Việc cứu trợ bão lụt vẫn đang được tiếp tục tại miền Trung Việt Nam theo sau hai đợt lũ lụt từ đầu tháng Mười với Hồng Thập Tự quốc tế nay vào cuộc tham gia cứu trợ.
Theo các con số của tổ chức Hồng Thập Tự quốc tế thì hơn 60 người chết, 27 người khác được khẳng định đã chết, với 25 người mất tích và lũ lụt đã ảnh hưởng tới cuộc sống của gần nửa triệu người.
Trong cuộc phỏng vấn của BBC Việt Ngữ, ông Bhupinder Tomar, Giám đốc Hồng Thập Tự quốc tế tại Việt nam, cho biết về tình hình lũ lụt và những nỗ lực của tổ chức này trong việc cứu trợ tại đây.
Ông B.Tomar: Đây là đợt lụt thứ hai trong vòng ba tuần tại năm tỉnh miền Trung Việt Nam. Quảng Bình, Hà Tĩnh, Nghệ An đã bị ảnh hưởng của cả hai đợt lũ lụt. Chúng tôi đã cung cấp thức ăn và nước uống. Thức ăn cụ thể là mỳ ăn liền và nước sạch bao gồm nước chai và bình và viên lọc nước cho những nơi mà người dân không có được nước sạch sử dụng. Cho tới nay chúng tôi cũng đã quyên góp được 300 ngàn đô la Mỹ từ nhiều tổ chức khác nhau, kể cả từ chính phủ Mỹ và từ quỹ cứu trợ khẩn cấp mà chúng tôi có được, cùng với hơn 100 ngàn đô la do Hồng thập tự Việt Nam quyên góp được để giúp khoảng 20-30 ngàn gia đình tại Việt Nam.
BBC: Ông có thể cho biết khó khăn nhất hiện Hồng thập tự đang phải đương đầu trong việc cứu trợ hiện nay là gì?
ÔNG B.TOMAR: Hiện có hai nhóm cần được trợ giúp: nhóm bị ảnh hưởng của đợt lũ trước, từ hôm 1-6 tháng 10, và nhóm bị ảnh hưởng do cả hai đợt lũ lụt. Tôi cho rằng khó khăn là với những người bị ảnh hưởng của cả hai đợt lụt vì họ đã đang ở trong tình trạng không có nơi trú thân ổn định, như ở trên nóc nhà hay trong các nơi ở tạm và nay tình trạng này sẽ còn kéo dài.
Đây chính là lo ngại của chúng tôi nếu tình trạng này vẫn không thay đổi. Thách thức trong việc giúp những người bị ảnh hưởng của đợt lụt trước mà nay nước đã rút đi là cung cấp đồ ăn nước uống và chỗ ở cho họ và đặc biệt là cung cấp hạt giống cho vụ mùa sắp tới vì một lượng hạt giống lớn đã bị mất do lũ lụt, có những nơi mức nước lên cao tới 2-3m. Có nơi người dân nói là nước cao nhất từ 150 năm nay.
BBC: Một điều là năm nào cũng vậy vào mùa này, miền Trung lại bị ảnh hưởng nặng nề về bão lụt và những gì Hồng Thập Tự làm hiện nay là giải quyết cứu trợ khẩn cấp và trước mắt. Vậy liệu một tổ chức như Hồng Thập Tự có thể làm gì về lâu về dài để khi bị bão lụt người dân sẽ bị ảnh hưởng nặng nề như hiện nay?
ÔNG B.TOMAR: Đây quả là một câu hỏi rất thú vị. Tôi cho rằng thách thức đối với miền Trung Việt Nam đó vừa là mức độ ảnh hưởng trở nên ngày một nghiêm trọng hơn và đồng thời vừa là tình trạng không biết trước điều gì sẽ xảy ra cũng gia tăng.
Những nỗ lực luôn là không đủ để đáp ứng được các nhu cầu cứu trợ, và chúng ta luôn phải chạy theo để cố gắng đáp ứng những nhu cầu này. Do vậy chúng ta chỉ có thể giải quyết vấn đề trên phương diện về lâu về dài bằng cách đầu tư vào việc chuẩn bị và sẵn sàng phòng chống thiên tai trong nhân dân và đồng thời xem xét việc gia tăng sức chống đỡ của cộng đồng bằng cách đầu tư vào các hệ thống thủy lợi và đầu tư vào khía cạnh quản lý trong việc phòng chống thiên tai.
Hồng Thập Tự có kinh nghiệm lâu năm tại Việt Nam trong lĩnh vực này. Năm nay chúng tôi sẽ làm đánh giá dự án 15 năm của Hồng Thập Tự tại Việt Nam theo đó chúng tôi đã giúp 500-600 cộng đồng trong việc nâng cao nhận thức người dân, và tự cứu giúp mình như di tản, cũng như trong việc cung cấp các thuyền cứu trợ, áo phao v.v. để người dân có thể được di tản kịp thời và có liên lạc với các hệ thống cảnh báo đã được định hình khá tốt tại Việt Nam.
BBC: Chính phủ Việt Nam đã làm những gì trong việc cứu trợ người dân tại các khu vực bị ảnh hưởng cũng như trên phương diện phòng chống thiên tai?
Ông B.Tomar: Tất nhiên là còn rất nhiều việc phải làm nhưng trên phương diện về ý định của chính phủ cũng như về việc đề ra chính sách cũng như khuyến khích các tổ chức như của chúng tôi đầu tư vào việc phòng chống thì chính phủ Việt Nam đi đầu so với nhiều chính phủ các nước khác trong vùng và trên thế giới.
Lấy một ví dụ là chính phủ Việt Nam có chương trình 10 năm bắt đầu từ năm nay xem xét thường xuyên ít nhất là 6000 xã dễ bị ảnh hưởng vì thiên tai để xem có thể cải thiện trên những mặt nào.
Chính phủ Việt Nam nói họ sẽ tăng cường hỗ trợ bằng cách cung cấp cho những xã này 50-55% nguồn lực và sẽ tìm cách phối hợp với các tổ chức khác như của chúng tôi để có thêm phần nguồn lực còn lại. Chỉ có điều, một thách thức đó là nhu cầu thì luôn lớn hơn là nguồn lực có được.