"Hèn mà còn nhận ra mình là thằng hèn, là hèn tử tế. Hèn mà ngậm miệng ăn tiền là hèn nhơ bẩn.
Hèn mà ngậm máu phun người là hèn bất nhân. Hèn bán đất bán nước thì trời tru đất diệt"
(Phạm Chuyên)

Freitag, 22. Oktober 2010

Tiếp tục vẽ lại lịch sử!

Lữ Giang

Một cuộc hội thảo về lịch sử với đề tài “Kinh nghiệm của Hoa Kỳ ở Đông Nam Á từ 1946 đến 1975” (The American Experience in Southeast Asia, 1946-1975) vừa được tổ chức tại East Auditorium, George C. Marshall Conference Center của Bộ Ngoại Giao ở Washington DC trong hai ngày 29 và 30.9.2010. Hà Nội đã theo dõi rất kỹ cuộc hội thảo này vì họ muốn biết người Mỹ muốn nói gì với họ. Trong khi đó, người Việt chống cộng ở hải ngoại vốn có truyền thống “chống cộng theo cảm tính”, không cần biết Đồng Minh và Địch làm gì, nên ít ai chú ý.
 
Cuộc hội thảo đã quy tụ các học giả, sử gia, các nhà ngoại giao và những người có nhiều hiểu biết về vấn đề được thảo luận... Đặc biệt, cựu Ngoại Trưởng Henry Kissinger, một trong những người quyết định số mạng của miền Nam Việt Nam trước đây, đã đến thuyết trình và phát biểu ý kiến.
 
CỐ GẮNG VẼ LẠI LỊCH SỬ
 
Cứ mỗi lần muốn thực hiện một chính sách mới, Hoa Kỳ thường tìm cách giải thích lại lịch sử theo một chiều hướng mới để biện minh cho những chính sách thô bạo đã từng bị lên án trong quá khứ. Hiện nay, Hoa Kỳ đang cố gắng vẽ lại lịch sử chiến tranh Việt Nam để xóa dần những ấn tượng không đẹp về nước Mỹ và mở đường quay trở lại Đông Nam Á. 
 
Trong quá khứ, Hoa Kỳ cũng đã cố gắng vẽ lại lịch sử chiến tranh Việt Nam nhiều lần, nhưng lần này xem ra ít trắng trợn hơn, vì có quá nhiều sự kiện lịch sử đã được tiết lộ không còn có thể cãi chày cãi cối hay bóp méo được.
 
Có thể nói, với chiến tranh Việt Nam, Hoa Kỳ đã có hai quyết định rất tai hại đã làm thế giới mất niềm tin vào Hoa Kỳ: Quyết định thứ nhất là thuê một số tướng lãnh thiếu tư cách và khả năng của miền Nam làm đảo chánh lật đổ và giết Tổng Thống Ngô Đình Diệm, đổ quân vào miền Nam Việt Nam và giành quyền lãnh đạo cuộc chiến, đưa miền Nam vào những ngày đen tối. Quyết định thứ hai là bán đứng miền Nam cho Mao Trạch Đông để rút quân ra. Lịch sử tham dự vào cuộc chiến Việt Nam của Hoa Kỳ đã được thu gọn vào trong hai biến cố đó. Nhưng biến cố thứ nhất gây nhiều nhức nhối cho Hoa Kỳ hơn, vì nó quá tàn bạo, sai lầm và không thể biện minh được.
 
THIÊN BẤT DUNG GIAN!
 
Năm 1975, sau khi miền Nam Việt Nam bị mất, dư luận cho rằng nguyên nhân của sự thất bại này là do Mỹ lật đổ ông Diệm để đổ quân vào, do đó Hoa Kỳ đã tìm cách sửa lại lịch sử để biện minh rằng việc lật đổ đó là do các tướng lãnh Việt Nam chủ động chứ không do chủ trương của Hoa Kỳ. 
 
Vào tháng 12/1975, Thượng Viện Hoa Kỳ đã thành lập một ủy ban đặc biệt điều tra cơ quan CIA về các âm mưu ám sát các lãnh tụ ngoại quốc gồm có các nhân vật sau đây: Patrice Lumumba (cuả Congo), Fidel Castro (của Cuba), Rafael Trujillo (của Dominican Republic), Ngô Đình Diệm (của Vietnam) và Rene Schneider (của Chile). Ủy Ban này do Thượng Nghị Sĩ Franck Church làm chủ tịch nên thường được gọi là “Church Committee”. Tuy cuộc điều tra liên hệ đến 5 nhân vật, nhưng mục tiêu chính là nhắm vào vụ giết ông Diệm.
 
Bản “Phúc Trình về Cuộc Đảo Chánh ông Diệm” (Church Committee Report on Diem Coup) của Ủy Ban đã soạn rất cẩu thả và cố tình dựa vào những sự kiện hoàn toàn bịa đặt để biện minh và “giải tội” cho CIA.
 
Về biến cố trước đài phát thanh Huế ngày 8.5.1963, bản phúc trình viết: “Quân Đội Nam Việt Nam ở thành phố Huế đã bắn vào các Phật tử đang cử hành Lễ Phật Đản, giết chết 8 người và làm bị thương 14 người.” Trong khi đó Tòa Đại Sứ Hoa Kỳ ở Sài Gòn báo cáo rằng các nạn nhân bị tử thương trước đài phát thanh Huế là do chấn động của một chất nổ chứ không phải do mãnh lựu đạn (FRUS, 1961 – 1963, III, tr. 366 – 369). Bản cáo trạng truy tố Đặng Sỹ (hiện được giữ tại Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ) cho rằng đó là lựu đại khói MK3, còn các chuyên viên tin rằng đó là chất nổ plastic. Sau này phái đoàn điều tra Liên Hiệp Quốc cũng kết luận như thế. Nhưng cuộc tra không khám phá ra được ai đã đặt hay ném trái chất nổ đó. Làm gì có chuyện “Quân Đội Nam Việt Nam ở thành phố Huế đã bắn vào các Phật tử đang cử hành Lễ Phật Đản”?
 
Về cái chết của Tổng Thống Ngô Đình Diệm, Ủy Ban lấy lời khai bố lếu bố láo của Lucien Conein rồi kết luận CIA không dính líu gì đến vụ đảo chánh và giết ông Diệm. Trong khi đó, có một nhân chứng quan trọng đã được Tổng Thống Kennedy ra lệnh điều tra xem chuyện gì đã xầy ra sau cái chết của ông Điệm, nhưng lại không được Ủy Ban hỏi đến, đó là ông William R. Corson, một nhân viên CIA cao cấp tại Sài Gòn năm 1963. Đặc biệt, các tướng lãnh Việt Nam thực hiện cuộc đảo chánh 1963 theo lệnh của CIA đang có mặt tại Hoa Kỳ hay ở hải ngoại như Trần Thiện Khiêm, Dương Văn Minh, Trần Văn Đôn, Mai Hữu Xuân, Tôn Thất Đính, v.v., cũng không hề được Ủy Ban kêu ra làm nhân chứng. 
 
Nhưng “Trời bất dung gian”! Ngày 28.2.2003, văn khố Mỹ đã công bố đoạn băng ghi lại cuộc nói chuyện giữa Tổng Thống Johnson với Thượng Nghị Sĩ Eugene McCarthay trong đó có đoạn như sau:
“Ngài nhớ, lúc đầu họ nói với tôi về Diệm. Ông ta tham nhũng và ông ta phải bị giết. Vì thế, chúng ta đã giết ông ta. Tất cả chúng ta đã họp lại với nhau và xử dụng một bọn ác ôn côn đồ đáng nguyền rủa để hạ sát ông ta...”
 
Ít phút sau, ông lại nói với Tướng Maxwell D. Taylor như sau:
“Họ khởi đầu và nói: "Chúng ta phải giết Diệm, bởi vì ông ta không tốt. Chúng ta hãy, chúng ta hãy lật đổ ông ta. Và chúng ta đã làm.”
 
Còn ông William R. Corson xác nhận: 
Mọi chỉ thị từ Averell Harriman... Các lệnh đưa đến cái chết của ông Diệm và bào đệ của ông ta phát xuất từ Harriman và được phụ tá quân sự của Henry Cabot Lodge thực hiện.”
 
Ngày nay, chính Tướng Trần Thiện Khiêm cũng đã thú nhận ông làm theo lệnh của CIA.
 
CHƠI TRÒ ĐÁNH LẬN CON ĐEN
 
Vào đầu năm 2009, hai tập sách được nói là “tài liệu tối mật” của CIA được công bố, một mang tên là “CIA and the House of Ngo: Covert Action in South Vietnam, 1954-1963” (gồm 231 trang, 15 chương) và một mang tên “CIA and the Generals: Covert Support to the Military Government in South Vietnam” (gồm 235 trang, 10 chương). Trên mỗi tập đều có ghi rõ “SECRET” (Bí Mật). Hai tập sách này được phổ biến rộng rãi trên Internet, bất cứ ai cũng có thể lấy xuống để đọc, không cần phải mua như các tài liệu được giải mã trước đây.
 
Đọc hai cái đầu đề nẩy lửa của hai tập sách nói trên, Luật sư Trịnh Quốc Thiên đã vội chụp lấy và hô to: “Chúng tôi hiện có trong tay nhiều tài liệu TOP SECRET (đã giải mật) của cơ quan CIA để kính tường quý vị độc giả gần xa...”! Một số “bình luận gia ta” cũng đã hô to lên như vậy, Sau đó họ trích dẫn búa xua để phản bác những bài viết về chiến tranh Việt Nam của nhiều người.
 
Nhưng đọc kỹ lại hai “tài liệu” đó thì thấy đây chỉ là trò đánh lận con đen của CIA. Hai tập này không phài là hai tập “tài liệu tối mật” của CIA mà chỉ là hai tập sách của của Thomas L. Abern, Jr tóm lược những tài liệu mật (classified) và không mật (unclassified) liên quan đến việc Mỹ can thiệp vào Việt Nam đã được công bố từ trước, chỉ có một số nhỏ mới được công bố ngày 23.3.1999. Luật sư Trịnh Quốc Thiên ít khảo cứu các tài liệu lịch sử, không đọc 24.500 trang tài liệu (mật và không mật) đã được công bố trước đó liên quan đến chiến tranh Việt Nam, nên tưởng “bắt được của” và đưa ra cãi chày cãi cối! 
 
NÓI XUÔI NÓI NGƯỢC
 
Trong hai tập sách nói trên, Thomas L. Abern, Jr. chỉ lượm ra một số chuyện lặt vặt để “hoá giải” một phần trách nhiệm của Hoa Kỳ chứ không lược tóm tiến trình Hoa Kỳ đã can thiệp vào miền Nam, nên người đọc không thể có một cái nhìn tổng quát về vai trò của Mỹ trong chiến tranh Việt Nam. Tiến trình đó có thể được tóm gọn như sau:
 
Ngày 7.7.1954 ông Diệm bắt đầu chấp chánh. Lập tức ngày 20.8.1954 Hội Đồng An Ninh Quốc Gia Hoa Kỳ đưa ra nghị quyết số NSC 5429/2 và thúc ép chính quyền Ngô Đình Diệm đi theo. Nghị quyết đó như sau: 
 
“Pháp phải trao trả hoàn toàn độc lập (kể cả quyền rút lui khỏi Liên Hiệp Pháp) cho Việt Nam và ủng hộ một chính phủ bản xứ mạnh. Diệm phải mở rộng căn bản chính phủ, bầu cử quốc hội, soạn thảo hiến pháp và truất phế Bảo Đại một cách hợp pháp.”
 
Để miền Nam có “một chính phủ bản xứ mạnh”, Hoa Kỳ đã hướng dẫn chính phủ Ngô Đình Diệm thành lập một chế độ độc đảng như Trung Hoa Quốc Dân Đảng của Đài Loan. Chủ trương này đã bị một số viên chức Hoa Kỳ đang hành sự tại Việt Nam phản đối, Nhưng Đại Sứ Reinhardt nói rằng “một quyết định về chính sách của Hoa Kỳ đã được được định rồi” (a U.S. policy decision had been made). “Người Mỹ chúng ta phải giúp đỡ những gì chúng ta có thể giúp được vào việc xây dựng một đảng quốc gia mạnh để ủng hộ ông Diệm. Vì ông Diệm nay là Tổng Thống được bầu, ông ấy cần có một đảng riêng của ông.”
 
Tuy nhiên, khi muốn lật đổ chính phủ Ngô Đình Diệm để đổ quân vào và quyết định số mệnh của miền Nam, Hoa Kỳ đã thay đổi luận điệu, đòi giải tán Đảng Cần Lao và “thực hiện dân chủ để được lòng dân và thắng Cộng Sản”! Những đòi hỏi này và sự khai thác phong trào đấu tranh của Phật Giáo đã làm cho chính phủ Ngô Đình Diệm bị suy yếu rồi lật đổ.
 
Sau khi lật đổ chế độ Ngô Đình Diệm, Hoa Kỳ đã đưa những thành phần thiếu khả năng về cả chính trị lẫn quân sự lên lãnh đạo miền Nam để dễ sai khiến. Nhưng khi muốn bỏ miền Nam, Kissinger lại lập luận rằng miền Nam không thể tồn tại vì sự bất tài của người miền Nam (it's the result of South Vietnamese incompetence)!
 
ĐƯA RA LUẬN ĐIỆU MỚI
 
Trong bài thuyết trình tại cuộc hội thảo về “Kinh nghiệm của Hoa Kỳ ở Đông Nam Á từ 1946 đến 1975” đã nói trên, Kissinger không còn biện minh rằng Hoa Kỳ phải bỏ miền Nam vì sự bất tài của những người miền Nam mà họ đã đưa lên cầm quyền nữa, mà dùng một luận điệu khác. Kissinger giải thích đại khái như sau:
 
Khi mà có sự liên kết giữa vụ Watergate với những sự chia rẻ ở quốc nội, Hoa Kỳ phải cắt viện trợ cho Việt Nam 2 phần 3, trong khi đó giá dầu tăng cao, đã ngăn chận bất cứ viện trợ quân sự nào cho Việt Nam... Đó là sự cảm nhận của tôi về những gì đã xẩy ra. (!!!)
 
Chắc chắn không quốc gia nào ở Đông Nam Á tin vào lời giải thích này của Kissiger. Họ chỉ coi đó như một tín hiệu cho biết Hoa Kỳ muốn tiến sâu hơn vào Đông Nam Á về cả kinh tế lẫn quân sự.
 
Vì phải đối phó với sự bành trướng của Trung Cộng ở Đông Nam Á, và vì nước Mỹ là một thị trường tiêu thụ lớn nhất và vững chắc nhất, các nước Đông Nam Á đang đón Mỹ một cách khá nồng nhiệt, nhưng nước nào cũng muốn giữ “một khoản cách vừa phải” để tránh những thiệt hại nặng khi Mỹ trở mặt.
 
BÀI HỌC LỊCH SỬ KHÓ QUÊN
 
Mặc dầu Mỹ đã vẽ lại lịch sử, nhưng chúng tôi tin rằng lời cảnh cáo của Tổng Tống Ayub Khan về việc ông Diệm bị lật đổ và bị hạ sát, và lời của Thủ Tướng Sirak Matak khi nước Cambodia bị Mỹ bỏ rơi, vẫn là những bài học lịch sử có giá trị đối với các quốc gia muốn có quan hệ với Mỹ.
 
Trong cuốn hồi ký mang tên “The memoirs of Richard Nixon”, Tổng Tống Nixon có kể lại rằng khi đến Pakistan, ông gặp lại người bạn cũ là Tổng Tống Ayub Khan. Tổng Thống Khan đã nói một cách đau buồn về việc hạ sát Tổng Tống Ngô Đình Diệm như sau:
 
“Tôi không thể nói – lẽ ra các ông đừng bao giờ ủng hộ ông Diệm ngay từ đầu. Nhưng các ông đã ủng hộ ông ta trong một thời gian dài và mọi người ở Á Châu đều biết điều đó. Dù họ có tán thành hay không tán thành điều đó, họ biết điều đó. Rồi đột nhiên các ông ngừng ủng hộ ông ta – và ông Diệm đã bị giết.” Ông ta lắc đầu và kết luận: “Việc hạ sát ông Diệm có ba ý nghĩa đối với các nhà lãnh đạo Á Châu: làm một người bạn với Hoa Kỳ là nguy hiểm; trung lập phải trả cái giá của nó; và đôi khi làm kẻ thù (của Hoa Kỳ) lại tốt hơn! Lòng tin cậy như một sợi chỉ mong manh và một khi nó đã đứt, rất khó mà nối lại.”
(Richard Nixon, The memoirs of Richard Nixon, Touchstone, New York 1990, tr. 256 – 257)
 
Ngày 12.4.1975, Thủ Tướng Sirak Matak đã gởi cho ông John Gunther Dean, Đại Sứ Mỹ ở Cambodia một lá thư từ chối ra đi với kết luận như sau: “Tôi đã mắc một sai lầm duy nhất là tin vào những người Mỹ!”
 
Sau kinh nghiệm này, không một nhà lãnh đạo quốc gia nào trên thế giới còn dám “trao linh hồn và xác” cho Mỹ như các tướng lãnh đạo miền Nam Việt Nam đã làm trước đây.
 
Mặc dầu chính phủ Hoa Kỳ thường vẽ lại lịch sử mỗi khi muốn đưa ra một chính sách mới, các sử gia và các học giả Mỹ vẫn nỗ lực không ngừng trong việc trả lại sự thật cho lịch sử.
 
Ngày 19.10.2010
Lữ Giang