"Hèn mà còn nhận ra mình là thằng hèn, là hèn tử tế. Hèn mà ngậm miệng ăn tiền là hèn nhơ bẩn.
Hèn mà ngậm máu phun người là hèn bất nhân. Hèn bán đất bán nước thì trời tru đất diệt"
(Phạm Chuyên)

Donnerstag, 12. August 2010

Trung Quốc lập căn cứ tên lửa ở Quảng Đông, có thể 'phủ sóng' Trường Sa

Nam Việt (theo BBC, AFP, Reuters)

Nhiều báo Trung Quốc đưa tin, căn cứ mới đặt tại khu vực miền núi Thiều Quan, phía Bắc tỉnh Quảng Đông và thuộc quản lý của đoàn 96166, binh chủng pháo binh số hai, tức binh chủng chuyên trách tên lửa chiến lược của Quân đội giải phóng nhân dân Trung Hoa.

Thời điểm thiết lập căn cứ này không được thông báo rõ mà chỉ được nói rằng một vài tuần trước ngày Bát nhất (1/8), ngày thành lập Quân đội giải phóng nhân dân Trung Hoa.

Nhiều nhà quan sát cho rằng, quân đội Trung Quốc sẽ đặt các tên lửa đạn đạo DF-21C hoặc tên lửa hành trình tầm xa CJ-10 tại căn cứ này. Đây là hai loại vũ khí có tầm che phủ trên 2.000 km, tức vươn tới tận quần đảo Trường Sa.

Hỏa tiễn Trung Quốc được cho là có thể vươn tới các nước Đông Nam Á. Ảnh minh họa.

Trong khi đó, một số nhà quan sát dự đoán đoán căn cứ Thiều Quan có thể được trang bị tên lửa đạn đạo chống tàu chiến DF-21D, có khả năng tấn công tàu thuộc loại lớn như hàng không mẫu hạm.

Đây là loại "siêu" vũ khí và Trung Quốc được cho là có trong tay công nghệ sản xuất loại nó từ lâu nhưng tới nay, việc nước này thực sự sản xuất và sử dụng DF-21D hay chưa thì vẫn là dấu hỏi chưa ai dám nói chắc.

Viện nghiên cứu Project 2049 cho rằng, việc lập căn cứ tại Thiều Quan có thể sẽ gây phức tạp thêm tình hình ở châu Á, “nhất là khu vực biển Đông”.

Báo Bưu điện Hoa Nam buổi sáng đặt tại Hong Kong thì trích lời Giáo sư Alexander Huang Chieh-cheng từ Viện nghiên cứu các vấn đề đối ngoại và chiến lược tại ĐH Tamkang, Đài Bắc, cho rằng, các nước Đông Nam Á chắc sẽ lo lắng trước thông tin này.

Ông cho biết: “Mỗi bước tính toán của quân đội Trung Quốc đều có ý nghĩa chiến lược đặc biệt. Lần này, tôi không cho họ có ý định đe dọa Đài Loan. Tên lửa DF-21 có thể vươn tới nhiều nơi ở Đông Nam Á, nên những quốc gia có tranh chấp lãnh thổ với Trung Quốc sẽ cảm thấy bị đe dọa”.

Chuyên gia quân sự Trung Quốc Ni Lexiong ở Thượng Hải nhận định, các động thái mới cho thấy Bắc Kinh có thể sẽ sử dụng tên lửa trong việc bảo vệ “quyền lợi cốt lõi” ở biển Đông.

Theo RFA, hồi tháng 4 vừa qua, Trung Quốc thông báo với Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ James B. Steinberg rằng, biển Đông là “lợi ích cốt lõi” của Trung Quốc, tức là Bắc Kinh xem biển Đông là vùng biển của riêng họ và sẽ không chấp nhận bất kỳ sự can thiệp nào của Mỹ hay bất kỳ nước nào vào biển Đông.

Báo giới nước ngoài nhận định rằng, đây là lần đầu tiên Trung Quốc sử dụng cụm từ này đối với biển Đông, nâng tầm quan trọng của khu vực này lên ngang hàng với Đài Loan và Tây Tạng. Nó cho thấy, Trung Quốc thể hiện thái độ, hành động "mạnh mẽ" hơn trước nhiều.

Tuy nhiên cũng có ý kiến cho rằng còn quá sớm để nói liệu việc lập các căn cứ ở Quảng Đông là nhằm vào Đông Nam Á. Có khả năng Bắc Kinh lập căn cứ tên lửa để bảo vệ trung tâm kinh tế của họ đang nằm dọc bờ biển Thái Bình Dương khỏi nguy cơ bị hải quân nước ngoài tấn công.

Tên lửa DF-21D được cho là đủ khả năng bắn hạ tàu sân bay Mỹ.

Trước đó, báo chí Trung Quốc còn tiết lộ quân đội nước này lập một căn cứ tương tự tại Thanh Viễn, một huyện miền núi khác thuộc tỉnh Quảng Đông, từ hồi tháng 6 năm ngoái.

Còn Viện nghiên cứu Project 2049 đặt tại Washington DC, Mỹ trong khi đó tố cáo Bắc Kinh đang có kế hoạch lập một căn cứ tên lửa thứ ba tại Tam Á trên đảo Hải Nam.

Còn trong thời gian gần đây, căng thẳng gia tăng quanh các bất đồng liên quan tới biển Đông, nhất là sau khi Mỹ tỏ ý quan tâm, muốn tham gia quá trình giải quyết xung đột. Mỹ nêu ra quan điểm các nước trong khu vực nên sử dụng luật pháp quốc tế để giải quyết tranh chấp nhưng bị Trung Quốc coi là trực tiếp tấn công vào lợi ích chiến lược của họ ở biển Đông.

Nam Việt (theo BBC, AFP, Reuters)