Danlambao – Nguyễn Công Ngọ, người vừa mới tái đắc cử Bí thư Tỉnh ủy Bắc Ninh vào ngày 24 tháng 8 vừa qua là người có bước thăng tiến vượt bậc. Khởi đi từ một công nhân thuộc công ty xây dựng Vinaconex 9 đóng tại Ninh Bình, ông ta chạy chọt để về phòng tổ chức tại huyện Tiên Sơn cũ.
Với số tiền kiếm được tại Nga và khả năng luồn lách, bôi trơn thượng thừa Ngọ đã nhanh chóng nhảy lên vị trí Phó chủ nhiệm Ban Kiểm tra Huyện ủy Tiên Sơn, rồi Bí thư Huyện ủy Tiên Sơn, Trưởng ban kiểm tra tỉnh ủy Bắc Ninh. Những cái ghế mà Ngọ đã từng ngồi qua là Giám đốc Sở Nội vụ, Trưởng ban Tổ chức Tỉnh uỷ, Phó chủ tịch, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh, trước khi được bầu làm Chủ tịch UBND tỉnh, Phó Bí thư tỉnh ủy Bắc Ninh và Bí thư Tỉnh Ủy Bắc Ninh.
Nguyễn Công Ngọ rất có biệt tài dùng tiền chạy cấp trên, và nuôi đệ tử để đệ tử có khả năng cung tiến tiền tiếp tục chạy tiếp. Hầu hết các đệ tử của Ngọ đều bị dính phốt và bị tố cáo dữ dội. Một trong những đệ tử cật ruột của Ngọ là Nguyễn Trọng Kích, Chủ tịch UBND huyện Tiên Du. Du là đồng chí cúc cung tận tụy phục vụ Ngọ nhiều năm và dâng hiến cho Ngọ vô vàn bổng lộc. Món quà lớn nhất trong nhiều món quà mà Kích dâng cho Ngọ là một mảnh đất ở thị trấn Lim, huyện Tiên du đứng dưới tên con gái và con rể của Ngọ, nhưng Kích là người đứng ra thanh toán số tiền 70 triệu nộp ngân sách nhà nước.
Tuy nhiên dân Lim đâu có phải là dân ngu, nên đã phản ánh trong dư luận. Thấy động và tìm đường hạ cánh an toàn, con gái và con rể của Ngọ đã bán ngay căn nhà đó cho người khác với giá 850 triệu đồng. Khi dân kiện dữ dội, thanh tra chính phủ phải vào cuộc, Ngọ phải cứu đệ tử bằng việc rút Kích về làm chi cục trưởng chi cục kiểm lâm Bắc Ninh. Để lo vụ này Kích phải bán đi một căn nhà với giá 900 triệu, và đến giờ này khi uống rượu với các đồng chí chiến hữu, Kích vẫn ngầm ấm ức.
Sau vụ mảnh đất Lim bị khui hủ mắn, Nguyễn Công Ngọ thay Kích bằng Dưỡng, một người không biết soạn nổi một văn bản, chỉ biết ký và uống rượu. Vì thế mới có chuyện hài hước ở Tiên Du, người không có chuyên môn về quản lý kinh tế thì làm phó chủ tịch quản lý khối kinh tế, còn người có chuyên môn quản lý kinh tế thì làm quản lý khối văn xã.
Nguyễn Công Ngọ đi học thạc sĩ quản lý giáo dục, cùng khóa với Hoàng Thương Lượng - chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái, một loại bằng cấp giao lưu hữu hảo, chứ Ngọ chưa một ngày nào làm việc trong môi trường giáo dục.
Một đệ tử khác của Nguyễn Công Ngọ là Nguyễn Hữu Thành. Ngọ đưa Thành về quản lý Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn, một mảnh đất mầu mỡ với vô vàn dự án đắp xong mà sau một trận mưa là vỗ tay. Ông tỉnh ủy viên kiêm Giám đốc Sở Nông nghiệp này dù vi phạm đẻ 3 con vẫn bình yên vô sự, không hề có một quyết định kỷ luật nào.
Nguyễn Hữu Thành là tiến sĩ về nông nghiệp nhưng hoàn toàn không hề có ngày nào đi học. Thành phải dùng 300 triệu để chạy bằng tiến sĩ. Noi gương Thành, Ngọ, một loạt các quan chức con cháu đệ tử của Ngọ đi học tiến sĩ, thạc sĩ bằng tiền như Tiến sĩ Nguyễn Hữu Thành, Thạc sĩ Nguyễn Trọng Kích, Tiến sĩ Nguyễn Nhân Lừng, tiến sĩ Nguyễn Phương Bắc, Tiến sĩ Trần Văn Túy, Tiến sĩ Nguyễn Đức Lê và hàng loạt các tiến sĩ, thạc sĩ học kiểu mua bằng. Tiến sĩ nhưng hoàn toàn không hề biết một ngoại ngữ nào. Ở Bắc Ninh có khá nhiều tiến sĩ làm trong các cơ quan công quyền nhưng rất lạ là không có bất kỳ một tiến sĩ nào biết ngoại ngữ.
Nguyễn Văn Phong – Giám đốc Đài Phát thanh & Truyền hình tỉnh Bắc Ninh là đệ tử ruột khác của Ngọ. Phong nổi tiếng với vụ bắt tay với nhà thầu VTV nâng khống giá thiết bị truyền hình lên 1,6 tỷ đồng. Bị công ty kiện lên kiện xuống, nhưng dưới sự đạo diễn của Phong và Nguyễn Đức Lê – Giám đốc Sở Kế hoạch Đầu tư Bắc Ninh đã dẹp yên vụ này. Với số tiền kiếm được sau vụ này, Phong chạy Ngọ để rời khỏi đài truyền hình tỉnh, vốn là địa chỉ không mầu mỡ để về làm Bí thư Huyện ủy Gia Bình, nơi mầu mỡ nhất phía Nam sông Đuống. Vụ này, Nguyễn Văn Phong không dám ăn không 1,6 tỷ này, phải dùng tiền chạy chọt nếu Phong còn ở lại thì chắc chắn khi công an vào điều tra sẽ dễ dàng bị đi tù.
Để mở đường cho Nguyễn Văn Phong, Bí thư huyện ủy Gia Bình là Trần Thế Thụ được Ngọ mang ra làm con tốt thí.
Sự việc khởi đi vào ngày 15/6/2009, UBND huyện Gia Bình đã có Công văn số 165/CV-UBND gửi UBND tỉnh Bắc Ninh báo cáo và đề nghị tỉnh cho phép các chủ lò được đốt một khói trong thời gian huyện đã thu hoạch xong lúa xuân, trước khi gieo mạ lúa mùa, từ ngày 18/6 đến ngày 25/6/2009. Trong khi chờ tỉnh cho phép, nhiều lò gạch ở một số huyện bạn đã đồng loạt đun đốt và ngày 18/6, đồng loạt 425 chủ lò của huyện Gia Bình đã “nổi lửa” đốt gạch trái phép. Giống như vụ việc xảy ra tại đại học Phan Châu Trinh, Đà Nẵng, UBND tỉnh không phúc đáp kịp thời, mà thời gian trước khi gieo mạ mùa rất ngắn, việc đốt lò dù gây ô nhiễm nhưng không ảnh hưởng tới vụ lúa. Thực chất việc thu tiền được quản lý tài chính minh bạch, khi vào điều tra thì công an bới bèo ra bọ chứ toàn bộ số tiền thu được đều được đưa vào đầu tư công trình phúc lợi, các quan chức vụ này không bị khởi tố vì tội tham nhũng.
Thực chất Trần Thế Thụ vốn là con người hay nói thẳng, nói thật nên trong các cuộc họp hội đồng nhân dân tỉnh, họp giao ban ủy ban nhân dân tỉnh và tỉnh ủy, Trần Thế Thụ là người hay chất vấn với giọng điệu gay gắt nhất. Và hầu hết các chất vấn của Trần Thế Thụ là hoàn toàn đúng với sự thật. Vì thế nên Trần Thế Thụ từ lâu đã là cái gai trong mắt Nguyễn Công Ngọ. Từ đó, Nguyễn Công Ngọ đã chỉ đạo diệt Trần Thế Thụ, mở đường cho Phong, đệ tử thân tín của Ngọ nhảy vào ghế xếp sòng Gia Bình.
Phụ trách trực tiếp việc điều tra Thụ là Nguyễn Đăng Lợi, phó giám đốc Công an Bắc Ninh, vốn là người của Ngọ, từng được Ngọ dựng lên bí thư huyện Tiên Du rồi lên vị trí phó giám đốc công an tỉnh, có khả năng trở thành giám đốc công an tỉnh trong thời gian tới đây.
Kết quả là vào ngày 30 tháng 12 năm 2009, Thụ đã bị Nguyễn Công Ngọ chỉ đạo công an tỉnh tóm sống về tội lạm dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ và sau đó tống vào tù hành hạ như thời trung cổ, đến mức văn phòng luật sư Vì Dân phải kêu lên một cách thống thiết khổ đau. Cùng chung số phận với Thụ còn có Nguyễn Văn Khởi, Phó phòng Tài nguyên – Môi trường huyện Gia Bình. Thụ vào tù, Giám đốc Đài Phát thanh & Truyền hình tỉnh Bắc Ninh là Nguyễn Văn Phong ngay lập tức được cử về làm Bí thư Huyện ủy Gia Bình.
Đi ngược thời gian, sau khi Nguyễn Thế Thảo về Hà nội, hầu hết các vị trí “người của Thảo” đều bị o ép để bỏ đi hết. Các giám đốc ban quản lý dự án đều phải bỏ của chạy lấy người. Các công trình sau thời của Nguyễn Thế Thảo đều bị nâng khống giá vô tội vạ, chất lượng công trình vô cùng ẩu. Ngân sách tỉnh như túi riêng của Ngọ. Dưới sự lãnh đạo của ban lãnh đạo người của Nguyễn Công Ngọ, tốc độ bán đất của Bắc Ninh mấy năm vừa qua tăng nhanh kinh khủng. Mỗi năm thu ngân sách từ nguồn vốn quỹ đất, thực chất là bán đất giá rẻ cho các doanh nghiệp lên tới mấy ngàn tỷ đồng, và được đốt vô tội vạ vào các công trình vô bổ như trụ sở, mua sắm thiết bị cơ quan.
Sau một khóa trị vì ghế Bí thư Tỉnh ủy Bắc Ninh, Ngọ đã khống chế hầu hết các vị trí ngon nhất, hầu hết các giám đốc sở đều là người của Ngọ. Giám đốc sở giáo dục đào tạo chỉ đạo nâng khống giá trang thiết bị, máy vi tính bình thường mua chỉ khoảng 8-10 triệu thì Sở Giáo dục mua máy cũ 15 triệu.
Nguyễn Công Ngọ đúng là một lãnh chúa của người dân Kinh Bắc, bắt sông cạn phải cạn, bắt núi mòn phải mòn. Giờ đây con cháu đệ tử của Nguyễn Công Ngọ đã đan kín các cơ quan công quyền của Bắc Ninh, đến mức không có cơ quan ban ngành nào không có người của Ngọ. Bộ máy công quyền tha hóa đến cùng cực, bởi tốc độ đua tranh kiếm tiền để nuôi quan trên ngày càng khốc liệt hơn. Trước đây chạy chức chỉ vài chục triệu thì giờ đây chạy trưởng phòng đã mất vài trăm triệu, chạy công chức mất ít nhất 70-80 triệu đồng. Nhiều em sinh viên sư phạm ra trường với bằng giỏi chỉ vì bố mẹ nghèo nên đành phải chấp nhận chuyển sang làm nghề khác, một số hãn hữu phải dạy hợp đồng với mức lương chưa tới 1 triệu đồng một tháng và không bao giờ có khả năng vào được biên chế nữa.
Ngành giáo dục Bắc Ninh trở nên nát be bét, hầu hết giáo viên giỏi đều chạy hết sau một khóa trị vì của tên quan đại tham nhũng Đặng Văn Hướng – Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Bắc Ninh, là một tay chân của Ngọ. Mấy năm làm giám đốc Sở Giáo dục là mấy năm Đặng Văn Hướng tham nhũng hàng chục tỷ đồng bằng các thủ đoạn như nâng khống giá trị máy móc thiết bị phòng thí nghiệm, bố trí điều chuyển giáo viên, ăn chặn tiền đầu tư xây dựng cơ bản. Nhưng tên Hướng này vì đầu óc ngu dốt mà lại tham lam nên hầu hết các việc hắn làm đều để lại dấu vết, chỉ cần kiểm tra việc thực hiện xây dựng, mua sắm và bố trí giáo viên là ra ngay lập tức.
Dân Bắc Ninh đang rên xiết trước thủ đoạn của bè lũ tham quan Nguyễn Công Ngọ và đồng bọn. Trời đâu có thấu nổi.