Dân Việt – Chúng tôi đến xã Sơn Hàm, Hương Sơn, Hà Tĩnh đúng vào lúc mọi người đang đưa ông Hồ Đình Ngự, Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã đến nơi an nghỉ cuối cùng. Đám tang ông đi trong mưa, vài ba tiếng trống thì thùng không sao át được tiếng mưa rơi.
Ông chết khi đang đang đi giúp dân chống lại dòng nước thông thốc đổ về từ vết vỡ hồ thủy lợi Khe Mơ. Cái hồ mười mấy năm qua giúp hàng trăm hộ dân ở đây thoát khỏi đói nghèo sáng 16-10-2010 trở thành quả bom nước đích thực. Người dân ở Hàm Sơn thót tim, vì sự cố xảy ra giữa ban ngày nên số người chết chỉ có một.
Đập Khe Mơ vỡ, dân Hàm Sơn mất chừng 15 ha ngô, chừng hơn 20ha ruộng bị cát vùi, hoặc bóc hết lớp đất mầu, các công trình giao thông thủy lợi dọc theo khe Mơ hư hỏng nặng. Cái mất âm ỉ hơn là vụ tới đây và những vụ mùa sau đó lấy nước tưới ở đâu? Cái nghèo sau đợt lũ này lấy cái gì khôi phục lại khi mà sản xuất nông nghiệp bị cướp mất nguồn nước.
Đi dọc khe Mơ ngược lên đập thực sự thấy kinh hãi trước sức phá hoại của dòng nước, nước xói đến tận đá gốc, cát đá, cây cối ngồn ngang trên ruộng. Nơi ngày xưa là thân đập nay thành thác nước.
Gặp anh Hà Văn Huân, người vừa thoát chết trong gang tấc khi có mặt trên đập Khe Mơ khi bị vỡ, trên mặt Huân sự thảng thốt vẫn còn hiện rõ. Anh nói: "Thân đập đổ ập xuống, nổ như bom, cả vùng đất rung chuyển, sau đó nước tùm tùm đánh xuống".
Con đập bị vỡ khi mức nước còn thấp hơn thiết kế 0,2 mét, ngay khi đang được lát mái bê tông gia cố để phòng chống lụt bão, những mảng bê tông dở dang để che chắn cho mái thượng lưu đập Khe Mơ đổ ngổn ngang như thể hiện sự bất lực của con người. Chưa bàn đến chất lượng của những mảng bê tông ấy thì bản thân nó cũng đã đặt ra không ít câu hỏi.
Câu hỏi đầu tiên không thể không thắc mắc: Tại sao lại bóc toàn bộ tầng phủ tu sửa mái đập thượng lưu ngay trong mùa mưa bão? Thậm chí việc này được triển khai vào đầu tháng 9, việc này khác nào tước đi của thân đập chiếc áo… dù là áo rách. Câu hỏi này được ông Phạm Xuân Yên, Trưởng phòng Nông Nghiệp huyện Hương Sơn cho biết "vì phụ thuộc vào kinh phí" và vì "trước đó hồ phải trữ nước phục vụ sản xuất vụ hè thu".
Những người dân ở Sơn Hàm cho biết phần đập đất được nối vào mép đồi đất vốn là rừng cây, rễ cây thối gây rò nước hồ nhiều năm nay. Từ khi hoàn thành năm 1994 đến nay đây là lần thứ ba hồ được tu sửa nâng cấp, hai lần trước (2002, 2008) đều khắc phục sự cố rò rỉ nước, như vậy việc đập Khe Mơ yếu và ngấm nước là điều không lạ, chỉ có điều lạ là sao cái điều mọi người đều biết ấy không được khắc phục để xảy ra sự cố vỡ đập?
X. T.