Nguyễn Xuân Nghĩa
Trong số ra ngày Thứ Năm mùng năm Tháng Tám, tờ Wall Street Journal có kết luận hấp tấp về chương trình hợp tác giữa Hoa Kỳ và Việt Nam liên quan đến việc tinh lọc để tăng cường chất uranium. Việc tờ báo có uy tín đưa tin đó lên trang nhất, lại trên vết gấp là nơi dành cho tin nóng nhất, đã gây chú ý. Nhiều người có thể từ đó cũng lại kết luận sai do sự "hấp tấp" của tờ WSJ...
Trước hết, tờ WSJ trích dẫn xuất xứ là do tiết lộ của các viên chức Hoa Kỳ am hiểu về vấn đề tinh lọc uranium - xin gọi tắt là ENR - khi họ theo dõi hoặc được tường trình về cuộc đàm phán của bộ Ngoại giao Hoa Kỳ với giới chức tương nhiệm của Hà Nội.
Khi đọc kỹ tin này, người ta biết là Hoa Kỳ và Việt Nam đang ở trong giai đoạn đàm phán và phía Hoa Kỳ báo cáo diễn tiến cho các ủy ban đối ngoại của Hạ và Thượng viện Mỹ. Một viên chức Mỹ được báo cáo cho biết thêm rằng Trung Quốc không được Hoa Kỳ tham khảo ý kiến về chuyện này, vì việc thương thảo Mỹ-Việt không liên hệ gì tới Trung Quốc! Ngon!
Chi tiết lý thú ấy của tờ báo khiến Bắc Kinh nhảy nhỏm và lập tức có phản ứng.
Nội dung bản tin còn hàm ý một chuyện quan trọng hơn. Là Hoa Kỳ đã sẵn sàng cung cấp cho Việt Nam kỹ thuật tinh lọc uranium, là điều không có trong thỏa ước Mỹ mà Tổng thống Barack Obama đã ký năm ngoái với xứ United Arab Emirates (Tiểu vương quốc Á rập Thống nhất). Chuyện ấy có nghĩa là Hà Nội được "biệt nhãn" và xứ UAE có thể sẽ than phiền vì mình không được như vậy. Nhiều nước khác cũng sẽ không vui vì dường như Hoa Kỳ đi ngược chủ trương là giảm thiểu việc phổ biến kỹ thuật hạch tâm.
Người Việt ta thì phân vân với tin đó. Có người kết luận là vì mối nguy của Trung Quốc nay Mỹ sẵn sàng cung cấp cho Hà Nội kỹ thuật nguyên tử (atomic) hay hạch tâm (nuclear). Và do đó không tin lời cải chính của phát ngôn viên bộ Ngoại giao Hoa Kỳ Philip Crowley trong cuộc họp báo hôm Thứ Năm mùng năm. Đài Á châu Tự do lập tức có bản tin về lời cải chính này. Nhưng nhiều người vẫn bán tín bán nghi.
Hay là Việt Nam đang trở lại thành "tiền đồn của thế giới tự do" và lần này còn có bom hạch tâm trong tay người cộng sản? Hoa Kỳ quả là kỳ quái!...
Sự thật thì việc thương thuyết Mỹ-Việt vẫn đang tiến hành, chưa hoàn tất, và đôi khi những tiết lộ om xòm hoặc phủ nhận linh tinh cũng nằm trong tiến trình thương thảo - hoặc... nhắm vào chuyện khác, xứ khác. Chúng ta sẽ cố gắng tìm hiểu sự việc này, ở mặt hư và thực...
Hãy nói về bối cảnh trước...
Từ năm 1970, các nước đã có một Thỏa ước Hạn chế Phổ biến Võ khí Hạch tâm (gọi tắt là "Non Proliferation Treaty" NPT) và 189 quốc gia đã ký vào thỏa ước này, với hàm ý là tham gia việc hạn chế võ khí tàn độc ấy. Nhưng dù là ký kết, nhiều quốc gia thành viên vẫn xé rào và bán kỹ thuật hay trang bị cho xứ khác, với lý do "hoàn toàn cho mục đích dân sự, hoà bình", v.v... Thí dụ như để giải quyết nhu cầu năng lượng.
Để tăng cường việc hạn chế này, năm 1975, một nhóm Quốc gia Cung cấp được thành lập (Nuclear Suply Group hay NSG) và lập ra một danh mục kiểm soát. Thí dụ như không chuyển giao loại kỹ thuật "nhạy cảm" - có thể thành kỹ thuật chế tạo võ khí - và ngăn chặn việc buôn bán sản phẩm này với các quốc gia không tuân thủ các tiêu chuẩn hạn chế của NPT. Nhưng, mặc dù như vậy, nhóm NSG này, tới nay gồm có 46 thành viên, vẫn chưa thống nhất được chánh sách về việc kiểm soát gắt gao hơn.
Và nhiều thành viên của nhóm NSG đã xé rào!
Năm 2001, Liên bang bán uranium cho Ấn Độ và đồng ý xây thêm hai lò phản ứng cho xứ này dù Ấn Độ không chịu ký Thỏa ước Hạn chế NPT. Năm 2008, do sáng kiến của Tổng thống George W. Bush, với sự ủng hộ mạnh mẽ của Anh, Pháp, Nga - và sự chống đối của Áo, Ái Nhĩ Lan và Tân Tây Lan - nhóm NSG đồng ý đặc miễn cho Ấn Độ. Sau đấy, tới lượt Trung Quốc.
Dù đã gia nhập nhóm NSG từ năm 2004, xứ này vẫn xé rào và bán hai lò năng lượng hạch tâm cho một quốc gia không ký Thỏa ước Hạn chế NPT, lại còn nổi tiếng là thường phổ biến kỹ thuật hạch tâm, đó là Cộng hoà Hồi quốc Pakistan... Trước khi gia nhập NSG, Trung Quốc đã xây một lò hạch tâm cho Paskitan tại Chasma. Vì vậy, ta mới có hồ sơ Chasma 1 và Chasma 2.
Một vòng khái quát như vậy cho thấy sự bất lực của Thỏa ước NPT, sự bất nhất của nhóm NSG và loại trường hợp đặc miễn (như cho Ấn Độ) mà Pakistan và Israel đã vận động... Chúng ta đang đi vào vùng đất xám và mãi tới Tháng Sáu vừa qua, Hoa Kỳ vẫn phàn nàn về lời cam kết rất lỏng lẻo của Bắc Kinh khi ký hợp đồng cung cấp cho Pakistan.
Chúng ta đều biết Pakistan là một quốc gia Hồi giáo bất ổn, đã có võ khí hạch tâm, lại hay phổ biến kỹ thuật này cho nhiều chế độ hung đồ... Việc nhóm NSG cố xiết chặt tiêu chuẩn kiểm soát ấy còn gặp một trở ngại khác là sự ngăn cản của Thổ Nhĩ Kỳ, một cường quốc Hồi giáo đang có tham vọng lớn trong khu vực nên cuối cùng thì chỉ có khối G-8 là tạm đồng ý gia tăng kiểm soát mà thôi. Nhóm G-8 này gồm có thất hùng kinh tế Anh, Đức, Pháp, Ý, Mỹ, Nhật và Gia Nã Đại.
Bây giờ đến chuyện Trung Đông và Việt Nam.
Trong vùng đất xám đầy mơ hồ, đặc miễn và vi phạm, các nước có nhu cầu chính đáng về năng lượng có thể nghĩ tới uranium. Các quốc gia có kỹ thuật này cũng thế, vì lý do kinh tế. Hoa Kỳ đã ký hợp đồng cung cấp kỹ thuật cho Tiểu vương quốc UAE, nhưng với điều kiện là chương trình năng lượng phải được Nguyên tử lực cuộc của Liên hiệp quốc giám sát và rằng UAE cam kết không tinh chế lấy chất uranium. Nôm na là cho học nghề và cung cấp đồ nghề vừa đủ để giải quyết nhu cầu năng lượng dân sự, nhưng không được học nghề chế tạo võ khí và cũng chẳng được chơi bậy mà một mình tinh lọc nồng độ uranium.
Trong việc thương thuyết với Việt Nam cũng vậy. Nếu Việt Nam lại muốn học kỹ thuật tinh chế để chơi trò độc - chế bom - thì sẽ phải du nhập kỹ thuật ấy ở nơi khác. Gặp trường hợp đó thì chưa chắc việc hợp tác Mỹ-Việt cho nhu cầu dân sự và hòa bình sẽ tiếp tục.
Thật ra, Hoa Kỳ thời George W. Bush đã ký một bản ghi nhớ - "bị vong lục", MOU hay memorandum of understanding - với Hà Nội về chương trình phát triển năng lượng hạch tâm cho nhu cầu dân sự, và đồng thời bảo đảm việc kiểm soát. Từ đầu năm nay, Chính quyền Obama đẩy mạnh việc ấy với viễn ảnh là các tổ hợp General Electric hay Bechtel sẽ bán thiết bị hạch tâm cho Việt Nam. Qua đó, Hoa Kỳ sẽ theo dõi, hướng dẫn và gây ảnh hưởng để Hà Nội đừng chơi dại mà đi tìm ám khí độc hại ở nguồn khác. Hà Nội đang cân nhắc việc đó.
Nhưng nói cho nôm na dễ hiểu: Hoa Kỳ không cung cấp bom hạch tâm cho Hà Nội. Còn lâu!
Thế thì tại sao lại có tín hiệu om xòm, như là Mỹ xé rào và mở rộng cửa cho Việt Nam khiến các nước khác phải than phiền (như UAE), hoặc phản đối (như Trung Quốc)? Câu trả lời ngắn có thể là Hoa Kỳ đang gây ảnh hưởng vào hồ sơ Chasma 2 giữa Trung Quốc và Pakistan.
Câu trả lời dài hơn có thể là "động lượng" là momentum. Là cái trớn.
Trong cái trớn tái khẳng định việc Hoa Kỳ có mặt tại Đông Nam Á qua hội nghị ARF của Diễn đàn Hợp tác An ninh Cấp vùng của Hiệp hội ASEAN với lời tuyên bố rõ rệt của Ngoại trưởng Hillary Clinton, Hoa Kỳ muốn bật thêm tín hiệu mãnh liệt với Bắc Kinh. Chuyện chỉ có vậy, chứ Hoa Kỳ chưa và không đồng ý cho Việt Nam tinh lọc chất uranium, như tờ WSJ hàm ý.
Vấn đề còn lại - và đáng chú ý - là phản ứng của Hà Nội trước đòn hù đó: hôm Thứ Sáu mùng sáu, phát ngôn viên bộ Ngoại giao Việt Nam đã phủ nhận tin Việt Nam và Hoa Kỳ đang thưong thuyết về hạch tâm! Lời phủ nhận không đáng tin nếu ta nhớ đến chương trình hợp tác đã manh nha từ thời Bush. Mà vì sao phải phủ nhận? "Để thỏa lòng mơ bạn Bắc Kinh?"
Vấn đề nên tìm hiểu thêm là Việt Nam muốn gì, về an ninh và kinh tế...