"Hèn mà còn nhận ra mình là thằng hèn, là hèn tử tế. Hèn mà ngậm miệng ăn tiền là hèn nhơ bẩn.
Hèn mà ngậm máu phun người là hèn bất nhân. Hèn bán đất bán nước thì trời tru đất diệt"
(Phạm Chuyên)

Mittwoch, 20. Oktober 2010

Lớp trẻ gốc châu Á ở Pháp học rất giỏi, nhất là nữ giới

Một sinh viên Việt Nam tại Diễn đàn Pháp - Á lần thứ nhất tổ chức tại Pháp tháng 11/2009.
Một sinh viên Việt Nam tại Diễn đàn Pháp - Á lần thứ nhất tổ chức tại Pháp tháng 11/2009.

Thụy My, RFI
 
Một công trình của Viện Nghiên cứu Dân số quốc gia Pháp, khảo sát trên nhiều người nhập cư và con cháu của họ, được công bố mới đây đã cho thấy, thanh thiếu niên gốc châu Á tại Pháp học giỏi nhất so với những người gốc Phi châu hoặc Bắc Phi, gặt hái nhiều thành công hơn cả người Pháp chính gốc.

Có đến phân nửa số phụ nữ người châu Á sống tại Pháp, trong độ tuổi từ 18 đến 50 tuổi tốt nghiệp đại học và cao đẳng, trong khi tỉ lệ này đối với phụ nữ Pháp là 37%. Còn nam giới châu Á có trình độ học vấn đại học và cao đẳng cũng xấp xỉ 47%.
Ở Mỹ, các nhà nghiên cứu từ nhiều năm qua đã phân tích sự thành công của những người Mỹ gốc Hoa. Theo giáo sự Peter Kwong ở đại học Hunter, New York, thì đó là do bề dày văn hóa, truyền thống đặt nặng sự thành đạt đặc biệt là về tài chính... Còn tại Pháp, các nhà nghiên cứu rất chú ý đến thế hệ trẻ người Việt Nam, Lào, Cam Bốt, Trung Quốc…Những người trẻ này rõ ràng vượt lên khỏi số phận của cha mẹ mình, thường là hẩm hiu.

Đó là vì các thế hệ người nhập cư, ở nước nào cũng vậy, thường theo một chu trình không thay đổi. Thế hệ thứ nhất thường không sử dụng được những bằng cấp, ngành nghề đã được đào tạo từ nước mình, và như vậy đành phải chấp nhận một vị trí xã hội khiêm tốn. Con cái họ thì hòa nhập được vào quê hương mới, còn thế hệ thứ ba có thể thật sự làm rạng danh nguồn cội.

Nếu con cháu những người châu Á có thể đốt giai đoạn được, thì đối với người gốc châu Phi đen, người Bắc Phi hay người Thổ Nhĩ Kỳ có khó khăn hơn, tuy phụ nữ thì tương đối khá. Nữ giới gốc Bắc Phi và Phi châu chăm học hơn nam, tìm được việc làm dễ hơn, và một phần ba có được bằng đại học hay cao đẳng. Chỉ trừ phụ nữ gốc Algérie có kém hơn một chút, riêng phụ nữ gốc Thổ Nhĩ Kỳ thì hiếm khi có được bằng cấp và cũng ít đi làm.

Còn đối với nam giới thì chật vật hơn. Xuất thân từ các gia đình bình dân, họ ít thành công hơn trên con đường học vấn, và thường chọn cách học nghề. Con cái các gia đình khá giả hơn thì dù có bằng đại học vẫn khó tìm được việc làm hơn người Pháp chính gốc, và khi được nhận vào làm việc thì lương cũng thấp hơn khoảng 10%.

Cuộc điều tra cũng ghi nhận, nếu 11% số người nhập cư đến Pháp trước năm 1974 tốt nghiệp đại học, thì nay tỉ lệ này lên đến 29%. Có nghĩa là đang có hiện tượng chảy máu chất xám sang các nước phát triển, và thường thì giới chủ thích tuyển những người nhập cư mới này.