệt. Sau đó là vì việc thực hành đường lối đối ngoại đã hết sức luộm thuộm, không ai rõ ai có quyền như thế nào. Từ TT Obama đến Phó TT Biden, ngoại trưởng Hillary đến hàng loạt cố vấn, phụ tá đặc biệt, đặc sứ đặc biệt, thượng nghị sĩ, dân biểu, ai cũng có tiếng nói.
Nhiều người cũng còn thán phục bà Hillary có tư cách. Trong những ngày cuối chạy đua với Obama, bà biết là thua, đã điều đình với Obama. Hai bên thoả thuận, bà Hillary rút lui và tích cực hậu thuẫn Obama, bù lại Obama sẽ giúp bà gây quỹ trang trải nợ nần tranh cử. Trong khi bà giữ lời hứa thì ông Obama đã nuốt lời hứa, không tiếp bà gây quỹ gì hết, dù ông đã gây quỹ được bẩy trăm triệu cho chính mình. Sau khi nhậm chức, TT Obama đã tìm cách hoá giải ảnh hưởng đối lập của bà Hillary và đề cử bà làm ngoại trưởng. Bà đã chứng tỏ bà là một “đảng viên trung kiên”, chấp nhận kỷ luật, hợp tác tích cực và chân thật với tổng thống. Và uy tín bà lên thật cao trong hàng ngũ Dân Chủ.
Càng ngày thì thiên hạ càng nhớ lại quảng cáo của bà Hillary: Obama chưa sẵn sàng trả lời điện thoại khẩn vào ba giờ sáng. Kết quả là bà ngồi rung đùi… chờ thời. Biết đâu chừng theo đà thất bại này, Obama sẽ là “của nợ” cho đảng Dân Chủ, và năm 2012, đảng viên sẽ chạy qua bên bà hết? Dân Mỹ có đặc điểm không cần biết trung thành là gì cả, mà chỉ chạy theo người có triển vọng thắng cuộc thôi. Nói theo cách Mỹ: không ai muốn hụt chuyến tầu hết.