Khoảng trên dưới 10 năm nay, người Việt Nam dường như có một đam mê mới: lập kỷ lục. Đọc báo chí trong nước, chúng ta thường xuyên bắt gặp những kỷ lục này kỷ lục nọ với vẻ đầy tự hào. Từng cá nhân, từng công ty, từng hội đoàn thi nhau lập kỷ lục. Hết chiếc gùi lớn nhất thì đến chiếc cốc lớn nhất, hết chai dầu ăn lớn nhất thì đến ly rượu làm bằng gỗ sồi lớn nhất, hết bức thư pháp Truyện Kiều lớn nhất thì đến cuốn thơ in trên giấy dó lớn nhất, hết bài thi (về 60 năm nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam) nặng nhất thì đến lá cờ lớn nhất, hết chiếc bánh chưng lớn nhất thì đến chiếc chiếu lớn nhất; hết tượng con gà lớn nhất thì đến cuốn almanach về phụ nữ dày và nặng nhất, v.v…
Ngay trong dịp kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội vừa rồi, người ta cũng cố gắng lập kỷ lục: lễ hội hoành tráng nhất, buổi diễu hành đông nhất, buổi đốt pháo hoa lâu nhất và đẹp nhất, con đường gốm sứ dài nhất, v.v…
Tâm lý thích những cái nhất như vậy hầu như ngự trị khắp nơi, từ cá nhân đến chính phủ. Ai cũng thích lập kỷ lục. Chủ trương biến trường đại học Việt Nam, vào năm 2020, được lọt vào danh sách 200 trường đại học đứng đầu thế giới cũng nằm trong thứ văn hóa kỷ lục ấy. Rồi chuyện đào tạo mấy chục ngàn tiến sĩ trong vòng 10, 15 năm nữa, cũng vậy.
Đằng sau những giấc mơ lập kỷ lục ấy là thứ tâm lý thích chơi trội. Thật ra thì cũng chả có gì đáng trách. Đó là tâm lý của nhân loại nói chung. Ai mà lại không thích nổi trội hơn người khác? Học trong lớp, ai lại không thích đứng nhất? Đi làm, ai lại chẳng thích trở thành người giỏi nhất trong sở, trong công ty, hoặc tham vọng hơn, trong ngành? Ngay trong giới cầm bút, tôi không tin là không có người nào không ôm ấp giấc mơ trở thành một nhà văn hay nhà thơ hàng đầu, thậm chí, dẫn đầu. Giấc mơ ấy không có gì đáng chê trách cả. Nó là động cơ để người ta không ngừng nỗ lực vượt lên người khác và vượt lên cả chính mình.
Ở Tây phương, người ta rất khuyến khích những tham vọng như thế. Trong giáo dục, người ta dạy cho trẻ em, ngay từ những năm đầu tiên của trung học, về thuật lãnh đạo (leadership), trong đó yêu cầu quan trọng nhất là vừa có tham vọng và tự tin lại vừa có khả năng làm việc với người khác để đạt được những thành tích xuất sắc. Tuyển nhân viên, không ai muốn nhận những người quá an phận thủ thường, không có chút tham vọng tiến thân nào cả: người ta cho đó là dấu hiệu của sự thiếu tự tin và lười biếng. Đối với giới làm chính trị, người ta xem tham vọng là một đức tính. Người nào thiếu tham vọng lãnh đạo người đó bị xem là thiếu can đảm và không đáng tin cậy.
Tham vọng lập kỷ lục là điều chính đáng. Nhưng cách thức lập kỷ lục mới đáng bàn. Trong cách thức lập kỷ lục ở Việt Nam, có hai vấn đề lớn: thứ nhất là không thật, và thứ hai là không cần thiết.
Xin bàn về chuyện không thật trước. Đã có nhiều người phanh phui trên báo chí trong nước về những sự giả dối đằng sau nhiều kỷ lục. Nổi tiếng và tai tiếng nhất là vụ độn xốp vào cái bánh chưng được xem là lớn nhất trong lịch sử. Thay vì chỉ có nếp và nhân, người ta độn xốp vào giữa cái bánh chưng để nó đồ sộ hơn. Đó là chưa kể nhiều cái bánh mới bày ra nhân đã hư hết, không thể ăn được. Ngay cái con đường gốm sứ được xem là dài nhất thế giới được khai trương nhân lễ hội 1000 năm Thăng Long - Hà Nội cũng vậy. Mới hoàn tất đã xuất hiện vô số những vết rạn và vết nứt loang lổ rồi!
Rồi chuyện tiến sĩ cũng vậy. Người ta muốn Việt Nam có thật nhiều tiến sĩ, nhưng cùng lúc đó, người ta lại phát hiện ở Việt Nam có vô số bằng tiến sĩ ma, tiến sĩ giấy, tiến sĩ học trong vòng vài ba tháng, tiến sĩ không cần viết luận văn và thật ra, cũng chẳng cần nghiên cứu, chẳng cần có chút kiến thức gì cả; những bằng tiến sĩ được cấp bởi các cơ sở chuyên chế tạo bằng dỏm bị xem là bất hợp pháp trên thế giới.
Nhưng quan trọng nhất là chuyện: liệu trong hoàn cảnh và điều kiện Việt Nam hiện nay, người ta có cần những kỷ lục như vậy hay không? Liệu chúng có ích gì không? Ví dụ: chuyện một trường đại học nào đó của Việt Nam được lọt vào danh sách 200 trường đại học hàng đầu thế giới có ích gì khi nguyên cả hệ thống giáo dục Việt Nam, từ tiểu học đến trung học và đại học đều bị xuống cấp trầm trọng? Liệu việc chúng ta có cả hàng chục ngàn tiến sĩ có ích gì không khi cả hàng triệu học sinh trung học không được trang bị những kiến thức tối thiểu, chuyện hàng trăm ngàn sinh viên chỉ học chay và thiếu cả những kỹ năng nghiên cứu căn bản nhất? Liệu việc tổ chức rầm rộ và tốn kém cái lễ hội 1000 năm Thăng Long - Hà Nội có ích gì không khi ngay cả chút tự hào, thậm chí, tự trọng dân tộc tối thiểu, ở cả giới lãnh đạo và giới làm văn hoá, cũng không có? Liệu những tuyên dương và tuyên truyền ồn ã về lịch sử và văn hoá Việt Nam có ích gì không khi ngay cả chút ý thức vệ sinh và tôn trọng của công thông thường như không xả rác bừa bãi, không dẫm đạp lên hoa và cây cảnh cũng không có?
Tất cả những điều nêu trên không phải là ý kiến của tôi. Rất nhiều trí thức trong nước đã phát hiện và phát biểu điều đó. Trong bài “Đừng say sưa với các kỷ lục”, nhà phê bình Vương Trí Nhàn viết:
“Trong dịp Đại lễ, hàng loạt những kỷ lục được công bố liên tục khiến người xem thực sự “chóng mặt”. Nhưng đáng buồn là có những kỷ lục vẩn vơ, không có ý nghĩa gì cả.
Một bài thơ đầu tiên viết về một cây cầu sẽ chẳng có giá trị gì nếu chỉ là nó đang tồn tại trên đời. Cái quan trọng là nó hay như thế nào thì không mấy ai để ý đến.
Trong dịp Đại lễ có rất nhiều kỷ lục được xác lập và công bố rộng rãi. Tuy nhiên, Các kỷ lục rất ít về chất lượng, chỉ chú ý đến số lượng, to nhất, lớn nhất, dài nhất... còn cái kỹ càng nhất, đẹp nhất thì không ai ghi nhận cả.” http://danviet.vn/17754p1c30/dung-say-sua-voi-cac-ky-luc.htm
Nhà văn Nguyên Ngọc, trong bài “Kiểm điểm văn hoá” đăng trên báo Sài Gòn Tiếp Thị ngày 18/10, cũng có quan niệm tương tự dù từ cách nhìn khác. Sau khi so sánh sự hoành tráng của ngày lễ hội 1000 năm Thăng Long - Hà Nội và bãi rác khổng lồ sau đó, Nguyên Ngọc đã gọi những ý đồ lập kỷ lục này nọ chỉ là những trò “nhố nhăng” và “vớ vẩn”. Ông xem đó như là một biểu hiện của tình trạng xuống cấp văn hoá trầm trọng và nguy hiểm ở Việt Nam. Ông viết:
“Có phải có một điều gì đó không cách xa nhau lắm, không thật sự khác nhau giữa cái diêm dúa, phô trương, ồn ĩ, xa xỉ, phản cảm, cả vô cảm nữa (trước đại lũ miền Trung) của lễ hội… với cái bừa bãi xấu xa đáng buồn ngay sau lễ hội. Cái này chỉ là tiếp tục lôgíc của cái kia. Theo cách nào đó thì cả hai thứ ấy là đồng bộ, là cùng một văn hoá, một xuống cấp văn hoá. Cũng là đồng bộ với văn hoá quyết chí trở thành thủ đô rộng lớn thứ nhì hay thứ ba thế giới – chỉ sau Tokyo (Tokyo đông đến thế là từ tác động của công nghiệp hoá một thời; nhân loại văn minh ngày nay đã biết rằng hạnh phúc nhất là được sống trong những thành phố nhỏ chứ không phải những thành phố khổng lồ), đồng bộ với các cuộc đua tranh kỷ lục Guinness nhố nhăng, những đường gốm sứ dài nhất thế giới, những nhà cao nhất, đại lộ rộng nhất và dài nhất, bánh chưng, bánh giầy cũng lớn nhất nước, lại có cả tượng Lý Thái Tổ đội mũ Tàu… Tốn kém, kỳ dị bao nhiêu, mà rồi để làm gì? Chẳng lẽ Thăng Long Hà Nội sau nghìn năm đã trở thành trẻ con đến mức ấy để lao vào các trò ganh đua vớ vẩn?” http://sgtt.vn/Van-hoa/131138/Kiem-nghiem-van-hoa.html
Rồi ông cảnh báo:
“Chúng ta vẫn nói đi nói lại bao nhiêu lần rằng dân tộc đã tồn tại được qua tất cả các thách thức khốc liệt và uy hiếp nặng nề, thâm hiểm nhất là vì văn hoá, nhờ văn hoá; nhưng hình như lại không thật sự lo sợ trước sự xuống cấp văn hoá hiện nay, thể hiện chẳng hạn trong sự phô trương loè loẹt suốt mười ngày và trong cuộc tàn phá kỳ quặc, vô lý sau mười ngày ồn ào vừa rồi. Kỷ niệm một nghìn năm Thăng Long là một kiểm nghiệm, kiểm nghiệm trước hết về chính văn hoá ấy. Và kết quả kiểm nghiệm thì quả đáng buồn, thậm chí báo động.”
Chúng ta cần làm gì trước kết quả kiểm nghiệm đáng buồn và đáng báo động ấy?
Xin nhường câu trả lời cho những người khác. Ở đây, tôi xin xin nhấn mạnh một điều: làm gì thì làm, nhưng điều cần làm trước tiên là đừng né tránh sự thật.
Không thể thay đổi điều gì cả nếu chúng ta cứ tiếp tục tự lừa dối mình |
|