(Toquoc)-Cuộc đấu tranh giữa “lợi ích cốt lõi” và “lợi ích quốc gia” cùng hàng loạt cuộc tập trận trên “ba biển” làm cho tình hình Đông Á căng thẳng.
Từ khi chiến tranh lạnh kết thúc đến nay, chưa bao giờ vùng biển Đông Bắc Á và Đông Nam Á lại dậy sóng như vậy. Từ tháng 6/2010 tới nay, Trung Quốc tập trận bắn đạn thật tại Đông Hải (biển Nhật Bản), Hoàng Hải và Nam Hải (biển Đông). Mỹ-Hàn tập trận quy mô lớn với sự tham gia của tàu sân bay USS George Washington và 4 máy bay tàng hình F-22. Các máy bay này có thể tấn công các cơ sở hạt nhân của Bình Nhưỡng trong vòng 30 phút kể từ khi cất cánh. Trung Quốc phê phán máy bay Mỹ nhiều lần xâm phạm vùng biển Trung Quốc. Hệ thống ra đa thám báo hiện đại của tàu sân bay George Washington và F-22 có khả thu thập thông tin về bố trí lực lượng chiến lược của Trung Quốc trong khoảng cách hàng ngàn cây số. Mỹ còn điều 3 tàu ngầm nguyên tử hiện đại tới Đông Á.
Sau cuộc tập trận 4 ngày (25-28/7), Hàn Quốc cho biết “Tinh thần bất khuất” sẽ mở ra hàng loạt cuộc tập trận song phương hàng tháng cho đến cuối năm nay. Trong đó sẽ có tập trận tại Hoàng Hải tháng 9 tới, sau mấy lần trì hoãn do sự phản đối kịch liệt của Trung Quốc.
Trung Quốc tập trận ở biển Đông
Trước và trong thời gian diễn ra cuộc tập trận Mỹ-Hàn, Trung Quốc tiến hành cuộc tập trận quy mô lớn tại biển Đông, với sự tham gia của 3 hạm đội của nước này Hoàng Hải, Đông Hải và Nam Hải. Cuộc tập trận tại biển Đông diễn ra cùng thời điểm Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton tuyên bố tại Diễn đàn ARF17-Hà Nội khẳng định Mỹ có “lợi ích quốc gia” ở biển Đông; chống lại bất kỳ nước nào sử dụng vũ lực hay đe doạ sử dụng vũ lực ở vùng biển này; ủng hộ quốc tế hóa việc giải quyết xung đột bằng thương lượng đa phương. Những hoạt động quy mô này đã được lên kế hoạch từ đầu tháng 6, sau khi Mỹ và Hàn Quốc lên kế hoạch tập trận tại Hoàng Hải. Đồng thời nó nhằm đáp lại tuyên bố của Bộ trưởng quốc phòng Mỹ Robert Gates ngày 5/6, tại cuộc Đối thoại Shangri-La 2010 (Singapore), trong đó khẳng định “Mỹ đặc biệt coi trọng các khu vực hàng hải chung vì an ninh, thương mại và tự do đi lại (trên biển Đông). Biển Đông không chỉ quan trọng đối với các nước trực tiếp có vùng lãnh hải giáp ranh, mà với tất cả các quốc gia có lợi ích an ninh và kinh tế tại châu Á”.
Tuyên bố của Ngoại trưởng Mỹ về “lợi ích quốc gia” là để trả lời trực tiếp lập trường của Bắc Kinh xem biển Đông thuộc “lợi ích cốt lõi”. Phàm là “lợi ích cốt lõi” thì không ai được can thiệp, không ai được vượt qua “giới hạn đỏ”, cũng không còn cửa cho thương lượng. Những gì thuộc “lợi ích quốc gia” của Mỹ, Washington cũng kiên quyết bảo vệ. Cuộc tập trận “Tinh thần bất khuất” khẳng định sự cam kết an ninh của Mỹ đối với hai đồng minh quan trọng nhất là Nhật Bản và Hàn Quốc, tỏ rõ quyết tâm tiếp tục đối trọng với ảnh hưởng của Bắc Kinh, cũng như “răn đe phòng ngừa” sức mạnh hải quân Trung Quốc đang tăng vượt trội tại châu Á-Thái Bình Dương.
Còn cuộc biểu dương lực lượng quy mô lớn của Trung Quốc tại các vùng biển Đông Á nhằm mục đích gì?
Trước hết là để răn đe Mỹ và các nước ở Đông Á. Đây còn là nỗ lực mở rộng không gian chiến lược phù hợp với sự trỗi dậy của Trung Quốc như cường quốc hàng đầu khu vực. Trung Quốc triển khai mục tiêu lâu dài đẩy Mỹ ra khỏi ba vùng biển tiếp giáp Trung Quốc và huấn luyện hải quân hỗ trợ cho các đòi hỏi chủ quyền lãnh thổ và khai thác tài nguyên dưới biển.
Tuy vậy, đằng sau sự cứng rắn về quân sự có thể còn nhằm chuẩn bị cho một số bước đi ngoại giao. Trong thời gian tập trận biển Đông, người Phát ngôn Bộ quốc phòng Trung Quốc Cảnh Nhạn Sinh họp báo tại Bắc Kinh, nêu một số nội dung đáng chú ý. Cảnh Nhạn Siêu cho biết Trung Quốc có thể tôn trọng tự do đi lại của tàu thuyền và máy bay của các nước liên quan; và “có thể dỡ bỏ 1000 tên lửa (chĩa về Đài Loan) nếu cả hai bên tuân thủ chính sách Một Trung Quốc”. Cảnh Nhạn Sinh nói rằng Bắc Kinh sẽ đồng ý thảo luận về an ninh quân sự và tin cậy lẫn nhau giữa hai bờ Eo biển vào “một thời điểm thích hợp”; những chuẩn bị cho cơ chế tin cậy lẫn nhau về an ninh cần được bắt đầu từ các chủ đề dễ dàng và theo từng bước một.
Giới chức Mỹ chưa có phản ứng gì về các phát biểu liên quan đến lập trường Mỹ đòi hỏi đảm bảo quyền tự do thông thương hàng hải trên các vùng biển quốc tế. Nhưng Lin Chong-pin, cựu Thứ trưởng Quốc phòng Đài Loan, nhận xét những phát biểu của Cảnh Nhạn Sinh cho thấy khả năng Bắc Kinh sẽ xem xét lại chính sách dùng tên lửa đe dọa Đài Bắc theo cách có lợi cho Tổng thống Đài Loan Mã Anh Cửu, người đang theo chính sách thân Bắc Kinh. Tỷ lệ ủng hộ ông Mã hiện đang thấp hơn tỷ lệ của Chủ tịch đảng Dân Tiến đối lập (46,1% so với 50,8%). Việc Mã Anh Cửu thất bại trong cuộc bầu cử tổng thống năm 2012 sẽ gây tổn hại nghiêm trọng cho các nỗ lực cải thiện quan hệ qua Eo biển của Bắc Kinh. Tuyên bố khả năng dỡ bỏ tên lửa chĩa về Đài Loan là phản ứng đầu tiên của Quân đội Trung Quốc đối với yêu cầu mà Mã Anh Cửu đề xuất hai năm qua. Tháng trước, các chuyên gia quân sự Đài Loan và Trung Quốc đã có một cuộc hội thảo tại Bắc Kinh về phát triển hòa bình và các biện pháp xây dựng niềm tin quân sự giữa đai bờ Eo biển.
Mỹ tập trận tại biển Nhật Bản (vùng biển mà người Hàn Quốc gọi là biển Đông của họ)
Bưu điện Hoa Nam buổi sáng xuất bản tại Hong Kong còn đưa lại một phát biểu của Cảnh Nhạn Sinh, nói rằng “Trung Quốc có thể thúc đẩy việc giải quyết các tranh chấp về biển Nam Trung Hoa với các nước liên quan thông qua đối thoại và thương lượng hòa bình”, nhưng chống lại quốc tế hóa.
Hy vọng đây không phải là thủ thuật “cây gậy và củ cà rốt”. Thái độ khoan dung và hòa hõan của nước lớn nhiều khi dễ “tâm công” (đánh vào lòng người) hơn là đe dọa vũ lực. Chủ trương đẩy mạnh quá trình độc chiếm biển Đông rõ ràng đang gây trở ngại cho việc thực hiện chính sách láng giềng “mục lân, an lân và phú lân” (hòa hợp với láng giềng, yên ổn với láng giềng và làm giàu với láng giềng) mà lãnh đạo Trung Quốc đề xướng năm 2003 khi gia nhập Hiệp ước hợp tác thân thiện của ASEAN (TAC).
Với việc phô diễn sức mạnh quân sự của Trung Quốc, người Đông Nam Á không khỏi nghi ngờ rằng các tuyên bố của các nhà ngoại giao Bắc Kinh về “gác tranh chấp cùng nhau khai thác”, hoặc thiện chí giải quyết tranh chấp thông qua đàm phán song phương chỉ là thủ thuật câu giờ cho việc mở rộng thực lực quân sự trên biển Đông.
Không cần phải đợi lâu thiên hạ sẽ biết ý định thực sự của Trung Quốc qua kết quả vòng đàm phán Trung-Nhật hiện nay, khởi đầu ngày 27/7, về một hiệp định khai thác khí đốt chung trên vùng chồng lấn biển ở biển Hoa Đông. Ý tưởng này được cấp cao Trung-Nhật thỏa thuận tại Tokyo tháng 5/2008 và tháng 5/2010.
Ngoài việc 1/3 thương mại hàng hải trên thế giới lưu thông qua biển Đông, các cuộc tranh chấp không tránh khỏi có mùi dầu, vì hầu hết nguồn cung năng lượng trong khu vực, các mỏ dầu lửa và khí đốt tự nhiên khổng lồ được cho là đang nằm dưới lòng biển này.
Còn quá sớm để nói rằng sẽ sớm có đối thoại để giải quyết bất đồng. Nhưng đa phương hay song phương, hoặc kết hợp cả hai, những bất đồng như vậy cuối cùng phải được giải quyết. Dù muốn hay không, với sự can dự của Mỹ thể hiện rõ ràng qua tuyên bố của Ngoại trưởng nước này, tình hình giải quyết tranh chấp biển Đông cũng không thể diễn ra như cũ. Dù thiếu tin cậy đang bao trùm quan hệ quốc tế khu vực, thì các bên đều có trách nhiệm tìm giải pháp cho các tranh chấp trên vùng biển quan trọng này của thế giới./.
http://www.toquoc.gov.vn/Print/Article/Dong-A-Day-Song.html