Người dân bình thường thì không cần biết những cái “vĩ mô” đó, mà chỉ quan tâm hôm nay vàng có lên giá, đô có lên giá, thực phẩm, hàng công nghiệp tiêu dùng có lên giá… so với thu nhập thì tăng hay giảm, đời sống khó khăn hơn hay thoải mái hơn, và báo cáo có hay đến đâu chăng nữa thì vẫn không có sức nặng đối với người dân bằng cái câu “Giá tiêu dùng tăng 9,58%” (được báo in đậm đóng khung màu) đầy “uy lực khủng bố” túi tiền của người nghèo vốn đang èo uột lắm rồi. Lại thêm cái câu thòng “Tôi nghĩ rằng chúng tôi trình bày như thế là đã rõ” thì đọc xong có cảm giác mang đầy hàm ý, màu sắc đe dọa rằng: Tới đây là ngưng, không được thắc mắc nữa, có hỏi nữa cũng không ai trả lời.
Trả lời chất vấn của Đại biểu quốc hội (ĐB) ngày 24/11/2010, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nói: “Là người đứng đầu, tôi nhận trách nhiệm đó, tôi cũng nói rõ hơn, Thủ tướng, Phó thủ tướng, các Bộ trưởng, các thành viên Chính phủ có liên quan đến việc quản lý nhà nước và quản lý của chủ sở hữu đối với vấn đề này đang kiểm điểm để làm rõ trách nhiệm. Kết luận kiểm điểm như thế nào, trách nhiệm cụ thể như thế nào chúng tôi sẽ công khai. Tôi nghĩ rằng chúng tôi trình bày như thế là đã rõ”.
Tôi bỗng nhớ đến câu chuyện vợ chồng trẻ con thời phong kiến, bữa nọ cấu xé nhau rồi mạnh ai nấy chạy về “méc má”. Hai bên sui gia gặp nhau, chưa biết lỗi phải mô tê gì, nhưng đều cúi đầu chắp tay khách khí nói: Mũi dại lái chịu đòn, cháu nó có gì không phải là lỗi tại tôi, tôi xin nhận lỗi. Anh chị bỏ qua cho cháu” chớ thật ra ông bà sui gia chẳng biết mình lỗi gì nữa. “Đang kiểm điểm để làm rõ trách nhiệm” có nghĩa là cho đến thời điểm trả lời (24/11/2010) chính Thủ tướng cũng chưa rõ ai lỗi gì, lỗi đến mức độ nào, và Thủ tướng phải chịu trách nhiệm cụ thể là chuyện gì, làm “lái” thì phải ráng “chịu đòn” thôi?
Giải trình về việc để ông Phạm Thanh Bình (nguyên chủ tịch HĐQT kiêm tổng giám đốc Vinashin) cùng lúc đảm nhiệm hai chức vụ nêu trên là không phù hợp với quy định của pháp luật về doanh nghiệp nhà nước, “Thủ tướng cho hay khi hình thành Tập đoàn Vinashin trên cơ sở Tổng công ty Công nghiệp tàu thủy VN, Thủ tướng đã yêu cầu các cơ quan chức năng và tập đoàn phải tìm tổng giám đốc để thực hiện theo đúng quy định. Nhưng đến khi phải bổ nhiệm tổng giám đốc thì HĐQT và các cơ quan chức năng báo cáo là theo quy trình này kia chưa tìm được người làm tổng giám đốc và người đó dự định là thuê, nên xin với Thủ tướng tiếp tục bổ nhiệm ông Bình làm chủ tịch HĐQT kiêm tổng giám đốc đến khi có được tổng giám đốc mới”. Nghe Thủ tướng giải thích mà buồn quá chừng! Thứ nhất, ông Dũng thừa nhận ông ký quyết định cho ông Bình “cùng lúc đảm nhiệm hai chức vụ nêu trên là không phù hợp với quy định của pháp luật”, tức là quyết định đó trái pháp luật; Thứ 2, vì hoàn cảnh nên Thủ tướng phải “ép lòng” vi phạm pháp luật bởi hơn 80 triệu người Việt mà không đào đâu ra “nhân tài” đủ năng lực làm tổng giám đốc Vinashin. Than ôi! Việt Nam trở lại thời kỳ “Tuấn kiệt như sao buổi sớm/ Nhân tài như lá mùa thu” rồi sao? Việt Nam kiệt sức, kiệt quệ nhân tài đến thế sao?
Để chứng minh việc cần thiết phải cứu con tàu sắp chìm Vinashin, Phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng giải trình trước Quốc hội: “Nếu chúng ta quản trị tốt và làm ăn có hiệu quả thì trước mắt năm nay lỗ, năm sau lỗ ít, năm 2012 có thể giảm lỗ và không lỗ nữa, năm 2013 có thể có lãi. Như vậy Vinashin có khả năng trả nợ”. Nghe ông Nguyễn Sinh Hùng lập “kế hoạch làm ăn” cho Vinashin, tự dưng tôi nhớ tới một đoàn hát nọ ở miền Tây, năm 2010 được Ủy Ban tỉnh tài trợ kinh phí 2,2 tỉ đồng, giao chỉ tiêu hát 140 suất (120 suất hát phục vụ, 40 suất hát có doanh thu), thu nộp ngân sách 100 triệu đồng. Đầu tháng 8/2010, đoàn diễn 60 suất phục vụ, 20 suất doanh thu, bán vé thu được 134 triệu đồng nộp ngân sách tỉnh. Vậy là đoàn hát hí hửng báo cáo thành tích vượt chỉ tiêu 34% kế hoạch năm (Báo Sân Khấu TPHCM số 1007 ngày 9/8/2010). Cả năm doanh thu có 134 triệu (không đủ chia cho nhân viên đoàn ăn cơm hộp bụi mỗi ngày) nhưng đoàn hát vẫn được coi là có thành tích, còn cái viễn cảnh “năm 2013 có thể có lãi” của ông Hùng không biết có giống như cái “lãi” của đoàn hát kia không? 100 triệu cũng là lãi, 100 tỷ cũng là lãi, ai dám cãi là không phải lãi? Có điều cái lãi đó có đủ chi phí sản xuất và có đủ trả lãi ngân hàng hay không là chuyện khác.
Các đại biểu nói rằng lãi ngân hàng Vinashin phải trả mỗi năm lên tới 15.000 tỉ đồng. Như vậy, đến năm 2013 nợ lãi ngân hàng lừng lững trước mắt to sù sụ phải trả thấy rõ ràng là 45.000 tỉ đồng, còn lãi năm 2013 của Vinashin thì như bóng mây “thoắt ẩn thoắt hiện” không ai biết cụ thể là bao nhiêu.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nói: “Kết luận kiểm điểm như thế nào, trách nhiệm cụ thể như thế nào chúng tôi sẽ công khai. Tôi nghĩ rằng chúng tôi trình bày như thế là đã rõ”. Câu này nghe qua sao có ý giống giống câu: “Tôi không đưa ra bất cứ lời bình luận nào về một vấn đề cụ thể và chúng tôi đang giải quyết vấn đề này trên cơ sở luật pháp và bằng chứng” của Bộ trưởng Tư pháp Nhật Minoru Yanagida?
Báo cáo giải trình của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trước Quốc Hội được đăng toàn văn trên Thanh Niên ngày 25/11/2010, ở phần “kính thưa” mở đầu có câu “Thưa đồng bào đồng chí”. Dù “đồng bào” được Thủ tướng Việt Nam xếp vào hàng hạng bét trong quy trình “kính thưa”, nhưng Thủ tướng đã hạ cố “thưa” thì “đồng bào” tui cũng nên có chút đỉnh ý kiến kẻo phụ “lòng tốt” của Thủ tướng (nếu không thì té ra mình thờ ơ với tình hình quốc gia dân tộc quá). Tôi không biết quý vị ĐBQH nghe câu trên của Thủ tướng thì nghĩ như thế nào, riêng tôi, thì sau khi đọc báo cáo xong vẫn thấy tối thui chớ không thấy “rõ” chút nào. Phần lớn báo cáo là “hô” nhiều hơn làm được. Ví dụ như: “Tập trung tháo gỡ các khó khăn vướng mắc, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho phát triển sản xuất kinh doanh, ưu tiên nguồn lực cho các địa phương vùng bị lũ lụt sớm khôi phục sản xuất, bảo đảm lưu thông và cung cấp hàng hóa kịp thời cho nhân dân, không để xảy ra tình trạng khan hàng, sốt giá” hay “Giữ ổn định giá một số hàng hóa, dịch vụ đầu vào cơ bản của nền kinh tế như điện, than bán cho các hộ sản xuất điện, ximăng, giấy, phân bón; sử dụng linh hoạt công cụ thuế, phí, quỹ bình ổn giá để ổn định giá xăng dầu ở mức phù hợp” và “Điều hành các công cụ tài chính, tiền tệ linh hoạt theo cơ chế thị trường, bảo đảm nhu cầu vốn cho sản xuất kinh doanh, bảo đảm tính thanh khoản cho hệ thống ngân hàng và cho cả nền kinh tế, cân đối tiền – hàng trong lưu thông. Kiểm soát chặt chẽ hiệu quả chi ngân sách nhà nước…”. Nếu tôi nhớ không lầm thì những ý này trong kế hoạch, chương trình, nghị quyết… năm nào cũng có, bắt buộc phải theo hướng như vậy rồi, chớ chẳng lẽ làm ngược lại sao được, đâu có gì mới mà cũng không phải là kết quả làm được, thì sao có thể gọi là trả lời?
Người dân bình thường thì không cần biết những cái “vĩ mô” đó, mà chỉ quan tâm hôm nay vàng có lên giá, đô có lên giá, thực phẩm, hàng công nghiệp tiêu dùng có lên giá… so với thu nhập thì tăng hay giảm, đời sống khó khăn hơn hay thoải mái hơn, và báo cáo có hay đến đâu chăng nữa thì vẫn không có sức nặng đối với người dân bằng cái câu “Giá tiêu dùng tăng 9,58%” (được báo in đậm đóng khung màu) đầy “uy lực khủng bố” túi tiền của người nghèo vốn đang èo uột lắm rồi. Lại thêm cái câu thòng “Tôi nghĩ rằng chúng tôi trình bày như thế là đã rõ” thì đọc xong có cảm giác mang đầy hàm ý, màu sắc đe dọa rằng: Tới đây là ngưng, không được thắc mắc nữa, có hỏi nữa cũng không ai trả lời.
Bộ trưởng Tư pháp Nhật Minoru Yanagida đã phải tuyên bố từ chức vì đã trót “nhỡ mồm” để giữ uy tín cho cái đảng của ông còn có thể tiếp tục giữ ghế ở nghị trường, nếu không muốn cử tri Nhật nổi giận. Ở Nga, sau khi thất bại thảm hại tại Olympic Vancouver, Tổng thống Dmitry Medvedev đã yêu cầu các quan chức Ủy ban Olympic Nga nên từ chức. Thậm chí ông còn tuyên bố: “Nếu họ không thể tự làm được việc đó thì chúng tôi sẽ giúp họ”! Đó là sự tự trọng của các chính trị gia và sự cần thiết phải làm, vì lợi ích quốc gia của họ.
ĐB Vũ Hoàng Hà bức xúc chất vấn: “Các bộ trưởng có liên quan trả lời trước Quốc hội không ai nhận thiếu sót, khuyết điểm?”.
Ở Việt Nam, ngoài ông Lê Huy Ngọ (nguyên Bộ trưởng Bộ NN&PTNT), người dân Việt Nam cũng muốn được nhìn thấy các chính trị gia Việt Nam có lòng tự trọng và biết vì lợi ích quốc gia hơn là cố giữ đặc quyền đặc lợi cho mình.
Tạ Phong Tần