Nhà ngoại cảm Phan Thị Bích Hằng
Nguồn tin từ những người thân cận của bà Phan Thị Bích Hằng kể lại, nói rằng bà đã đột nhiên phát ngôn những điều này vào một ngày đang niệm ý. Khi lời bà Phan Thị Bích Hằng nói ra, được chứng kiến khoảng 20 người, đã lan đi nhanh chóng, và sau đó, khoảng một ngày sau, công an với khoảng 6 người, đã đi xe đến và mời bà về đồn làm việc.
Trong lần đầu bị bắt giữ, có người thân của bà Hằng. Nhưng lần sau đó thì bà bị bắt đi, không cho thân nhân hay người quen đi theo. Trong lần đầu, người ta kể lại là khi công an đề nghị bà phủ nhận những lời bà đã nói, cũng như phải xác nhận là bà nói trong trạng thái không tỉnh táo, thì bà Hằng đã phản ứng dữ dội và nói với phía an ninh rằng Nếu những lời tôi nói là đúng sự thật thì người đại diện của nước CHXHCNVN phải đích thân đứng ra xin lỗi tôi. Còn nếu sai thì tôi xin chịu mức án tù chung thân."
Câu chuyện nói trên, chưa được kiểm chứng trong nước, nhưng đang lan nhanh với một tốc độ khó tin, và trở thành những điều làm người ta lo ngại cho Đại lễ hội Thăng Long 1000 năm.
Đầu năm 2010, trong nước cũng rộ lên một tin đồn là Phan Thị Bích Hằng tiên đoán cầu Bãi Cháy sập vào năm 2010 và bà cũng đã bị công an bắt vì tiên đoán trên. Tuy nhiên, sau đó bà đã chính thức khẳng định tin đồn trên là thất thiệt và hoang tưởng, đồng thời cũng nêu rõ rằng bà không tiên đoán về những vấn đề liên quan đến công trình, kiến trúc, cầu đường. Nhưng trong trường hợp những tiên đoán giật gân nói trên, chưa thấy một thông tin chính thức nào đính chính từ bà Hằng, dù lời đồn còn lan nhanh hơn vụ cầu Bãi Cháy.
Bà Hằng chính thức được nhà nước CSVN công nhận là một nhà ngoại cảm, là người đã sử dụng khả năng đặc biệt của mình trong thời gian gần 20 năm qua để giúp hàng ngàn gia đình tìm kiếm hài cốt người thân bị thất lạc trong chiến tranh. Việc tìm hiểu, khảo nghiệm khả năng ngoại cảm của Bích Hằng được coi là có thể giúp cho các nhà khoa học giải đáp nhiều vấn đề cứ liệu liên quan đến thế giới tâm linh. Thậm chí, bà Hằng còn được các quan chức cấp cao của CSVN mời tìm giúp mộ, hay nơi chết của những người thân.
Bà Phan Thị Bích Hằng sinh ở xã Khánh Hòa, Yên Khánh, tỉnh Ninh Bình. Năm 2007, bà công tác tại trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội (tên cũ là trường Đại học Quản trị Kinh doanh Hà Nội) và cũng là một trong những cán bộ của bộ môn Cận tâm lý, Trung tâm nghiên cứu tiềm năng con người thuộc Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam. Khả năng ngoại cảm của bà đột nhiên phát tiết vào năm 1988, sau một cơn bệnh.
Một trong những chuyện ngoại cảm ly kỳ nhất của bà Hằng là đã từng thấy một lính Sài Gòn ở công viên Lê Thị Riêng, trước là nghĩa trang của người Công giáo, đã bị chính quyền CSVN phá đi. Người lính Cộng Hòa ấy cứ níu chân chị để nhờ chị nhắn nhủ mấy câu với gia đình. Khi tìm thấy hài cốt của người lính ấy thì thấy chiếc dây chuyền platin sáng lấp lánh.
Mặc dù có nhiều lời bình luận rằng bà Hằng là một nhà ngoại cảm CS, nhưng trên thực tế, khi tiếp xúc với các linh hồn, bà Hằng không phân biệt và chỉ khuyên người còn sống đừng bạc đãi, dù đó xương cốt của bộ đội Bắc Việt hay của lính VNCH.
Lời đồn đại về bà Hằng, với tin tức liên quan đến cầu Thăng Long và cái chết của Võ Nguyên Giáp, dù chưa biết như thế nào, vẫn còn đang làm hoang mang rất nhiều người, kể cả các quan chức CSVN. (T.V.Đ)
Vài nét về Nhà Ngoại Cảm Phan Thị Bích Hằng
Phan Thị Bích Hằng sinh năm 1970 ở xã Khánh Hòa, Yên Khánh, tỉnh Ninh Bình, là một nhà ngoại cảm nổi tiếng ở Việt Nam, cô tốt nghiệp đại học, hiện nay (2007) đang công tác tại Đại Học Quản Trị Kinh Doanh Hà Nội và cũng là một trong những cán bộ của Bộ Môn Cận Tâm Lý, Trung tâm nghiên cứu tiềm năng con người thuộc Liên Hiệp Các Hội Khoa Học Việt Nam.
Quá trình lạ trở thành nhà ngoại cảm
Cô Phan Thị Bích Hằng trở thành nhà ngoại cảm sau một biến cố lớn, chuyện của cô được kể lại như sau: Năm 1990, cô và một người bạn cùng bị một con chó dại cắn, bạn gái của cô bị chết. Cô được gia đình đưa đi chữa trị nhiều nơi, bằng cả Đông y lẫn Tây y, song không lành. Một thầy lang đã chữa cho cô bằng bài thuốc của ông, sau một đợt lên cơn dại cô tỉnh lại và khỏi bệnh. Vài tháng sau, khi khỏe mạnh hẳn, cô thường đi lung tung và nhìn mặt mọi người cô có thể biết được họ còn sống lâu hay sắp chết. Một số người như ông Vũ Văn Trác, 50 tuổi, đang khỏe mạnh, cô bảo: "Ông ơi, chắc là ông sắp mất rồi. Ông đừng đi làm nữa cho khổ!" Vài ngày sau, loa truyền thanh xã thông báo ông Trác chết thật. Tiếp sau ông Trác là ông Bùi Văn Trai, Chủ nhiệm hợp tác xã thêu xuất khẩu xã Khánh Hòa. Giữa hội trường UBND xã, có nhiều người chứng kiến, cô nói: "Đến tháng Giêng là chú chết đấy", cô bị mọi người mắng, nhưng không ngờ, đầu tháng Giêng ông Trai chết thật.
Sau chuyện đó cả làng bảo Hằng bị ma ám. Cô nói rằng cô không bị thần kinh, những chuyện đó là do cô nhìn thấy thật, nhưng không ai tin. Cô được bố mẹ đưa đi khám bệnh và cúng bái để cầu cho cô khỏi bệnh. Khi mọi người cho cô là bị bệnh thần kinh thì thực tế cô có khả năng phán đoán được tình trạng sức khỏe, thậm chí cả suy nghĩ của người khác, song Hằng đau khổ đến nỗi chỉ mong quên hết khả năng ấy đi. Nhưng rồi Hằng tìm được ngôi mộ tổ của gia đình cô bị thất lạc nhiều năm, phát hiện được trong sân nhà ông bác cô có mộ cổ chôn ở đó, các khả năng của cô dần dần được mọi người chú ý. Cô giúp các cán bộ của Bộ Văn Hóa Thông Tin khảo sát lại di tích lịch sử chùa Dầu quê cô có từ đời nhà Trần, các phát kiến của cô được mọi người ghi nhận và chùa Dầu sau đó được công nhận là di tích lịch sử văn hóa. Từ đó khả năng kỳ lạ của Phan Thị Bích Hằng bắt đầu được mọi người biết tới và gọi cô là nhà ngoại cảm.
Thành tích ngoại cảm
Những gì cô Phan Thị Bích Hằng làm được cho đời đã được nhiều người trân trọng. Đã có hàng ngàn gia đình tìm lại được người thân, đã có cả ngàn hài cốt binh sĩ tử trận được trở về đất mẹ sau bao nhiêu năm nằm nơi rừng sâu núi thẳm, mà nhiều đồng đội, thân nhân tìm không thấy. Có những hài cốt mất tích lâu đời như mộ Tướng công Hoàng Công Chất cô đã tìm lại được, giúp cho họ Hoàng chắp nối được bộ gia phả hoàn chỉnh. Rồi một số cán bộ nòng cốt của Đảng Cộng sản bị Pháp giết mất xác cô cũng tìm được hài cốt đưa về nghĩa trang. Một trong các thành công đó đã được kiểm nghiệm lại bằng phương pháp khoa học hiện đại và công bố trên phương tiện thông tin đại chúng.