Nam Nguyên, RFA
2010-10-18 - Những thông tin kém lạc quan về nguồn cung cấp được các chuyên gia lúa gạo quốc tế đưa ra trong mấy ngày qua, gây lo ngại về một cơn sốt giá gạo mới trên thế giới. Việt Nam có tận dụng được cơ hội này hay không?
Giá gạo thế giới có thể tăng 30% trong thời gian tới. Mạng thông tin thương mại quốc tế Bloomberg đưa tin này hôm 12/10. Một trong những nguyên do được đưa ra là vì sản lượng gạo thu hoạch ở Mỹ có thể giảm ít nhất 10%, không đạt mức dự báo trước đó. Năm ngoái, Mỹ là nước xuất khẩu gạo đứng hàng thứ 4 trên thế giới, nên sự kiện sản lượng giảm chắc chắn ảnh hưởng nguồn cung cấp cho thị trường thế giới.
Trước đó đã có thông tin nước xuất khẩu gạo Pakistan mất mùa vì thiên tai, Trung Quốc tăng nhập khẩu gạo vì lũ lụt. Dự báo trong quí 4 này Bangladesh, Philippines và Indonesia sẽ là những nhân tố chi phối thị trường nhập khẩu gạo. Ngoài ra, hồi tháng 9, Tổ chức FAO Lương Nông Liên Hiệp Quốc ước lượng sản lượng gạo toàn cầu giảm, do mực nước sông Mekong xuống thấp ảnh hưởng năng suất lúa ở Thái Lan và Việt Nam.
Năm 2010 Việt Nam sẽ đạt kỷ lục về lượng gạo xuất khẩu dự kiến trong mức 6,8 tới 7,2 triệu tấn. Nhưng nhiều doanh nghiệp đang tiếc ngẩn ngơ vì đã dồn hết nỗ lực để bán gạo trong thời gian giá thấp hồi những tháng giữa năm. Người Việt Nam đã bán ra hơn 3,5 triệu tấn gạo với giá thấp hơn từ 125 tới 150 USD/tấn so với mức giá có thể bán hiện nay là 475 USD/tấn gạo 5%. Sau đó giá nhích dần lên và cho tới 30/9 thì tổng lượng gạo xuất khẩu đã gần 5,4 triệu tấn.
Xóa định mức xuất khẩu
Hiện nay Việt Nam chỉ còn lúa mùa và lúa thu đông đang thu hoạch, ước tính có thêm từ 1,5 triệu tới 2 triệu tấn gạo hàng hóa có thể dành cho xuất khẩu ở đồng bằng sông Cửu Long.
Ngoại trừ những người có nhiều ruộng đất, đại đa số nông dân canh tác diện tích nhỏ khoảng 1 hécta một hộ. Giá lúa thấp làm đời sống họ vô cùng khó khăn. Nông dân đồng bằng sông Cửu Long phát biểu:
“Làm một, hai hécta thì gói ghém lắm mới sống được. Sau các vụ lúa, khi nông nhàn phải đi làm công, ai mướn gì cũng làm để có thu nhập hàng ngày. Nếu có nhiều ruộng thì qua vụ lúa mình không phải đi làm mướn mà lo cày ải để làm vụ tiếp.”
Sau nhiều lần thị trường lúa gạo nội địa ứ đọng do tùy thuộc xuất khẩu năm nay chính phủ Việt Nam có những thay đổi quan trọng như không ấn định chỉ tiêu xuất khẩu gạo. TS. Lê Văn Bảnh, Viện Trưởng Viện lúa vùng đồng bằng sông Cửu Long phát biểu:
“Chính phủ thông báo cho doanh nghiệp xuất khẩu thoải mái không có định mức, thay vì bốn triệu hay sáu triệu tấn nếu có kế hoạch thu mua được thì có quyền xuất khẩu không hạn mức.”
Lần đầu tiên không áp đặt một chỉ tiêu cứng về lượng gạo xuất khẩu, chính phủ Việt Nam thấy rõ tác dụng về việc giải quyết ứ đọng, tuy nhiên thực chất của vấn đề vẫn là đầu ra xuất khẩu. Chiến lược sản xuất và xuất khẩu gạo của Việt Nam được mô tả là bị động, nông dân được khuyến khích tăng diện tích trồng lúa quá nhanh, trong khi doanh nghiệp không xây dựng hệ thống kho trữ tương ứng.
Khi nói đến sự kiện giá gạo xuất khẩu quá thấp trong khoảng thời gian từ tháng 4 đến tháng 8 vừa qua, người ta thường tiếc nuối cho lợi nhuận của doanh nghiệp mà quên mất người nông dân. Người trồng lúa vùng đồng bằng sông Cửu Long không ấn định giá lúa mà chính là doanh nghiệp xuất khẩu. Nông dân bức xúc về điều doanh nghiệp được chính phủ cho vay vốn lãi suất 0% để mua gạo tạm trữ, trong khi người trồng lúa phải vay vốn ngân hàng làm mùa với lãi suất 16 % một năm:
Chính phủ thông báo cho doanh nghiệp xuất khẩu thoải mái không có định mức, thay vì bốn triệu hay sáu triệu tấn nếu có kế hoạch thu mua được thì có quyền xuất khẩu không hạn mức.
TS. Lê Văn Bảnh
“Nhà nước cho doanh nghiệp vay không có lãi để thu mua lương thực cho dân, như vậy sao không cho dân vay không lãi đi, đồng vốn sẽ về tay nông dân. Doanh nghiệp thì đứng đầu nhập kho…một ngả hai ngả mới tới nông dân. Em làm ruộng rồi có người thu mua, tới khi xay ra lương thực còn có một đầu cò nữa mới tới ông doanh nghiệp, rồi tích lũy nữa mới tới xuất khẩu. Coi như em là hạng thứ tư rồi.”
Ngày 13/10 trong hội nghị do Bộ Nông nghiệp Phát triển Nông thôn tổ chức tại TP.HCM để triển khai kế hoạch sản xuất vụ Đông Xuân khu vực phía Nam. Ông Trương Thanh Phong, Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam VFA dự báo giá lúa gạo từ nay đến đầu năm 2011 sẽ đứng ở mức cao. Chủ tịch VFA trấn an nông dân yên tâm về đầu ra xuất khẩu đối với lúa thu đông lúa mùa, thậm chí lúa đông xuân sẽ có giá rất cao vào thời điểm tháng 1, tháng 2 sang năm.