Cứ tưởng chỉ có chính quyền cộng sản Trung Quốc "nóng mũi" trước việc trao giải Nobel Hòa Bình 2010 cho Lưu Hiểu Ba. Té ra, chính quyền cộng sản Việt Nam cũng tức tối chả kém gì thằng anh nó (hay đúng hơn là thằng bố nó).
Xin xem bài "phân tích" của báo "Công An Nhân Dân" sau đây:
Một quyết định sai lầm
8:45, 14/10/2010Nguyễn Quốc Uy
Ngày 8/10 vừa qua, Ủy ban Giải Nobel Hòa bình, đặt trụ sở tại Oslo (Na Uy), đã công bố quyết định tặng Giải Nobel Hòa bình năm 2010 cho Lưu Hiểu Ba, một người Trung Quốc đang thụ án tù mà báo chí phương Tây mô tả là "nhân vật bất đồng chính kiến".
Theo TTXVN, Lưu Hiểu Ba, 54 tuổi, đã bị một tòa án ở Bắc Kinh kết án 11 năm tù giam vào ngày 25/12/2009, vì tội âm mưu lật đổ chính quyền.
Tháng 6/2009, khi đưa tin về vụ xét xử Lưu Hiểu Ba, Đài BBC đã dẫn lại tuyên bố của Sở Công an Bắc Kinh nói với Tân Hoa xã rằng: "Trong những năm gần đây, ông Lưu đã tham gia vào các hoạt động kích động, như tung tin đồn và bôi nhọ chính phủ, nhằm lật đổ nhà nước...", và rằng ông Lưu "đã nhận tội trong cuộc điều tra của cảnh sát".
Quyết định tặng Giải Nobel Hòa bình cho Lưu Hiểu Ba, vì vậy, đã vấp phải phản ứng rất mạnh từ phía Bắc Kinh.
Theo tin của Tân Hoa xã, được TTXVN trích thuật, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Mã Triều Húc đã coi quyết định này là sự "bôi nhọ" đối với giải Nobel Hòa bình và "có thể làm tổn hại mối quan hệ giữa Trung Quốc và Na Uy".
Ông Mã Triều Húc nhấn mạnh: "Theo ý nguyện của ông Alfred Nobel, người sáng lập giải Nobel Hòa bình, giải thưởng này phải được trao cho người có đóng góp cho sự hòa hợp dân tộc, tình hữu nghị giữa quốc gia này với quốc gia khác, thúc đẩy giải trừ vũ khí, tổ chức và tuyên truyền các hội nghị hòa bình. Lưu Hiểu Ba là một tội phạm bị Tòa án Trung Quốc kết tội vì vi phạm luật pháp Trung Quốc. Những gì Lưu Hiểu Ba làm hoàn toàn đi ngược lại mục đích của giải Nobel Hòa bình. Vì thế, quyết định trao giải Nobel Hòa bình cho một nhân vật như vậy là bôi nhọ giải thưởng này, đồng thời có thể làm tổn hại mối quan hệ vốn tốt đẹp giữa Trung Quốc và Na Uy".
Phản ứng của Trung Quốc là dễ hiểu.
Giáo sư Sergei Luzyanin của Trường đại học Tổng hợp quan hệ quốc tế thuộc Bộ Ngoại giao Nga, được Đài Tiếng nói nước Nga dẫn lời, nói rằng việc trao cho Lưu Hiểu Ba giải thưởng Nobel Hòa bình là "bước đi mang tính tư tưởng 100%, bị chi phối bởi động cơ mang tính chất chống Trung Quốc".
Giáo sư Sergei Luzyanin còn cho rằng quyết định này phần nào chịu tác động không chính thức từ các quỹ và tổ chức Mỹ vốn luôn phê phán tình trạng nhân quyền ở Trung Quốc và trên thế giới.
Nếu vậy, dư luận có quyền đặt dấu hỏi về tính "độc lập" và sự "công tâm" của Ủy ban Giải Nobel Hòa bình.
Một hiệu ứng khác của quyết định trao giải Nobel Hòa bình cho Lưu Hiểu Ba là ngay lập tức nó đã có tác dụng như một liều thuốc kích thích khuấy lên "làn sóng", chủ yếu ở phương Tây, đòi Trung Quốc trả tự do ngay cho Lưu Hiểu Ba, gây tác động bất lợi cho sự ổn định chính trị và an ninh trật tự ở Trung Quốc.
Nói cách khác, người ta đã lợi dụng sự kiện này để can thiệp vào công việc nội bộ của Trung Quốc.
Các phần tử nhân danh cái gọi là "dân chủ" và "nhân quyền" đang mưu toan tiến hành các hoạt động lật đổ chính quyền ở Trung Quốc, Việt Nam và một số quốc gia khác chắc chắn đã được khích lệ rất nhiều trước quyết định trao giải Nobel Hòa bình cho Lưu Hiểu Ba.
Thế là một giải thưởng nhằm tôn vinh các nỗ lực phấn đấu vì hòa bình cho nhân loại theo di huấn cao cả của Alfred Nobel, trong trường hợp này, đã bị biến thành một công cụ chính trị cổ vũ cho những mưu toan gây rối với mục đích lật đổ chính quyền ở một số quốc gia không chịu tuân theo các "giá trị dân chủ" kiểu phương Tây.
Làm như vậy, người ta đã gây tổn hại cho danh giá của giải thưởng hòa bình mang tên Nobel.
Rõ ràng, việc chọn một nhân vật như Lưu Hiểu Ba để trao giải Nobel Hòa bình là một quyết định sai lầm
N.Q.U.
http://antg.cand.com.vn/vi-VN/sukien/2010/10/73571.cand