Vũ Ánh/Việt Herald
(08/09/2010) Mấy hôm đau ốm xa phải xa lánh cái máy tính điện tử, một người thầy “trẻ mãi”, luôn trợ lực hữu hiệu cho cái đầu đã cùn mòn của ông già 70, tôi cảm thấy như bị hụt hẫng, đầu óc bị co lại. Nay, tỉnh một chút, cạo được cái râu, tắm táp, làm một tô miến gà nóng, pha một ấm nhỏ trà xanh rồi ngồi vào trước bàn phím. Hoa thơm cỏ lạ, chen lẫn với những cây độc hiện ra đủ mầu sắc trong khu vườn e-mail bé nhỏ của mình. Cái thói quen của tôi là vào thăm khu vãng lai trước đã.
Lúc đầu, tôi gọi e-mail của tôi là khu vườn vãng lai bởi vì trong khu vườn ấy ít khi tôi tự trồng cho mình một loại cây cối nào. Đó chỉ là một "khu đất" để cho đồng nghiệp tôi, bạn bè tôi gởi những thông tin cho nhau hay hỏi thăm sức khỏe. Sau dần, khu e-mail vãng lai trở thành mảnh đất của những người quen, người lạ, người quí mến lẫn người ghét tôi, những tác giả, những chính khách sa-lông, chính khách xôi thịt, chính khách phường tuồng, những người thích xưng hùng, xưng bá... quăng tới đủ thứ đề tài tranh luận, đả kích cá nhân, tố cáo vu vơ, khoác cho nhau đủ thứ mũ áo, nhãn hiệu và cả giầy nữa.
Đầu tiên thì tôi rất bực bội vì phải mất công đổ bỏ những điều mà tôi nghĩ không cần thiết cho đời sống riêng tư của mình, nhưng sau cũng quen dần. Bởi vì, lẫn trong trong những bè cây dại kết tạo bởi những lời lên án nhau rất nặng lời, vẫn có những cây vươn cao, đơm những bông hoa ẩn kín bởi sự hiểu biết, lòng bao dung, thông cảm và những trái tim vẫn còn ấm ngọn lửa thực sự muốn mọi người tị nạn đoàn kết, để sang một bên những hành động sân hận, bè phái hầu có một sách lược chung chống lại những đòn phủ đầu rất tinh vi của Cộng sản đối với dân chúng Việt Nam, trong đó còn nhiều người thân ruột thịt của chúng ta. Chính những ưu tư này của những đồng hương đã giúp tôi nhìn được, hiểu và tin tưởng về hướng đi của dư luận thầm lặng.
Gần đây có những tranh luận trong cộng đồng về ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng, một cuộc biểu tình chống anh ta và những lời lên án, tẩy chay một số nhà báo từng tham dự cuộc họp báo của người mà những người chống đối gọi là văn công Việt cộng. Trên một đất nước tự do như Hoa Kỳ, đến ngay như "bênh" và "chống" còn được Đệ Nhất Tu Chính Án Hiến Pháp Hoa Kỳ bảo vệ, huống chi việc tham dự một cuộc họp báo của một đối tượng nào đó mang một màu sắc chính trị bị một phần dư luận chống đối, miễn là những lời tường thuật của những nhà báo tham dự cuộc họp báo ấy trung thực, khách quan.
Thời chiến tranh Việt Nam ở vào giai đoạn cuối sau Hiệp Định Paris ngày 27 tháng 1 năm 1975, khi những phiên họp trong trại David Tân Sơn Nhất của Phái Đoàn Liên Hợp Quân Sự 2 Bên diễn ra, tôi cũng có đôi ba lần được người chỉ huy trực tiếp của mình tại Hệ Thống Truyền Thanh Quốc Gia VNCH cử tham dự các cuộc họp báo của phái đoàn VNCH cũng như của phái đoàn Việt Cộng. Nhớ lại chuyến đi đầu vào trong căn cứ này gần cuối năm 1973, người chỉ huy trực tiếp của tôi căn dặn: “Ăn mặc chỉnh tề, mang theo máy ghi âm, nói năng lịch sự, đặt câu hỏi ngắn gẫy gọn, không thêm ý kiến chỉ trích của mình vô, hãy để việc đó cho những biên tập viên bình luận, cần nhất là mang theo những con số, nêu cụ thể những vụ lấn đất giành dân của họ, xem họ trả lời ra sao. Nhớ nhé, không nên biểu lộ thái độ thẩm vấn mà là phải hỏi với giọng ôn tồn...”. Buổi họp báo của Võ Đông Giang, phó trưởng đoàn Việt cộng diễn ra ổn thỏa dù ông ta chỉ nói như con vẹt và dùng cuộc họp báo làm diễn đàn tuyên truyền cho họ. Khi trở lại đài phát thanh quốc gia, ông đàn anh chỉ huy trực tiếp bảo tôi: “Cậu viết một cái tin chừng khoảng 150 chữ, cấm không được nhận xét, bình luận. Dữ kiện nói lên mọi điều rồi. Xong, chuyển cuốn băng cho Ban Kiểm Thính bảo họ làm transcript, rồi chuyển cho Phòng Bình Luận khai thác. Cậu thấy không, đó là truyền thông trong cuộc chiến tranh chống Cộng”.
Năm 1973, tôi đã trải qua 9 năm làm việc cho Hệ Thống Truyền Thanh Quốc Gia, nhưng vẫn phải cần những người có kinh nghiệm trong ngành, hiểu được những điểm then chốt của kỹ thuật tuyên truyền nhắc nhở về những nguyên tắc cần phải tôn trọng trong lãnh vực tâm lý chiến. Điều này không có gì lạ, bởi vì trong lúc hỏi giữa bối cảnh một cuộc họp căng thẳng có sự hiện diện của đối phương, chúng tôi thường rất dễ bị lôi kéo vào lằn ranh ta, địch. Ông xếp nhấn mạnh với tôi: "Cậu nên nhớ tuyên truyền không phải là vẽ rắn thêm chân, dán băng keo vào miệng, đâm thủng tai, thủng mắt thiên hạ để lái dư luận hiểu khác với sự thật. Làm những chuyện đó là ảo tưởng chỉ thêm nối giáo cho giặc và cầm dao đằng lưỡi. Vả lại cậu làm truyền thông chứ không phải là tuyên truyền. Tôi mới có trách nhiệm làm tuyên truyền và giữ nguyên tắc của tuyên truyền. Bọn mình có chính nghĩa, có gì mà phải sợ Việt cộng chứ, mà không vào trại David?”
Nhớ lại chuyện cũ, nhìn lại chuyện vừa xảy ra trong cộng đồng, thấy vừa ngạc nhiên, vừa buồn cười. Chuyện chống Cộng là chuyện muôn thuở trong cộng đồng này rồi. Cho dù rằng ngày nay, những người Việt Nam đến sinh sống ở Mỹ từ nhiều nguồn khác nhau, cộng đồng Việt Nam vẫn còn là một cộng đồng tị nạn, đa phần là những đồng hương từng là nạn nhân của Cộng sản, từng trải qua những năm khá dài sống với Cộng sản, đã có bao nhiêu người trở thành Cộng sản hay ít ra là tay sai? Những thành phần này ở đâu, tên gì và có những bằng chứng nào để chứng tỏ họ là Cộng sản hay là tay sai?
Cái lối qui kết cho những nhà báo tham dự một buổi họp báo của một đối tượng mà mình cho là Việt cộng không nói lên được một điều gì góp phần vào việc làm sáng thêm chính nghĩa chống Cộng ở đây cả. Với chính nghĩa, chúng ta đâu đến nỗi hèn kém, sợ hãi mà phải “lên án” những người làm truyền thông chỉ vì họ đến tham dự một cuộc họp báo của một “văn công Việt cộng”?
Ngay cả nếu những phóng viên nhà báo được cắt cử ngồi phỏng vấn Nguyễn Minh Triết, Nguyễn Tấn Dũng, Lê Công Phụng... trong những buổi họp báo chẳng hạn - chứ không phải trong một cuộc tiếp rước, chiêu đãi hay ăn chơi - thì có gì là một hành động phản bội hay tay sai? Và chuyện này có gì quan trọng? Khi một nhà báo sử dụng quyền được hỏi, được tường thuật, được quyền gởi đến độc giả, thính giả, khán giả của mình những gì đề cập đến trong cuộc họp báo, phỏng vấn, nói chuyện hay bất cứ một sự kiện nào đó thì có gì là sai trái? Trừ phi khi tham dự xong, họ lại viết những bài tường thuật bóp méo sự thật, ngợi ca Cộng sản.
Cộng đồng Việt Nam của chúng ta đã 35 tuổi rồi, tôi không tin rằng có nhiều người dễ dàng ăn phải “bả Cộng sản” hay có nhiều người nhìn đâu cũng thấy cộng sản. Và tôi cũng chẳng bao giờ còn tin rằng cộng đồng cần những lời báo động, khuyến cáo, hù dọa, cảnh giác về Cộng sản với nội dung giống y hệt những nội dung đã có từ 50 năm trước, thời khởi đầu cuộc chiến tranh chống Cộng của người dân Miền Nam Việt Nam.
Trong cuộc chiến truyền thông hiện nay, Hà Nội đang áp dụng chiến lược tinh vi, hiểm và độc hơn cách đây 50 năm rất nhiều dựa vào lợi thế sau khi Việt Nam được Mỹ bỏ cấm vận, tái lập bang giao. Một bằng chứng hiển nhiên cho tới nay, Hà Nội đã lập thêm một tòa tổng lãnh sự tại Houston và những sản phẩm văn hóa từ Việt Nam rất dễ mua ở những nơi có cộng đồng lớn của người Việt tị nạn, chẳng hạn như các khu Little Saigon, Houston, Eden, Falls Church (Virginia) và Seattle (Washington State). Đài truyền hình VTV4 hoạt động khơi khơi ở Hoa Kỳ. Không chỉ có thế. Một số hệ thống truyền hình Việt ngữ ở quận Cam vẫn chiếu những phim ngắn, phim dài sản xuất từ Việt Nam, trong khi vào các cửa hàng bán băng nhạc, DVDs, CDs, khách hàng có thể mua không khó khăn những sản phẩm văn hóa sản xuất từ Việt Nam, giá lại rẻ. Những sản phẩm đó không hề có ca tụng cờ đỏ sao vàng, không hề có lời lẽ ca tụng chế độ Cộng sản hay xen vào những vấn đề chính trị trong nước mà ngược lại đó chỉ là những “soap opera” kiểu Hồng Kông, kiểu Việt Nam, Tầu sản xuất từ Việt Nam. Nhưng nếu xem và nghe kỹ, đều có thể thấy trong những phim này, cảnh một cô thư ký trong một công ty nhỏ ở Hà Nội ở Saigon cũng có thể ở một căn chung cư khá đầy đủ tiện nghi cứ đâu phải nghèo khó như chính báo chí trong nước mô tả? Nhưng cửa hàng bán những loại băng, DVDs này trong các cộng đồng Việt Nam có gì vi phạm luật pháp Hoa Kỳ không? Có thể nói không, bởi vì những bạn hàng vừa kể kinh doanh trong một xứ tự do, nước Mỹ không cấm việc nhập cảng những sản phẩm này và nơi nào có người mua thì nơi đó có người bán. Họ chỉ vi phạm nếu như kinh doanh không giấy phép, lem nhem về thuế, vệ sinh, vi phạm luật an toàn, hoặc in, buôn bán sản phẩm văn hóa lậu. Nhưng về phương diện tâm lý hay tình cảm, việc này có gây nhiều ưu tư trong cộng đồng tùy theo cách nhìn khác nhau của nhiều người.
Tuy nhiên, cứ thử đánh giá vấn đề với cách nhìn khác: nếu không có ai vào mua thì người bán sẽ phải thay đổi mặt hàng. Nhưng điều này lại rất khó xảy ra nếu như không có một cuộc vận động rộng rãi. Ngăn chặn việc bán những sản phẩm này bằng cách gán tội hay bao vây tài sản của họ hoặc khách hàng của họ sẽ không hữu hiệu. Trong nhiều trường hợp đã tạo ra phản tác dụng và những vụ kiện. Cuối cùng biện pháp tốt nhất để ngăn chặn sự xâm nhập các sản phẩm văn hóa từ Việt Nam là chúng ta phải có những sản phẩm tốt hơn, phải có một sách lược thuyết phục được đồng hương không mua hàng từ Việt Nam. Thuyết phục không phải là biểu tình, lên án, chửi rủa, kích động bao vây kinh tế người bán hay chống các ca sĩ từ Việt Nam, vì đó chỉ là biện pháp chặt ngọn, chặt cành mà cái gốc cây ở Việt Nam cứ phình ra mãi. Thế chặt gốc? Một cộng đồng không thể làm được việc này mà cần phải có sức lực, tâm huyết của 80 triệu người Việt Nam vùng lên làm một Đông Âu thứ hai lật độ chế độ Cộng sản tại Việt Nam. Do đó, biện pháp trước mắt chỉ là chặn bớt những thiệt hại về mặt tuyên truyền của Hà Nội tại hải ngoại, nhưng cũng phải bằng những luận giải có tình, có lý kèm theo với những nỗ lực khác như việc nâng đỡ những ca sĩ, nhạc sĩ và giới làm văn học nghệ thuật hải ngoại để họ tạo ra được luồng sóng mới.
Biện pháp trên nếu chỉ gồm những lời đả kích, lên án vô lý với lập luận ấu trĩ, cũ mòn, ngây ngô vi phạm vào cả nguyên tắc tự do ngôn luận, tự do báo chí được ghi trong Hiến Pháp Hoa Kỳ thì chắc chỉ làm những thiệt hại gia tăng và trở thành một ngọn giáo đâm ngược lại cộng đồng Việt Nam.
Hãy cứ nhìn xem, ngay đến Nguyễn Minh Triết đến gần cộng cồng Việt Nam nhất là Dana Point, được một guồng máy chính quyền khổng lồ của Mỹ yểm trợ mà có làm nên cơm cháo gì về phương diện tuyên truyền ngoài phạm vi của một cái khách sạn đâu? Vì thế, chẳng có gì phải sợ nếu ông ta dám công khai tổ chức họp báo ngay trong thành phố Westminster. Chúng ta không thiếu gì nhà báo, không thiếu gì cách buộc ông ta phải xác nhận một số điểm về hồ sơ nhân quyền và một số những vấn đề khác. Hồi đại sứ Việt cộng Lê Văn Bàng đến nói chuyện trong một khách sạn ở Irvine, những luật sư, nhà báo và một số nhà trí thức trẻ gốc Việt cách đây mười bốn, mười năm năm được Hội Đồng Liên Lạc Quốc Tế mời đã vào khách sạn và họ đã đưa ra những câu hỏi khiến Bàng cứng họng, phải kết thúc sớm buổi nói chuyện tại. Sự kiện này nói lên được điều gì thì ai cũng có thể thấy.
Nói tóm lại, một vài ủy ban, tổ chức chống Cộng ở Little Saigon, hoạt động tuyên truyền không nên nghĩ rằng mình được toàn thể đồng hương cử ra, trong khi thực ra chỉ do một nhóm người bầu lên. Các hoạt động chống cộng của các ủy ban này có thể có đóng góp vào cao trào chống cộng chung, nhưng không phải vì thề mà cứ ra lệnh, lên án, tuyên bố cô lập người này, "nghỉ chơi" với người kia, mời người này, đuổi người nọ ra khỏi các cuộc sinh hoạt của họ. Nói thật, nếu tất cả những nhà báo phóng viên ở cái đất này bảo nhau không lai vãng đến chỗ các nhà hoạt động hoang tưởng trên thì chỉ thiệt cho các vị ấy mà thôi, bởi trước hết, đề tài của các "ông ủy ban" chẳng có gì hấp dẫn, thứ đến những lời đả kích, phê phán thậm chí lên án của họ không còn làm cho bất cứ ai sợ sệt nữa và nó cũng chẳng gây hiệu quả gì vì các ông ấy không những không đưa ra được bằng chứng khả tín mà việc "làm" không đúng với "nói".
Khi "làm" không đúng với "nói" đối với những chuyện nhỏ nhặt hàng ngày thì chỉ có thể biến họ trở thành những anh hề. Nhưng khi "làm" không đúng với "nói" trong chuyện chống cộng và tay sai sẽ làm di hại cho đại cuộc của những người quốc gia chống cộng và những người quốc gia không Cộng sản, không những trong cộng đồng này mà còn ở Việt Nam. (VA)